http://quyettoanxaydung.vn/images/spacer.gif |
Trích dẫn:
Thực hiện kết luận, kiến nghị sau kiểm toán: Không dễ
Cập nhật lúc10:09, Thứ Hai, 20/08/2012 (GMT+7)
Với vai trò là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoàn toàn độc lập, Kiểm toán Nhà nước là công cụ quan trọng để kiểm tra thường xuyên, liên tục việc chấp hành pháp luật và chính sách tài chính trong quá trình quản lý thu, chi ngân sách Nhà nước (NSNN), đồng thời đưa ra những đánh giá, nhận xét, kiến nghị, phát hiện các sai phạm trong việc sử dụng ngân sách, nhằm tiết kiệm nguồn lực tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, việc chấp hành và thực hiện kết luận, kiến nghị sau kiểm toán còn nhiều khó khăn, vướng mắc và do vậy, các khoản kiến nghị thu hồi cho ngân sách đạt được trên thực tế là thấp, đòi hỏi có các biện pháp tích cực hơn.
Thu hồi chưa tương xứng với các kiến nghị
Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), từ khi có Luật KTNN, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 70.597 tỷ đồng. Trong đó, tăng thu về thuế và các khoản thu khác 17.078 tỷ đồng, giảm chi NSNN 10.806 tỷ đồng; các khoản phải nộp, hoàn trả và quản lý qua NSNN là 29.133 tỷ đồng; phát hiện tăng thêm so với báo cáo của cơ quan quản lý thu 7871 tỷ đồng, kiến nghị xử lý tài chính khác 9344 tỷ đồng; kiến nghị các bộ, ngành, địa phương hủy bỏ 128 văn bản, sửa đổi, bổ sung 105 văn bản.
Có thể nói, phần lớn các đơn vị được kiểm toán đã chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị của KTNN. Tuy nhiên, qua theo dõi và giám sát thực tế, việc thực hiện kết luận và kiến nghị của KTNN còn nhiều hạn chế và bất cập. Tình trạng nhùng nhằng, dây dưa còn xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Cụ thể, trong 3 năm 2007, 2008, 2009, tổng số kiến nghị của KTNN là 47.276 tỷ đồng nhưng số thực hiện mới đạt 31.418 tỷ đồng, bằng 66,5%; số chưa thực hiện là 15.858 tỷ đồng, chiếm 33,5%.
Nguyên nhân, theo KTNN, do một số dự án đầu tư đang trong quá trình thực hiện, chưa phê duyệt quyết toán nên đơn vị đề nghị sẽ thực hiện khi quyết toán như một số dự án thuộc tỉnh Thái Nguyên, Quảng Ninh, Cao Bằng, Quảng Nam, Phú Yên. Có nguyên nhân do khoản chi về GPMB, chi cho chuyên gia nước ngoài không có khả năng thu hồi như dự án thoát nước và vệ sinh môi trường thành phố Hải Phòng. Một số đơn vị được kiểm toán gặp khó khăn về tài chính chưa bố trí được nguồn để thực hiện kiến nghị, có những đơn vị đã giải thể không còn người chịu trách nhiệm thực hiện kiến nghị...
Ngoài ra, còn có trường hợp đơn vị được kiểm toán chưa nghiêm túc trong thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN (thực hiện không đúng thời gian theo kiến nghị, không báo cáo việc thực hiện kiến nghị kiểm toán, đơn vị cấp trên không thông báo cho các đơn vị cấp dưới về các kiến nghị xử lý tài chính của KTNN nên các đơn vị này không có cơ sở thực hiện kiến nghị). Thêm vào đó, còn có tình trạng phần lớn các đơn vị sử dụng sai nguồn kinh phí được KTNN kiến nghị bố trí nguồn để hoàn trả đều thuộc các địa phương nghèo, khó khăn về tài chính nên hầu hết đều không thực hiện được. Mặc dù Luật KTNN đã quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan KTNN nhưng việc không có chế tài xử phạt đối với các đơn vị có vi phạm trong công tác thực hiện kiến nghị kiểm toán đã làm hạn chế hiệu quả công tác này. Công tác kiểm tra của các cơ quan chủ quản, Sở Tài chính các tỉnh khi phê duyệt, thẩm tra báo cáo quyết toán chưa nghiêm túc, chưa yêu cầu và hướng dẫn các đơn vị điều chỉnh theo kiến nghị của KTNN. Cơ quan thuế địa phương chưa đôn đốc, thu hồi hết các khoản theo kiến nghị của KTNN…
Tăng hiệu lực, tăng hiệu quả
Thực tế đó cho thấy, việc nâng cao chất lượng thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN là cần thiết. Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội đã tổ chức hội thảo về vấn đề này và có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng. KTNN đề nghị Quốc hội, HĐND các cấp xây dựng và thực hiện chương trình giám sát hằng năm và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở các báo cáo kiểm toán của các cuộc kiểm toán đã được KTNN phát hành và phối hợp trao đổi thông tin về kết quả, tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán với KTNN. Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ sớm ban hành chế tài xử lý đối với các đơn vị không thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị hợp lý của KTNN.
Đại diện Bộ Tài chính cho rằng, cơ quan KTNN cần nâng cao chất lượng các kiến nghị kiểm toán. Trong các kết luận kiểm toán, mỗi nội dung xử lý cần nêu rõ căn cứ vào quy định pháp luật nào và phương pháp tính toán xác định, làm cơ sở đôn đốc thực hiện và xử lý khi có khiếu nại. Bộ Tài chính cũng đề xuất thành lập một bộ phận xử lý sau kiểm toán; phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan và cần có chế chế tài xử phạt nghiêm minh để bảo đảm hiệu lực của các kết luận kiểm toán. Đại diện Bộ GTVT kiến nghị, trong quá trình thực hiện kiểm tra, kiểm toán, cần cân nhắc kỹ các kết luận trước khi ban hành bảo đảm không sai chế độ, chính sách của Nhà nước đồng thời đáp ứng với yêu cầu của sự phát triển, không nên có những kết luận mang tính quá nguyên tắc, gây khó khăn khi triển khai thực hiện và hạn chế sự phát triển. Một số địa phương đề nghị cần quy định rõ cơ chế phối hợp, cách thức sử dụng kết quả giữa KTNN với các cơ quan thanh tra, tránh việc chồng chéo trong kết luận, kiến nghị giữa các đoàn thanh tra, kiểm toán dẫn tới khó khăn cho các đơn vị được kiểm toán, thanh tra trong việc thực hiện kiến nghị của các đoàn kiểm toán, thanh tra. |