CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
BẢO HIỂM XÃ HỘI BÌNH DƯƠNG
Số: /KH-BHXH
Thủ Dầu Một, ngày tháng 3 năm 2009
PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY VÀ BẢO VỆ CƠ QUAN AN TOÀN
Căn cứ Luật phóng cháy chữa cháy được chủ tịch nước công bố ngày 12/7/2001 và nghị định số: 35/2003/NĐ.CP ngày 04/3/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng cháy chữa cháy.
Để bảo vệ tài sản cơ quan, bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản của CBCC, bảo đảm an ninh, trật tự trong cơ quan, Giám Đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương xây dựng phương án và phân công nhiệm vụ thực hiện phương án phòng chống cháy chữa cháy và bảo vệ cơ quan an toàn cụ thể như sau:
* Trách nhiệm của Lãnh đạo, tổ chức Đảng, Đoàn thể và cá nhân Cán bộ công chức:
1- Lãnh đạo cơ quan có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra thường xuyên công tác phòng cháy, chữa cháy của ngành từ tỉnh đến huyện, thị xã.
Giám đốc BHXH tỉnh là người chịu trách nhiệm cao nhất trong chỉ đạo xây dựng phương án, tổ chức tập huấn, diễn tập theo các phương án đề ra, xét duyệt kinh phí, mua sắm trang bị phương tiện báo cháy, chữa cháy, tổ chức đội ứng cứu tại chỗ, quyết định biện pháp chữa cháy, kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy, khen thưởng, kỷ luật đối với tập thể cá nhân trong ngành.
Trưởng phòng Tổ chức Hành chính chịu trách nhiệm tham mưu cho Giám đốc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), kế hoạch tập huấn, diễn tập, quan hệ với Cảnh sát PCCC để được hướng dẫn nghiệp vụ và tổ chức kiểm tra theo định kỳ, phối hợp với lực lượng địa phương trong bảo vệ tài sản khi có xảy ra cháy nổ, kiểm tra đôn đốc các phòng nghiệp vụ và BHXH huyện, thị xã thực hiện nghiêm kế hoạch PCCC báo cáo tình hình với cấp trên theo quy định.
2- Đảng ủy dựa vào Nghị quyết của Đảng bộ Lãnh đạo các chi bộ và Đảng viên quán triệt tầm quan trọng của công tác PCCC là một trong các tiêu chí quan trọng xét thi đua hàng năm
3- Ban chấp hành công Đoàn và Đoàn Thanh niên tổ chức học tập, giáo dục Đoàn viên nêu cao ý thức trách nhiệm trong thực hiện quy chế, nội quy cơ quan, thường xuyên luyện tập và mưu trí, dũng cảm khi tham gia chữa cháy.
4- Cá nhân CBCC, nhân viên bảo vệ, tạp vụ đều phải nêu cao ý thứ chấp hành nghiêm các quy định về PCCC, làm đúng trách nhiệm theo sự phân công và chỉ đạo của Lãnh đạo khi có sự cố xảy ra.
5- Giám đốc BHXH huyện, thị xã là người chịu trách nhiệm cao nhất trong chỉ đạo xây dựng phương án, trang bị phương tiện và tổ chức tập huấn, diễn tập, tổ chức kiểm tra chấn chỉnh hoạt động PCCC tại đơn vị, thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.
PHẦN 1: ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY
A. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH BHXH BÌNH DƯƠNG:
1/ Vị trí của BHXH Bình Dương:
Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương là một đơn vị sự nghiệp có chức năng thực hiện các chế độ chính sách về Bảo hiểm xã hội - Bảo hiểm y tế cho người lao động và nhân dân. Do vậy cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh hàng ngày luôn tiếp và làm việc với các đơn vị, doanh nghiệp đến quan hệ công tác; đặc biệt là người lao động đến để giải quyết các chế độ chính sách liên quan về BHXH – BHYT; bình quân mỗi ngày cơ quan tiếp khoảng 200 đến 300 người đến quan hệ công tác. Bên cạnh đó do nhu cầu công việc quá lớn do vậy số lượng cán bộ công chức cơ quan tăng đáng kể, hiện nay có tổng công khoảng 160 Cán bộ công chức tại Văn phòng BHXH tỉnh, đặc biệt việc xử lý các hồ sơ hầu hết là trên giấy tờ và máy vi tính và có lượng lưu trữ, bảo lưu các loại hồ sơ, sổ sách rất lớn.
* Vị trí tọa lạc của trụ sở BHXH Bình Dương:
+ Phía Đông giáp với nhà dân
+ Phía Tây giáp với Sở VHTT-TT-Du lịch
+ Phía Nam giáp với đường ĐT743
+ Phía Bắc giáp với nhà dân
* Khả năng tiếp cận chữa cháy theo 03 hướng:
+ Hướng Nam
+ Hướng Bắc
+ Hướng Tây
2/ Giao thông bên trong và bên ngoài:
+ Giao thông bên trong:
BHXH Bình Dương có thể tiếp cận được từ 03 hướng
Cổng chính rộng xe chữa cháy có thể hoạt động dễ dàng.
+ Giao thông bên ngoài:
Từ Đội PCCC trung tâm đến cơ quan BHXH Bình Dương khoảng 2km, theo tuyến đường Đại lộ Bình Dương – rẽ trái vào đường ĐT743 đi khoảng 300m – BHXH Bình Dương.
* Nguồn nước:
+ Bên trong cơ quan: có 01 giếng nước khoan.
+ Bên ngoài: Hệ thống cấp nước, trụ bơm nước của Cty Cấp thoát nước Bình Dương.
3/ Đặc điểm kiến trúc:
Tổng diện tích là: bao gồm 02 lầu, 01 trệt và 01 sân thượng.
Cấu trúc xây dựng: Nhà cấp 2 xây kiên cố.
B. ĐẶC TÍNH CHẤT CHÁY NỔ:
- BHXH Bình Dương là cơ quan sự nghiệp Nhà nước, có chức năng tổ chức thực hiện các chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và quản lý quỹ BHXH,BHYT và lưu trữ, bảo lưu các loại hồ sơ liên quan đến BHXH, BHYT.
- Tính chất cháy nổ tương đối an toàn PCCC
- Khả năng xảy ra sự cố ít
C. LỰC LƯỢNG VÀ PHƯƠNG TIỆN TẠI CHỖ:
1/ Lực lượng gồm:
+ Ban chỉ huy
+ Đội thông tin liên lạc
+ Đội ứng cứu nhanh (được chia thành nhiều tổ, mỗi tổ ứng cứu phụ trách một tầng lầu) bào gồm cả trong giờ làm việc và ngoài giờ làm việc.
+ Bộ phận di chuyển và hướng dẫn người bị nạn
+ Bộ phận cứu tài liệu, tài sản cơ quan (đặc biệt chú ý nhất là Phòng Công nghệ thông tin)
+ Đội tự vệ cơ quan.
2/ Phương tiện tại chỗ gồm:
- Bình CO2: cái
- Xô xách nước: cái
- Bao bố: cái
- Thang dây: cái
- Hệ thống báo cháy: bộ
- Câu liêm: cái
- Máy bơm: cái
- Vòi nước: cái
3/ Thông tin liên lạc báo cháy:
- Dùng số điện thoại cơ sở để báo cho lực lượng PCCC chuyên nghiệp 114, hoặc báo cho đội PCCC gần nhất
- Dùng xe tự có để báo cho lực lượng PCCC
4/ Những nguyên nhân phát sinh cháy nổ:
- Không cúp cầu dao các thiết bị sử dụng điện khi hết giờ làm việc
- Do chập điện trong hệ thống điện
- Do vi phạm nội quy PCCC trong cơ quan
- Do phá hoại
- Do bị cháy lan từ bên ngoài vào
PHẦN 2: CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG CHÁY
A. CÔNG TÁC XÂY DỰNG TẠI CHỖ:
1/ Công tác tuyên truyền giáo dục:
- Thường xuyên nhắc nhở CBCC có ý thức tốt trong việc phòng chống cháy nổ, tuyệt đối nghiêm chỉnh chấp hành đúng nội quy PCCC.
- Tắt máy, cúp cầu dao khi hết ca làm việc
- Vệ sinh thiết bị, hệ thống điện.
2/ Công tác tổ chức:
Thành lập lực lượng PCCC tại chỗ đầy đủ về số lượng, có tổ chức chặt chẽ, thiết bị đầy đủ về cơ sở vật chất cho công tác PCCC
B. CÔNG TÁC HUẤN LUYỆN LỰC LƯỢNG PCCC TẠI CHỖ:
- Tổ chức cho lực lượng PCCC tại chỗ học tập tính năng tác dụng và cách sử dụng các phương tiện chữa cháy tại chỗ theo sự hướng dẫn của cơ quan PCCC chuyên nghiệp.
- Theo thời gian định kỳ, tổ chức kiểm tra trang thiết bị PCCC và thực tập PCCC tại đơn vị.
- Kết hợp lực lượng PCCC tại chỗ với cơ quan để diễn tập và học tập huấn luyện công tác PCCC.
- Kết hợp chặt chẽ với lực lượng PCCC chuyên nghiệp cho phương án PCCC
C. CÔNG TÁC KIỂM TRA HƯỚNG DẪN VỀ KỸ THUẬT AN TOÀN PCCC:
1/ Công tác kiểm tra:
Việc kiểm tra công tác PCCC được tiến hành nhằm đảm bảo yêu cầu cao nhất trong việc phòng chống cháy nổ như sau:
- Kiểm tra thường xuyên được tiến hành hàng ngày tại các phòng làm việc, kiểm tra tình hình thực hiện về quy định PCCC
- Kiểm tra định kỳ: được tiến hành 1 tháng đối với:
+ Hệ thống điện
+ Bảo trì các trang thiết bị
+ Kiểm tra đường dây mối nối của hệ thống điện
+ Kiểm tra trang thiết bị PCCC
+ Kiểm tra sắp xếp lại trang thiết bị PCCC
2/ Hướng dẫn an toàn và các quy định về PCCC:
- Làm bảng hướng dẫn và nội quy về PCCC tại cơ quan.
- Không hút thuốc, đốt lửa, không sử dụng đun nấu trong khu vực kho, khu vực văn phòng, nhà xe. Khi hút thuốc lá xong phải dập tắt hẳn bỏ vào gạt tàn thuốc, không vứt vào thùng rác, giỏ rác, không được mang chất dễ cháy, dễ nổ vào cơ quan. Nhắc nhở người dân đến liên hệ công tác, làm hồ sơ phải tắt thuốc lá trước khi vào phòng làm việc.
- Sử dụng đúng và đầy đủ các loại cầu trì, cầu dao, phích cắm cho hệ thống điện và máy móc của cơ quan theo tiêu chuẩn an toàn về điện.
- Không tự ý câu móc, lắp đặt thêm thiết bị điện khi chưa tính toán xem hệ số an toàn chịu tại của hệ thống điện; CBCC sử dụng các thiết bị liên quan đến điện phải kiểm tra ổ cắm, đường dây, tránh để hở, chập mạch trước khi mở nguồn cho các thiết bị hoạt động.
- Khi hết giờ làm việc phải kiểm tra, tắt máy, tắt cầu dao điện trong các khu vực.
- Sắp xếp vật tư trong kho lưu trữ, kho chứa đồ phải lưu ý đến các loại vật tư dễ gây cháy để theo dõi.
- Hồ sơ, tài liệu, các loại vật liệu dễ cháy phải để cách ổ cắm điện trên 1m, để vào hộp hoặc cột lại để thuận tiện cho việc di chuyển khi cần thiết.
PHẦN 3: TỔ CHỨC CHỮA CHÁY
A. TỔ CHỨC CHỮA CHÁY:
- Tùy theo mức độ cháy và vị trí của nơi phát sinh sự cố có các bước xử lý khác nhau.
- Khi phát hiện cháy, người phát hiện hô to: cháy, cháy, ấn còi báo cháy
- Cúp cầu dao khu vực và khu vực liên hệ
- Dùng điện thoại báo cháy cho lực lượng PCCC chuyên nghiệp số 114 hoặc báo cho đội PCCC gần nhất.
- Dùng phương tiện PCCC dập tắt đám cháy
- Cứu người bị nạn ra khỏi khu vực cháy
- Di chuyển tài sản, tài liệu ra khỏi khu vực cháy
- Tạo khoảng cách ngăn cháy chống lây lan
B. CHỈ HUY CHỮA CHÁY:
Việc chỉ huy chữa cháy được phân công cụ thể như sau:
- Giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương tổng chỉ huy
- Các Phó Giám đốc sẽ tổng chỉ huy khi là người có mặt tại nơi xảy ra sự cố cháy trước khi Giám đốc đến.
C. PHƯƠNG ÁN XỬ LÝ TÌNH HUỐNG CHÁY:
1/ Việc gây cháy có thể có các nguyên nhân:
- Cháy do chập điện
- Do sơ xuất bất cẩn
- Do vi phạm nội quy PCCC
- Do phá hoại
- Do cháy lây lan từ bên ngoài…
2/ Xử lý tình huống khi xảy ra cháy:
a Trong giờ làm việc:
- CBCC phát hiện cháy thông báo ngay cho Trưởng phó phòng, tổ trưởng tổ ứng cứu tại lầu mình, tất cả các CBCC bình tĩnh xác định khả năng lây lan, hỗ trợ dập tắt ngay.
- Khi nhận tin có cháy, CBCC được phân công thực hiện tắt ngay cầu dao điện sử dụng bình CO2 dập tắt ngay đám cháy, các đồng chí khác theo phân công sử dụng dây dẫn nước, các phương tiện khác như xô xách nước, bao bố, giẻ có tẩm nước dập tắt đám cháy.
- Trưởng phòng, tổ trưởng tổ ứng cứu báo cáo ngay cho Tổng chỉ huy điều động các phòng hỗ trợ.
- Tổng chỉ huy điều động các Đội hỗ trợ và quyết định các biện pháp nhằm nhanh chóng dập tắt đám cháy, chuyển tài sản, tài liệu hồ sơ khỏi nơi xảy ra cháy.
b/ Ngoài giờ làm việc:
- Người phát hiện cháy phải bằng mọi cách báo ngay cho Tổng chỉ huy và thành viên Ban chỉ huy theo số điện thoại cố định hoặc di động.
- Thông báo ngay cho Trưởng hoặc Phó trưởng phòng Tổ chức hành chính
- Sử dụng bình CO2 hoặc nước dập tắt đám cháy
- Người được nhận thông tin phải nhanh chóng có mặt tại cơ quan, điều động CBCC thuộc tổ ứng cứu đến hỗ trợ dập tắt đám cháy, hoặc thông báo cảnh sát PCCC đưa phương tiện đến dập tắt đám cháy
- CBCC khi nhận được điện thoại thông báo phải nhanh chóng đến hiện trường để phối hợp chữa cháy, cứu tài liệu, tài sản cơ quan.
c/ Phân công xử lý tình huống:
- Từng phòng và từng tầng lầu lập danh sách tổ ứng cứu do Trưởng phòng phó trưởng phòng làm tổ trưởng
- Tùy theo mức độ cháy và vị trí của nơi phát sinh sự cố có các bước xử lý phù hợp, đồng chí tổ trưởng có trách nhiệm phân công thành viên trong tổ xử lý tình huống.
- Khi có tình huống cháy xảy ra các tầng lầu phải có sự phối hợp chặt chẽ để chữa cháy
d/ Sơ đồ vị trí phương tiện chữa cháy:
(Bố trí sơ đồ chung và sơ đồ từng phòng, lầu của trụ sở cơ quan)
e/ Danh sách Ban chỉ huy và số điện thoại liên lạc:
(Lập danh sách theo quyết định của Giám đốc)
f/ Danh sách phân công nhiệm vụ cụ thể từng thành viên của lực lượng PCCC tại chỗ:
Căn cứ vào nhiệm vụ chuyên môn và đặc điểm của mỗi phòng, tầng lầu BCH sẽ phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên thuộc lực lượng PCCC tại chỗ.
D. KHEN THƯỞNG – KỶ LUẬT:
- Tập thể, cá nhân có thành tích trong xây dựng và thực hiện nội quy, phòng cháy tốt, đảm bảo an toàn sẽ được cộng thêm điểm thi đua cuối năm và khen thưởng đột xuất khi có thành tích xuất sắc.
- Tập thể, cá nhân không xây dựng phương án PCCC, vi phạm nội quy PCCC sẽ bị trừ điểm thi đua, nếu lỗi vi phạm nặng sẽ bị kỷ luật tùy theo mức độ.
- CBCC để xe môtô sai vị trí, gây cản trở lối đi trong quá trình chữa cháy sẽ bị trừ điểm thi đua (lần thứ 1 hạ 1 bậc, lần 2 xếp loại B), nếu trường hợp nặng sẽ bị kỷ luật theo quy định.
- CBCC hút thuốc lá xong không dập tắt hẳn tàn thuốc và vứt không đúng với nơi quy định về PCCC sẽ bị kỷ luật từ khiển trách trở lên
- CBCC khi nhận được điện yêu cầu vào cơ quan để tham gia chữa cháy nhưng không vào mà không có lý do chính đáng thì bị xử lý kỷ luật từ khiển trách trở lên.
- Những đồng chí có tên trong danh sách tổ ứng cứu ngoài giờ khi nhận được điện báo có cháy nếu ở gần cơ quan thì lập tức có mặt để ứng phó và cùng phối hợp chữa cháy.
Nơi nhận: GIÁM ĐỐC
- Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
- Công an tỉnh Bình Dương;
- Các Phòng nghiệp vụ BHXH BD;
- Lưu VT.
BÙI HỮU PHONG