Về chủ đầu tư và ban QLDA
Vấn đề mà bạn đưa ra thảo luận rất rộng lớn và phức tạp chúng ta không thể với vài dòng viết lên mà nói được đầy đủ.
Theo quy định hiện nay về điều kiện năng lực của các chủ thể hoạt động xây dựng thì không yêu cầu chủ đầu tư về năng lực. Còn các tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng như: Ban QLDA, các nhà thầu tư vấn, nhà thầu thi công xây dựng... lại quy định rất chặt chẽ về điều kiện năng lực hoạt động.
- Chủ đầu tư không có chuyên môn về hoạt động xây dựng song phải chịu trách nhiệm lớn nhất trong hoạt động xây dựng của mình - Đây cũng là điều chưa hợp lý, bất cập trong luật pháp về xây dựng hiện nay. Nhiều tổ chức hoạt động xây dựng hiện nay không có đủ điều kiện năng lực thực chất song vẫn tham gia vào các hoạt động xây dựng đẫn đến nhiều bất cập.
- Điều kiện năng lực thực chất của các cá nhân, tổ chức hoạt động xây dựng là vấn đề quyết định tới chất lượng, hiệu quả đầu tư của các dự án đầu tư xây dựng. Các chủ thể này phải hoạt động một cách chuyên nghiệp chất lượng và hiệu quả thì sẽ góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả các DAĐT.
PMU có thể tồn tại mà không cần chuyển đổi!
Đây là một trong những nội dung của Công văn số 1394/BXD - PC do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Liên ký ngày 28/6 hướng dẫn, giải thích rõ một nội dung liên quan đến việc xử lý chuyển tiếp về tổ chức quản lý dự án tại mục III phần IV của Thông tư số 02/2007/TT - BXD. Giải thích này đã đặt dấu chấm hết cho vấn đề gây rất nhiều tranh cãi trong công tác quản lý đầu tư XDCB trong thời gian vừa qua đồng thời khẳng định sự cần thiết của việc duy trì các PMU chuyên ngành trong giai đoạn hiện nay.
Theo hướng dẫn mới của Bộ Xây dựng có 2 phương án về chuyển đổi, tổ chức lại các PMU khu vực, PMU chuyên ngành.
Trường hợp các bộ, ngành, địa phương có số lượng dự án ít dẫn đến tình trạng có PMU thiếu việc hoặc hết việc thì cần nghiên cứu sắp xếp, tổ chức lại các PMU cho phù hợp với yêu cầu thực tế; chỉ giữ lại các PMU đang quản lý các dự án dở dang hoặc các dự án đã được quyết định đầu tư trong trường hợp áp dụng mô hình “Chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án”; không để tình trạng PMU phải chờ dự án.
Việc sắp xếp, tổ chức lại các PMU thực hiện theo hướng chuyển thành doanh nghiệp tư vấn quản lý dự án chuyên nghiệp, giúp chủ đầu tư thực hiện quản lý dự án thông qua hợp đồng ký với từng chủ đầu tư. Căn cứ điều kiện thực tế, các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo thành lập các doanh nghiệp tư vấn quản lý dự án trên cơ sở chuyển đổi từ một PMU hoặc ghép nhiều PMU, bảo đảm điều kiện năng lực để quản lý các dự án theo quy định. Đối với các PMU không thể sắp xếp, chuyển đổi theo các phương án nêu trên thì bộ, ngành, địa phương ra quyết định giải thể và có trách nhiệm giải quyết dứt điểm các tồn tại của các dự án cũ và quyền lợi của cán bộ, nhân viên của PMU.
Trường hợp các bộ, ngành, địa phương có số lượng dự án nhiều, bảo đảm công việc liên tục cho các PMU thì vẫn giữ lại các PMU để quản lý các dự án theo mô hình “Chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án”. Một PMU của chủ đầu tư có thể được giao quản lý nhiều dự án nhưng phải được người quyết định đầu tư chấp thuận và phải bảo đảm nguyên tắc: Từng dự án phải được quản lý, theo dõi, ghi chép riêng và quyết toán kịp thời sau khi kết thúc dự án theo đúng quy định. Trường hợp cần thiết chủ đầu tư có thể báo cáo người quyết định đầu tư cho phép thành lập PMU mới để quản lý đối với các dự án có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp.
Trường hợp các PMU có nguyện vọng được chuyển đổi thành tổ chức tư vấn nhằm khai thác, phát huy hết năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và kinh nghiệm sẵn có của PMU thì bộ, ngành, địa phương quyết định và tạo điều kiện để các PMU chuyển đổi thành tổ chức tư vấn quản lý dự án chuyên nghiệp tuy nhiên phải bảo đảm không làm gián đoạn quá trình triển khai các dự án.
Các PMU được giữ lại cần phải đảm bảo các yêu cầu: Không giao PMU làm chủ đầu tư. Đối với trường hợp cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư cũng chính là đơn vị quản lý, sử dụng công trình, nhất là ở cấp xã, thì người quyết định đầu tư có thể đồng thời là chủ đầu tư. Việc chủ đầu tư giao nhiệm vụ, quyền hạn cho PMU phải đảm bảo nguyên tắc: phân định rõ trách nhiệm giữa các chủ thể; phân cấp mạnh cho PMU theo tinh thần nhiệm vụ phải đi đôi với quyền hạn để giảm tối đa các thủ tục hành chính giữa chủ đầu tư và PMU nhưng vẫn bảo đảm nguyên tắc chủ đầu tư phải kiểm soát được và chịu trách nhiệm về quá trình quản lý thực hiện dự án.
Chủ đầu tư phải trực tiếp thực hiện một số nhiệm vụ sau: phê duyệt TKKT, TDT; kiểm tra, chấp thuận một số hợp đồng quan trọng trước khi giao cho PMU ký kết; tổ chức nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào khai thác sử dụng. Giám đốc, các phó giám đốc và những người phụ trách về kỹ thuật, kinh tế, tài chính phải có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực phụ trách và có kinh nghiệm làm việc chuyên môn tối thiểu 3 năm.
Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm toàn diện về những công việc thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật, kể cả những công việc đã giao cho PMU hoặc thuê nhà thầu tư vấn quản lý dự án thực hiện.
Đối với trường hợp chủ đầu tư không phải là đơn vị quản lý, sử dụng công trình thì đơn vị quản lý, sử dụng công trình có trách nhiệm cử người tham gia với chủ đầu tư để quản lý dự án. Người do đơn vị quản lý, sử dụng công trình cử tham gia vào PMU được bổ nhiệm là phó giám đốc PMU và không nhất thiết phải bảo đảm những yêu cầu về chuyên môn và kinh nghiệm nêu trên.
Theo nhận định của các chuyên gia, trước mắt do yêu cầu từ tình hình thực tế nên việc giữ lại các PMU trong vai trò giúp chủ đầu tư quản lý quá trình quản lý dự án là cần thiết nhưng về lâu dài việc chuyển đổi PMU là xu thế tất yếu nhất là việc tới đây nhà nước sẽ giảm việc đầu tư trực tiếp vốn NSNN vào các dự án hạ tầng. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi này còn giúp cho các PMU tích lũy kinh nghiệm đón sẵn các dòng vốn đầu tư khác trong vai trò là nhà đầu tư hoặc các tổ chức tư vấn quản lý dự án chuyên nghiệp.
(Theo Anh Minh)