Bài báo viết về "Quy hoạch đô thị: Đừng tạo sức nén cho khu trung tâm"

langduca

Thành viên gần đạt hạng rất tuyệt vời
Tham gia
12/12/07
Bài viết
977
Điểm thành tích
63
"Việt Nam thiếu do chính sách chứ không thiếu đất để phát triển đô thị. Chính sách phát triển riêng khu trung tâm đẩy giá nhà đất lên cao, tập trung áp lực giao thông, gây nên ùn tắc..."

gtdthcm12112008.jpg

Sáng sáng dòng xe từ ngoại thành nối đuôi nhau vào trung tâm, chiều thì ngược lại

Trên đây là ý kiến của diễn giả Wendell Cox- Giám đốc Văn phòng tư vấn chính sách công Wendell Cox (Mỹ) đem đến hội thảo COTADU XIII vừa khai mạc tại TPHCM.

Ông Weldell Cox cũng mang đến hội thảo một thông điệp tuy cũ nhưng hết sức thời sự: Đừng tạo sức nén cho khu trung tâm.

Hiện nay, các chuyên gia giao thông luôn than phiền là chúng ta thiếu diện tích đường xá, xe cá nhân tăng quá nhanh tạo nên áp lực giao thông quá lớn và đề xuất nhiều giải pháp kỹ thuật như: xây dựng hệ thống giao thông hiện đại (metro, monorail, đường trên cao…), giải tỏa chỉnh trang đô thị để mở rộng đường xá, hạn chế xe cá nhân…

Tuy nhiên, ý tưởng hạn chế xe cá nhân được đề xuất suốt 2 năm qua đụng phải lợi ích của một bộ phận quá đông dân cư TPHCM và hoàn toàn không thích hợp với điều kiện hiện nay, khi mà hệ thống giao thông công cộng còn quá yếu kém.

Việc mở rộng đường xá hầu như không thể do chi phí đền bù giải tỏa quá cao. Ví dụ như dự án mở rộng đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa tổng chi 800 tỷ thì có đến 600 tỷ là tiền đến bù, dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám – Vạn Kiếp tổng chi 176 tỷ thì hết 155 tỷ là để giải phóng mặt bằng… Còn biện pháp xây dựng hệ thống giao thông hiện đại quá tốn kém, chỉ tuyến Metro số 1 đã được duyệt cũng ngốn hơn 1 tỷ USD.

Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế lại đưa ra các dự báo kinh tế, thăm dò thị trường đánh giá: chúng ta thiếu tất cả; từ nhà ở, văn phòng cao cấp cho đến nhà hàng, khách sạn và các diện tích dịch vụ khác. Từ đó, các tòa nhà cao tầng liên tục được cho phép xây dựng trong khu trung tâm thời gian gần đây. Chính điều này làm tăng mật độ lưu thông, làm tình trạng ùn tắc giao thông càng tồi tệ hơn.

Ông Wendell Cox cho rằng: Việt Nam thiếu do chính sách chứ không thiếu đất để phát triển đô thị. Chính sách phát triển riêng khu trung tâm đẩy giá nhà đất lên cao, tập trung áp lực giao thông, gây nên ùn tắc. Nếu phát triển đô thị hài hòa giữa vùng ven và vùng trung tâm, giữa quy hoạch dân cư và quy hoạch giao thông thì sẽ tận dụng được ưu thế đất rẻ, phát huy được lợi ích đất rộng tại các vùng ngoại thành.

Vấn đề là phải phát triển đô thị vệ tinh một cách hợp lý, nếu không sẽ tạo nên những tuyến giao thông mới, tạo thêm nhu cầu di chuyển mới không cần thiết.

Vì có nhiều khu đô thị phát triển chỉ để đáp ứng nhu cầu nhà ở, tạo thêm tuyến di chuyển từ khu nhà ở sang khu trung tâm để làm việc, tạo thêm áp lực giao thông trong giờ cao điểm hàng ngày.

Do vậy, theo ông thì chỉ cần chính sách tốt, quy hoạch hợp lý, vấn đề giao thông sẽ được giải quyết. Bất kỳ một đô thị đang phát triển nào thì vấn đề dãn dân, mở rộng đô thị ra khu ngoại vi, chuyển dịch các cơ sở kinh tế cùng với khu nhà ở một cách hợp lý, đồng bộ là một giải pháp tối ưu. Nó rẻ và bền vững hơn việc đầu tư phát triển các hệ thống giao thông hiện đại.

Và ông kết luận: “Không nên chỉ dồn tất cả vào khu trung tâm, từ các ngành kinh tế trọng yếu đến hệ thống giao thông quy mô và hiện đại… Tất cả chỉ tạo sức nén cho khu trung tâm. Vừa tốn kém lại ít hiệu quả, mang lại nguy cơ mất cân bằng cho tương lai. Nếu chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt, chúng ta sẽ phải bỏ tiền ra để giải quyết hậu quả lâu dài”.

Theo dantri.com.vn
 
Last edited by a moderator:

Top