“Đi đêm” trong đấu thầu

meocon85

Thành viên năng động
Tham gia
28/7/08
Bài viết
73
Điểm thành tích
18
“Đi đêm lắm, tất có ngày gặp ma!” (Lời dân gian)

Tam cúc là một trò chơi đầy tính may rủi: khi chia bài, nếu ai đó bắt được “cái” (có quyền “gọi” trước), được nhiều “bộ đôi”, “bộ ba”, lại có cả “tứ tử” (bốn quân tốt cùng mầu), hoặc “ngũ tử” (có quyền“cướp cái”); thì cái thắng nằm chắc trong tay!

Vì thế, chỉ riêng trò chơi này đã có một quy định như sau: hễ ai cảm thấy bài của mình bị chia lẻ nhiều quá, nguy cơ thua là không thể tránh khỏi, có thể mời đối thủ của mình “đi đêm”. Thuật ngữ này có nội dung như sau: hai đối thủ, lựa những quân bài xé lẻ, úp xuống chiếu, rồi rủ người chơi đổi quân. Bên nào cũng hy vọng nhận được ở bên kia một quân bài thích hợp, để tạo thành những cặp đôi. Cuộc trao đổi quân này có thể chỉ diễn ra giữa hai người, nhưng cũng có khi ba bốn người tham gia, bởi ngay những người đã có nhiều bộ quân, vẫn muốn có thêm những bộ mới. Lòng người ta vốn tham cả mà!

Trong quan hệ xã hội ngày nay, cũng thường có những chuyện “đi đêm” như thế. Khác chăng là họ không “đổi quân”, mà đổi “giá trị”, theo kiểu “ông mất chân giò, bà thò chai rượu”.

Lấy một thí dụ trong việc tổ chức “đấu thầu”: Về hình thức thường rất hợp pháp, có thông báo mở thầu công khai, có bán hồ sơ đấu thầu, có tổ chức đấu thầu hợp lệ, rồi có xét thầu và công bố đơn vị trúng thầu một cách rất đàng hoàng. Nghĩa là mọi công đoạn thầu đều diễn ra một cách công khai, đúng nguyên tắc đấu thầu tới từng chi tiết, không ai có thể chê trách vào đâu được. Ấy vậy mà, bên trong, người ta đã “đi đêm” với nhau, xong xuôi tự trước cả ngày diễn ra phiên đấu thầu tới cả tháng trời! Đơn giản lắm, việc công khai đấu thầu thì cứ công khai, bất cứ đơn vị nào muốn tham gia đều “bình đẳng” trong việc đăng ký dự thầu. Không một đơn vị nào bị cản trở trong bước đầu tiên này. Nhưng, ngay từ trước đó, các bên đã phải gặp nhau thương lượng (thực chất là mặc cả!).

Đầu tiên là bên A với các bên B. Mỗi lần như thế là một lần phong bao được phát hành (đương nhiên là B phát hành cho A rồi - chứ chả nhẽ lại ngược lại ư? Có mà loạn!). Đến khi bên A và thủ trưởng cấp trên của A đã ngỏ ý thiên về bên B nào đó rồi (điều này không làm công khai), thì thế nào cũng sẽ có một vị phát ngôn viên của bên A gặp gỡ từng bên B … rỉ tai: “cái này thủ trưởng đã dành cho công ty “X” rồi đấy nhé, các “cậu” liệu mà thu xếp với nhau. Không thu xếp ổn thỏa thì “xôi hỏng bỏng không” cả lũ đấy, nghe chưa”).

Tiếp đến là những cuộc thương lượng giữa nội bộ các bên B. B nào đã được thủ trưởng cấp trên chọn trúng thầu, thì phải có trách nhiệm tìm gặp từng bên B bị loại (ngầm), hỏi xem “quý vị đã chi cả thảy hết bao nhiêu trong quá trình “vận động dự thầu”, chúng em xin thanh toán trả lại các vị hết. Ngoài ra còn có chút “quà nhỏ” của chúng em gửi tặng lãnh đạo quý vị, để làm kỉ niệm. Chỉ mong khi các vị đặt giá thầu, các vị “nhích” lên cho em một chút. Cái “chút” này chính là khoản giúp chúng em trang trải mọi khoản chi của quý vị đấy. Nhưng cái chính là để đảm bảo chúng em “thắng thầu hợp pháp”, với giá thầu thấp nhất!”…

Ngày công bố kết quả thắng thầu diễn ra cũng long trọng, rôm rả, hồi hộp y như thật! Đại diện các bên A, B đều trở thành những diễn viên rất chuyên nghiệp trước đông đủ các cơ quan chức năng cũng như các cơ quan báo chí!

Vâng! Thật chu đáo, thật kín kẽ, thật đúng luật. Kết quả là A, B đều thu được những khoản lợi lớn nhờ tổ chức đấu thầu. Bên B trúng thầu mừng là lẽ đương nhiên, nhưng bên không trúng thầu, vẫn cười vui như tết, bởi tuy không trúng thầu sẽ dẫn đến không đủ công ăn việc làm cho công nhân, nhưng điều đó chả có nghĩa lý gì hết khi lãnh đạo vẫn “no nê” (do có khoản “kỉ niệm” mà bên B thắng thầu hứa sẽ trao tặng khi kết quả đấu thầu được công bố chính thức). Chỉ duy nhất một bên thua thiệt - Đó là công sản Quốc gia; là mồ hôi, thậm chí cả máu nữa của những người lao động!

Theo Dantri.com​
Buồn quá nhỉ? Biết bao giờ mới có công bằng đây? :(:cool::confused:
 

Top