Quản lý kiến trúc đô thị những khía cạnh cần quan tâm

TuvanXD246

Cựu Thành viên BQL Diễn đàn
Tham gia
4/3/08
Bài viết
751
Điểm thành tích
43
Website
giaxaydung.vn
Hiện nay, quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh tại Việt Nam, nhiều đô thị đã được nâng cấp cải tạo, phát triển rộng, dài, cao, to hơn, chất lượng cuộc sống trong các đô thị cũng có nhiều cải thiện hơn... Tuy nhiên, bên cạnh đó đô thị hóa cũng để lại nhiều vấn đề bức xúc cho xã hội
“...Tất cả những biểu hiện ấy, để công bằng, chúng ta không thể đơn thuần đổ lỗi mãi cho người dân thiếu hiểu biết, thiếu thẩm mĩ. Đó chẳng qua là sự yếu kém của công tác quản lí đủ tầm, thiếu sự hướng dẫn, điều tiết mang tính pháp qui mà chính quyền mỗi đô thị cần phải có...”
Hiện nay, quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh tại Việt Nam, nhiều đô thị đã được nâng cấp cải tạo, phát triển rộng, dài, cao, to hơn, chất lượng cuộc sống trong các đô thị cũng có nhiều cải thiện hơn... Tuy nhiên, bên cạnh đó đô thị hóa cũng để lại nhiều vấn đề bức xúc cho xã hội như: lao động, việc làm, thu nhập, chất lượng không gian đô thị, kiến trúc công trình, cảnh quan môi trường… Nhất là bộ mặt kiến trúc đô thị đang để lại nhiều khoảng trống đáng buồn và dường như còn có xu hướng gia tăng. Sự “nhếch nhác, lộn xộn” trong các đô thị đã và đang chứng tỏ công tác quản lí, kiểm soát phát triển kiến trúc đô thị chưa có hiệu quả như mong muốn… Bởi vậy, đây cũng là một trong những vấn đề hết sức cần thiết, cấp bách và cần được quan tâm trong giai đoạn phát triển hiện nay.
Trong khuôn khổ bài viết này, xin được đề cập đến một số vấn đề liên quan đến công tác quản lí kiến trúc đô thị mà ở đó mỗi người có lòng tự trọng với “gương mặt” đô thị, với ngôi nhà, góc phố nơi mình sống không thể thờ ơ, không thể không tự ái một khi sự lộn xộn, sự nhếch nhác… dường như là những hiện tượng phổ biến đang diễn ra hàng ngày trong từng đô thị. Vậy, quản lí kiến trúc đô thị được hiểu và nhìn nhận như thế nào? Dưới đây là một vài khía cạnh cần quan tâm trao đổi.
Một là, để quản lí kiến trúc đô thị tốt, trước hết cần nhìn kiến trúc đô thị dưới dạng tổng thể.
Canh%20quan%20Ho%20Truc%20Bach.jpg
Cảnh quan bờ NAM Hồ TRÚC BẠCH _Một ví dụ về kiến trúc thiếu tổng thể

Hiện nay, sự bức xúc của đô thị hóa nhằm giải quyết nhanh những vấn đề có liên quan đến xã hội đô thị buộc chúng ta phải quan tâm đến việc phát triển gấp quĩ nhà ở, công trình dịch vụ xã hội, kĩ thuật hạ tầng... đáp ứng kịp thời những nhu cầu cần thiết trước mắt cho người dân... Có lẽ cũng bởi vậy mà chúng ta chưa có thời gian để làm đẹp đô thị, để thiết kế đô thị cho đẹp hơn. Chính vì thế, phần lớn các đô thị khi xây dựng chúng ta đều nhận thấy còn thiếu trật tự, ngăn nắp, thiếu sự hoàn thiện, nhất là thiếu sự đồng bộ… Cái đẹp của đô thị không chỉ biểu hiện ở một công trình kiến trúc đơn lẻ, nói chính xác hơn, một công trình kiến trúc không thể làm nên một đô thị / một tổng thể đô thị. Bởi, một công trình kiến trúc có thể được coi là đẹp nhưng xây dựng không đúng chỗ, hoặc chúng được xây dựng đồng loạt (một cách nhân bản vô tính) dọc theo một tuyến phố cũng không thể tạo nên bộ mặt kiến trúc đô thị đẹp (chí ít là bộ mặt kiến trúc của một tuyến phố). Đây cũng là bài học khi phát triển đô thị, các khu chức năng đô thị (như du lịch, nghỉ dưỡng…) theo mô hình dự án thiếu sự kiểm soát của qui hoạch tổng thể. Nhìn vào từng dự án có thể là đẹp, nhưng khi gộp tất cả các dự án lại với nhau lại tạo nên sự manh mún, thiếu một tiếng nói chung, diện mạo kiến trúc đô thị lại có “vấn đề”… Do đó, kiến trúc đô thị hay cụ thể hơn là quản lí kiến trúc đô thị, trước hết phải được nhìn dưới góc độ tổng thể bởi, bản chất của quản lí kiến trúc đô thị chính là việc quản lí chất lượng không gian đô thị...
Như vậy, về mặt lí luận hay thực tiễn, quản lí kiến trúc đô thị không thể không xem xét kiến trúc đô thị dưới dạng tổng thể... Có như vậy kiến trúc đô thị mới là một chỉnh thể, không bị khu biệt bởi những công trình kiến trúc đơn lẻ và chất lượng không gian đô thị mới đạt được theo mong muốn của các nhà thiết kế qui hoạch và quản lí kiến trúc đô thị.
Hai là, quản lí kiến trúc đô thị cần gắn với thiết kế đô thị tổng thể (TKĐT trong đồ án QHCXD đô thị) và thiết kế đô thị khu vực (TKĐT trong đồ án QHCT xây dựng đô thị)
Trong qui trình trước đây, đối với qui hoạch chung (QHC) xây dựng đô thị, ngoài việc nghiên cứu định hướng phát triển không gian, qui hoạch sử dụng đất… còn nghiên cứu qui hoạch kiến trúc cảnh quan đô thị. Tuy nhiên, ở khía cạnh kiến trúc cảnh quan đô thị, phần lớn ở các đồ án qui hoạch vẫn chưa được nghiên cứu sâu và vì thế khó trở thành công cụ hỗ trợ cho công tác quản lí kiến trúc đô thị sau này.
Thực tế, những năm gần đây đã xuất hiện sự tranh luận về một loại công việc trong Qui trình lập qui hoạch xây dựng đô thị (Urban Planning) có liên quan đến chất lượng không gian đô thị nói chung, đến quản lí kiến trúc đô thị nói riêng. Đó là bộ môn “Thiết kế đô thị” (Urban Design), một lĩnh vực tạm gọi là mới so với qui trình qui hoạch xây dựng đô thị hiện nay của chúng ta.
Về mặt lí luận, đối tượng nghiên cứu của thiết kế đô thị (TKĐT) là hình thức, tiện ích, thẩm mĩ trong môi trường đô thị - môi trường gắn kết các kiến trúc vật thiên tạo và nhân tạo trong một trật tự chất lượng thẩm mĩ không gian nhất định. Đó cũng chính là sự sáng tạo trật tự không gian hoặc sự mở rộng của thiết kế kiến trúc trong một không gian 3 chiều và một “không gian ảo” có ý thức trong cảm nhận của con người gắn với cuộc sống tâm linh. “Không gian ảo” ấy chính là sự hoàn thiện của kiến trúc đô thị trong tương lai được tạo dựng bởi “chiều thứ tư”: thời gian (của không gian bốn chiều)…để tạo nên hình ảnh, tạo nên dấu ấn cho mỗi công trình nói riêng, cho tổng thể đô thị nói chung.
Có ý kiến cho rằng (Eleanor Smith Morris) các nhà qui hoạch (Town Planner) quan tâm đến sử dụng đất... Những lô đất được phân chia dường như không chú trọng lắm đến những đặc tính của không gian 3 chiều hay hình dáng kiến trúc công trình được xây dựng trên lô đất ấy. Các kiến trúc sư (Architect) gắng sức tạo nên sự liên hệ không gian giữa công trình với môi trường xung quanh... Nhưng họ cũng lại không quan tâm lắm (hoặc không có trách nhiệm) quan tâm đến những vấn đề diễn ra bên ngoài công trình. Bởi vậy không gian đô thị thường bị thiếu đi sự hoàn thiện... Để kết nối giải quyết vấn đề này cần thiết phải có các nhà thiết kế đô thị (Urban Designer). Họ có trách nhiệm tạo nên những không gian 3 chiều nhằm diễn đạt những vấn đề trong nghệ thuật tổ chức cấu trúc không gian, tạo nên sự liên hệ giữa công trình đơn lẻ với cấu trúc không gian đô thị.
Hiện nay, theo một số nghiên cứu về đô thị thì trên thế giới TKĐT đang tồn tại 4 khuynh hướng chính:
(1) Đô thị mang tư tưởng triết học (Ideology): hình thành cấu trúc không gian thông qua những hình tượng mang tư tưởng nhân văn;
(2) Đô thị mang tính thẩm mĩ cao (City is beautiful): tạo không gian đô thị mang tính thẩm mĩ cao, cấu trúc thành phố, kiểu dáng các công trình, trục bố cục không gian tạo nên những điểm nhấn, hấp dẫn...;
(3) Đô thị vườn (Garden City) theo ý tưởng của Ebenezer Howard: cấu trúc không gian đô thị tạo nên sự cân bằng giữa không gian xanh và không gian xây dựng, hướng tới sự ổn định và phát triển bền vững;
(4) Đô thị cách tân (Neo - Tradition): tổ chức không gian đô thị lấy cảm hứng từ sự cách tân nghệ thuật xây dựng đô thị truyền thống, sự kết hợp giữa kĩ thuật xây dựng hiện đại với giá trị nghệ thuật không gian truyền thống...
Như vậy, TKĐT cho những công cụ để chúng ta có thể cải thiện một cách có ý thức chất lượng đô thị và khu vực đô thị của chúng ta... Theo đề tài NCKH mã số RD 14 (Nghiên cứu TKĐT trong QHXD đô thị) thì TKĐT được phân làm hai loại: (1) TKĐT tổng thể và (2) TKĐT khu vực.
TKĐT tổng thể nhằm thiết kế tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan cho tổng thể đô thị hoặc khu vực của đô thị nhằm thể hiện chi tiết về các yếu tố tạo nên hình ảnh chính của đô thị trên cơ sở những định hướng chủ đạo về không gian đã xác định trong đồ án QHCXD đô thị.
TKĐT khu vực nhằm cụ thể hóa thiết kế đô thị tổng thể, thiết kế không gian kiến trúc cảnh quan chi tiết cho một khu vực, một khu chức năng của đô thị như trung tâm công cộng, quảng trường, trục phố, khu nhà ở hay công viên...
Đó là về mặt lí luận. Tuy nhiên, trong tư duy quản lí ngành, thời gian qua chúng ta đã nhận rõ: Bản chất của quản lí kiến trúc đô thị chính là việc quản lí chất lượng không gian đô thị. Chính vì thế trong qui hoạch xây dựng, TKĐT đã được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo. Tại điều 27, khoản a, mục 1, Luật Xây dựng 2003, điều 30, mục 1, Nghị định của Chính phủ về Qui hoạch xây dựng (số 08/2005/NĐ-CP, ngày 24/01/2005) đã qui định về TKĐT trong qui hoạch chung xây dựng đô thị. Đây chính là nội hàm của TKĐT tổng thể, hay công cụ để quản lí kiến trúc đô thị ở dạng tổng thể. Theo đó:
- Điều 27, khoản a, mục 1 (Luật Xây dựng 2003) qui định: “Trong qui hoạch chung xây dựng đô thị, TKĐT phải qui định và thể hiện được không gian kiến trúc công trình, cảnh quan của từng khu phố, của toàn bộ đô thị, xác định được giới hạn chiều cao công trình của từng khu vực và của toàn bộ đô thị…”
- Điều 30, mục 1, Nghị định của Chính phủ về Qui hoạch xây dựng qui định về Nội dung TKĐT trong qui hoạch chung xây dựng đô thị:
a) Nghiên cứu các vùng kiến trúc, cảnh quan trong đô thị; đề xuất tổ chức không gian cho các khu trung tâm, cửa ngõ đô thị, các tuyến phố chính, các trục không gian chính, quảng trường lớn, không gian cây xanh, mặt nước và các điểm nhấn trong đô thị;
b) Nghiên cứu xác định tầng cao tối đa, tầng cao tối thiểu của công trình xây dựng thuộc các khu chức năng và toàn đô thị.
- Điều 31, mục 1, Nghị định của Chính phủ về Qui hoạch xây dựng qui định về Nội dung TKĐT trong qui hoạch chi tiết xây dựng đô thị:
a) Nghiên cứu, xác định các công trình điểm nhấn trong không gian khu vực qui hoạch theo các hướng, tầm nhìn khác nhau; tầng cao xây dựng công trình cho từng lô đất và cho toàn khu vực; khoảng lùi của công trình trên từng đường phố và các ngõ phố;
b) Nghiên cứu hình khối, màu sắc, ánh sáng, hình thức kiến trúc chủ đạo của công trình kiến trúc; hệ thống cây xanh, mặt nước, quảng trường; chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng, xác định cốt đường, cốt vỉa hè, cốt nền công trình, chiều cao khống chế công trình trên từng tuyến phố…
Như vậy, TKĐT tổng thể và TKĐT khu vực là một trong những công cụ để quản lí kiến trúc đô thị hữu hiệu (vì đây là cơ sở để xây dựng Qui chế quản lí đô thị)... Bởi vậy, quản lí kiến trúc đô thị cần gắn với TKĐT tổng thể và TKĐT khu vực, đồng thời cũng là việc thực hiện Luật Xây dựng 2003 và Nghị định số 08/2005/ NĐ - CP của Chính phủ về Qui hoạch xây dựng một cách nghiêm túc có hiệu quả.
Ba là, quản lí kiến trúc đô thị cần quản lí từ công trình kiến trúc đơn lẻ đến tổng thể kiến trúc đô thị

Đô thị / kiến trúc đô thị được hình thành từ các công trình kiến trúc hoặc quần thể công trình kiến trúc… Chúng được kết nối với nhau bởi các tuyến đường, các hành lang lưu thông, các quảng trường, các vườn hoa, công viên… tạo thành các dãy phố, nhóm nhà ở, khu vực đô thị… Lẽ đương nhiên một công trình kiến trúc đơn lẻ không tạo nên tổng thể đô thị, nhưng đôi khi nó lại làm ảnh hưởng (tích cực hoặc tiêu cực) đến diện mạo chung của bộ mặt kiến trúc đô thị (ví dụ: Nhà hát lớn TP.Hà Nội -> ảnh hưởng tích cực; Khách sạn Hà Nội vàng -> ảnh hưởng tiêu cực…hoặc như toà nhà 54 tầng Saigon Park Tower dự kiến xây dựng ở công viên 23 tháng 9, TP. Hồ Chí Minh đang được dư luận cả nước quan tâm trong sự phát triển không gian kiến trúc của TP).

Việc quản lí kiến trúc đô thị nhất thiết phải quan tâm cả đến từng công trình cụ thể và là công việc hàng ngày của mọi người dân và chính quyền đô thị.

Bốn là, quản lí kiến trúc đô thị cần quản lí theo “Qui chế đô thị”
Trong quản lí kiến trúc đô thị chúng ta có thể khai thác mô hình “Qui chế Sa Pa”, “Qui chế quản lí kiến trúc xây dựng khu vực xung quanh Trung tâm Hội nghị Quốc gia”… các qui định trong TKĐT tổng thể và TKĐT khu vực để xây dựng “Qui chế quản lí kiến trúc đô thị” (gọi tắt là Qui chế đô thị). Theo đó, Qui chế đô thị cần bao quát được các nội dung cơ bản sau:
(1) Các qui định về quản lí qui hoạch xây dựng đô thị (QHCXD đô thị và QHCTXD đô thị…) nên thực hiện, áp dụng các điều khoản trong Luật Xây dựng 2003 và Nghị định số 08/2005/NĐ-CP của Chính phủ về Qui hoạch xây dựng:
- Điều 18, Nghị định số 08/ 2005/NĐ-CP của Chính phủ qui định về quản lí QHCXD đô thị:
+ Qui định về bảo tồn, tôn tạo các công trình kiến trúc, khu danh lam thắng cảnh, khu di sản văn hóa, khu di tích lịch sử - văn hóa trong đô thị;
+ Qui định về phạm vi bảo vệ hành lang an toàn các công trình hạ tầng kĩ thuật của đô thị và các biện pháp bảo vệ môi trường;
+ Qui định chỉ giới đường đỏ của các tuyến phố chính, cốt xây dựng khống chế của đô thị, các khu vực cấm xây dựng;
+ Qui định các chỉ tiêu về diện tích, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất và tầng cao tối đa, tối thiểu của công trình trong các khu chức năng đô thị.

- Điều 27, Nghị định số 08/ 2005/NĐ-CP của Chính phủ qui định về quản lí QHCTXD đô thị:
+ Qui định ranh giới, phạm vi lập qui hoạch chi tiết xây dựng;
+ Qui định về vị trí, ranh giới, tính chất, qui mô các khu chức năng trong khu vực thiết kế; các chỉ tiêu về mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, tầng cao, cốt xây dựng đối với từng lô đất; chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng và các yêu cầu cụ thể về kĩ thuật đối với từng tuyến đường; phạm vi và hành lang bảo vệ các công trình hạ tầng kĩ thuật;
+ Qui định về vị trí, qui mô và phạm vi, hành lang bảo vệ đối với các công trình xây dựng ngầm, trên mặt đất và trên cao;
+ Qui định về bảo vệ, tôn tạo, cải tạo, chỉnh trang các công trình kiến trúc, di tích lịch sử - văn hóa, địa điểm cảnh quan và bảo vệ môi trường sinh thái;

(2) Các Qui định về quản lí kiến trúc, cảnh quan đô thị bao gồm qui định chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng, cốt xây dựng nền đường, cốt xây dựng vỉa hè cho tất cả các tuyến phố; qui định chiều cao công trình và chiều cao tầng một của công trình; qui định hình khối kiến trúc, mặt đứng, mái, mái hiên, ô văng, ban công của các công trình; qui định màu sắc, ánh sáng, vật liệu xây dựng công trình; các qui định về công trình tiện ích đô thị, tượng đài, tranh hoành tráng, biển quảng cáo, các bảng chỉ dẫn, bảng kí hiệu, cây xanh, sân vườn, hàng rào, lối đi cho người tàng tật, vỉa hè và qui định kiến trúc bao che các công trình hạ tầng kĩ thuật đô thị. (Nội dung các qui định về thiết kế đô thị theo điều 31, khoản c, Nghị định số 08/2005/NĐ-CP)
(3) Phân cấp và qui định trách nhiệm quản lí qui hoạch xây dựng và quản lí xây dựng theo qui hoạch chi tiết…
 

TuvanXD246

Cựu Thành viên BQL Diễn đàn
Tham gia
4/3/08
Bài viết
751
Điểm thành tích
43
Website
giaxaydung.vn
Năm là, quản lí kiến trúc đô thị không thể tách rời trách nhiệm của chính quyền đô thị
Chính quyền đô thị, chủ thể chịu trách nhiệm chính quản lí mọi mặt hoạt động phát triển (KT-XH), kiểm soát phát triển của đô thị trong đó có công tác qui hoạch xây dựng đô thị. Tổ chức, chỉ đạo lập qui hoạch, quản lí xây dựng theo qui hoạch, quản lí kiến trúc đô thị…là công việc, trách nhiệm của chính quyền đô thị. Việc xây dựng “Qui chế quản lí kiến trúc đô thị” cũng do chính quyền đô thị tổ chức, chỉ đạo thực hiện.
Sẽ là một thất bại, nếu như mỗi đô thị Việt Nam không tồn tại cái đẹp riêng của mình, nhất là không được phát triển theo hướng bền vững. Từ Bắc vào Nam, từ miền xuôi lên miền ngược, từ Hà Nội đi Hải Phòng, lên Cao Bằng, Sapa... Từ TP. Hồ Chí Minh tới Nha Trang, lên Đà Lạt... đâu đó, đô thị (đôi khi chỉ có một lớp nhà) cứ kéo dài, lan toả, bám dọc các tuyến đường tưởng chừng “phố phường” như không có hồi kết (Mà đây có thể lại là sự nhầm lẫn của quan điểm cho rằng sự phát triển xây dựng dọc theo các tuyến đường chính là phát triển hành lang đô thị - ý kiến ông Kenji TANAKA, chuyên gia Nhật Bản); đâu đó, những ngôi nhà mái chóp “củ hành, củ tỏi” của phương Tây, những “cửa kính, khung nhôm” xa lạ với môi trường, khí hậu Việt Nam tràn lan như một “bệnh dịch” có mặt ở hầu khắp các đô thị Việt Nam..; đâu đó, các lớp nhà xộc xệch, cứ “túm năm, tụm ba” vây kín, phong toả các khu công nghiệp, các trường học, bệnh viện, các đầu cầu, nút giao thông góp phần tạo ra sự lộn xộn, thiếu thẩm mĩ, mất an toàn, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng... Tất cả những biểu hiện ấy, để công bằng, chúng ta không thể đơn thuần đổ lỗi mãi cho người dân thiếu hiểu biết, thiếu thẩm mĩ. Đó chẳng qua là sự yếu kém của công tác quản lí đủ tầm, thiếu sự hướng dẫn, điều tiết mang tính pháp qui mà chính quyền mỗi đô thị cần phải có.

Sáu là, quản lí kiến trúc đô thị cần quan tâm đến yếu tố đa ngành.
Trong hoạt động xây dựng đô thị, nhất là trong việc góp phần tạo dựng bộ mặt kiến trúc đô thị không phải chỉ có một người, một ngành, một công trình kiến trúc…tham gia. Mà ngược lại, ở đó là công sức của nhiều người, nhiều ngành, nhiều loại công trình (kiến trúc, kĩ thuật) tạo dựng mà thành. Một tuyến phố cứ đào lấp, rồi lại đào lấp để đặt cống, đi dây ngầm; một tuyến đường cứ “hồn nhiên” được nâng cao phần mặt đường so với cốt đã khống chế sau mỗi lần cải tạo, nâng cấp làm cho nhà dân hai bên đường “vô tình” trở lên bị ngập lụt; hệ thống dây điện, thông tin liên lạc cứ chằng chịt như “mê hồn trận” lơ lửng trên đầu dọc các tuyến phố không những là sự phản cảm mà còn là nguy cơ tiềm ẩn đối với vấn đề an toàn của đô thị… Tất cả đó là những biểu hiện của sự phối hợp thiếu tính đa ngành trong qui hoạch và quản lí xây dựng đô thị. Bởi vậy, yếu tố đa ngành trong công tác quản lí kiến trúc đô thị rất cần được quan tâm và không thể bị coi nhẹ. Sự đồng bộ, ngăn nắp của một tuyến phố không những tạo nên vẻ đẹp đô thị mà còn minh chứng cho sự thành công của công tác quản lí trong sự phối hợp đa ngành.

Bảy là, quản lí kiến trúc đô thị rất cần có sự tham gia của cộng đồng.
Tất nhiên, công tác quản lí kiến trúc đô thị ngoài trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân về quản lí kiến trúc đô thị như: Trách nhiệm của nhà đầu tư; của nhà thầu xây dựng; của nhà tư vấn kiến trúc, tư vấn qui hoạch xây dựng; của chủ sở hữu; của các Hội nghề nghiệp; sự giám sát cộng đồng…thì cần phải tăng cường thêm trách nhiệm giám sát của các đoàn thể, tổ chức quần chúng như Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh… Vai trò của cộng đồng trong công tác tham gia quản lí kiến trúc đô thị cũng đồng nghĩa với việc nhận thức, trình độ, lối sống đô thị, trách nhiệm cộng đồng của người dân được nâng cao.

Trên đây là một số khía cạnh cần trao đổi trong bài viết này, chỉ mang tính gợi mở nhằm góp phần vào việc thiết lập một công cụ quản lí kiến trúc đô thị với một niềm tin đô thị Việt Nam nói chung, kiến trúc đô thị Việt Nam nói riêng ngày một trật tự, ngăn nắp, chất lượng và đẹp hơn.

Tài liệu tham khảo:
- Luật Xây dựng năm 2003;
- Nghị định số 08/2005/NĐ - CP của Chính phủ về Qui hoạch xây dựng;
- Dự thảo Nghị định của Chính phủ về Quản lí kiến trúc đô thị;
- Ths.KTS. Ngô Trung Hải - Đề tài NCKH mã số RD 14, Nghiên cứu TKĐT trong QHXD đô thị.
- TS.KTS. Trương Văn Quảng - Thiết kế đô thị - Một số vấn đề cần trao đổi.

TS.KTS. Trương Văn Quảng
nguồn: kientrucvietnam.org.vn
 

Top