Điều 41 - NĐ108 Điều 41. Nội dung Giấy chứng nhận đầu tư
1. Mẫu Giấy chứng nhận đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định áp dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
2. Giấy chứng nhận đầu tư bao gồm những nội dung chủ yếu sau:
a) Tên, địa chỉ của nhà đầu tư;
b) Địa điểm thực hiện dự án đầu tư; nhu cầu diện tích đất sử dụng;
c) Mục tiêu, quy mô dự án đầu tư;
d) Tổng vốn đầu tư;
đ) Thời hạn thực hiện dự án;
e) Tiến độ thực hiện dự án đầu tư;
g) Xác nhận các ưu đãi và hỗ trợ đầu tư (nếu có)
Như vậy, Giấy chứng nhận đầu tư được cấp cho một dự án cụ thể với Chủ đầu tư cụ thể.
Điều 49 – NĐ108 Về quy trình cấp giấy chứng nhận đầu tư
Điều 49. Quy trình thẩm tra dự án đầu tư thuộc diện thẩm tra cấp Giấy chứng nhận đầu tư
1. Nhà đầu tư nộp cho Sở Kế hoạch và Đầu tư 8 bộ hồ sơ dự án đầu tư, trong đó có 1 bộ hồ sơ gốc đối với dự án do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư; nộp cho Ban Quản lý 4 bộ hồ sơ dự án đầu tư, trong đó có 1 bộ hồ sơ gốc đối với dự án do Ban Quản lý cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
2. Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án đầu tư, cơ quan tiếp nhận hồ sơ kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và gửi hồ sơ lấy ý kiến thẩm tra của sở, ngành liên quan; trường hợp cần thiết thì gửi hồ sơ lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư biết để sửa đổi, bổ sung hồ sơ.
3. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án đầu tư, cơ quan được hỏi có ý kiến thẩm tra bằng văn bản và chịu trách nhiệm về những vấn đề của dự án thuộc chức năng quản lý của mình.
4. Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư lập báo cáo thẩm tra, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo thẩm tra, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
Đối với dự án do Ban Quản lý cấp Giấy chứng nhận đầu tư, trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ban Quản lý tổng hợp ý kiến các cơ quan được hỏi ý kiến để quyết định cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
Trường hợp dự án đầu tư không được chấp thuận, cơ quan tiếp nhận hồ sơ dự án đầu tư gửi thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư, trong đó nêu rõ lý do.
5. Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đầu tư, cơ quan tiếp nhận hồ sơ dự án đầu tư sao gửi Giấy chứng nhận đầu tư đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ quản lý ngành và các cơ quan có liên quan.
Theo quy trình này và nội dung thẩm tra thì khi cấp Giấy Chứng nhận đầu tư cho Chủ đầu tư mới của Dự án thì cơ quan nhà nước thuộc thẩm quyền đã phải thẩm định về các điều kiện để cấp giấy chứng nhận đầu tư trong đó có cả nội dung về việc chuyển đổi chủ đầu tư.
Như vậy, Quyết định cho phép chuyển đổi Chủ đầu tư phải có trước Giấy chứng nhận đầu tư. Khi UBND tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư mới tức là đã cho phép Nhà đầu tu B là chủ đầu tư mới của Dự án.
Còn Giấy chứng nhận đầu tư không thể đồng thời là quyết định cho phép chuyển đổi chủ đầu tư. Chỉ có thể hiểu là có giấy chứng nhận đầu tư nghĩa là đã được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền là Chủ đầu tư mới của Dự án đó.
Bình thường ít người quan tâm tới vấn đề này. Nhưng khi có vấn đề (theo chiều hướng xấu) xảy ra thì vấn đề này rất đáng lưu ý vì thường trong quyết định cho phép chuyển đổi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có nói rõ về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của Chủ đầu tư mới trong quá trình triển khai dự án (kể cả các sự việc phát sinh trước khi chuyển nhượng dự án).