Luật Đấu thầu: Điều 52. Hình thức theo tỷ lệ phần trăm
1. Hình thức theo tỷ lệ phần trăm được áp dụng cho những phần công việc tư vấn thông thường, đơn giản.
2. Giá hợp đồng không thay đổi trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng. Giá hợp đồng được tính theo phần trăm giá trị của công trình hoặc khối lượng công việc. Chủ đầu tư thanh toán cho nhà thầu bằng đúng giá ghi trong hợp đồng khi nhà thầu hoàn thành các nghĩa vụ theo hợp đồng.
Nghị định 85/2009/NĐ-CP: Điều 51. Hình thức hợp đồng theo tỷ lệ phần trăm
Giá hợp đồng được tính theo phần trăm giá trị của công trình hoặc khối lượng công việc. Khi nhà thầu hoàn thành các nghĩa vụ theo hợp đồng, chủ đầu tư thanh toán cho nhà thầu số tiền bằng tỷ lệ phần trăm được xác định trong hợp đồng nhân với giá trị công trình hoặc khối lượng công việc đã hoàn thành.
Nghị định 48/2010/NĐ-CP: Điểm đ) Khoản 3 - Điều 15: Giá hợp đồng theo tỷ lệ % được tính theo tỷ lệ % giá trị của công trình hoặc giá trị khối lượng công việc. Khi bên nhận thầu hoàn thành tất cả các nghĩa vụ theo hợp đồng, bên giao thầu thanh toán cho bên nhận thầu số tiền bằng tỷ lệ % được xác định trong hợp đồng nhân với giá trị công trình hoặc giá trị khối lượng công việc.
Các quy định đều chỉ ra rằng: Giá hợp đồng = (Tỷ lệ %) x (Giá trị công trình hoặc khối lượng công việc). Riêng Luật Đấu thầu thì có đưa thêm câu "Giá trị hợp đồng không thay đổi trong xuốt thời gian thực hiện hợp đồng". Vậy quy trung lại có 3 vấn đề cần được làm rõ:
- Tỷ lệ %
- Giá trị công trình hoặc giá trị khối lượng công việc.
- Giá hợp đồng không thay đổi trong xuốt thời gian thực hiện hợp đồng
Vấn đề 1. Tỷ lệ %
- Cần chú ý rằng các tài liệu trên chỉ quy định về cách tính giá đối với loại hợp đồng này, còn tỷ lệ % là bao nhiêu thì sẽ căn cứ vào thỏa thuận của các bên.
- Phương pháp xác định tỷ lệ % đối với các công việc mà nhà nước có ban hành ĐỊNH MỨC TỶ LỆ thì các bên sẽ căn cứ vào định mức này làm gốc và sẽ điều chỉnh tăng hoặc giảm tùy theo tính chất công việc. Đối với các công việc không có định mức tỷ lệ mà cơ quan QLNN ban hành thì thông thường là tính vo.
- Vấn đề nằm ở chỗ tỷ lệ này là thay đổi hay không thay đổi sẽ do các bên quy định. Và nó sẽ quyết định đến vấn đề Giá hợp đồng thay đổi hay không thay đổi trong thời gian thực hiện hợp đồng. Cụ thể:
+ Đối với các công trình quy mô nhỏ, hoặc các bên tham gia ước lượng được giá trị công trình thì thông thường TỶ LỆ % được thỏa thuận là bất biến trong quá trình thực hiện hợp đồng.
+ Đối với các công trình quy mô lớn, hoặc các bên không ước lượng được giá trị công trình thì TỶ LỆ % được thỏa thuận là sẽ biến đổi theo một phương pháp tính cụ thể nào đó được quy định trong hợp đồng.
- Nhiều bạn (nhất là đối với hoạt động tư vấn) cứ quan điểm rằng TỶ LỆ % là phải biến đổi vì căn cứ theo QĐ957 thì tỷ lệ này phụ thuộc vào giá trị công trình.
Xin nhấn mạnh rằng các Quy định trên chỉ đưa ra phương pháp xác định giá hợp đồng, QĐ957 chỉ là để tham khảo (Điều 1 của QĐ) còn việc xác định tỷ lệ đó là bao nhiêu và thay đổi hay không thay đổi là phụ thuộc vào sự thương thảo giữa các bên.
Vấn đề 2. Giá trị công trình hoặc giá trị khối lượng công việc
- Giá trị công trình hoặc giá trị khối lượng công việc ở mỗi giai đoạn nó được biểu hiện dưới các tên gọi khác nhau. VD: Ở giai đoạn Chuẩn bị đầu tư thì nó là Tổng MĐT, ở giai đoạn thiết kế nó là Tổng Dự toán, ở giai đoạn thi công thì nó là giá trị hợp đồng của nhà thầu, ở giai đoạn quyết toán nó là giá trị Quyết toán hợp đồng .... Vậy vấn đề là lấy giá trị nào.
- Không có tài liệu nào quy định bắt buộc lấy theo giá trị ở giai đoạn nào. Các bên tham gia thương thảo hợp đồng cùng thỏa thuận lấy giá trị ở giai đoạn nào cho phù hợp. Thông thường bên mình thì:
+ Hợp đồng tư vấn lập dự án: Lấy theo Tổng mức đầu tư.
+ Hợp đồng tư vấn thiết kế: Phần giá trị tạm tính của hợp đồng thì lấy theo TMĐT nhưng giá trị quyết toán thì Lấy theo giá trị Tổng dự toán.
+ Hợp đồng Giám sát: Phần giá trị tạm tính của hợp đồng lấy theo Dự toán, nhưng giá trị quyết toán thì Lấy theo Giá trị Quyết toán hợp đồng của các hạng mục mà bên Tư vấn giám sát thực hiện. Đơn giản vì thời gian thực hiện của họ tương ứng với thời gian thi công hạng mục nên lấy theo giá trị này để đảm bảo quyền lợi, mặt khác họ là người ký Hồ sơ quyết toán nên họ giám sát được giá trị này.
Tổng kết vấn đề 1&2: Như đã phân tích thì các bạn hoàn toàn có thể lựa chọn kết hợp giữa TỶ LỆ % và GIÁ TRỊ CÔNG TRÌNH HOẶC GIÁ TRỊ KHỐI LƯỢNG CÔNG VIỆC để đưa ra được một phương pháp tính giá trị hợp đồng của mình một cách phù hợp. Cụ thể:
- Tỷ lệ % là bất biến, giá trị công trình (hoặc khối lượng công việc) là giá trị Tổng MĐT hoặc là Tổng dự toán hoặc là Giá trị Quyết toán
- Tỷ lệ % là biến đổi, Phương pháp xác định biến đổi dựa trên QĐ957 và hệ số giảm giá K nào đó, Giá trị dùng để tính hoặc nội suy là giá trị Tổng MĐT hoặc là Tổng dự toán hoặc là Giá trị Quyết toán.
Vấn đề 3. Giá hợp đồng không thay đổi trong xuốt thời gian thực hiện hợp đồng.
- Như đã phân tích vấn đề 1 và 2 thì thấy rằng đại lượng GIÁ TRỊ CÔNG TRÌNH hoặc GIÁ TRỊ KHỐI LƯỢNG CÔNG VIỆC luôn là đại lượng được xác định ở giai đoạn cuối công việc (Thiết kế thì thực hiện xong mới có Tổng dự toán, TVGS thì lúc có giá trị quyết toán hạng mục cũng là lúc họ hoàn thành việc giám sát hạng mục, ....). Vậy thì câu "Giá hợp đồng không thay đổi trong xuốt thời gian thực hiện hợp đồng" có lẽ là không phù hợp
- Có bạn đưa ra tình huống hợp đồng TVTK: Các bên thỏa thuận là lấy TMĐT được phê duyệt (trong quyết định phê duyệt dự án đầu tư) để nội suy sau đó nhân luôn với TMĐT được phê duyệt này cùng với một hệ số K giảm giá nào đó, bạn ấy nói rằng đây là hợp đồng tỷ lệ % và rõ ràng là Giá hợp đồng là bất biến. Các bạn thấy đó, nếu hợp đồng TVTK lại sử dụng TMĐT được phê duyệt rồi để tính ra giá trị thì rõ ràng đây là hợp đồng TRỌN GÓI (nó tính trên TMĐT đã được phê duyệt trong quyết định phê duyệt dự án đầu tư). Về mặt hình thức thì nó được tính (TỶ LỆ %) x (GIÁ TRỊ CÔNG TRÌNH) nhưng bản chất thì lại là không phải.
- Cụm từ trên có lẽ là điều hạn chế trong Luật đấu thầu và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật đã không nhắc tới nó nữa. Ngay cả Nghị định 48/2010/NĐ-CP cũng không nêu cụm từ này.
Trên đây là ý kiến của mình. Rất mong các đồng nghiệp có ý kiến thêm.