Hướng dẫn điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng do biến động giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu xây dựng
Bài viết này TA đáng ra phải viết từ lâu, nhưng do nhiều việc việc quá nên bây giờ mới chia sẻ với đồng nghiệp được, mong thứ lỗi.
Trong năm 2007, giá cả vật liệu liên tục tăng vượt ra ngoài tầm kiểm soát và những dự kiến của Chủ đầu tư, nhà thầu. Giá cả bắt đầu tăng mạnh vào cuối tháng 4/2007, tăng vượt tầm kiểm soát vào cuối năm 2007 và đỉnh cao tết dương lịch năm 2008. Một số số liệu:
+ Thép từ 6.800 đ/kg tăng lên 21.500 đ/kg
+ Gạch từ 450-550 đ/viên tăng lên 2500 đ/viên
+ Xi măng 750-800 đ/kg tăng lên 1450-1500 đ/kg
Các dự án bị đình trệ, chủ đầu tư, nhà thầu, các đơn vị tư vấn, các cơ quan quản lý lúng túng không biết tiếp tục thực hiện dự án thế nào. Đứng trước tình hình đó, đòi hỏi nhà nước cần phải có các hướng dẫn xử lý và các văn bản điều tiết của Nhà nước lần lượt ra đời.
Để thực hiện việc điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng phù hợp quy định. Chúng ta cần xem xét toàn diện cả hệ thống các văn bản quy định về vấn đề này. TA xin tóm lược lại quá trình ban hành các văn bản như sau:
1. Ngày 25/1/2008 Thủ tướng Chính phủ có Văn bản 164/TTg-CN về việc điều chỉnh giá và hợp đồng trọn gói.
2. Ngày 25/02/2008 Bộ Xây dựng có Thông tư số 05/2008/TT-BXD Hướng dẫn điều chỉnh giá và HĐ xây dựng do biến động giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu xây dựng trên cơ sở hướng dẫn văn bản chỉ đạo số 167/TTg-CN của Thủ tướng Chính phủ.
Sau khi TT 05 ra đời, vẫn có nhiều ý kiến rằng: “Hướng dẫn của TT05 vẫn chưa thực hiện được”. Bộ Xây dựng tiếp tục có kiến nghị với Chính phủ để tháo gỡ khó khăn.
3. Ngày 14/04/2008, Chính phủ có văn bản số 546/TTg-KTN về việc điều chỉnh giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu XD và hợp đồng xây dựng để xử lý các kiến nghị của BXD.
4. Ngày 17/04/2008, BXD lại có Thông tư số 09/2008/TT-BXD Hướng dẫn điều chỉnh giá, hợp đồng xây dựng do biến động giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu xây dựng trên cơ sở văn bản số 546/TTg-KTN.
TT09 ra đời với những nỗ lực tháo gỡ khó khăn của Bộ Xây dựng, nhưng vẫn có ý kiến cho rằng: “vẫn chưa rõ, vẫn còn nhiều vấn đề chưa thực hiện được, chưa nhà thầu nào lấy được một đồng bù giá”.
5. Ngày 12/05/2008 Bộ Tài chính cũng có văn bản số 5422/BTC-ĐT hướng dẫn tạm ứng, thanh toán tiền bù chênh lệch giá vật liệu xây dựng cũng trên cơ sở văn bản số 546/TTg-KTN.
6. Ngày 22/7/2008, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Cao Lại Quang ký Quyết định thành lập tổ thường trực theo dõi, kiểm tra, đề xuất giải pháp xử lý những vướng mắc do biến động giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu xây dựng
7. Tích cực theo đuổi tháo gỡ khó khăn đến cùng, ngày 01/08/2008 Bộ Xây dựng có văn bản số 1551/BXD-KTXD Hướng dẫn thêm một số nội dung của TT số 09.
8. Ngày 22/9/2008, Chính phủ có thêm văn bản số 1565/TTg-KTN về điều chỉnh giá và HĐ xây dựng.
Như vậy phải mất gần 9 tháng về cơ bản nội dung điều chỉnh mới được định hình. Để điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng cần xem xét văn bản một cách có hệ thống như đã nêu ở trên.
Cần lưu ý rằng các văn bản này mang tính chất xử lý tình huống sốt giá trong thời gian diễn ra tăng giá vượt tầm kiểm soát. Khi tình hình trở lại bình thường thì lại thực hiện như thông thường.
Bạn đã thực hiện nội dung điều chỉnh thế nào ?
Chính phủ nói 2 vấn đề:
1. Bù trừ vật liệu
2. Điều chỉnh hình thức hợp đồng áp dụng
Xét về mặt pháp luật: Hợp đồng đã ký trọn gói, đơn giá cố định thì không được phép điều chỉnh. Nhưng do đây là xử lý tình huống, nên Chính phủ đã cho phép điều chỉnh. Nhưng điều chỉnh thế nào ?
Chúng ta thấy rõ rằng đúng trình tự thì phải làm được nội dung thứ 2 trước rồi mới được thực hiện nội dung số 1. Tức là phải điều chỉnh hợp đồng trước (sửa lại các điều khoản trọn gói, cố định...) rồi mới thực hiện điều chỉnh, bù trừ vật liệu theo điều mà hợp đồng đã được điều chỉnh quy định. Mà xử lý nội dung về điều chỉnh hợp đồng mới là nội dung khó. Đòi hỏi A/B phải ngồi cùng nhau để thương thảo, đàm phán lại.
Tuy nhiên, thời gian vừa qua, để đáp ứng tiến độ thực hiện dự án, thi công xây dựng công trình trước mắt mà các bên liên qua mới chỉ tập trung vào được bước 1. Hầu hết đều phổ biến là "tạm" (tạm ứng, tạm thanh toán).
Và chúng ta đang đứng trước việc giải quyết bài toán ngược, ở "bước chạy" là điều chỉnh nội dung thứ 2 vào giai đoạn quý I, II, III năm 2009 này (với những ai chưa làm động tác điều chỉnh hợp đồng). Đây mới là giai đoạn chính thức và "hứa hẹn" nhiều vất vả nếu đồng nghiệp không muốn giải quyết bài toán điều chỉnh một cách trọn vẹn, không còn lo lắng gì với các vấn đề pháp lý sau này (thanh tra, kiểm toán chẳng hạn):((.
Một số điểm đáng quan tâm của văn bản 546
Xét đề nghị của Bộ Xây dựng tại văn bản số 623/BXD-KTTC ngày 07/4/2008 và ý kiến các cơ quan liên quan, Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 546/TTg-KTN làm rõ văn bản số 164/TTg-CN ngày 29/01/2008. Điều này dẫn đến việc Bộ Xây dựng ban hành TT09 tiếp tục hướng dẫn vấn đề điều chỉnh. Qua đó thể hiện sự quan tâm và thiện chí tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án của Chính phủ cũng như Bộ Xây dựng.
3. Văn bản số 546 tập trung vào các nội dung:
+ Giới hạn: Điều chỉnh giá áp dụng đối với các Dự án sử dụng vốn Ngân sách. (các nhà thầu làm nguồn vốn tư nhân, vốn khác sẽ kêu khổ, chưa biết làm sao:((.
+ Cụ thể hóa danh mục vật liệu.
+ Cho phép Chủ đầu tư tính đầy đủ các khoản chi phí.
Câu hỏi: Việc bù trừ, điều chỉnh có được tính thêm các khoản tính theo tỷ lệ % - tục gọi là "đuôi" không ?
Trả lời:
Văn bản 546 cho phép tính đủ các khoản chi phí, ngoài chênh lệch vật liệu, có được tính "đuôi".
Cho phép Chủ đầu tư tạm ứng, tạm thanh toán.
Cho phép điều chỉnh lại Tổng mức đầu tư.
Trong quản lý chi phí, theo các giai đoạn thực hiện dự án, thi công xây dựng chúng ta có sự hình thành lần lượt các chỉ tiêu quản lý chi phí: Dự toán, giá gói thầu, giá hợp đồng... tổng cộng các giá trị dự toán có giá trị tổng mức đầu tư. Khi Chính phủ cho phép điều chỉnh giá hợp đồng lập tức sẽ dắt dây ảnh hưởng đến các chỉ tiêu giá trị Dự toán, giá gói thầu, giá trị tổng mức đầu tư... và các vấn đề khác.
Do tính chất xử lý tình huống và sự liên quan móc xích giữa các vấn đề như trên. Văn bản 546 cho phép điều chỉnh tương ứng các chỉ tiêu quản lý chi phí khác bằng cách: Lập dự toán chi phí xây dựng bổ sung.
Văn bản 546 cũng quy định:
+ Những hợp đồng đã thanh toán xong không được xem xét điều chỉnh.
+ Thẩm quyền điều chỉnh giá xây dựng thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Chủ đầu tư (được điều chỉnh giá dự toán, giá gói thầu...).
TT09 cụ thể hóa cách lập dự toán CPXD bổ sung. Vấn đề này xin viết tiếp ở bài sau.
Cần phải có Văn bản làm rõ hơn nữa
Cám ơn Bác Thế Anh có mấy điều trao đổi với mọi người. Ở đây cũng phải phê bình Bác một chút vì là cơ quan đầu não được tham gia soạn thảo văn bản hướng dẫn Bác ko nói các ý tưởng khi soạn thảo văn bản để mọi người hiểu rõ hơn, tránh đi nhầm đường.
Ở các ý kiến của Bác ở đây, Tôi rất đồng tình quan điểm là đúng ra mọi người phải hiểu là PHẢI ĐIỀU CHỈNH HÌNH THỨC HỢP ĐỒNG trước khi ĐƯỢC ĐIỀU CHỈNH GIÁ. Cái cốt lõi, mục đích của TT09 đó là đảm bảo quyền lợi của Nhà thầu và bảo vệ lợi ích của CĐT (kể cả NN và TN) bằng việc tính toán giá cả thực hiện cho sát với tình hình thị trường (lỗi để mọi người ko hiểu một phần nhiều cũng là do văn bản hướng dẫn chưa cụ thể, quan điểm của Tôi đã là văn bản hướng dẫn là phải cụ thể và ko được nêu chung chung các vấn đề)
Để tiếp tục chủ đề này, đề nghị các Bác cao thủ nắm được đường lối chính sách có các bài viết hướng dẫn cụ thể cách thức và kinh nghiệm để cho mội người theo với chứ, không thì việc này tắc lắm rồi còn thanh tra, kiểm tra sau này nữa.
Còn về phía Tôi, thứ 7 và chủ nhật này có thời gian sẽ hầu các Bác một bài dài dài một chút để nêu vướng mắc cũng như đề xuất hướng giải quyết cụ thể.
Tiếp tục chủ đề điều chỉnh hợp đồng
Để tiếp tục chủ đề này, Ở đây Tôi sẽ nêu một số vướng mắc trong quá trình điều chỉnh mà TT 09 chưa giải quyết được.
1. Tại TT09 mới chỉ hướng dẫn đến phần lập DỰ TOÁN BỔ SUNG còn giai đoạn khó khăn nhất là thanh toán cho Nhà thầu thì chưa có. Khi điều chỉnh theo TT09 một số người đã lầm tưởng chỉ cần điều chỉnh dự toán và lấy đó làm cơ sở thanh toán, điều này là chưa đúng với tinh thần của Bộ XD khi ban hành TT09. Lặp lại ý ở bài trước Tôi muốn nói là ở TT 09 còn một ý nữa là phải chuyển hình thức hợp đồng. Vậy việc này giải quyết như thế nào? Ở đây theo ý kiến cá nhân Tôi, HĐ phải chia làm 2 việc điều chỉnh khác nhau
+ Đối với khối lượng đã thi công: Điều chỉnh HĐ bằng cách bù trừ trực tiếp theo TT 09. Việc thanh toán bù trừ bằng cách lập dự toán, giá trị này sẽ thanh toán trực tiếp cho nhà thầu.
+ Đối với khối lượng sẽ thi công (KL còn lại của HĐ): Sẽ phải áp dụng hình thức điều chỉnh giá HĐ (phần điều chỉnh này sẽ đc bàn sau).
2. Tại Thông tư 09 chỉ có thể áp dụng với hợp đồng theo đơn giá cố định có lập đơn giá chi tiết (có chiết tính giá vật liệu đến chân công trình) mà thôi, còn HĐ mà có đơn giá tổng hợp hay trọn gói và thậm chí là HĐ điều chỉnh nhưng không có công thức điều chỉnh cụ thể thì điều này là cực kỳ khó khăn vì không có chiết tính đơn giá vật liệu trong hồ sơ dự thầu hay không có cách thức điều chỉnh (nếu áp dụng công thức của TT06 thì không có cơ sở xác định các hệ số). Để giải quyết vấn đề này, Tôi đưa ra các giải pháp như sau:
- Xác định được các hệ số điều chỉnh đơn giá (đối với đơn giá cố định) và hệ số điều chỉnh đối với đơn giá trọn gói và công thức điều chỉnh trên cơ sở dự toán của Chủ đầu tư đối với HĐ điều chỉnh mà không có công thức.
+ HĐ theo Đơn giá cố định: ĐG thanh toán = ĐG dự thầu x Kđc, trong đó
Kđc = Gdt lập mới/Gdt duyệt (Gdt duyệt là đơn giá trong dự toán được duyệt của CĐT và Gdt lập mới là đơn giá trong dự toán được duyệt được cập nhật giá vật liệu tại thời điểm thanh toán).
+ HĐ trọn gói: Ghđ mới = Ghđ cũ x Tvlx (1+ Kđc)
Tvl: tỷ trọng vật liệu trong dự toán được duyệt của CĐT
Kđc = DTmới/DTcũ (DT cũ là dự toán được duyệt của CĐT và DT mới là dự toán được duyệt được cập nhật giá vật liệu tại thời điểm thanh toán
+ Công thức điều chỉnh giá trên cơ sở dự toán của Chỉ đầu tư
ĐG đc = Đg dự thầu x [ Tk + (Tvl x CPVL mới/CPVL cũ) + TncxKnc + TmxKm) , trong đó
Tk, Tvl, Tm, Tnc: Tỷ trọng của chi phí khác, chi phí vật liệu, chi phí máy và chi phí nhân công trong dự toán được duyệt của CĐT
Km, Knc: Hệ số điều chỉnh nhân công và máy do thay đổi lương cơ bản
CPVL cũ và CPVL mới: Là chi phí vật liệu trong dự toán được duyệt và chi phí vật liệu theo dự toán được duyệt đã cập nhật đơn giá vật liệu tại thời điểm thanh toán.
Trước mắt là 02 vấn đề vướng mắc lớn nhất mà một số nhà thầu và chủ đầu tư đang gặp phải. Các Bác cao thủ cho ý kiến phản biện những cái được và chưa được nhằm giúp tìm giải pháp tối ưu nhất. Các vấn đề tiếp theo sẽ được trao đổi dần dần.
cước vc tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế năm 2006
Mình đang làm công trình này rất gấp, áp dụng giá cước vận chuyển VLXD trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế tại thời điểm tháng 6/2007. Bạn nào post lên giúp mình với, thanhks alot.
Cách xác định tỷ trọng P như thế nào là đúng?
Thông tư số 09 có công thức VL = Gvl x P x K. Trong đó:
- Gvl : Là chi phí vật liệu trực tiếp trong hợp đồng hoặc dự toán, cái này rõ ràng rồi.
- K : Hệ số tăng giá VLXD, cái này cũng oke, cứ lấy trong công bố của Bộ XD là được.
Cái bây giờ chúng tôi đang còn chưa thống nhất là tỷ trọng P:
- Theo tôi, P = Pi/Po , trong đó:
* Po: lấy từ bảng tổng hợp chi phí vật tư trực tiếp và bằng tổng KL của các VT trong bảng phân tích vật tư nhân với đơn giá của chính nó tại thời điểm lập dự toán
* Pi : Cũng lấy tương tự như trên nhưng loại bỏ các loại vật liệu không được điều chỉnh giá.
- Người khác lại bảo: P = Pi/Gvl ; sau đó tính như sau: VL = Gvl x Pi/Gvl x K
Vậy xin hỏi bác Thế Anh và các bác khác là trong 2 cách xác định tỷ trọng P ở trên, cách nào là đúng?
Mong các bác nhiệt tình chỉ bảo, xin trân trọng cảm ơn
Các ban cho tôi biết cách gia hạn hợp đồng, ai là người quyết định
Tôi đang làm QLDA cho một số công trình. Tuy nhiên vì lý do thiên nhiên nên công trình bị chậm không thể bàn giao đúng kế hoạch. Tôi muốn các bạn giúp tôi cách gia hạn hợp đồng cho công trình: trình tự ra sao, ai là người quyết định. Việc gia hạn hợp đồng có được điều chỉnh giá không.
Thanks!