Sự tích Ông Táo Ông Công

  • Khởi xướng td.bitexco
  • Ngày gửi
T

td.bitexco

Guest
Ngày xửa ngày xưa ở Việt Nam có hai vợ chồng trẻ sống trong vùng châu thổ sông Nhị (sông Hồng miền Bắc). Chồng tên là Trọng Cao, và vợ là Thị Nhi. Hai vợ chồng tuy lấy nhau đã lâu mà vẫn không có con nên tình nghĩa càng ngày càng lạnh nhạt rồi sinh ra cãi nhau như cơm bữa.
Về sau người chồng trở nên nóng tính, mỗi khi cãi nhau chàng đánh vợ rất tàn nhẫn. Lúc này Thị Nhi mang lòng thù hận rồi một hôm, trong khi chồng làm việc ngoài đồng, nàng bỏ nhà ra đi, quyết không trở lại để tránh cái cảnh cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt.

Sau vài ngày đi lang thang, nàng bắt đầu lo lắng vì không nơi nương tựa. Một hôm, nàng đang ngồi nghỉ dưới gốc cây đa dọc đường thì có một chàng trai đi qua. Chàng tên là Phạm Lang, vẻ người khôi ngô, phúc hậu. Thấy một thiếu nữ có nhan sắc mà lại ngồi ủ rũ trên quãng đường thanh vắng nên chàng gợi chuyện để làm quen. Khi biết rõ cảnh ngộ đáng thương của Thị Nhi, chàng khẩn khoản mời nàng về nhà nhà để tạm trú. Nàng phân vân không biết phải xử trí như thế nào để khỏi trái với luân thường. Nhưng nghĩ đến thân gái lưu lạc, nàng đành phải nhận lời đến tá túc ở nhà Phạm Lang.

Một thời gian sau, Phạm Lang ngỏ lời muốn kết duyên vợ chồng với Thị Nhi, vì thương nàng là người nết na, hiền hậu mà lại gặp cảnh éo le, nhân duyên trắc trở, một thân phiêu bạt trên đường đời vô định. Thị Nhi thì cảm mến Phạm Lang vì chàng đã có từ tâm cứu nàng thoát khỏi cảnh gian nan. Từ đó Thị Nhi làm vợ Phạm Lang.

Khi Trọng Cao trở về thấy vợ chàng đã bỏ ra đi. Lúc này chàng mới thấy hối hận về hành động tàn nhẫn và nông nổi của mình đối với vợ. Chàng liền đi tìm vợ khắp làng trên xóm dưới, các vùng lân cận nhưng vẫn biệt vô âm tín. Chàng thương xót cho nàng vì sự nông nổi của mình mà phải gian truân lưu lạc. Thế là chàng quyết tâm đi tìm, dù có phải vượt thiên sơn vạn thủy.

Ngày lại ngày qua, chàng vẫn không tìm thấy tung tích Thị Nhi. Chàng kiên nhẫn đi xa, xa hơn nữa, đi mãi cho đế khi tiền lưng đã cạn, sức lực đã tàn. Một ngày kia, chàng cố lê bước tới một ngôi làng xa lạ với đôi chân rã rời, bụng dạ trống rỗng. Chính niềm hy vọng mãnh liệt đã là sức mạnh đưa chàng đến nơi đây. Khi tới giữa làng, hai đầu gối run rẩy không còn mang nổi tấm thân tàn, chàng ngã gục trước cổng một căn nhà. Ngay lúc đó, trong vườn nhà này có một thiếu phụ đang hái những nụ hoa mướp ở hàng rào cạnh cổng thấy thế nàng liền ra mở cổng thấy một người lạ đói rách, nằm gục trên thềm, tay chân đã bất động, sinh lực chỉ còn đọng trong hai con mắt lờ đờ. Khi nhìn sát mặt, nàng bỗng giật mình nhận ra kẻ khốn cùng đó chính là Trọng Cao, chồng cũ của nàng.
Thị Nhi quá xúc động, vội vực chàng vào nhà với đôi mắt ứa lệ. Nàng dọn cơm nước cho chàng ăn rồi để chàng nằm nghỉ. Cũng may hôm ấy Phạm Lang đi ăn giỗ mãi đến khuya mới về nên Trọng Cao được vợ chăm sóc chu đáo. Khi trời tối Thị Nhi đưa Trọng Cao ra trú ở đống rơm ngoài vườn để nàng sẽ tìm cách giải quyết ổn thỏa cuộc tình éo le của nàng và Phạm Lang, sau đó sẽ theo Trọng Cao về làng cũ.

Ðêm khuya hôm đó, sau khi Phạm Lang trở về, và đã ngủ một giấc thì chàng thức dậy, sực nhớ chàng đã quên đốt rơm để lấy tro bón ruộng. Thế là chàng lặng lẽ ra đống rơm ở ngoài vườn để đốt trong khi Thị Nhi và đứa nhỏ chàng nuôi để chăn trâu đang ngủ say. Cùng lúc đó,Trọng Cao đang ngủ say mê mệt trong đống rơm sau bao ngày mệt mỏi.

Khi ngọn lửa bốc cao, sáng cả một góc vườn, Thị Nhi bỗng giật mình thức giấc, thấy ánh lửa sáng ngoài vườn. Nàng biết rằng Phạm Lang đang đốt rơm liền chạy ra cứu Trọng Cao. Bất chấp ngọn lửa đang cháy đỏ, nàng xông vào đống rơm để lôi Trọng Cao ra, nhưng chàng đã chết, và nàng cũng bị ngọn lửa oan nghiệt thiêu chết. Phạm Lang quá đỗi kinh ngạc khi thấy vợ mình như mê sảng chạy vào đống lửa. Chàng vừa la vừa nhẩy vào đống rơm để cứu vợ, nhưng chàng cũng không thoát khỏi số phận khi chết tay còn nắm chặt Thị Nhị Trong khi đó, đứa nhỏ chăn trâu đang ngủ bỗng choàng dậy vì tiếng kêu la. Nó chạy ra vườn thì thấy cảnh tượng hãi hùng đang diễn ra trước mắt: chủ nó, Phạm Lang và vợ đang giẫy chết trong đống lửa. Nó liền chạy vào nhưng cũng bị lửa táp vào quần áo và chết theo chủ.

Sau khi tìm hiểu lý do thảm họa trên, dân làng tin rằng những người ấy đã gặp giờ thiêng nên chắc linh hồn họ cũng sẽ linh thiêng. Và dân chúng đã thần thánh hóa vong linh các nạn nhân đó bằng cách phong Phạm Lang làm Thổ Công, Trọng Cao làm Thổ Ðịa, và Thị Nhi làm Thổ Kỳ. Trong tín ngưỡng dân gian, đây là ba vị thần linh bảo hộ đời sống và là nguồn sống của mỗi gia đình mà dân gian đã tôn vinh với những chức năng rõ ràng của từng vị:
Thổ Công trông nom khu đất nơi nhà ở, tức thần bản thổ.
Thổ Ðịa trông nom khu đất canh tác, của cải và gia sự.
Thổ Kỳ trông nom việc canh tác (thóc lúa, hoa mầu), các công việc của phụ nữ (sinh đẻ, dệt vải, chợ búa), và tiếp nhận các sinh vật khi đã chết (chôn dưới đất).
 
Last edited by a moderator:

Top