Trích dẫn:
Cần xác định chính xác tính chất của các hợp đồng trong hoạt động xây dựng
24/07/2008
Pháp luật điều chỉnh về lĩnh vực xây dựng bao gồm Luật Xây dựng, các văn bản hướng dẫn thi hành và các văn bản có liên quan khác. Một trong những lĩnh vực mà pháp luật về xây dựng đề cập đến là lĩnh vực hợp đồng trong hoạt động xây dựng. Tuy nhiên, việc xác định tính chất của các hợp đồng trong hoạt động xây dựng theo văn bản hiện hành chưa thật sự chuẩn xác.
Theo quy định của Thông tư số 06/2007/TT-BXD ngày 25.7.2007 của Bộ Xây dựng hướng dẫn về hợp đồng trong hoạt động xây dựng, thì Hợp đồng trong hoạt động xây dựng là sự thoả thuận bằng văn bản giữa bên giao thầu và bên nhận thầu về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ, nghĩa vụ của các bên để thực hiện một, một số hay toàn bộ công việc trong hoạt động xây dựng. Hợp đồng trong hoạt động xây dựng bao gồm: Hợp đồng tư vấn xây dựng; Hợp đồng cung ứng vật tư, thiết bị xây dựng; Hợp đồng thi công xây dựng; Hợp đồng thiết kế- cung ứng vật tư, thiết bị- thi công xây dựng; Hợp đồng chìa khoá trao tay. Theo quy định, các loại hợp đồng trên được xác định là hợp đồng dân sự. Theo chúng tôi, việc xác định tính chất của hợp đồng trong hoạt động xây dựng là hợp đồng dân sự là chưa chuẩn xác. Bởi, chưa phân biệt được từng chủ thể tham gia quan hệ hợp đồng và mục đích mà các bên hướng tới trong quan hệ hợp đồng để xác định tính chất của hợp đồng là hợp đồng dân sự hay hợp đồng thương mại.
Việc xác định tính chất của hợp đồng là dân sự hay thương mại dựa vào 2 yếu tố: thứ nhất là chủ thể tham gia quan hệ hợp đồng, thứ hai là mục đích của hợp đồng. Chủ thể tham gia quan hệ hợp đồng có thể là cá nhân, tổ chức; trong chủ thể là tổ chức có thể là tổ chức có tư cách pháp nhân hoặc tổ chức không có tư cách pháp nhân; mục đích của các chủ thể hướng tới trong quan hệ hợp đồng có thể là mục đích lợi nhuận hoặc phi lợi nhuận. Dựa vào sự kết hợp của hai yếu tố này có thể xác định hợp đồng là hợp đồng dân sự hay hợp đồng thương mại, để từ đó áp dụng pháp luật về nội dung để điều chỉnh cho phù hợp.
Pháp luật Việt Nam không đưa ra định nghĩa cụ thể về hợp đồng thương mại, mà chỉ đưa ra khái niệm về hợp đồng dân sự, theo đó: Hợp đồng dân sự là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định gián tiếp thế nào là hợp đồng thương mại. Theo quy định của Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán toà án nhân dân tối cao về hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ nhất của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004 thì Toà kinh tế có nhiệm vụ quyền hạn giải quyết tranh chấp và các yêu cầu về kinh doanh, thương mại (tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận); các tranh chấp về kinh doanh, thương mại mà một hoặc các bên không có đăng ký kinh doanh, nhưng đều có mục đích lợi nhuận. Từ việc xác định thẩm quyền của Toà kinh tế trong việc giải quyết các tranh chấp về kinh doanh, thương mại như trên có thể gián tiếp hiểu Hợp đồng về kinh doanh, thương mại phải là một trong hai loại: Thứ nhất, chủ thể đều là các bên có đăng ký kinh doanh, mục đích của các bên là hướng tới lợi nhuận; Thứ hai, một trong các bên hoặc cả hai bên không phải là chủ thể có đăng ký kinh doanh, nhưng cả hai bên đều hướng tới mục đích lợi nhuận.
Nếu rơi vào một trong hai trường hợp nêu trên, thì hợp đồng sẽ được xác định là hợp đồng thương mại, và sẽ do Toà kinh tế giải quyết. Do vậy, việc Thông tư 06/2007/TT-BXD của Bộ Xây dựng xác định hợp đồng trong hoạt động xây dựng là hợp đồng dân sự là chưa bao quát được các trường hợp. Đối chiếu với các quy định hiện hành, thì hợp đồng trong hoạt động dân sự có thể là hợp đồng dân sự, nếu một trong các bên chủ thể không phải là chủ thể có đăng ký kinh doanh, và chỉ một bên hướng tới mục đích lợi nhuận (Ví dụ: Một cơ quan nhà nước ký hợp đồng với một công ty xây dựng về xây dựng nhà làm việc của cơ quan đó, trong trường hợp này tính chất của hợp đồng là hợp đồng dân sự, vì chỉ có bên công ty xây dựng mới hướng tới mục đích lợi nhuận, đồng thời chỉ có công ty xây dựng mới là chủ thể có đăng ký kinh doanh); là hợp đồng thương mại, nếu hai bên đều là chủ thể có đăng ký kinh doanh hoặc một trong hai bên không phải là chủ thể có đăng ký kinh doanh, nhưng cả hai bên đều hướng tới mục đích lợi nhuận (Ví dụ: Công ty xây dựng A ký hợp đồng cung ứng vật tư xây dựng cho công ty xây dựng B, trong trường hợp này cả hai bên đều là chủ thể có đăng ký kinh doanh và mục đích của hai bên đều hướng tới lợi nhuận, do vậy đây là hợp đồng thuộc lĩnh vực kinh doanh, thương mại).
Theo chúng tôi, Bộ Xây dựng cần phải sửa đổi Thông tư 06/2007/TT-BXD phần quy định về tính chất của hợp đồng trong hoạt động xây dựng theo hướng: quy định tính chất của hợp đồng trong hoạt động xây dựng là hợp đồng dân sự hoặc thương mại, bằng cách xác định rõ, cụ thể trường hợp nào được coi là hợp đồng dân sự, trường hợp nào được coi là hợp đồng thương mại. Các trường hợp này, Bộ Xây dựng cần nghiên cứu quy định của pháp luật có liên quan điều chỉnh lĩnh vực hợp đồng, để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật và phù hợp với tính chất của từng loại quan hệ giữa các chủ thể trong hoạt động xây dựng.
Mình thấy hình như trong văn bản mới Chính phủ/Bộ Xây dựng đã sửa sai bằng cách xóa chữ "Hợp đồng xây dựng là hợp đòng dân sự". Kg biết nghị định mới về HĐ xây dựng đã ban hành chưa?