Luật Đấu thầu (Điều 1 Khoản 1 Điểm a) quy định dự án đầu tư phát triển sử dụng vốn nhà nước của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này. Trong đó, dự án đầu tư phát triển bao gồm cả dự án, đề án quy hoạch. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 của Luật này, hoạt động đấu thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này phải tuân thủ quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 (Điều 11) quy định việc lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch được thực hiện thông qua hình thức chỉ định hoặc thi tuyển. Như vậy, pháp luật về quy hoạch không quy định đối với gói thầu lựa chọn tư vấn lập quy hoạch thì đương nhiên áp dụng chỉ định thầu. Nghị định số 37/2010/NĐ-CP (Điều 12) quy định việc lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch đô thị thông qua hình thức chỉ định thầu. Cơ quan tổ chức lập quy hoạch đô thị thực hiện việc chỉ định tổ chức tư vấn lập quy hoạch đô thị theo quy định của pháp luật về chỉ định thầu. Đối với tình huống nêu trên, do gói thầu thuộc dự án thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu nên không thể bỏ qua việc tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu. Theo đó, chỉ định thầu chỉ được thực hiện đối với gói thầu nêu tại các Điểm a, b, c, d, đ Khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu hoặc có giá trị trong hạn mức chỉ định thầu quy định tại Điều 54 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP. Do vậy, đối với trường hợp của chủ đầu tư Y, nếu gói thầu tư vấn quy hoạch đô thị thuộc các trường hợp chỉ định thầu đã nêu và đáp ứng đủ điều kiện chỉ định thầu quy định tại Khoản 2 Điều 22 Luật Đấu thầu (trừ gói thầu quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 22 của Luật này) thì được phép áp dụng hình thức chỉ định thầu. Trường hợp gói thầu không thuộc các trường hợp được chỉ định thầu thì phải áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu khác cho phù hợp. Hiện nay, đôi khi các chủ đầu tư có thể lúng túng trong việc áp dụng pháp luật về đấu thầu và pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 83 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì: (i) trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn; (ii) trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành mà có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản được ban hành sau. Luật Đấu thầu hiện tại là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất và được ban hành mới nhất để thống nhất quản lý nhà nước về đấu thầu. Do vậy, quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật Đấu thầu - hoạt động đấu thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này phải tuân thủ quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan không được hiểu là chủ đầu tư có thể căn cứ quy định nêu tại một số văn bản được ban hành trước đây (cho một số ngành, lĩnh vực) để không tuân thủ quy định của Luật Đấu thầu. Đặc biệt, đối với hình thức chỉ định thầu, khi xây dựng Luật Đấu thầu, ngay cả Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu (Nghị định số 63/2014/NĐ-CP) cũng không được Quốc hội cho phép quy định về các trường hợp chỉ định thầu, mà chỉ được giao quy định về hạn mức chỉ định thầu bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kì.
Cpy Báo đấu thầu :D