Chắc phải để mọi người bắt nhịp kịp thì cần phải có một số thông tin nhận xét. Từ bản dự toán của bạn, không có thuyết minh, tôi đọc ra các thông tin sau:
- Đây là dự toán chi phí xây dựng công trình cầu.
- Cầu vượt qua sông Hồng, bờ Bắc là Hưng Yên, bờ Nam là Hà Nam (liên quan đến việc phải tính 2 bảng giá theo mặt bằng giá tại 2 địa phương và phân chia khối lượng 2 đầu cầu).
- Cầu gồm hệ thống cầu chính và cầu dẫn:
+ Cầu chính sử dụng giải pháp kết cấu Dầm hộp BTCT ứng suất trước (UST), chiều dài L = 150m
+ Cầu dẫn sử dụng giải pháp kết cấu Dầm Super-T BTCT DƯL - L = 40m
+ Chiều dài toàn cầu: LTC = 2174,40m
+ Chiều rộng cầu: B = 22,50m
+ Sơ đồ nhịp: 39.15 + 23x40 + 95 + 3x150 + 95 + 13x40 + 39.15 (m), tức là có 2 nhịp dài 39,15m, 23 nhịp dài 40m phía bờ Bắc, 2 nhịp dài 95m, 3 nhịp dài 150m, 13 nhịp dài 40m phía bờ Nam (!?).
- Bảng khối lượng của công trình thường được phòng kỹ thuật cung cấp hoặc sử dụng các bảng thống kê từ bản vẽ, người lập dự toán cũng có thể tính toán khối lượng được, nhưng đa phần lập dự toán những công trình lớn như này người lập dự toán chỉ áp giá.
- Phần khối lượng phân chia phía Hưng Yên sẽ áp đơn giá Hưng Yên, sử dụng giá vật liệu, nhân công, giá ca máy của Hưng Yên để chiết tính đơn giá công trình.
- Phần khối lượng phân chia phía Hà Nam sẽ áp đơn giá Hà Nam, sử dụng giá vật liệu, nhân công, giá ca máy của Hà Nam để chiết tính đơn giá công trình.
- Đơn giá được sử dụng trong file dự toán trên gồm 2 loại đơn giá chi tiết và đơn giá tổng hợp. Đơn giá tổng hợp được tính cho các cấu kiện ví dụ như: Dầm hộp liên tục đúc trên đà giáo, Dầm I 33, Dầm I 25... Trong dự toán chỉ việc lấy khối lượng số dầm và áp giá tổng hợp của 1 dầm.
- Hầu hết các đơn giá được chiết tính áp dụng định mức 1776, một số công tác vận dụng ví dụ: Sản xuất vòm giằng, Sản xuất thép vành vòm...
- Để chiết tính đơn giá người lập dự toán đã có các bảng vật liệu để nhập giá vật liệu, bảng nhân công để tính giá nhân công và bảng máy thi công để tính giá ca máy.
- Giá vật liệu đến chân công trình phía Hà Nam được tính bình quân giá tại các huyện Thanh Liêm, Lý Nhân, Bình Lục theo Thông báo giá VLXD số 05/2010/TB-LS ngày 27/05/2010 của liên sở TC-XD tỉnh Hà Nam.
- Giá vật liệu đến chân công trình phía Hưng Yên được tính bình quân giá tại TP Hưng Yên, Tiên Lữ, Kim Động, Ân Thi, Khoái Châu, Yên Mỹ theo Thông báo giá VLXD số I/CBLN ngày 19/01/2010 của liên sở TC-XD tỉnh Hưng Yên.
- Giá nhân công phía Hà Nam tính theo mức lương tối thiểu là 1.400.000đ/th, phía Hưng Yên là 1.780.000đ/th, PCLĐ=20%, không ổn định SX 10%, LP 12%, K 4%. Tính cho 2 nhóm II và III. Nhân công nhóm II chắc sử dụng cho phần đường dẫn và giá ca máy, nhân công nhóm III sử dụng cho thi công cầu.
- Giá ca máy được tính dựa trên cơ sở bù chi phí nhiên liệu, năng lượng và tiền lương thợ điều khiển máy cho các bảng giá ca máy của Hà Nam và Hưng Yên đã ban hành (công bố) năm 2006 (bù giá ca máy đơn giản).
- Phần phụ lục vữa có nhiều cấp phối không có trong định mức 1776 phải lấy cấp phối bên ngoài.
- Bản dự toán được lập khá tốt (sơ bộ). Có vẻ để trả lời câu hỏi đã phản ánh đúng biện pháp thi công chưa thì phải được đọc thuyết minh biện pháp thi công chủ đạo. Nếu không thì phải có nhiều kinh nghiệm thi công cầu rồi, những người mới e là khó.