Tranh chấp hợp đồng. Phần 1 - Thiết kế và đấu thầu
Vào box tranh chấp hợp đồng thấy hoang vắng quá. Có lẽ ở Việt Nam mình vẫn dựa vào thông lệ chủ yếu là thương lượng hoặc lùi 1 bước để tiến 2 bước. :(( Trong khi đó ở các nước khác có hẳn một đội ngũ chuyên đi đòi tiền phát sinh khi có tranh chấp hợp đồng. Ví dụ khi ở Anh khi xe bị hỏng do lao vào ổ gà, (chưa nói đến ổ trâu) thì cơ quan quản lý đường phải đến cho chủ xe. Báo chí ở Anh có đề cập đến 1 hiện tượng lái xe cố tình lao vào ổ gà cho hỏng xe, rồi sau đó đội ngũ "đòi nợ thuê" sẽ đứng ra xử lý. Người ta (claim specialist) còn đặt hẳn điều kiện chỉ lấy phí khi đòi được tiền. Tất nhiên người ta đòi theo luật.
Mình mở topic này để mọi người bàn luận xem luật của Việt Nam áp dụng thế nào. Topic gồm nhiều phần.
Phần 1 về thiết kế và đấu thầu
Phần 2 về tiến độ, kéo dài thời gian và phạt tiến độ
Phần 3 về thanh toán
Phần 4 về phát sinh (variation) và các chi phí khác (loss and expense)
Phần 5 về thời hạn hoàn thành
Phần 6 về kiện tụng
Các tình huống mình lấy trong quyển 150 Contractual problems. Xin mở đầu bằng tình huống thứ nhất.
1. Bản vẽ nhà thầu đã được tư vấn phê duyệt nhưng sau đó phát hiện ra lỗi, ai sẽ chịu chi phí, nhà thầu hay chủ đầu tư? Nếu chủ đầu tư chịu thì có thể bắt tư vấn bồi thường được không?
Tranh chấp HĐ liên quan đến thiết kế
Trích dẫn:
Gửi bởi
DLSS
Tư vấn phê duyệt bản vẽ trong các trường hợp sau
- Tư vấn lập TK kỹ thuật sau đó nhà thầu lập bản vẽ thi công
- Nhà thầu tự thiết kế và thi công, (Design and Build), bản vẽ thiết kế sẽ do tư vấn duyệt.
Tớ xem NĐ 23/2009 không thấy đề cập đến 2 trường hợp trên. Điều 8 24, trong nghị định liên quan đến việc xử phạt thiết kế không đúng quy định cho chủ đầu tư và tư vấn thiết kế. Chỉ có điều 16 khoản 5 trong nghị định 209 quy định nhà thầu thiết kế phải bồi thường khi thiết kế không phù hợp. Theo bạn tình huống trên sẽ xử lý thế nào?
Theo tôi thì các thông tin bạn nêu chưa đủ kết luận về trách nhiệm và thẩm quyền điều chỉnh trong mọi trường hợp. Một nguyên tắc bất di bất dịch là toàn bộ hồ sơ thiết kế (giai đoạn lập Dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công) đều phải được CĐT phê duyệt.
Các trường hợp bạn nêu trên tôi đoán là bạn đang nói về hợp đồng tổng thầu EPC. Các thủ tục liên quan được quy định khá chi tiết tại Điều 18 NĐ12 và TT số 27/2009/TT-BXD ngày 31/7/2009.
Trong trường hợp nhà thầu tư vấn thiết kế không tuân thủ đúng nội dung, yêu cầu của nhiệm vụ thiết kế được CĐT phê duyệt thì cơ sở pháp lý đầu tiên để "xử phạt" chính là nội dung hợp đồng tư vấn thiết kế đã ký giữa CĐT và nhà thầu thiết kế.
Khi đã giao hồ sơ thiết kế cho nhà thầu thi công mà phát hiện ra các yếu tố bất hợp lý thì CĐT phải xem xét điều chỉnh thiết kế cho phù hợp, chi tiết quy định rõ tại điều 10 của TT số 27/2009/TT-BXD ngày 31/7/2009:
Trích dẫn:
Điều 10. Điều chỉnh thiết kế theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 17 Nghị định 209/2004/NĐ-CP
1. Trong quá trình thi công xây dựng công trình, chủ đầu tư được quyền điều chỉnh thiết kế khi phát hiện thấy những yếu tố bất hợp lý sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công trình, tiến độ thi công xây dựng, biện pháp thi công và hiệu quả đầu tư của dự án.
2. Nhà thầu thiết kế có nghĩa vụ sửa đổi, bổ sung hoặc thay đổi các thiết kế bất hợp lý nếu do lỗi của mình gây ra và có quyền từ chối những yêu cầu điều chỉnh thiết kế bất hợp lý của chủ đầu tư xây dựng công trình. Chủ đầu tư có quyền thuê nhà thầu thiết kế khác thực hiện sửa đổi, bổ sung thay đổi thiết kế trong trường hợp nhà thầu thiết kế ban đầu không thực hiện các việc này. Nhà thầu thiết kế thực hiện sửa đổi, bổ sung thay đổi thiết kế phải chịu trách nhiệm về chất lượng những sửa đổi, bổ sung thay đổi thiết kế này.
3. Trường hợp điều chỉnh thiết kế không làm thay đổi địa điểm, quy hoạch xây dựng, mục tiêu, quy mô hoặc không làm vượt tổng mức đầu tư đã được duyệt của công trình thì chủ đầu tư được quyền tự điều chỉnh thiết kế. Những nội dung điều chỉnh thiết kế phải được thẩm định, phê duyệt lại.
Khái niệm về "phê duyệt" và "triển khai thực hiện" cần phân biệt rõ
Trích dẫn:
Gửi bởi
DLSS
Cám ơn bạn đã tham gia! Các tình huống mình nêu ra để mọi người trao đổi học hỏi lẫn nhau, không phải đánh đố. Do đó nếu bạn hay bạn nào có ý kiến thì góp ý nhé.
Giờ bàn về nguyên tắc bất di bật dịch của bạn. Không phải lúc nào CĐT cũng đủ khả năng phê duyệt bản vẽ. VD bạn định xây 1 ngôi nhà và bạn thuê TVTK. TVTK TK xong và đưa bạn xem, bạn cảm thấy được là bạn gật đầu chứ bạn làm sao biết được kết cấu tòa nhà có đủ chịu lực không.
Vì thế trường hợp mình đề cập ở đây là sau khi TVTK xong TK kỹ thuật rồi và giao cho nhà thầu triển khai bản vẽ thi công, TVTK duyệt bản vẽ thi công nhưng sau đấy phát hiện ra lỗi.
Trường hợp Design and Build là bạn có một số tiền nào đó, bạn định đầu tư xây một khách sạn chẳng hạn. Bạn yêu cầu các nhà thầu thiết kế và thi công trong khoản tiền bạn có. Để kiểm tra thiết kế của nhà thầu thì bạn thuê đơn vị TVTK kiểm tra độc lập. Lỗi cũng chỉ phát hiện ra sau khi TVTK duyệt TK của NT.
Bổ sung thêm trường hợp bạn vừa nêu, CĐT (VD cục giám định của Bộ XD) phê duyệt sau khi TVTK duyệt. Sau này phát hiện ra có lỗi do TK làm công trình bị lún.
Theo bạn các tình huống trên xử lý thế nào?
Theo tôi thì quan niệm về phê duyệt của CĐT ở đây cần được hiểu và làm rõ một cách thấu đáo. Tôi cho rằng cái "gật đầu nếu thấy được" mà bạn nêu ở trên đó chính là phần việc "phê duyệt" hoặc "chấp thuận" của CĐT. Bạn không nên quan niệm rằng CĐT không biết gì thì làm sao dám phê duyệt, bởi lẽ việc phê duyệt chính là thẩm quyền và trách nhiệm của CĐT để khẳng định việc CĐT đã thông qua hồ sơ thiết kế đó và chính là đầu bài/cơ sở để nhà thầu thực hiện.
CĐT ký hợp đồng thiết kế với nhà thầu tư vấn thiết kế, xét trên phương diện các chủ thể của hợp đồng là hoàn toàn độc lập với việc CĐT ký hợp đồng giao thầu hạng mục/công trình đó cho nhà thầu thi công. Đơn vị tư vấn thiết kế được giao nhiệm vụ thiết kế và sau khi hoàn thành phải được CĐT kiểm tra/phê duyệt, tuân thủ đúng trình tự. Sau khi có hồ sơ được duyệt bởi CĐT thì nhà thầu thi công mới được chính CĐT giao hồ sơ để thi công (tư vấn thiết kế khôngcó thẩm quyền giao hồ sơ trực tiếp cho nhà thầu thi công).
Hướng mà bạn đang nói đến vẫn là trường hợp Tổng thầu EPC, không thể đại diện cho tất cả các tình huống đang bàn. Chính bởi CĐT không có chuyên môn thiết kế nên mới phải đi thuê đơn vị tư vấn thiết kế, nhưng CĐT có quyền khẳng định và quyền được nghe các nhà tư vấn trình bày/bảo vệ phương án/lý giải về sản phẩm mà họ hoàn thành theo nhiệm vụ được giao bởi CĐT. Tóm lại là tư vấn phải thuyết phục được CĐT, làm cho CĐT hiểu được như thế nào là hợp lý, là chuẩn mực đối với các sản phẩm nhà tư vấn đem lại cho CĐT.