Hợp đồng thi công xây dựng
Về hướng dẫn một số nội dung khi lập hợp đồng thi công xây dựng
Hỏi:
Công ty tôi tổ chức đấu thầu, đánh giá kết quả Hồ sơ dự thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng gói thầu “thi công xây dựng khu Hành chính”.
Việc đánh giá và lựa chọn nhà thầu đã chọn được nhà thầu là một liên danh (gồm hai thành viên) gói thầu trên thì: Theo khoản 3 Điều 46 - Đàm phán ký kết hợp đồng - Nghị định 16/2005/NĐ-CP thì tất cả các nhà thầu tham gia liên danh phải ký vào Hợp đồng. Tuy nhiên việc tạm ứng và thanh toán Hợp đồng thì không được Nghị định 16/2005/NĐ-CP và Luật đấu thầu hướng dẫn.
Khi lập Hợp đồng, phần Tạm ứng và thanh toán; Bảo lãnh thực hiện hợp đồng chúng tôi lập tạm ứng và thanh toán; Bảo lãnh thực hiện Hợp đồng riêng cho từng nhà thầu thì có hợp luật không? cógì vướng mắc trong quá trình thanh toán cho nhà thầu không?”
Trả lời :
- Khi lập và ký kết hợp đồng xây dựng với một nhà thầu liên danh, việc quy định và tạm ứng, thanh toán và bảo lãnh thực hiện hợp đồng riêng cho từng nhà thầu là không trái với các quy định hiện hành của pháp luật.
- Trong quá trình chuẩn bị hợp đồng, chủ đầu tư cần xem xét nội dung của Thoả thuận liên danh giữa các nhà thầu tham gia để xác định mức tạm ứng, thanh toán và bảo lãnh thực hiện hợp đồng đối với từng nhà thầu cho phù hợp với phạm vi, khối lượng công việc và tiến độ thực hiện mà nhà thầu đã cam kết trong Thoả thuận liên danh.
Về một số vấn đề liên quan đến khối lượng phát sinh ngoài hợp đồng thi công xây lắp
Hỏi:
Đơn vị chúng tôi đã ký hợp đồng thi công xây lắp (loại hợp đồng trọn gói không điều chỉnh giá và khối lượng có thể thay đổi nếu chủ đầu tư thấy xuất hiện yếu tố có lợi hơn).
Khi thi công xuất hiện các hạng mục phát sinh ngoài hợp đồng thi công xây lắp. Theo yêu cầu của chủ đầu tư và tư vấn thiết kế (đã xác nhận vào nhật ký thi công) yêu cầu nhà thầu thi công các hạng mục phát sinh đó. Trong quá trình thi công đều có mặt tư vấn giám sát theo dõi, xác nhận. Tuy nhiên khi lập biên bản nghiệm thu các hạng mục phát sinh đó thì tư vấn giám sát từ chối ký biên bản nghiệm thu vì lý do chưa có văn bản phê duyệt bổ sung của chủ đầu tư và người quyết định đầu tư.
Vậy xin hỏi quý Bộ các nội dung sau:
1. ý kiến của chủ đầu tư và tư vấn thiết kế xác nhận vào nhật ký thi công có đủ cơ sở để nghiệm thu, thanh toán hay không? (cũng xin nói rõ thêm trong quá trình thi công do yêu cầu tiến độ của công trình và chủ đầu tư nên chúng tôi chỉ ghi nhật ký thi công các hạng mục phát sinh, có xác nhận của chủ đầu tư và tư vấn thiết kế).
2. Nếu không thì vì sao và chúng tôi cần phải có các thủ tục gì để được nghiệm thu và xác nhận khối lượng công việc là đúng hay sai?
3. Tư vấn giám sát chỉ xác nhận đầu mục công việc chứ không ký biên bản nghiệm thu và xác nhận khối lượng công việc là đúng hay sai?
Trả lời
1. Hồ sơ thanh toán hợp đồng xây dựng được quy định tạiĐiều 26 Nghị định 99/2007/NĐ-CP ngày 13/6/2007 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng như sau:
“1. Các tài liệu, chứng nhận cần thiết trong hồ sơ thanh toán phải được ghi rõ trong hợp đồng xây dựng. Hồ sơ thanh toán do Bên nhận thầu lập bao gồm các tài liệu chủ yếu sau đây:
a) Biên bản nghiệm thu khối lượng thực hiện trong giai đoạn thanh toán có xác nhận của đại diện nhà thầu, Bên giao thầu và tư vấn giám sát, nếu có;
b) Bản xác nhận khối lượng điều chỉnh tăng hoặc giảm so với hợp đồng có xác nhận của đại diện nhà thầu, Bên giao thầu và tư vấn giám sát, nếu có;
c) Bảng tính giá trị đề nghị thanh toán trên cơ sở khối lượng công việc hoàn thành đã được xác nhận và đơn giá ghi trong hợp đồng;
d) Đề nghị thanh toán của Bên nhận thầu, trong đó nêu rõ khối lượng đã hoàn thành và giá trị hoàn thành, giá trị tăng (giảm) so với hợp đồng, giá trị đã tạm ứng, giá trị đề nghị thanh toán trong giai đoạn.
2. Đối với trường hợp thanh toán hợp đồng theo giá hợp đồng trọn gói: biên bản xác nhận khối lượng tại điểm a khoản 1 Điều này là xác nhận hoàn thành công trình, hạng mục công trình, công việc của công trình phù hợp với thiết kế (không cần xác nhận khối lượng hoàn thành chi tiết).”
2. Việc chủ đầu tư và nhà thầu thiết kế xác nhận vào nhật ký thi công xây dựng những thay đổi thiết kế là theo đúng hướng dẫn tại điểm 3.5 khoản 3 Thông tư 12/2005/TT-BXD ngày 15/7/2005 của Bộ Xây dựng “Hướng dẫn một số nội dung về Quản lý chất lượng công trình xây dựng và Điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân trong hoạt động xây dựng” nhưng đủ cơ sở để nghiệm thu, thanh toán là vì những lý do sau đây:
a) Những người sửa đổi thiết kế phải ký tên vào bản vẽ thiết kế, chịu trách nhiệm về việc sửa đổi của mình ( khoản 2 Điều 17 Nghị định 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng)
b) Nhà thầu thiết kế phải tập hợp các chỉnh sửa thiết kế làm phát sinh khối lượng ngoài hợp đồng trình chủ đầu tư phê duyệt.
c) Khối lượng phát sinh phải được chủ đầu tư, người quyết định đầu tư chấp thuận, phê duyệt (Khoản 3 Điều 32 Nghị định 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng)
Khi có khối lượng phát sinh ngoài thiết kế, dự toán xây dựng công trình được duyệt thì chủ đầu tư và nhà thầu thi công xây dựng phải xem xét để xử lý. Riêng đối với công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước thì chủ đầu tư phải báo cáo người quyết định đầu tư để xem xét, quyết định. Khối lượng phát sinh được chủ đầu tư, người quyết định đầu tư chấp thuận, phê duyệt là cơ sở để thanh toán, quyết toán công trình
d) Khối lượng phát sinh phải có văn bản phê duyệt hoặc dự toán bổ sung được duyệt (Điểm 1.2. khoản 1 mục IV Thông tư số 27/2007/TT-BTC ngày 03/4/2007 của Bộ Tài chính)
Trường hợp khối lượng phát sinh tăng hoặc giảm so với khối lượng trong hợp đồng nhưng trong phạm vi của hồ sơ mời thầu và không do lỗi của nhà thầu thì khối lượng phát sinh tăng giảm phải phù hợp với các điều kiện cụ thể quy định trong hợp đồng, có văn bản phê duyệt, được tính theo đơn giá của hợp đồng. Giá trị hợp đồng sau khi điều chỉnh không được vượt dự toán, tổng dự toán hoặc giá gói thầu trong kế hoạch đấu thầu được duyệt, trừ trường hợp được người có thẩm quyền cho phép.
Những khối lượng phát sinh vượt hoặc ngoài hợp đồng, ngoài phạm vi của hồ sơ mời thầu phải có văn bản phê duyệt (nếu khối lượng phát sinh được đấu thầu) hoặc dự toán bổ sung được duyệt (nếu khối lượng phát sinh được chỉ định thầu) của cấp có thẩm quyền cả về khối lượng và đơn giá ”.
đ) Phải có đủ hồ sơ thanh toán đối với giá hợp đồng trọn gói được quy định tại điểm 2.8.7 khoản 2 phần II của Thông tư số 06/2007/TT-BXD ngày 25/7/2007 của Bộ Xây dựng “ Hướng dẫn hợp đồng trong hoạt động xây dựng”, trong đó yêu cầu:
- Bảng xác định giá trị khối lượng phát sinh ngoài hợp đồng có xác nhận của đại diện bên giao thầu hoặc đại diện nhà tư vấn (nếu có) và đại diện bên nhận thầu (theo phụ lục số 4 của Thông tư 06/2007/TT-BXD);
- Bảng tính giá trị đề nghị thanh toán (theo phụ lục số 1 của Thông tư 06/2007/TT-BXD) cần thể hiện các nội dung: Giá trị khối lượng hoàn thành theo hợp đồng, giá trị khối lượng các công việc phát sinh ngoài hợp đồng (nếu có), chiết khấu tiền tạm ứng, giá trị thanh toán sau khi đã bù trừ các khoản trên.
3. Trong các Biên bản nghiệm thu công việc xây dựng (mẫu phụ lục 4A), nghiệm thu bộ phận công trình, giai đoạn xây dựng (mẫu phụ lục 5A) và nghiệm thu hạng mục công trình và công trình hoàn thành để đưa vào sử dụng (mẫu Phụ lục 7) không yêu cầu phải có khối lượng cụ thể của các công việc thực hiện. Việc không nêu cụ thể khối lượng công việc thực hiện không có nghĩa là không nghiệm thu khối lượng đối tượng được nghiệm thu. Việc tính toán cụ thể khối lượng các công việc thực hiện không thể tính ngay được tại thời điểm nghiệm thu. Nếu yêu cầu phải tính toán tại chỗ thì rất khó chính xác và sẽ gây khó khăn cho chủ đầu tư và nhà thầu thi công xây dựng trong việc thanh toán. Trong các mẫu Biên bản nêu trên luôn luôn yêu cầu ghi rõ tên công việc, bộ phận công trình xây dựng, giai đoạn thi công xây dựng được nghiệm thu và vị trí xây dựng trên công trình.
Bởi vậy, nếu chỉ cần dựa trên bản vẽ hoàn công công việc, bản vẽ hoàn công bộ phận công trình xây dựng, giai đoạn thi công xây dựng là tính toán được khối lượng cụ thể để thanh toán. Làm được như vậy thì chủ đầu tư và nhà thầu thi công xây dựng có thời gian tính toán , kiểm tra và đối chiếu với khối lượng tính toán theo bản vẽ thiết kế và dự toán đã được phê duyệt được chính xác hơn.
Với lý do trên, việc nhà thầu giám sát thi công xây dựng không phải xác nhận khối lượng thi công xây dựng trong các biên bản nghiệm thu mẫu phụ lục 4A, mẫu phụ lục 5A và mẫu phụ lục 7 là đúng.
Tuy nhiên, theo các quy định nêu tại mục 1 và mục 2 thì Biên bản nghiệm thu khối lượng thực hiện trong giai đoạn thanh toán, Bản xác nhận khối lượng điều chỉnh tăng hoặc giảm so với hợp đồng phải có xác nhận của đại diện nhà thầu, Bên giao thầu và tư vấn giám sát (nếu có). RiêngBảng xác định giá trị khối lượng phát sinh ngoài hợp đồng có xác nhận của đại diện bên giao thầu hoặc đại diện nhà tư vấn (nếu có) và đại diện bên nhận thầu.
Một số vấn đề liên quan đến Thông tư 06/2007/BXD ngày 25/7/2007
Hỏi:
Tại điểm 2.6.1 của phần II (hồ sơ và nội dung của hợp đồng xây dựng) của Thông tư 06/2007/TT-BXD ngày 25/7/2007 có nêu: "Giá hợp đồng theo đơn giá cố định (hình thức theo đơn giá và hình thức theo thời gian quy định trong Luật Đấu thầu): là giá hợp đồng xây dựng được xác định trên cơ sở khối lượng công việc tạm tính và đơn giá từng công việc trong hợp đồng là cố định và không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng, trừ các trường hợp được phép điều chỉnh qui định trong hợp đồng (nếu có)".
Trên thực tế, khi thi công không thể không tránh khỏi việc phát sinh tăng giảm so với thiết kế được duyệt . Vì vậy các điều khoản trong hợp đồng đối với Hợp đồng theo hình thức trọn gói, cần nêu cụ thể:
- Loại hợp đồng: Hợp đồng theo hình thức trọn gói, giá hợp đồng là giá được ghi trong quyết định phê duyệt kết quả trúng thầu.
+ Thanh toán theo Khối lượng xây lắp theo nghiệm thu thực tế của gói thầu (giảm hoặc bằng khối lượng theo thiết kế-dự toán trúng thầu).
+ Giá trị hợp đồng theo hình thức trọn gói có thể được điều chỉnh trong các trường hợp:
a. Bổ sung, điều chỉnh khối lượng thực hiện so với hợp đồng mang lại hiệu quả của công trình sau khi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để áp dụng và cách tính toán như sau:
- Nếu khối lượng công việc phát sinh đã có đơn giá trong hợp đồng thì giá trị phần khối lượng phát sinh được tính theo đơn giá đó;
- Nếu khối lượng công việc phát sinh không có đơn giá ghi trong hợp đồng thì giá trị phát sinh được tính theo đơn giá tại địa phương nơi xây dựng công trình, nếu không có đơn giá tại địa phương hai bên thống nhất xây dựng mức giá mới và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để áp dụng;
- Nếu khối lượng công việc thay đổi (tăng hoặc giảm) so với hợp đồng lớn hơn 20% thì hai bên có thể thoả thuận xác định đơn giá mới.
b. Trường hợp bất khả kháng do thiên tai như động đất, bão, lũ, lụt, lốc, sóng thần, lở đất; hoả hoạn; các sự kiện bất khả kháng khác. Khi đó các bên tham gia hợp đồng thương thảo để xác định giá trị hợp đồng điều chỉnh phù hợp với các quy định của pháp luật.
Như vậy phần nêu cụ thể trong hợp đồng theo hình thức trọn gói được nêu trên có sai phạm hay không? Xin ý kiến của Bộ Xây dựng
Trả lời:
Theo hướng dẫn tại điểm 2.6 (giá hợp đồng) mục 2 phần II của Thông tư số 06/2007/TT-BXD ngày 25/7/2007 của Bộ Xây dựng hướng dẫn hợp đồng trong hoạt động xây dựng thì giá hợp đồng trọn gói là giá hợp đồng không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng đối với các khối lượng công việc thuộc phạm vi hợp đồng đã ký kết, trừ các khối lượng công việc bổ sung ngoài phạm vi quy định trong hợp đồng đã ký kết;
Tuỳ theo đặc điểm, tính chất của công trình xây dựng, các bên tham gia ký kết hợp đồng phải thoả thuận giá hợp đồng xây dựng theo hình thức phù hợp. Việc điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng theo Điều 23 của Nghị định số 99/2007/NĐ-CP ngày 13/6/2007 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình, việc điều chỉnh này các bên phải thống nhất và ghi trong hợp đồng xây dựng.
Về một số vướng mắc trong việc ký, thực hiện và thanh quyết toán hợp đồng xây dựng công trình
Hỏi:
Khi Công ty A trúng thầu xây dựng công trình mà lại giao cho Xí nghiệp B (là đơn vị trực thuộc công ty A) thực hiện và thanh quyết toán thì thủ tục như thế nào?
Tôi xin đưa ra 3 phương án để xin ý kiến:
1. Công ty A ký hợp đồng với Chủ đầu tư và trong hợp đồng có điều khoản giao cho Xí nghiệp B thực hiện và thanh quyết toán hợp đồng.
2. Công ty A uỷ quyền cho Xí nghiệp B bằng văn bản, sau đó Xí nghiệp B ký hợp đồng với Chủ đầu tư.
3. Công ty A ký hợp đồng với Chủ đầu tư, sau đó Công ty A có văn bản uỷ quyền cho xí nghiệp B thực hiện và được chủ đầu tư đồng ý bằng văn bản.
Xin Quý Vụ cho biết trong 3 phương án trên đây, phương án nào đúng và nếu đúng thì nó được quy định tại phần nào của Thông tư 06/2007/TT-BXD về hướng dẫn hợp đồng xây dựng.Các phương án sai thì xin Quý Vụ vui lòng cho biết lý do?
Trả lời:
- Phương án 1: “Công ty A ký hợp đồng với Chủ đầu tư và trong hợp đồng có điều khoản giao cho Xí nghiệp B thực hiện và thanh quyết toán hợp đồng”. Phương án này có thể thực hiện được (điểm 2.12, mục 2, khoản 1, phần II Thông tư số 06/2007/TT-BXD đã quy định cụ thể).
- Phương án 2: “Công ty A uỷ quyền cho Xí nghiệp B bằng văn bản, sau đó Xí nghiệp B ký hợp đồng với Chủ đầu tư “. Phương án này có thể thực hiện được trên cơ sở Chủ đầu tư xem xét và đồng ý ký hợp đồng với Xí nghiệp B.
- Phương án 3: “Công ty A ký hợp đồng với Chủ đầu tư , sau đó Công ty A có văn bản uỷ quyền cho Xí nghiệp B thực hiện và được Chủ đầu tư đồng ý bằng văn bản”. Trước khi trả lời câu hỏi này cần làm rõ: Xí nghiệp B là đơn vị hạch toán kinh tế độc lập trực thuộc Công ty A, hay Xí nghiệp B là đơn vị hạch toán phụ thuộc Công ty A.
* Trường hợp Xí nghiệp B là đơn vị hạch toán kinh tế độc lập trực thuộc Công ty A: Công ty A phải ký hợp đồng với Xí nghiệp B (nhà thầu phụ) trên cơ sở Chủ đầu tư chấp thuận.
* Trường hợp Xí nghiệp B là đơn vị hạch toán phụ thuộc Công ty A: Việc Công ty A uỷ quyền cho Xí nghiệp B thực hiện (được sự thống nhất của Chủ đầu tư), đó là việc của nội bộ Công ty A, nhà thầu chính phải chịu trách nhiệm với Chủ đầu tư về tiến độ, chất lượng các công việc đã ký kết, kể cả các công việc do nhà thầu phụ thực hiện.
Thông tư số 06/2007/TT-BXD ngày 25/7/2007 của Bộ Xây dựng hướng dẫn hợp đồng trong hoạt động xây dựng đã quy định rõ các nội dung bạn hỏi trên, đề nghị bạn nghiên cứu thêm, có gì thắc mắc xin gửi về Sở Xây dựng để được giải đáp.
Bất kể giải quyết theo phương án nào ở trên thì Xí nghiệp B vẫn phải có đủ các điều kiện theo quy định, và Công ty A vẫn phải chịu trách nhiệm trước Chủ đầu tư và pháp luật về việc giao, uỷ quyền cho Xí nghiệp B thực hiện và thanh quyết toán hợp đồng.
Bộ Xây dựng trả lời về việc Điều chỉnh giá và hợp đồng theo Thông tư số 09/2008/TT-BXD
Hỏi:
"Hiện nay tôi đang lập thủ tục để điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng theo hướng dẫn của Thông tư số 09/2008/TT-BXD. Cụ thể là theo hướng dẫn tại Điểm 8.6 thông tư này. Tuy nhiên, ở đây có vướng mắc là việc chậm tiến độ thi công có phần do lỗi của Nhà thầu.
Vậy trường hợp chậm tiến độ do lỗi của Nhà thầu thì có được điều chỉnh hay không?
Việc giá vật liệu, nhiên liệu biến động lớn có được xem là một lý do khách quan làm chậm tiến độ không? (Do giá tăng cao làm cho nhà thầu khó khăn trong việc huy động vốn để thực hiện công trình)".
Trả lời:
Sau khi nghiên cứu, Vụ Kinh tế Xây dựng có ý kiến như sau:
Việc điều chỉnh giá hợp đồng theo hướng dẫn của Thông tư số 09/2008/TT-BXD và việc phạt chậm tiến độ do Nhà thầu gây nên là 02 việc hoàn toàn khác nhau.
Điều chỉnh giá hợp đồng theo hướng dẫn của Thông tư số 09/2008/TT-BXD là điều chỉnh giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu xây dựng do giá vật liệu xây dựng biến động ngoài khả năng kiểm soát của Chủ đầu tư và nhà thầu đối với hợp đồng trọn gói và hợp đồng theo đơn giá cố định. Việc phạt chậm tiến độ do lỗi của Nhà thầu gây ra thực hiện theo các nội dung qui định trong hợp đồng kinh tế đã ký kết.
Hot: Bộ Xây dựng trả lời về việc thực hiện 02 hợp đồng trên một công trình xây dựng
Hỏi:
“Công ty chúng tôi đã ký hợp đồng tư vấn thiết kế công trình với chủ đầu tư để thực hiện thiết kế, lập hồ sơ mời thầu cho 01 công trình. Nay theo đề nghị của chủ đầu tư Cty có thể ký tiếp hợp đồng thứ hai làm tư vấn quản lý dự án cho Chủ đầu tư được không? (trên cùng 01 công trình). Nếu được thì qui định này thể hiện tại hướng dẫn nào của Bộ Xây dựng. Theo ý kiến của đơn vị tư vấn giám sát, nếu làm tư vấn 02 việc trong 01 dự án thì khi phát hiện và xử lý những sai xót trong khâu thiết kế thì giải quyết thế nào? Còn nếu không được thì phải giải quyết cách nào? Trường hợp đã ký và thực hiện hợp đồng thứ hai chúng tôi có được thanh toán chi phí tư vấn quản lý dự án không?”.
Trả lời:
Sau khi nghiên cứu, Vụ Quản lý Hoạt động XD có ý kiến như sau:
1. Khoản 6, Điều 48 Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2006 của Chính phủ quy định: "Một tổ chức tư vấn được thực hiện một, một số hoặc tất cả các công việc về lập dự án đầu tư xây dựng công trình, quản lý dự án, khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng công trình, giám sát thi công xây dựng công trình nếu có đủ điều kiện năng lực theo quy định của Nghị định này..."
Mặt khác, để bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu, Khoản 2, Điều 3 Nghị định số 58/2008/NĐ-CP ngày 05/5/2008 của Chính phủ quy định như sau: "Nhà thầu tham gia đấu thầu và nhà thầu tư vấn lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu; nhà thầu thực hiện hợp đồng và nhà thầu tư vấn giám sát thực hiện hợp đồng được coi là độc lập với nhau về tổ chức, không cùng phụ thuộc vào một cơ quan quản lý và độc lập với nhau về tài chính theo quy định tại điểm b và c khoản 1 Điều 11 của Luật Đấu thầu..."
Đề nghị chủ đầu tư và đơn vị tư vấn thiết kế, lập hồ sơ mời thầu áp dụng những quy định trên vào trường hợp cụ thể của dự án để quyết định việc ký kết và thực hiện hợp đồng thuê tư vấn quản lý dự án.
2. Trong trường hợp đơn vị tư vấn thiết kế, lập hồ sơ mời thầu có đủ điều kiện để thực hiện hợp đồng làm tư vấn quản lý dự án cho chủ đầu tư, tư vấn quản lý dự án phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ đầu tư về việc thực hiện các cam kết trong hợp đồng.
3. Trường hợp đã ký và thực hiện hợp đồng thứ hai, việc thanh toán trong trường hợp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn phải được thực hiện theo các điều kiện đã ký kết trong hợp đồng./.