Bài 1: Nhà thuê 5 sao và những cái bẫy ngọt ngào

DutoanGXD

SmartSoftware
Tham gia
7/7/07
Bài viết
830
Điểm thành tích
93
Bài 1: Nhà thuê 5 sao và những cái bẫy ngọt ngào
04-05-2009 11:13:00 GMT +7Theo Trọng Tuyến (VNN)

Sống trong những căn hộ sang trọng ở toà nhà Pacific Place, nhưng nhiều người vẫn có cảm giác đó không phải là nhà mình. (Ảnh: Trọng Tuyến)Những căn hộ sang trọng với mức giá vài ngàn USD/m2 do nước ngoài đầu tư kiểu như tòa nhà Pacific Place (Lý Thường Kiệt, Hà Nội) mọc lên ngày càng nhiều. Bỏ ra hàng trăm ngàn USD để sở hữu 1 căn hộ như vậy nhưng chủ nhân lại chưa biết một điều: hết thời hạn dự án thuê đất của Nhà nước thì mình còn được sở hữu căn hộ đó không?

Hết hồn vì ở… nhà thuê


Sau một thời gian dài kinh tế tăng trưởng cao, việc sở hữu một căn hộ cao cấp đã trở thành nhu cầu của nhiều người. Chuyện có người bỏ ra vài tỷ đồng để mua được một căn hộ ưng ý, sống một cuộc sống tiện nghi, hào nhoáng không còn quá xa lạ.

Mọi việc sẽ không có gì đáng bàn, nếu như sau khi bỏ ra cả núi tiền, khách hàng sẽ được sở hữu vĩnh viễn căn hộ đó và sống một cuộc sống yên ả. Thế nhưng, vì chỉ được sở hữu trong thời hạn nhất định (thường từ 30 - 50 năm), với những điều kiện khắt khe, không ít chủ những căn hộ nhiều sao ấy đang sống trong nơm nớp âu lo.


Chị Đỗ Mỹ Linh, chủ một căn hộ trên tầng 10 tòa nhà Pacific Place (Lý Thường Kiệt, Hà Nội), cho biết, trước khi đặt bút ký thuê nhà, chị đã đọc kỹ tất cả các điều khoản trong hợp đồng và chấp nhận tất cả những điều kiện khắt khe do chủ tòa nhà đặt ra.


Tuy vậy, như nhiều khách hàng khác, chị vẫn mong muốn được sở hữu vĩnh viễn căn hộ đó, nên khi hết hạn thuê, chị sẵn sàng bỏ thêm tiền để đạt được ước vọng trên. Thế nhưng, do hợp đồng chỉ có thời hiệu hơn 30 năm với quá nhiều điều khoản bất lợi, nên chị cũng chỉ dám mong đến khi ấy, người thuê nhà sẽ nhận được sự thông cảm của chủ toà nhà.

Chính vì vậy, thay vì chuyển gia đình đến sống ở Pacific Place, chị chuyển sang cho thuê, mong gỡ lại khoản tiền quá lớn chị đã đầu tư vào thuê căn hộ.


Cũng là chủ một căn hộ trong tòa nhà Pacific Place, nhưng vợ chồng anh Nguyễn Thành Phương và chị Ngô Diệu Linh lại quyết định không cho người nước ngoài thuê mà để sử dụng.


Chị Linh kể, ngày mua nhà, gia đình chị rất phản đối, vì số tiền ấy đủ để mua một miếng đất, hay một căn hộ có quyền sử dụng vĩnh viễn ở những chung cư cao cấp khác. Nhưng chị đã bị thuyết phục vì Pacific Place có quá nhiều ưu điểm.


Chỉ đến khi chuyển đến ở một thời gian, chị mới nhận ra, chị không hề cảm thấy được sống ở trong ngôi nhà của mình theo đúng nghĩa. Bởi chị không được tự do mở cửa nhà, không được để dép trước cửa nhà mình và không được phơi áo quần ngoài ban công (chỗ duy nhất có thể phơi quần áo của gia đình).


Đấy là chưa kể đến việc khi hết hạn thuê theo hợp đồng, với những điều khoản khắt khe, bất lợi, không biết chị có tiếp tục được kéo dài hay cao hơn là được sở hữu vĩnh viễn căn hộ mà chị đã bỏ ra cả đống tiền thuê hay không?


Những cái bẫy ngọt ngào


Làng Việt kiều châu Âu được thiết kế hiện đại, nhưng chủ đầu tư cũng chỉ cho thuê, chứ không bán. (Ảnh: Trọng Tuyến)


Cũng trong tâm trạng lo lắng như chị Linh, anh Nguyễn Trung P, chủ một căn hộ trong khu nhà Pacific Place bức xúc cho biết, khi ký hợp đồng, anh cũng ngỏ ý mong muốn được mua dài hạn, nhưng, chủ toà nhà nói họ chỉ có quyền cho thuê, chứ không được phép bán đứt luôn cho khách.

Tuy nhiên, sau này tìm hiểu thêm một số Nghị định về sở hữu đất đai của Chính phủ, anh mới biết khách hàng hoàn toàn có thể được ký hợp đồng mua vĩnh viễn căn hộ. Anh bức xúc đọc cho chúng tôi nghe những điều khoản trong bản hợp đồng mà theo anh, giống như một “cái bẫy” đã được gài sẵn.


Chẳng hạn tại mục 12.1 có viết: “Trong suốt thời hạn thuê, nếu có sự thay đổi pháp luật hoặc khi có sự giải thích hoặc áp dụng pháp luật cho phép Bên Cho Thuê được bán căn hộ, Bên Cho Thuê sẽ nỗ lực một cách hợp lý (tuy nhiên đây không phải là nghĩa vụ) để xin phép bán căn hộ cho bên thuê”.


Hay: “Bên cho thuê sẽ nỗ lực một cách hợp lý (tuy nhiên đây không phải là nghĩa vụ) để hỗ trợ cho Bên Thuê trong việc nhận giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ…”.


Theo anh P, với điều kiện đã được khoá trong ngoặc đơn, anh cùng những khách hàng khác chắc chắn sẽ phải nếm trái đắng sau khi thời hạn thuê nhà chấm dứt.


Không chỉ tại Pacific Place, anh Nguyễn Văn K, một người vừa mới mua được một căn hộ trong dự án Làng Việt kiều châu Âu tại Mỗ Lao (Hà Đông) - một dự án mới vừa hoàn tất phần móng cho biết, anh cũng phải mua căn hộ theo dạng thuê có thời hạn 50 năm.


Anh K. cho biết thêm, hết 50 năm tức là hết thời hạn hợp đồng, anh cũng chưa biết sẽ phải trả lại chủ đầu tư là công ty TSQ căn hộ trên; Nhà nước sẽ thu hồi hoặc được thuê tiếp hay được sở hữu vĩnh viễn. Tuy nhiên, anh và nhiều người dân có nhu cầu về nhà ở khác vẫn phải chấp nhận điều do chủ đầu tư đặt ra.


Hiện nay, tìm một nơi an cư tốt cho bản thân và gia đình đang trở thành nhu cầu của những người có điều kiện và thu nhập cao. Nắm bắt được nhu cầu này, nhiều chủ đầu tư đã đặt ra những cái bẫy rất ngọt ngào: Thay vì bán căn hộ cho người sử dụng, họ chỉ cho thuê, với những điều kiện khắt khe, rất có lợi cho mình

Nguồn phapluattp.vn
 

DutoanGXD

SmartSoftware
Tham gia
7/7/07
Bài viết
830
Điểm thành tích
93
Bài 2: Vì sao chủ đầu tư không bán căn hộ 5 sao?

Bài 2: Vì sao chủ đầu tư không bán căn hộ 5 sao?
05-05-2009 09:58:36 GMT +7Theo Trọng Tuyến (VNN)
Những khu căn hộ mà chủ đầu tư là công ty 100% vốn nước ngoài thường được thiết kế rất đẹp, trang bị hiện đại. (Ảnh: Trọng Tuyến)Theo quy định về quyền sở hữu đất đai, công dân Việt Nam hoàn toàn đủ điều kiện sở hữu vĩnh viễn những căn hộ, dù đó là thuộc dự án 100% vốn đầu tư nước ngoài, nhưng nhiều người vẫn đang phải thuê nhà có thời hạn với giá cắt cổ.


Chỉ được cho thuê...


Toà nhà Pacific Place tại 83B Lý Thường Kiệt (Hà Nội) có giấy phép đầu tư số 705A/GP ngày 16/8/2001, thuộc quản lý của công ty Ever Fortune 100% vốn đầu tư của Đài Loan. Tòa nhà này được đưa vào sử dụng từ tháng 5/2007.


Trao đổi với chúng tôi, bà Chu Minh Ngọc - Giám đốc toà nhà và bà Nguyễn Hồng Thắm - Giám đốc điều hành khẳng định, chủ đầu tư không được phép bán, mà chỉ được cho thuê có thời hạn và không vượt quá hợp đồng thuê đất mà chủ đầu tư đã thuê của Nhà nước.


Theo bà Ngọc, công ty Ever Fortune là một doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, được thành lập tại Việt Nam nên đương nhiên phải hoạt động theo pháp luật Việt Nam. Vì giấy phép thuê chỉ đến năm 2043, nên công ty bắt buộc phải hoạt động theo hợp đồng. Và những người thuê nhà chấp nhận bỏ ra khoản tiền rất lớn, nghĩa là họ đã nghiên cứu và đều biết.


Tuy nhiên, từ năm 2004, Nghị định 181 của Chính phủ về thi hành luật đất đai đã đề cập đến việc các chủ đầu tư nước ngoài được quyền bán căn hộ cho người sử dụng, với điều kiện chủ đầu tư phải đóng một khoản chênh lệch cho Nhà nước tại thời điểm bán nhà (Khoản 2, điều 81).


Đến năm 2007, Nghị định 84 của Chính phủ tiếp tục mở rộng, tạo sự bình đẳng cho nhà đầu tư nước ngoài trước các nhà đầu tư trong nước trong hoạt động kinh doanh bất động sản. Và dĩ nhiên, quyền sử dụng căn hộ lâu dài của nhà đầu tư trong các dự án nhà ở này vẫn được thừa nhận.


Tại khoản 1 và 2, điều 32 của Nghị định này có nêu: “1.Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài (nhà đầu tư nước ngoài) được Nhà nước cho thuê đất dưới hình thức nộp tiền thuê đất một lần hoặc tham gia đấu giá đất do Nhà nước tổ chức đối với đất dự án xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê.


Số tiền thuê đất phải nộp một lần để được sử dụng đất trong trường hợp này được tính bằng với số tiền sử dụng đất phải nộp như trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với đất ở hoặc theo giá đất trúng đấu giá.


Thời hạn thuê đất trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này là bảy mươi (70) năm và nếu có nhu cầu thì được gia hạn sử dụng nhiều lần, mỗi lần không quá bảy mươi (70) năm; nhà đầu tư nước ngoài không phải nộp tiền thuê đất cho thời gian được gia hạn.


Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài bán nhà ở thuộc dự án xây dựng, kinh doanh nhà ở thì người mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở được sử dụng đất ổn định lâu dài và không phải nộp khoản tiền chênh lệch giữa đất thuê và đất sử dụng ổn định lâu dài”.


Bán sẽ lãi ít hơn


Theo ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, pháp luật chỉ hạn chế việc ghi (50 hay 70 năm – PV), vì hết thời hạn thuê trong hợp đồng, họ đương nhiên được ký gia hạn tiếp. Còn hợp đồng của nhà đầu tư và người sử dụng thì hoàn toàn được quyền ghi vô thời hạn.



Khu đô thị Làng Việt kiều châu Âu tại Mỗ Lao - Hà Đông. (Ảnh: Trọng Tuyến)




Như vậy, nếu căn cứ vào điều này, thì chủ đầu tư các dự án 100% vốn nước ngoài như đang cho thuê căn hộ đầu tư tại Việt Nam như Pacific Place, đều hiểu rất rõ luật pháp Việt Nam. Thêm vào đó, họ cũng không dại gì đầu tư rất nhiều tiền để rồi chỉ hoạt động đến hết hạn hợp đồng thì trả lại quyền sử dụng cho Nhà nước (trong khi họ được quyền gia hạn).


Việc họ cố giải thích với nhà đầu tư trong nước về việc họ chỉ được phép cho thuê (vì trên hợp đồng có quy định ghi thời hạn thuê đất của họ) đã giúp họ đạt được nhiều mục đích khác nhau.


Thứ nhất, nếu bán, họ sẽ phải đóng một khoản tiền chênh lệch lớn cho Nhà nước, trong khi không thu được bất kỳ khoản lợi nào sau đó. Ngược lại, nếu cho thuê, họ vừa trốn được việc đóng khoản tiền chênh lệch và khi hết thời hạn thuê căn hộ, họ có quyền thu lại căn hộ và cho người khác thuê hoặc bán lại.


Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện ở Hà Nội, nhiều dự án căn hộ cao cấp mà chủ đầu tư là các công ty nước ngoài cũng đang dựa vào hợp đồng có ghi thời hạn, và các nhà đầu tư hoặc người có nhu cầu vẫn chấp thuận việc bỏ hàng trăm ngàn USD để thuê ở có thời hạn, trong khi họ có quyền bán và nhà đầu tư trong nước hoàn toàn có quyền sở hữu vĩnh viễn những căn hộ trên.


Vì vậy, việc đưa ra điều kiện duy nhất là thuê có thời hạn của các chủ đầu tư nước ngoài chắc chắn có những lý do khác ngoài pháp luật mà một trong những vấn đề quan trọng nhất là lợi nhuận của họ.

Nguồn phapluattp.vn
 

DutoanGXD

SmartSoftware
Tham gia
7/7/07
Bài viết
830
Điểm thành tích
93
Bài 3: Chắc chắn họ sẽ bị đuổi ra khỏi nhà

Bài 3: "Chắc chắn họ sẽ bị đuổi ra khỏi nhà"
06-05-2009 09:02:50 GMT +7Theo Trọng Tuyến (VNN)

Bỏ ra cả núi tiền, nhưng hết hợp đồng, những chủ căn hộ có bị đuổi ra khỏi nhà hay không? Từ 2004, nghị định của Chính phủ đã ghi rõ chủ đầu tư căn hộ nước ngoài được quyền bán và người sử dụng có quyền sở hữu lâu dài. Nếu người sử dụng vẫn chấp nhận thỏa thuận thuê có thời hạn thì phải tự gánh chịu những rủi ro pháp lý sau này. Ý kiến của ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Thưa ông, hiện nay rất nhiều dự án khu căn hộ mà chủ đầu tư là một tổ chức, công ty 100% vốn nước ngoài. Việc chủ đầu tư nói họ không được phép bán, mà chỉ được cho thuê căn hộ, là đúng hay sai?


Ông Đặng Hùng Võ: Về nguyên tắc, trước đây (trước Luật Đất đai 2003) nhà đầu tư nước ngoài chưa được chính thức kinh doanh xây dựng các dự án nhà ở.


Thời điểm ấy, Chính phủ mới cho thí điểm, cụ thể ở đây là dự án khu đô thị Phú Mỹ Hưng, nhưng thí điểm thì họ vẫn được quyền bán.


Đến năm 2004, Nghị định 181 quy định rất cụ thể: Nhà đầu tư nước ngoài vào kinh doanh các dự án về nhà ở.


Họ thuê đất của Nhà nước, sau đấy họ được quyền bán nhà gắn với đất cho người có nhu cầu mua và người mua có quyền sử dụng nhà ở như đất ở lâu dài. Sau khi bán, họ phải nộp tiền chênh lệch cho Nhà nước.


Đến năm 2007, Nghị định 84 sửa đổi, quy định việc thuê đất có thời hạn, nhưng hết thời hạn đương nhiên được kéo dài.


Tuy nhiên, pháp luật chỉ hạn chế việc ghi đó (ghi 50 năm hay 70 năm trên hợp đồng) với nhà đầu tư nước ngoài. Còn hợp đồng của nhà đầu tư nước ngoài với người sử dụng được phép ghi vô thời hạn.


Bút sa gà chết


- Nếu như pháp luật đã quy định việc chủ đầu tư được quyền bán căn hộ mà họ thuyết phục được người mua thuê, thì đó là thỏa thuận giữa hai bên, pháp luật không thể can thiệp?


Ông Đặng Hùng Võ: Điều đó là đương nhiên. Nếu pháp luật đã cho phép nhà đầu tư trong nước (những người đủ điều kiện được sở hữu nhà đất) được phép mua, được quyền sở hữu mà họ lại đi thuê thì đó là do thỏa thuận của người ta.


Việc người ta thuê hay mua mấy nghìn đôla một mét vuông, trong bao nhiêu năm là do người ta thỏa thuận. Nhưng tôi khẳng định, nếu bán thì họ sẽ phải tính giá khác, sẽ cao hơn rất nhiều giá họ cho thuê. Cụ thể là cao hơn bao nhiêu thì tôi không rõ.


Còn ở tình huống này xảy ra hai trường hợp: Thứ nhất, trong khi khách hàng họ có quyền mua, nhưng họ đã không mua mà chỉ là thoả thuận thuê thôi. Thứ hai, vì nhà đầu tư bảo, họ chỉ cho thuê chứ không bán. Và như thế thì đó là câu chuyện hai bên, pháp luật không hạn chế gì.


- Trong thực tế, nhiều chủ đầu tư dù biết mình được quyền bán căn hộ song họ vẫn bằng cách này hay cách khác khẳng định họ chỉ được phép cho thuê (vì trong hợp đồng của chủ đầu tư vẫn ghi có thời hạn). Và đó có vẻ là họ có ý đồ gì đó với người mua nhà trong nước, chẳng hạn như nếu bán vĩnh viễn thì giá căn hộ sẽ cao hơn, khó bán và đương nhiên chủ đầu tư không thu được lãi cao?


Ông Đặng Hùng Võ: Cho dù thực tế có chuyện đó thật, thì cái lỗi lớn, theo tôi vẫn thuộc về người mua nhà của ta. Tôi khẳng định những người mua nhà là những người có tiền, vì thế tôi không bênh gì các trường hợp “ký nhầm” này.


Trong khi luật pháp đã rõ ràng như thế, anh có tiền, lẽ ra anh phải tiếp cận pháp luật tốt hơn, thậm chí có thể thuê luật sư để tư vấn thì tại sao anh không làm. Nhưng mình đã ký thì mình phải chịu thôi.


Bút sa gà chết. Nếu có những rủi ro sau này thì chỉ có thể xử lý dân sự thôi. Vì thế, điều quan trọng là những điều khoản trong hợp đồng ấy như thế nào, bởi hợp đồng sẽ chi phối tất cả mọi việc.


Nhà đầu tư có thủ thuật


- Lại nói về vấn đề hợp đồng. Đã có chủ căn hộ trong Pacific Place sau khi đọc kỹ những điều khoản trong hợp đồng than rằng, viết như thế chẳng khác nào họ giăng bẫy khách hàng?


Ông Đặng Hùng Võ (sau khi xem bản hợp đồng của Pacifice Place ký với khách hàng): Hợp đồng viết thế này thì chẳng đúng pháp luật tý nào. Từ năm 2004, nghị định của Chính phủ về thi hành luật đất đai đã quy định rõ ràng là nhà đầu tư nước ngoài dù thuê đất nhưng được quyền bán vĩnh viễn.


Cho dù hợp đồng của họ có ký từ năm 2001, thời điểm luật chưa cho phép chủ đầu tư nước ngoài quyền được bán căn hộ, nhưng đến năm 2007, nghĩa là qua năm 2004, họ hoàn toàn có quyền điều chỉnh và bán căn hộ theo Nghị định 181.


Còn viết như thế này, cũng có nghĩa họ giải thích: Thôi thì tôi đang đi thuê thì phải cho ông thuê, nếu pháp luật thay đổi thì ta cùng nhau giải quyết. Ở đây họ có nhắc đến sự thay đổi, song những cam kết khi nào thay đổi và nghĩa vụ của chủ đầu tư như thế nào thì không được nhắc đến.


Vì thế tôi cho rằng, nhà đầu tư họ có thủ thuật ở đây. Tuy nhiên, một lần nữa tôi vẫn khẳng định khuyết điểm vẫn thuộc về những đối tượng đi ký hợp đồng thuê nhà kia, vì pháp luật đã rành rành ra thế rồi. Nó cụ thể, rõ ràng rồi, vậy sao phải chấp nhận điều vô lý ấy. Vì lúc này họ được quyền mua vĩnh viễn rồi cơ mà.


Chắc chắn họ sẽ bị đuổi


- Đọc xong tất cả các điều khoản trong bản hợp đồng này, ông có dự báo gì về những tranh chấp pháp lý có thể xảy ra giữa chủ tòa nhà và chủ căn hộ đi thuê khi đáo hạn hợp đồng?


Ông Đặng Hùng Võ: Tôi cho rằng, nếu viết như thế thì anh đi ký hợp đồng là thua rồi. Tôi chắc chắn tương lai, khi hết hạn thuê thì họ đuổi mấy ông này đi là cái chắc, không thể có chuyện họ lại mời ông ở lại tiếp được. Đã đồng ý ký với nhau như thế rồi thì làm sao có thể hy vọng một điều khác được.


Pháp luật dân sự cũng không thể bảo vệ chuyện ấy được. Vấn đề bây giờ là chúng ta chỉ chờ vào cái tâm và cái tình của nhà đầu tư là chủ toà nhà thôi. Nhưng tôi cho rằng, điều này khó xảy ra, vì trong nhiều điều khoản có ghi “tuy nhiên đây không phải là nghĩa vụ”, có nghĩa họ tỉnh táo và đã tính lợi từ trước đó.


Nghĩa là cái tâm của họ đã hướng lợi rồi, chứ không hướng tới nhân bản. Điều đó cũng chứng tỏ, họ có đủ tư vấn pháp luật để xử lý như thế nào có thể mang lợi nhất cho họ. Mà như thế thì luật pháp ở ta cũng không thể nào can thiệp được.


Tôi nghĩ, một số chủ đầu tư các công trình tiếp theo, họ cũng sẽ giải thích vì họ thuê đất có thời hạn của Nhà nước nên họ chỉ cho thuê mà không được bán. Nếu họ bán, họ phải nộp tiền chênh lệch cho Nhà nước. Còn nếu cho thuê thì họ không phải đóng khoản chênh lệch này.


Tôi nghĩ, nhà đầu tư nước ngoài cũng đủ tỉnh táo. Họ đã lừa, hay nói cách khác, họ đã thỏa thuận được với khách hàng chỉ cho thuê thôi.


Như thế, họ tránh không phải nộp tiền chênh lệch cho Nhà nước, mà sau này hết hạn hợp đồng thuê, họ hoàn toàn có thể thu lại nhà. Và như thế thì việc một số người vẫn nghĩ rằng, sau khi hết hợp đồng, họ sẽ bán lại hay kéo dài hợp đồng cho mình, nghe lãng mạn quá!


- Như trên đã nói, tất cả dự án căn hộ chủ đầu tư là công ty 100% vốn nước ngoài, đều là hợp đồng thuê có thời hạn. Vậy đặt tình huống, khi hết hạn hợp đồng, họ trả lại đất và nhà cho Nhà nước thì việc xử lý với những chủ thuê căn hộ ở đây sẽ như thế nào?


Ông Đặng Hùng Võ: Nếu hết hợp đồng, chủ đầu tư trả lại thật, thì quan trọng vẫn là hợp đồng giữa người thuê căn hộ và chủ tòa nhà đã ký với nhau. Đó chính là cơ sở pháp lý. Nếu hợp đồng đã ký có thời hạn, thì Nhà nước cũng không thể kéo dài hợp đồng của họ thành vô thời hạn được.


Tuy nhiên, điều đó cũng tùy ứng xử của chủ đầu tư khi họ ra đi như thế nào. Nếu có trách nhiệm với người thuê, thì họ phải xử lý từng trường hợp thuê nhà. Còn nếu họ lẳng lặng bỏ đi thì Nhà nước sẽ xử lý như một doanh nghiệp phá sản.


Dù vậy, người thuê nhà, về lý, chưa chắc họ đã được gì tiếp theo vì họ đã hết hạn thuê rồi. Ngay cả việc gia hạn hợp đồng thuê nhà, nó cũng chưa chắc được kéo dài. Bởi không có nghị định, quy định nào nói anh sẽ được ký thuê nhà tiếp khi hoàn cảnh này xảy ra. Vì thế, nếu trường hợp này xảy ra thật, thì việc ứng xử sẽ lại bắt đầu từ đầu, như ứng xử giữa người chủ mới và những khách hàng mới.

- Xin cảm ơn ông!

Nguồn phapluattp.vn
 

0903403999

Thành viên mới
Tham gia
28/7/08
Bài viết
3
Điểm thành tích
1
tặng các bạn tấm ảnh chụp từ 2002 , đứng từ tháp HN nhìn sang , chỉ thấy Guoman (Movenpick) , chưa có pacific



sieuthiNHANH2009122836153nme4nzkxn2267182.jpeg
 

File đính kèm

  • Tuan1117.jpg
    Tuan1117.jpg
    260,9 KB · Đọc: 177
Last edited by a moderator:

Tải bộ cài phần mềm Dự toán GXD, Đấu thầu GXD, Thanh Quyết toán GXD, Quản lý chất lượng GXD. Dành cho người mua bản quyền
Kích để xem khóa học Dự toán công trình
Kích để xem khóa học Dự toán công trình
Phần mềm quản lý chất lượng công trình QLCL GXD
Tìm hiểu khóa học Thanh Quyết toán GXD

Các bài viết mới

Top