Kiểm toán phát hiện và kiến nghị tăng giá trị quyết toán bị thiếu, nhà thầu muốn làm lại quyết toán

nguyentheanh

Tác giả Dự toán GXD
Thành viên BQT
Tham gia
6/7/07
Bài viết
4.583
Điểm thành tích
113
Website
giaxaydung.vn
Câu hỏi: Trường hợp quyết toán A-B là 50 tỷ đã hoàn thành (A-B, TVGS đều đã kí). Nhưng do sơ suất trong quá trình làm quyết toán thiếu 3 tỷ, A-B, TVGS đều không kiểm soát lại. Sau đó gửi quyết toán cho kiểm toán thực hiện và kiểm toán phát hiện ra tính thiếu và kiến nghị số quyết toán phải là 50+3 = 53 tỷ. Lúc này nhà thầu muốn làm lại quyết toán, làm lại kiểm toán để khi đem đi thực hiện thẩm tra quyết toán hồ sơ được đẹp thì có hợp lí không?

Trả lời:

Ý kiến của Mr Sơn kiểm toán Trường Thành: "Bên mình vừa gặp vụ tương tự TA à, dự toán bổ sung tính thiếu mất của nhà thầu 500tr, bên mình phát hiện ra và Chủ đầu tư sửa lại quyết toán."

Mr Hoàng Tuấn, chuyên gia dự toán: "Xử lý theo đúng quy định thì đơn vị thẩm tra ra văn bản tăng lên bình thường. Làm đúng chức năng nhiệm vụ thì sai sửa, thừa cắt, thiếu bổ sung. Còn làm lại cho đẹp thì cũng ok nhưng nhiều vấn đề tế nhị xẩy ra. Với giá trị kha khá thế thì ai cũng muốn làm lại hồ sơ."

Mr Hưng, kỹ sư nhiều kinh nghiệm của một đơn vị nhà thầu, cựu Mod của giaxaydung.vn: "Vì trong quá trình lập Quyết toán sơ suất, không kiểm soát hết nên khi Kiểm toán phát hiện QT thiếu 3 tỷ. Các bên đều thấy lý do trên là chấp nhận được, giá trị đó Nhà thầu đáng được hưởng và Chủ đầu tư đồng ý cho lập lại QT thì vẫn hợp lý, để thẩm tra hồ sơ cho đẹp mặt cả mấy bên. Đây vẫn đang trong giai đoạn người nhà ĐÓNG CỬA BẢO NHAU nên làm như trên là tốt nhất."

Mr Kiều Mạnh Tú kiểm toán, thành viên BQT của giaxaydung.vn: "Trường hợp này thì khi kiểm toán gặp, em cho rằng kiểm toán CÓ THỂ đưa ra số liệu đúng (53 tỷ). Tuy nhiên, sẽ nói rằng giá trị 3 tỷ này là vượt giá trị quyết toán A-B được chủ các bên chấp nhận, do đó có được phê duyệt để quyết toán hay không phụ thuộc vào cấp có thẩm quyền phê duyệt (cấp phê duyệt quyết toán dự án/công trình). Kiểm toán không có quyền kết luận rằng phải quyết tóan phần đó. Như thế, giá trị 3 tỷ này rất mạo hiểm, và nếu vốn ngân sách thường sẽ không được. Do đó, thu hồi quyết toán cũ và làm lại quyết toán mới sẽ an toàn hơn (cần giữ lại quyển cũ để giải trình khi cần thiết, vì hồ sơ có thể đã gửi đi thanh toán nhiều lần rồi)."

Mr Hoàng Thanh Hùng, đang ngồi ở ghế thẩm tra QT: "Việc kiểm toán phát hiện ra, đưa vào báo cáo kiểm toán thì cơ quan thẩm tra quyết toán có trách nhiệm thẩm tra toàn bộ chi phí, bao gồm cả phần Kiểm toán phát hiện ra. Nếu đúng hoặc "số phát hiện" là có nhưng không đúng 100% như vậy thì lấy theo kết quả thẩm tra quyết toán làm cơ sở kiến nghị quyết toán. Tất nhiên không vượt tổng mức đầu tư và chi phí đó hợp pháp."

Như vậy nghiên cứu ý kiến của các chuyên gia kinh nghiệm ở trên thì chốt lại là: Làm lại hồ sơ quyết toán (nếu được) hoặc là lấy theo kết quả thẩm tra quyết toán làm cơ sở quyết toán.
Về nguyên tắc Cơ quan thẩm tra phê duyệt QT có quyền và thực tế đã từng làm như Mr Hoàng Thanh Hùng đã nói ở trên. Nhưng như ta đã biết, cơ chế mình cũng khá phức tạp, do vậy cũng mướt mồ hôi mới ra được kết quả như ý. Thế nên, trên quan điểm cá nhân (Mr Sơn kiểm toán) cũng như trong thực tế đã làm, cách tối ưu vẫn là điều chỉnh quyết toán, còn cách làm cụ thể thế nào nó còn phụ thuộc vào sự uyển chuyển, mối quan hệ của nhà thầu, sự cầu thị của chủ đầu tư (theo cơ chế).
Ngoài ra, đi sâu vào chi tiết, vấn đề này cũng còn tùy tình huống sai sót. Là sai số trong quá trình làm quyết toán (nhập sai số khối lượng, nhầm đơn giá...) hay là thiếu sót do quyết toán thiếu khối lượng công việc hoặc khối lượng phát sinh, mỗi tình huống sai sót sẽ chọn cách xử lý cho hợp lý.
 

Top