Liên quan đến công tác thẩm tra thiết kế xây dựng công trình
Trong quá trình triển khai quy định về thẩm tra thiết kế xây dựng công trình tại Nghị định 15/2013/NĐ-CP và các Thông tư 10/2013/TT-BXD, Thông tư 13/2013/TT-BXD tôi thấy còn nhiều quan điểm chưa được nhất quán liên quan đến công tác thẩm tra thiết kế.Nhằm nâng cao được hiệu quả thẩm tra thiết kế cũng như giúp chúng ta hiểu thêm về nội dung này, tôi xin đưa ra đây một số câu hỏi để cùng thảo luận như sau:
1. Khi thẩm tra hồ sơ thiết kế chúng ta có phải thẩm tra chỉ dẫn kỹ thuật hay không? có tiến hành thẩm tra hồ sơ khảo sát hay không?
2. Công trình san nền ở một số địa phương được triển khai trước rất lâu sau các công trình bên trên mới được xây dựng. Vậy công trình san nền ở đây được phân cấp công trình như thế nào?
3. Vì sao cấp đường trong tiêu chuẩn thiết kế và phân cấp công trình được quy định trong Thông tư 10/2013/TT-BXD lại có sự không thống nhất, ví dụ: Tiêu chuẩn thiết kế là đường cấp III nhưng theo phân cấp công trình là công trình cấp II.
4.Tại Thông tư 10/2013/TT-BXD có quy định: Cấp công trình chiếu sáng công cộng được lấy theo cấp của công trình được chiếu sáng, cấp công trình chiếu sáng công cộng không lớn hơn cấp II. Vậy đối với các công trình được chiếu sáng là cấp một và cấp đặc biệt thì cấp của công trình chiếu sáng được xác định như thế nào?
(Rất mong các bạn cùng nghiên cứu và thảo luận để chúng ta hiểu thêm về các nội dung này nhé!)
Vũ Thành Nam
Cục Quản lý hoạt động xây dựng - Bộ Xây dựng
Mobile:01289.859.869
Trao đổi, thảo luận liên quan đến công tác thẩm tra thiết kế xây dựng công trình
Các bạn tham gia Diễn đàn Giá xây dựng thân mến !
Vấn đề tôi đưa ra trước Diễn đàn để chúng ta cùng trao đổi và thảo luận liên quan đến công tác thẩm tra thiết kế đã được các bạn nhiệt tình cho ý kiến. Đã có những ý kiến thảo luận rất chuyên môn và có trách nhiệm của các bạn: feiyuling, thin-housing, Cuongden37 đã rất tâm huyết. Tôi xin bổ sung thêm một số nội dung để chúng ta hiểu thêm vấn đề như sau:
1.Khi thẩm tra hồ sơ thiết kế chúng ta có phải thẩm tra chỉ dẫn kỹ thuật hay không? có tiến hành thẩm tra hồ sơ khảo sát hay không?
- Một trong những nội dung thẩm tra đã được quy định tại Điều 4 Thông tư 13/2013/TT-BXD có quy định: Thẩm tra sự phù hợp của thiết kế với các quy chuẩn kỹ thuật, các tiêu chuẩn chủ yếu áp dụng cho công trình. Vì vậy khi thẩm tra thiết kế chúng ta cần tiến hành xem xét chỉ dẫn kỹ thuật và cho ý kiến đánh giá về những nội dung chưa phù hợp.
- Theo quy định tại Điều 7 Thông tư 13/2013/TT-BXD, hồ sơ trình thẩm tra thiết kế xây dựng công trình có bao gồm hồ sơ khảo sát xây dựng. Vì Hồ sơ khảo sát xây dựng khi trình lên đã được triển khai theo nhiệm vụ khảo sát, phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng được phê duyệt nên chúng ta chỉ xem xét, đối chiếu với các giải pháp thiết kế mà Tư vấn đã đề xuất xem có phù hợp hay không? Ví dụ như kết quả khảo sát địa chất công trình cho thấy phải xử lý nền đất yếu và chúng ta phải tiến hành xem xét giải pháp xử lý đất yếu được đưa ra như: Thay đất, gia tải, giếng cát hay cọc vữa xi măng,... có phù hợp với mặt cắt địa tầng của nền đất trong Báo cáo kết quả khảo sát hay không, có gì cần khuyến cáo hay không...?
2.Công trình san nền ở một số địa phương được triển khai trước rất lâu sau các công trình bên trên mới được xây dựng. Vậy công trình san nền ở đây được phân cấp công trình như thế nào?
- Theo Thông tư số 10/2013/TT-BXD quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng thì "san tạo mặt bằng" không được phân loại và phân cấp công trình, vì "san tạo mặt bằng" chỉ là công việc xây dựng hoặc chỉ là hạng mục công việc.
- Luật Xây dựng cũng quy định "Công trình xây dựng là sản phẩm được tạo thành bởi sức lao động của con người, vật liệu xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình, được liên kết định vị với đất...". Căn cứ quy định này thì san tạo mặt bằng chỉ là tạo ra "mặt đất".
Do vậy, san nền chỉ là công việc xây dựng hoặc chỉ là hạng mục công việc.
3. Vì sao cấp đường trong tiêu chuẩn thiết kế và phân cấp công trình được quy định trong Thông tư 10/2013/TT-BXD lại có sự không thống nhất?
Qua ghi nhận thông tin phản hồi chúng tôi thấy rằng còn nhiều quan điểm trái chiều về phân loại phân cấp công trình. Cũng có người cho rằng cấp công trình quy định trong Thông tư 10/2013/TT-BXD và cấp đường trong các tiêu chuẩn thiết kế đường (hay cấp đê, đập trong các tiêu chuẩn thiết kế công trình Nông nghiệp và PTNT) không được thống nhất gây khó khăn trong việc triển khai thực hiện. Về vấn đề này, mình trao đổi như sau:
* Đầu tiên, cả cấp công trình và cấp đường cùng có xuất phát điểm là đều được xác định trên cơ sở lưu lượng xe/ngày đêm hoặc được căn cứ vào vận tốc thiết kế. Sau đó rẽ hai nhánh:
- Phân cấp công trình được quy định tại Thông tư số 10/2013/TT-BXD để phục vụ phân cấp quản lý (quản lý năng lực nhà thầu, quản lý chất lượng công trình, quản lý chi phí: Ví dụ để xác định chi phí khảo sát-thiết kế, chi phí quản lý dự án,...) theo đó công trình xây dựng được phân làm 5 cấp công trình: Cấp đặc biệt, cấp I, cấp II,… và cấp IV.
-Cấp đường giao thông được phân cấp trong các Tiêu chuẩn thiết kế (TCVN4054-2005 hay TCXDVN 104-2007,…) để phục vụ thiết kế hình học của tuyến đường về: bình diện, trắc dọc hay trắc ngang thiết kế,…
* Và chúng ta thấy rằng việc rẽ hai nhánh trên cho cùng một đích là đảm bảo chất lượng công trình và hiệu quả dự án.
4. Tại Thông tư 10/2013/TT-BXD có quy định: Cấp công trình chiếu sáng công cộng được lấy theo cấp của công trình được chiếu sáng, cấp công trình chiếu sáng công cộng không lớn hơn cấp II. Vậy đối với các công trình được chiếu sáng là cấp một và cấp đặc biệt thì cấp của công trình chiếu sáng được xác định như thế nào?
Khi thiết kế công trình chiếu sáng cho các công trình giao thông thì Cấp công trình chiếu sáng công cộng được lấy theo cấp của công trình được chiếu sáng (Nếu trường hợp công trình được chiếu sáng là cấp một và cấp đặc biệt thì cấp của công trình chiếu sáng vẫn chỉ là cấp II).
5. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang tiến hành các công việc chuẩn bị trình Quốc hội trong kỳ họp tới thông qua Luật Xây dựng (Sửa đổi). Với các nội dung của Luật Xây dựng (Sửa đổi) tại thời điểm này, tôi nghĩ rằng sẽ không như bạn naat đã nhìn nhận: “Theo tôi thì sẽ không tồn tại QĐ 957 version 2014, lý do là Luật đấu thầu 2013 cũng như dự thảo Luật xây dựng sửa đổi đã không còn hợp đồng tỷ lệ %. Tất nhiên, cũng không phủ nhận vai trò của QĐ 957 trong việc xác định giá gói thầu, ước tính chi phí”. Mà theo dự thảo Luật Xây dựng (Sửa đổi), Hợp đồng tư vấn xây dựng vẫn tồn tại và chúng tôi vẫn đang tiếp tục ghi nhận những thông tin phản hồi để điều chỉnh, sửa đổi các quy định về định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng công trình để ban hành “em” của QĐ957.
Trân trọng./.
Vũ Thành Nam
Đơn vị công tác: Cục Quản lý hoạt động xây dựng - Bộ Xây dựng (Mobile:01289.859.869)
Chuyên gia của Công ty CP Tư vấn đầu tư và Thiết kế xây dựng Hà Nội (Ha Noi ICDC)
(Ha Noi ICDC nhận hỗ trợ pháp lý cho các tổ chức, doanh nghiệp)
Điều kiện năng lực của Công chức khi thực hiện thẩm tra thiết kế
Tiếp tục ghi nhận thông tin phản hồi liên quan đến công tác thẩm tra thiết kế qua quá trình thực hiện Nghị định 15/2013/NĐ-CP và Thông tư 13/2013/TT-BXD chúng tôi thấy có nhiều độc giả quan tâm đến một số nội dung sau:
1. Trường hợp cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng thực hiện thẩm tra thiết kế mà công chức không có chứng chỉ thiết kế (nghĩa là điều kiện năng lực không tương ứng với điều kiện năng lực của chủ trì thiết kế) thì có vi phạm quy định tại Nghị định 12/2009/NĐ-CP không?
2. Quy trình thực hiện côngtác lựa chọn tổ chức thẩm tra của cơ quan chuyên môn về xây dựng được thực hiện theo Luật Đấu thầu hay theo quy định nào?
Mình trao đổi cùng các bạn như sau:
1. Cán bộ, công chức hoạt động, thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Luật Cán bộ, công chức, năng lực của cán bộ, công chức không quy định ở Luật Xây dựng và Nghị định 12/2009/NĐ-CP. Cán bộ, công chức cũng không được hành nghề có liên quan đến phạm vi, nội dung công việc đang quản lý. Do vậy, cán bộ, công chức không được cấp chứng chỉ hành nghề và không có quy định cán bộ, công chức khi thẩm tra thiết kế phải có chứng chỉ hành nghề.
Ngoài ra, nếu quan niệm người có chứng chỉ hành nghề thì mới là người có đủ năng lực là chưa đầy đủ. Cán bộ, công chức quản lý ở cơ quan chuyên môn về xây dựng về nguyên tắc thì bắt buộc phải có đủ năng lực chuyên môn, hoặc phải quản lý thông qua việc giao nhiệm vụ cho tổ chức tư vấn có đủ năng lực và phải kiểm soát quá trình, kết quả thẩm tra.
2. Điều kiện để thực hiệncông việc thẩm tra thiết kế bao gồm: nhân lực, thời gian, trình độ khoa học công nghệ, chuyên môn hẹp, lĩnh vực đặc thù... cần phải có sự tham gia của xãhội (xã hội hoá), nhưng bắt buộc phải có sự quản lý của Nhà nước.Cơ quan quản lý Nhà nước là đơn vị phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn sinh mạng, môi trường, tiết kiệm chi phí, chống thất thoát... Do vậy nếu Nhà nước không đủ điều kiện thực hiện được toàn bộ, từng phần... thì được phép chỉ định tổ chức phối hợp thực hiện, tuy nhiên cơ quan quản lý Nhà nước vẫn phải quản lý được công việcvà kết quả thực hiện.
Nghị định15/2013/NĐ-CP đã giao trách nhiệm thẩm tra là của cơ quan chuyên môn của Nhà nước về xây dựng, vì vậy thực hiện chỉ định tổ chức thẩm tra là đúng pháp luật, thực hiện theo thủ tục về đấu thầu là sai quy định.
Trân trọng./.
Vũ Thành Nam
Đơn vị công tác: Cục Quản lý hoạt động xây dựng - Bộ Xây dựng (Mobile:01289.859.869)
Chuyên gia của Công ty CP Tư vấn đầu tư và Thiết kế xây dựng Hà Nội (Ha Noi ICDC)
(Ha Noi ICDC nhận hỗ trợ pháp lý cho các tổ chức, doanh nghiệp)