Chiếu theo những quy định và hướng dẫn trên thì sở dĩ tiền lương công chức hiện nay không đủ sống trước hết là do chế độ tiền lương quá phức tạp, còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập. Tính phức tạp ở chỗ thang lương và bảng lương. Toàn bộ bảng lương công chức chia làm 21 ngành chia ra 196 ngạch lương tương ứng 196 ngạch công chức. Ngạch cao nhất có 16 bậc lương và thấp nhất có 7 bậc. Xếp lương theo ngạch lại máy móc theo mô hình chung là: sơ cấp, trung cấp, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp (và tương đương). Hệ số lương dù chỉ chia làm 4 khu vực nhưng có đến 164 hệ số!
Điểm không hợp lí là trả lương theo vị trí công việc, “Nhà nước lại có chính sách biên chế suốt đời, tăng lương đều đều theo thâm niên và cất nhắc lên thì dễ nhưng hạ xuống thì khó dù hiệu quả công việc thấp. Kết quả là “thực khách” ngày một đông mà “miếng bánh” ngân sách thì có hạn nên ai cũng phải ăn miếng bé. Cán bộ công chức nào cũng cố kiếm chỗ ngồi ở vị trí cao để hưởng phụ cấp cao. Đáng lý phụ cấp chỉ dành cho lực lượng yếu thế trong xã hội như thất nghiệp, tàn tật... thì ta lại dành cho người có thế mạnh trong xã hội” (Trần Đình Thiên - Phó viện trưởng viện kinh tế Việt Nam - Báo tuổi trẻ cuối tuần ). Một điểm không hợp lí khác là khoảng cách giữa các bậc của thang lương: Cụ thể là từ bậc 1, 2, 3 có khoảng cách 10-12% nhưng các bậc 4, 5, 6 thì lại tăng tiến 20% trở lên. Cá biệt có bậc liền nhau nhưng mức lương hơn kém tới 60%. Một điểm bất hợp lí khác là xem tiền lương là một khoản chi ngân sách, gần giống như chi cho phúc lợi xã hội, hưu trí, y tế, giáo dục... Quan điểm này làm nảy sinh tư tưởng bình quân, cào bằng. Như vậy, lương chưa theo sát với thị trường và chưa thể trở thành nguồn thu nhập chính đủ để nuôi sống công chức. Đồng lương và những khoản thu nhập chưa trở thành công cụ hữu hiệu khuyến khích cán bộ công chức cống hiến và sáng tạo. Lương được trả từ ngân sách. Trong khi đó nguồn ngân sách lại phải trang trải cho nhiều lĩnh vực khác nhau. Việc giải ngân lại còn nhiều vấn đề tồn tại, không hiệu quả, thất thoát.
Một nguyên nhân nữa làm cho lương công chức không đủ sống là ở chỗ nước ta còn nghèo, kém phát triển nhưng lại có tỉ lệ người hưởng lương ngân sách cao hàng đầu khu vực: Cán bộ công chức, hưu trí, thương binh liệt sĩ; hệ thống chính trị: Đảng, đoàn thể, một số hội nghề nghiệp... Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện cả nước có hơn 6 triệu người hưởng lương ngân sách. Trong đó có 1,5 triệu người là cán bộ công chức, 1,5 triệu người là đối tượng chính sách xã hội và cán bộ công nhân hưu trí, 300.000 người là cán bộ xã phường (đối tượng được hưởng lương, phụ cấp). Còn lại là các cán bộ thuộc hệ thống các tổ chức, hiệp hội đoàn thể, lực lượng vũ trang và cán bộ công nhân viên chức thuộc hệ thống các tổ chức kinh tế nhà nước.
3. Những kiến nghị đề xuất:
3.1. Những đề xuất:
Dựa vào những nguyên nhân trên, thì hướng giải quyết trước hết là phải cải cách chế độ tiền lương. Tách riêng các đối tượng hưởng lương ngân sách, tách riêng các khu vực lương như: hành chính, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp (giáo dục, y tế…) để chi trả hợp lí hơn. Tiến tới trả lương theo hiệu quả công việc, ai giỏi sẽ được hưởng lương cao, ai làm việc không hiệu quả thì phải nhận lương thấp. Thậm chí công chức nào không đáp ứng được nhu cầu công việc, làm việc không hiệu quả thì có thể tiến hành tinh giản, vừa tinh giản được bộ máy Nhà nước vừa đảm bảo tiền lương cho những công chức có năng lực.
Đội ngũ công chức đông nên dẫn đến tình trạng thừa. Thứ nhất là do thủ tục hành chính còn rờm rà. Thứ hai là do thực hiện biên chế suốt đời. Trong khi đó, nhiều cán bộ công chức không đủ năng lực, đạo đức vẫn tiếp tục và mãi mãi (đến lúc về hưu) lĩnh lương từ ngân sách nhà nước. Điều này gây nên tình trạng “lãng phí chỗ ngồi”, lãng phí cơ hội của người khác và làm hỏng bộ máy và làm cho đội ngũ làm công ăn lương ngày càng nhiều. Đã thừa thì phải giảm bớt. Đó cũng là điều hợp lí. Tuy nhiên, khi họ không là công chức nữa thì Nhà nước vẫn quan tâm, đảm bảo cuộc sống cho họ bằng nhiều cách còn hơn là bằng lương ngân sách.
Lương thấp thì phải tăng lương nhưng tăng như thế nào thì vẫn là một vấn đề đặt ra. Vừa qua Bộ LĐ-TB&XH có đệ trình Chính phủ Đề án cái cách tiền lương giai đọan 2008-2012 đề nghị tăng mức lương tối thiểu lên 15% đến 20% vào tháng 1 hằng năm, tiến đến hợp nhất mức lương tối thiểu giữa các doanh nghiệp trong và ngòai Nhà nước vào năm 2012. Nhưng Chính Phủ đã không chấp nhận đề án này vì ngân sách không đủ khả năng chi trả cho khỏan tăng này. Nếu tăng theo phương án cao là 20%/năm tổng chi cho tăng lương sẽ chiếm tới 95% ngân sách Nhà nước. Như vậy muốn tăng được lương thì chỉ còn trông vào ngân sách. Làm thế nào để tăng ngân sách? Đó là vấn đề khó. Nhà nước không thể cứ tăng thuế lên được bởi vì người dân phải chịu đựng. Nếu Nhà nước cắt giảm đầu tư từ ngân sách thì lại mất đi nhiều lợi ích khác. Có lẽ chỉ trông vào sự phát triển nhanh, mạnh, vững chắc của nền kinh tế để tăng nguồn thu cho Nhà nước mà thôi. Lúc ấy mới có thể dám mơ đến tăng lương!
Một hướng giải quyết khác là vẫn tiến hành tăng lương nhưng không tăng một cách dàn trải để đảm bảo đủ khả năng chi trả từ ngân sách. Tất nhiên phải chọn những lĩnh vực trọng điểm để tăng lương: những lĩnh vực thu hút nhân tài, lĩnh vực lao động nguy hiểm hay dễ tham nhũng hối lộ. Cụ thể là: các cán bộ công chức quản lý các Tổng công ty lớn, các cán bộ chiến sỹ quân đội, công an ở địa bàn nguy hiểm như biên giới, cảnh sát điều tra, hình sự, cảnh sát khu vực các địa bàn phức tạp, các thẩm phán, thư ký toà án, kiểm sát viên, nhân viên hải quan. Khi lương cao phải có chế tài nặng khi phát hiện tham nhũng hay quan liêu, hạch sách dân. Có như vậy, cán bộ công chức ở những ngành nghề này mới “không cần tham nhũng, không dám tham nhũng, không thể tham nhũng”..
Khi tăng lương phải tiến hành bình ổn giá cả thị trường tránh trường hợp lương tăng như bong bóng bay mà giá cả thì tăng nhanh như hỏa tiễn.
Về vấn đề này, Ông Đào Trọng Thi, (chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội) có ý kiến: “Nếu cứ tăng lương đồng loạt thì sẽ không giải quyết được vấn đề. Bộ phận ăn lương và được hưởng trợ cấp từ ngân sách nhà nước còn quá lớn nên nếu trải đều ra thì ngân sách nhà nước chưa đủ sức gánh vác. Phải có giải pháp đột phá bằng cách tăng lương không đồng đều, đột phá vào một điểm nào đó để tạo sự chuyển biến tăng thêm năng lực hoạt động của nền kinh tế, tăng thêm nguồn ngân sách, từ đó mới mở rộng phạm vi tăng lương. Nếu cứ luẩn quẩn tăng lương nhất loạt thì khả năng của nền kinh tế không chạy kịp với sự trượt giá và không kịp với mức sống thực tế của người làm công ăn lương… Chúng ta phải tập trung nghiên cứu chứ làm đối phó như hiện nay sẽ không giải quyết được căn bản vấn đề”. Ông Nguyễn Huy Cận (đại biểu Quốc hội, chủ tịch Liên đoàn Lao động Tp.Hồ Chí Minh ) cũng cho rằng: “cải cách chế độ chính sách tiền lương theo hướng: công chức có thể sống dựa vào lương và có động lực phấn đấu. Khoản thu nhập từ lương cần được công khai, minh bạch. Muốn cải cách, ngoài việc điều chỉnh trực tiếp các chính sách lương, cần hình thành thị trường lao động theo cơ chế thị trường. Trong hoàn cảnh có quá nhiều người nằm trong hệ thống hưởng lương ngân sách thì việc tăng lương đồng loạt sẽ kéo theo nhiều vấn đề về cơ chế, chính sách khác. Vì vậy, trước tiên phải cải cách nền hành chính một cách tổng thể sao cho mỗi vị trí cán bộ công chức đều có năng lực, động lực làm việc tốt nhất. Sau đó có thể phân loại các đối tượng hưởng lương để có lộ trình cải cách phù hợp. Trong lộ trình đó, tôi cho rằng nên bắt đầu từ lương giáo viên, nhân viên y tế trước”.
Chính sách tiền lương là một bộ phận trong hệ thống chính sách kinh tế xã hội của đất nước. Cải tiến chế độ tiền lương phải giảm tính bất hợp lý trong chế độ tiền lương hiện hành, tạo điều kiện bài trừ tham nhũng, tính vô trách nhiệm, vô kỷ luật, bảo đảm ổn định và phát triển kinh tế-xã hội. Tiền lương phải thực sự trở thành công cụ, động lực mạnh để khuyến khích người lao động-cán bộ công chức. Nhà nước phải kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu đề ra, dự báo trước những nhân tố ảnh hưởng đến biến động của mặt bằng giá để chủ động có biện pháp xử lý.
Như vậy, cải cách chế độ tiền lương phải theo hướng:
- Làm rõ và luật hóa vai trò mức lương “sàn” của mức lương tối thiểu chung, ban hành cơ chế điều chỉnh lương tối thiểu chung theo khả năng nền kinh tế, theo quan hệ cung - cầu lao động, biến động của giá cả sinh hoạt và mức thu nhập chung trong xã hội.
- Căn cứ mức lương tối thiểu chung, hoàn thiện cơ chế cho áp dụng hệ số tăng thêm tiền lương tối thiểu khác nhau tùy thuộc vào nguồn thu và kết quả hoạt động, sản xuất kinh doanh của từng cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp trong khu vực nhà nước. Về lâu dài, theo sự phát triển của thị trường lao động, cần quy định hệ thống tiền lương tối thiểu theo vùng , theo ngành áp dụng chung cho cả nước để đảm bảo quyền lợi của người lao động và cán bộ công chức.
- Để có chế độ tiền lương linh hoạt và để thu gọn hệ thống thang, bậc lương, thu gọn các chế độ phụ cấp ưu đãi ngành, nghề, thuận lợi cho việc xếp lương khi luân chuyển cán bộ, công chức, quan hệ bội số tiền lương chỉ xác định theo yếu tố mức độ phức tạp lao động. Các yếu tố điều kiện lao động và ưu đãi ngành, nghề quy định bằng phụ cấp, không tính vào quan hệ tiền lương.
- Đối với các đơn vị sự nghiệp công: Thực hiện trao quyền tự chủ về tài chính, tiền lương và biên chế. Trên cơ sở các nguồn thu (từ ngân sách và từ xã hội hóa) tiến hành phân loại các đơn vị theo Nghị định số 10/2002/NĐ-CP để có cơ chế hổ trợ kinh phí và cơ chế trả lương cho phù hợp.
- Hệ thống thang, bảng lương khu vực sản xuất kinh doanh được quy định theo ngành kinh tế, kỹ thuật hoặc nhóm ngành nghề, phân biệt rõ chức năng quản lý và chức năng kinh doanh.
- Tiền lương theo khu vực quân đội và công an có hệ thống riêng và chú ý đến sự cống hiến cho đất nước.
- Đối với các cơ quan hành chính nhà nước, Đảng, Đoàn thể: Toàn bộ kinh phí hoạt động (trong đó có tiền lương) do ngân sách đảm bảo, vì vậy cần thực hiện tốt việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, mở rộng khoán biên chế và kinh phí hành chính theo quyết định số 192/2001/QĐ-TTg. Căn cứ vào kinh phí và biên chế được khoán, đơn vị được chủ động sử dụng có hiệu quả, hoàn thành nhiệm vụ được giao, được sử dụng phần kinh phí tiết kiệm chủ yếu để bù đắp vào tiền lương. Về lâu dài, cần xây dựng cơ cấu ngạch công chức cho phù hợp và thực hiện chế độ cấp kinh phí ngân sách theo khối lượng nhiệm vụ được giao.
Như trên là đề xuất các hướng giải quyết để Nhà nước có cách giải quyết cũng như có các giải pháp cụ thể, hợp lý, hiệu quả để nâng cao tiền lương, mức sống của cán bộ công chức hiện nay. Làm an lòng cán bộ công chức để công chức tận tâm cống hiến và xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.