Một số thắc mắc theo thông tư 05 và NĐ 99
Câu 1: Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 15 NĐ 99/CP thì giá vật liệu xây dựng xác định trên cơ sở giá thị trường do tổ chức có chức năng cung cấp vậy “tổ chức có chức năng” là tổ chức nào? Liên Sở Tài chính - Xây dựng có thực hiện thông báo giá như quy định tại điểm 2.2.4 Phần III của Thông tư số 05/2007/TT-BXD hay không? (2.2.4 Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng căn cứ vào hướng dẫn của Thông tư này và tình hình cụ thể của địa phương để công bố hệ thống đơn giá xây dựng, giá ca máy và thiết bị thi công xây dựng, giá vật liệu,... để tham khảo trong quá trình xác định giá xây dựng công trình.)
Trả lời câu 1: Ngoài những tổ chức được nêu cụ thể tại tại điểm a.2.2 mục 2 phần II của Thông tư số 05/2007/TT-BXD ngày 25/7/2007 của Bộ Xây dựng hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình, “Tổ chức có chức năng” được hiểu là những “tổ chức” được cấp có thẩm quyền giao chức năng ban hành, công bố hoặc thông báo về giá vật liệu xây dựng của địa phương, của toàn quốc hoặc khu vực nơi xây dựng công trình (như Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Liên sở xây dựng - Tài chính, các tổ chức định giá sản phẩm, các trung tâm kiểm soát giá cả thị trường của Bộ Thương mại, Bộ tài chính, Bộ xây dựng...). Việc Liên sở Tài chính - Xây dựng có tiếp tục ban hành thông báo giá vật liệu xây dựng tại địa phương hay không là do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
Câu 2: Về chi phí quản lý dự án đối với dự án có nhiều loại công trình: Theo CV 1751: Định mức chi phí quản lý dự án được tính bằng tỷ lệ % của chi phí xây dựng và chi phí thiết bị chưa thuế trong tổng mức đầu tư xây dựng công trình được duyệt. Như vậy đối với từng dự toán công trình thì chi phí quản lý dự án sẽ được tính như thế nào? Nếu tính như hai cách sau thì cách nào đúng? Ví dụ: Dự án đầu tư xây dựng công trình nhà máy sản xuất các sản phẩm may trong đó có công trình chính nhà xưởng sản xuất (công trình công nghiệp), công trình phụ là nhà làm việc, nhà để xe, cổng hàng rào (công trình dân dụng), bờ kè bảo vệ bờ sông (công trình thủy lợi)...với tổng mức đầu tư là 25 tỷ (trong đó chi phí xây dựng và chi phí thiết bị chưa có thuế GTGT là 20tỷ).
Cách 1. Căn cứ chi phí xây dựng và chi phí thiết bị chưa có thuế GTGT trong tổng mức đầu tư là 20 tỷ để xác định được định mức chi phí quản lý dự án khi lập dự toán công trình đối với từng loại công trình trong dự án gồm:
* Công trình công nghiệp: 1,96 %
* Công trình dân dụng: 1,862 %
* Công trình thủy lợi: 1,764 %
Cách 2. Căn cứ chi phí xây dựng và chi phí thiết bị chưa có thuế GTGT trong tổng mức đầu tư là 20 tỷ và công trình chính của dự án là công trình công nghiệp xác định được định mức chi phí quản lý dự án là 1.96% và sử dụng định mức chi phí này để tính cho các công trình phụ công trình dân dụng, công trình thủy lợi.
Trả lời câu 2: Về chi phí quản lý dự án đối với dự án có nhiều loại công trình: ở giai đoạn lập dự án, chi phí quản lý dự án được ước tính như hướng dẫn tại điểm 1.4 - phụ lục số 1 của Thông tư 05/2007/TT-BXD. Ở giai đoạn thực hiện dự án, chi phí quản lý dự án được tính trong dự toán từng công trình. Tuy nhiên, đối với ví dụ của người hỏi thì dự án này chỉ có 1 loại công trình đó là công trình công nghiệp. Do vậy chi phí quản lý dự án được tính như cách thứ 2 là đúng.
Câu 3: Cách xác định GDP2 trong tổng mức đầu tư và trong dự toán xây dựng:
- Theo quy định tại Mục I.1.5 Phụ lục 1 Thông tư 05/2007/TT-BXD:thì để tính được chi phí dự phòng GDP2 phải căn cứ vào chỉ số giá xây dựng bình quân IXDbq (việc hướng dẫn cách tính IXDbq rất khó hiểu) nhưng không thể hiện được độ dài thời gian xây dựng công trình trong công thức tính. Đề nghị cho ví dụ trong trường hợp công trình công nghiệp có độ dài xây dựng là 4 năm.
- Trong khi theo quy định tại Mục 6 Phụ lục số 2 việc xác định GDP2 thì theo chỉ số giá xây dựng của từng loại công trình xây dựng, khu vực và độ dài xây dựng. Như vậy hai cách tính có giống nhau không?
Trả lời câu 3: Cách xác định GDP2 trong tổng mức đầu tư và dự toán xây dựng công trình theo quy định tại mục 1.5 phần I của Phụ lục số 1 của Thông tư 05/2007/TT-BXD. Theo công thức tính GDP2 trong văn bản này thì đúng là còn thiếu thông số về độ dài thời gian xây dựng công trình. Bộ sẽ có văn bản hiệu chỉnh trong thời gian tới.
Câu 4: Đối với công trình san lấp mặt bằng riêng biệt được lập dự án hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật:
+ Xác định là loại công trình nào để tính các chi phí đi theo? Hiện địa phương đang hướng dẫn là loại công trình hạ tầng kỹ thuật.
+ Chi phí lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật, lập dự án đối với loại này sẽ được tính như thế nào? Hiện Công văn 1751/BXD chỉ hướng dẫn chi phí tư vấn thiết kế san lấp mặt bằng đối với thiết kế 2 hoặc 3 bước bằng 0,4 chi phí thiết kế công trình giao thông”. Sau khi nghiên cứu, Vụ Kinh tế Tài chính có ý kiến như sau:
Trả lời câu 4: Công tác san nền có thể được thực hiện riêng nhằm tạo mặt bằng xây dựng một công trình. Tuy nhiên san nền luôn là một công việc thuộc một dự án nào đó, không thể là công trình riêng biệt. Bởi vậy, san nền để xây dựng công trình nào, thì khi tính chi phí lập dự án, chi phí lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, chi phí tư vấn, chi phí chung, thu nhập chịu thuế tính trước... các công trình cần áp dụng các chế độ chính sách cho loại công trình đó. Riêng chi phí thiết kế được tính như quy định tại điểm 3.3.3 mục 3.3 phần 3 của Định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng công bố tại văn bản số 1751/BXD-VP ngày 14/8/2007 của Bộ xây dựng.
Vụ Kinh tế Tài chính