em có 1 câu hỏi ngớ ngẩn muốn hỏi các bác, nhưng thực sự em không biết nên mong các bác giải đáp giùm: tại sao phải chia ra nhiều bước thiết kế để làm gì? vai trò của mỗi bước thiết kế là gì?
cảm ơn các bác đã đọc!
Theo tôi thì có thể hiểu đơn giản như thế này.
1. Ví dụ cụ thể:
a) Gia đình nhà bạn cần đi mua hộp giấy ăn, thôi thì đưa cho thằng con ít tiền, bảo ra cửa hàng mua về dùng. Giá trị hộp giấy ăn 15K, nó có mua nhầm loại không phù hợp thì trả lại, nếu chủ quán không đồng ý thì bỏ đi, mua hộp khác (tất nhiên vẫn mắng cho thằng con một trận ra trò).
b) Gia đình bạn cần mua/đầu tư một chiếc máy giặt. Giá là 8 triệu VNĐ. Bạn bảo vợ ra cửa hàng điện tử chọn, rồi mua cái về dùng. Mua hàng dùng ngon với giá hợp lý thì ổn, vợ chồng tấm tắc gật đầu khen ... hay. Nếu mua loại không tốt thì cũng "mặt nặng nhẹ" với vợ một chút, không thì đổi lại, hoặc thậm chí... mua thêm cái nữa.
c) Gia đình bạn đầu tư một chiếc xe con hạng sang. Giá là 3,6 tỷ VNĐ, tôi đố bạn cử thằng ku con hay vợ tự đi mua đấy? Bạn phải hỏi thông tin về xe, tham khảo mấy ông bạn có chuyên môn, rồi cất nhắc tới việc tài chính xem có cần phải điều chỉnh giá xe hay không? Nói chung, phải nghĩ khá kỹ, vân vân và vân vân....
2. Dự án đầu tư xây dựng công trình cũng vậy.
a) Với dự án nhỏ, đơn giản, không cần phải chia làm nhiều bước thiết kế làm gì vì:
- Sai sót về hiệu quả, mức độ đầu tư trong việc lựa chọn và quyết định đầu tư là không nhiều.
- Chia làm nhiều bước thiết kế sẽ phát sinh thủ tục pháp lý, gây lãng phí về tài nguyên: nhân sự, kinh tế v.v...
- Chia làm nhiều bước thiết kế sẽ làm kéo dài thời gian đầu tư do dự án phải qua nhiều giai đoạn.
b) Với dự án lớn, phải chia thành nhiều bước thiết kế:
- Sai sót về hiệu quả, mức độ đầu tư trong việc lựa chọn và quyết định đầu tư là lớn bởi nó là tổng hợp của nhiều nguồn tài nguyên với khối lượng lớn.
- Chia làm nhiều bước thiết kế để bước trước làm cơ sở cho bước sau, bước sau sẽ kiểm chứng, đánh giá và điểu chỉnh các sai sót nếu có của bước trước để đầu tư được diễn ra hiệu quả nhất.
- Thời gian thực hiện đầu tư phải kéo dài hơn, do khối lượng công việc nhiều hơn và gắn với trách nhiệm của nhiều bên có liên quan trong việc thực hiện dự án. Nên cần phải có các bước thiết kế để cân nhắc đến hiệu quả đầu tư, trong đó là hiệu quả về kinh tế, xã hội và môi trường là quan trọng nhất. Có những dự án, sau bước lập dự án đầu tư không thể phê duyệt vì không khả thi, có những dự án thì sau khi phê duyệt rồi cũng cần phải điều chỉnh lại cho phù hợp vì ảnh hưởng lớn đến chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. Vân vân và vân vân....
Diễn giải thì nhiều, chắc kết luận lại: Quy mô đầu tư càng lớn thì càng phải cân nhắc kỹ, và do đó có nhiều bước thiết kế hơn.