Quy hoạch phát triển giao thông Thủ đô Hà Nội đến năm 2020

  • Khởi xướng Hugolina
  • Ngày gửi
H

Hugolina

Guest
Quy hoạch phát triển giao thông Thủ đô Hà Nội đến năm 2020: Đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn ngắn hạn

Do mức độ đầu tư phát triển giao thông vận tải của Hà Nội vẫn chưa tương xứng với tốc độ phát triển của TP nói chung và tốc độ đô thị hóa nói riêng nên hiện nay hệ thống giao thông vận tải của Thủ đô vẫn còn nhiều vấn đề yếu kém. Việc lập quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 là cần thiết, nhằm từng bước giải quyết các vấn đề nêu trên”. Đây là một phần nội dung thẩm định quy hoạch GTVT Hà Nội đến năm 2020 mà Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ.

Ưu tiên giải quyết các vấn đề cấp bách

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông phải đồng bộ với các quy hoạch khác, đặc biệt là quy hoạch xây dựng đô thị, phân bổ dân cư và quy hoạch hệ thống công trình công cộng đô thị. Qua đó xây dựng được hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông liên phương thức và dịch vụ vận tải hiệu quả. Đảm bảo đến năm 2020, diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông tại khu vực các quận phải đạt 20 - 25% diện tích đất xây dựng đô thị. Tập trung phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng, nâng tỷ phần vận tải đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại thời điểm năm 2020 lên từ 35 - 45% tổng nhu cầu đi lại toàn TP. Xây dựng một lộ trình đầu tư hợp lý để ưu tiên giải quyết các vấn đề cấp bách, tạo khâu đột phá phát triển đô thị Hà Nội.

Xuất phát từ nhu cầu đi lại dự báo, kinh nghiệm phát triển phương thức vận tải ở các nước tiên tiến và có xét đến điều kiện thực tế của TP, phấn đấu đến năm 2020 các phương thức vận tải hành khách công cộng sẽ đảm nhận được khoảng 35 - 45% nhu cầu vận tải của thủ đô. Trong thời gian tới cần có biện pháp hạn chế số lượng các phương tiện giao thông cá nhân sao cho tỷ phần đảm nhận của các loại phương tiện này giữ ở mức tối đa là 65%. Trong đó, tỷ phần đảm nhận của xe máy giảm từ 63,8% xuống còn 31,9 - 41,9% vào năm 2020.

Cần hơn 13,8 nghìn ha đất dành cho kết cấu hạ tầng giao thông

Theo quy hoạch, đến năm 2020 trong khu vực Thủ đô Hà Nội sẽ có một mạng lưới giao thông tương đối hoàn chỉnh với các công trình kết cấu hạ tầng chủ yếu: Đường bộ: Có 142,5km đường hướng tâm, trong đó có 75km đường quốc lộ và 67,5km đường cao tốc; 264,1km đường vành đai, trong đó có 41km đường vành đai đô thị (vành đai II); 75km đường vành đai đô thị và cao tốc (vành đai III); 148km vành đai giao thông đối ngoại; 290,3km đường trục chính đô thị có mặt cắt ngang rộng 50-80m và 464km đường phố trong khu vực nội thành. Tổng chiều dài của mạng lưới đường bộ là 1.160,9km và các đường cấp huyện, xã, khu vực là 1.676km. Dự kiến quỹ đất dành cho giao thông đường bộ là 11.550 ha.

Đường sắt: Có 6 tuyến đường sắt đôi quốc gia hướng tâm với chiều dài 44km; 24,6km đường sắt xuyên tâm; 81,5km đường sắt đôi vành đai và 5 tuyến đường sắt đô thị kết hợp xe buýt nhanh với chiều dài ~215 km. Sau này, trong một số khu vực có mật độ dân cư cao sẽ hình thành các trục nhánh đường sắt đô thị với tổng chiều dài dự kiến khoảng 150km. Riêng đối với tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam, hiện đang triển khai nghiên cứu, sẽ được tính toán quỹ đất sau khi đã xác định vị trí tuyến và ga. Dự kiến quỹ đất dành cho giao thông đường sắt là 1.065 ha. Đường sông: Hình thành 2 tuyến vận tải chính trên sông Hồng và sông Đuống với tổng số 9 bến và cảng. Dự kiến diện tích chiếm đất của các bến và cảng là 109 ha. Hàng không: Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Gia Lâm và Bạch Mai có diện tích chiếm đất vào khoảng 1.098 ha.

Để có thể thực hiện được theo quy hoạch này, diện tích đất dành cho giao thông Hà Nội tối thiểu phải đạt 15 - 20% tổng diện tích đất của TP. Riêng mạng lưới đường đô thị tại các quận nội thành và các khu vực đô thị của các huyện ngoại thành phải đạt từ ~ 20% diện tích đất đô thị.

Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, hiện nay Quy hoạch vùng Thủ đô đang được Bộ Xây dựng tổ chức lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; ngoài ra, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội cũng đang trong giai đoạn nghiên cứu điều chỉnh, do đó Quy hoạch này chủ yếu đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn ngắn hạn.

Cần gần 13 tỷ USD cho quy hoạch phát triển GTVT Hà Nội

Để triển khai quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP Hà Nội từ nay đến năm 2020, cần phải có nguồn vốn đầu tư khoảng 208.954 tỷ đồng (12,98 tỷ USD). Trong đó, vốn cho các dự án đường bộ là 77.963 tỷ, các dự án đường sắt (gồm cả đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị kết hợp xe buýt nhanh) là 97.469 tỷ, đường thủy là 27.412 tỷ, sân bay là 8.100 tỷ, 3.792 tỷ cho công tác quản lý giao thông và an toàn giao thông, còn lại là 488 tỷ cho công tác tăng cường thể chế chính sách.

Trước mắt, theo Bộ Xây dựng, trong giai đoạn từ nay đến năm 2010 cần tập trung đầu tư triển khai một số dự án trọng điểm nhằm giải quyết cơ bản tình trạng ách tắc giao thông và tôn tạo cảnh quan đô thị để phục vụ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Các dự án này bao gồm: Cải tạo, nâng cấp một số trục quốc lộ hướng tâm và cao tốc hướng tâm: QL.1 (phía Nam và phía Bắc), Q.2, Q.3, QL.32; Xây dựng đường cao tốc hướng tâm: Cao tốc Láng - Hòa Lạc, cao tốc Hà Nội - Lào Cai, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc Hà Nội - Bắc Ninh; Xây dựng khép kín đường vành đai 2, đoạn Bưởi - Nhật Tân - Vĩnh Ngọc - Cầu Chui - Sài Đồng - Vĩnh Tuy - Minh Khai; xây dựng khép kín đường vành đai 3, đoạn Sài Đồng - Ninh Hiệp - Nội Bài và đoạn tuyến cao tốc nối từ Ninh Hiệp tới đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Đồng thời triển khai xây dựng phần đường vành đai 3 cao tốc cho đoạn Nội Bài - Thăng Long - Mai Dịch - Thanh Trì; Cải tạo, mở rộng, kết hợp xây dựng mới một số trục chính đô thị, các đường phố chính và các nút giao thông cùng mức, khác mức để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông; Xây dựng mới kết hợp cải tạo nâng cấp các bến xe tải liên tỉnh, các bến xe khách liên tỉnh và nội đô, các bến bãi đỗ xe tại các khu đô thị, khu dân cư. Trong đó cần tập trung nghiên cứu xây dựng các bãi đỗ xe ngầm, bãi đỗ xe nhiều tầng để phục vụ nhu cầu đỗ xe tại các khu vực có mật độ giao thông cao; Triển khai xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 3 và tiến hành nghiên cứu, huy động vốn xây dựng tuyến đường sắt đô thị Hà Nội - Hà Đông, tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến đường sắt đô thị số 2 (đoạn trong nội thành Hà Nội); Xây dựng thí điểm 2 tuyến xe buýt ưu tiên theo hành lang Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến - Láng Hạ - Giảng Võ và hành lang Giải Phóng - Đại Cồ Việt - Hàng Bài (theo dự án phát triển giao thông Hà Nội đã được ủy ban Nhân dân TP Hà Nội phê duyệt); Cải tạo, chỉnh trị luồng tàu trên sông Hồng và cải tạo nâng cấp các bến, cảng. Nghiên cứu xây dựng mới cảng Phù Đổng (của tuyến sông Đuống); Mở rộng, nâng cấp cảng hàng không quốc tế Nội Bài để tăng công suất của cảng hàng không này lên 10 triệu hành khách/năm.

" - Cải tạo mở rộng, xây dựng mới đường vành đai II với tổng chiều dài ~ 43,65km theo trục Vĩnh Tuy - Minh Khai - Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở - Cầu Giấy - Bưởi - Nhật Tân - Vĩnh Ngọc - Đông Hội - cầu chui Gia Lâm - khu công nghiệp Hanel - Vĩnh Tuy thành đường đô thị 4 - 8 làn xe (phía hữu ngạn sông Hồng rộng 41,5 - 64m, phía tả ngạn rộng từ 50 -72,5m). Thời gian hoàn thành khép kín vành đai II trước năm 2010. Riêng đoạn Đại La - Trường Chinh - Cầu Giấy sẽ được mở rộng sau năm 2010. Các cầu lớn trên vành đai II vượt sông Hồng là cầu Nhật Tân và cầu Vĩnh Tuy, vượt sông Đuống là cầu Đông Trù;

- Vành đai III có chiều dài khoảng 65km. Trong đó, đoạn Nội Bài - Mai Dịch - Thanh Xuân - Pháp Vân - Thanh Trì - Sài Đồng - Ninh Hiệp có hướng tuyến theo dự án nghiên cứu tiền khả thi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đoạn tuyến phía Bắc, từ Ninh Hiệp đến đường Bắc Thăng Long - Nội Bài, nay được điều chỉnh đi qua các điểm khống chế Việt Hùng - Đông Anh - Tiên Dương - Nam Hồng (nằm phía Nam của đường sắt vành đai Bắc, tránh khu di tích Cổ Loa). Đường vành đai III sẽ cơ bản hoàn thành trước năm 2010.

- Trong khu vực Hà Nội sẽ có 09 cầu vượt sông Hồng. Các cầu vượt sông Hồng được xây dựng mới chiều dài khoảng 18km với quy mô mặt cắt ngang từ 6 - 8 làn xe (không áp dụng cho cầu Tứ Liên).

- Dự kiến sau năm 2020 sẽ mở thêm điểm vượt sông Hồng bằng đường hầm ở khu vực Chương Dương và xây dựng 1 cầu lớn trên vành đai liên kết các đô thị vệ tinh là cầu Vĩnh Thịnh.

- Chiều dài mạng lưới đường bộ khu vực trong các quận nội thành là 464 km. Đối với khu vực ngoại thành, theo quy hoạch giao thông các quận, huyện đã được phê duyệt, sẽ xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo các tuyến đường bộ nhằm đưa chiều dài đường ngoại thành hiện tại từ 769km lên 1.676km vào năm 2020"


(Nguồn: Báo XD điện tử số ngày 06/3/2008)
 

tungch39

Thành viên mới
Tham gia
23/1/08
Bài viết
1
Điểm thành tích
1
Tuổi
43
bác nào có bản vẽ quy hoạch khu công nghiệp và đô thị mới nhất của huyện sóc sơn ko!cho em với nhà em nằm gần đấy sợ dinh quy hoạch thì ra đường ở! giúp em với các bác ơi! xin liên hệ:tungsonghong@yahoo.com hoặc số đt :0983818654 thanks nha!
 

Top