Đấu thầu hiện nay còn khá nhiều bất cập.

CE114-04

Thành viên cực kỳ nhiệt tình
Tham gia
20/4/12
Bài viết
382
Điểm thành tích
28
Dường như, luật đấu thầu 2005 vẫn còn rất nhiều thiếu sót và cần được sửa đổi bổ sung. Nghị định 85/2009-CP ra đời tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng biên độ phát triển của nghành công nghiệp xây dựng.
Rõ ràng trong Điều 29: Phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu của Luật đấu thầu 2005 đã qui định rất rõ:
1. Phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu phải được thể hiện thông qua tiêu chuẩn đánh giá trong hồ sơ mời thầu. Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu gồm tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm trong trường hợp không áp dụng sơ tuyển; tiêu chuẩn đánh giá về mặt kỹ thuật; tiêu chuẩn đánh giá tổng hợp đối với gói thầu dịch vụ tư vấn hoặc các nội dung để xác định chi phí trên cùng một mặt bằng về kỹ thuật, tài chính, thương mại để so sánh, xếp hạng các hồ sơ dự thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, gói thầu EPC.
2. Đối với gói thầu dịch vụ tư vấn thì sử dụng phương pháp chấm điểm để đánh giá về mặt kỹ thuật. Khi xây dựng tiêu chuẩn đánh giá phải xác định mức yêu cầu tối thiểu về mặt kỹ thuật nhưng không được quy định thấp hơn 70% tổng số điểm về mặt kỹ thuật; trường hợp gói thầu có yêu cầu kỹ thuật cao thì mức yêu cầu tối thiểu về mặt kỹ thuật phải quy định không thấp hơn 80%. Việc xây dựng tiêu chuẩn đánh giá để so sánh, xếp hạng hồ sơ dự thầu được thực hiện theo quy định sau đây:
a) Đối với gói thầu dịch vụ tư vấn không yêu cầu kỹ thuật cao thì sử dụng thang điểm tổng hợp để xếp hạng hồ sơ dự thầu. Trong thang điểm tổng hợp phải bảo đảm nguyên tắc tỷ trọng điểm về kỹ thuật không thấp hơn 70% tổng số điểm của thang điểm tổng hợp. Hồ sơ dự thầu của nhà thầu có số điểm tổng hợp cao nhất được xếp thứ nhất;
b) Đối với gói thầu dịch vụ tư vấn có yêu cầu kỹ thuật cao thì nhà thầu có hồ sơ dự thầu đạt điểm kỹ thuật cao nhất được xếp thứ nhất để xem xét đề xuất về mặt tài chính.
3. Đối với gói thầu mua sắm hàng hoá, xây lắp, gói thầu EPC thì sử dụng phương pháp chấm điểm hoặc phương pháp đánh giá theo tiêu chí "đạt", "không đạt" để đánh giá về mặt kỹ thuật. Khi xây dựng tiêu chuẩn đánh giá về mặt kỹ thuật là thang điểm, phải xác định mức yêu cầu tối thiểu về mặt kỹ thuật nhưng bảo đảm không được quy định thấp hơn 70% tổng số điểm về mặt kỹ thuật; trường hợp yêu cầu kỹ thuật cao thì mức yêu cầu tối thiểu không được quy định thấp hơn 80%. Đối với các hồ sơ dự thầu đã vượt qua đánh giá về mặt kỹ thuật thì căn cứ vào chi phí trên cùng một mặt bằng về kỹ thuật, tài chính, thương mại để so sánh, xếp hạng. Hồ sơ dự thầu của nhà thầu có chi phí thấp nhất trên cùng một mặt bằng được xếp thứ nhất.
Chính phủ quy định chi tiết về đánh giá hồ sơ dự thầu.

Vậy ở đây kỹ thuật bao gồm những yếu tố nào?
Kỹ thuật ở đây chính là biện pháp thi công, công nghệ thi công, máy móc trong thi công, các biện pháp nhằm đảm bảo chất lượng, và an toàn trong lao động. Và kết quả cuối cùng là đi đến tiến độ thi công.
Luật đã hướng dẫn và qui định rõ ràng như thế nhưng hiện nay khi đấu thầu các chủ đầu tư dường như chỉ để ý đến vấn đề giá? Liệu giá công trình thấp có dẫn đến việc công trình chất lượng, an toàn.
Một nhà thầu tham gia đấu thầu công trình, trong quá trình làm hồ sơ dự thầu, lập dự toán dự thầu, nhà thầu đó đã áp dụng tất cả các định mức hiện hành, các thông báo giá liên sở mới nhất, các qui định về mức lương tối thiểu chung, lương tối thiểu vùng theo qui định của pháp luật. Và giá trị sau khi tính toán ra là A, đây chính là giá trị tốt nhất để thực hiện công trình này. Ấy vậy mà:
Có những nhà thầu mạnh tay giảm giá, mạnh tay cam kết với những giá trị nhỏ hơn mức A tỷ đồng đó mà vẫn đảm bảo chất lượng cho công trình. Vậy chất lượng nằm ở đâu?
Có thể dùng bài toán trừ cơ bản của học sinh lớp 3 (phép trừ có nhiều chữ số).
Giá trị để làm tốt công trình: A.
Giá trị giảm: B
Giá trị thầu được duyệt: A – B = C < A.
Với giá trị C tỷ đồng này, cộng với những khoản chi phí này, chi phí nọ D. Thì giá trị thực còn có là: C – D = E nhỏ so với A.

Từ những điều cơ bản ở trên thì chất lượng công trình thấp, yếu kém; tiến độ thi công chậm trễ, kéo dài là do hiện tượng giá trị bỏ thầu quá thấp. Thậm chí để có thể trúng thầu các nhà thầu xây dựng đã phá luật, chấp nhận phá giá thầu để có thể trúng thầu bằng mọi cách, mọi giá.
Chúng ta cứ giả sử mình là 1 người chủ doanh nghiệp, chúng ta tự bỏ tiền thành lập công ty và chúng ta cũng đi đấu thầu. Liệu giá dự toán dự thầu lập ra là 1 tỷ đồng, chúng ta có dám bớt hẳn 100-200 triệu không? Các bạn đừng nói rằng các bạn dám, tôi nói thật các bạn nói là dám chẳng qua các bạn không biết quí trọng đồng tiền các bạn làm ra. Các bạn đang làm 1 cái thao tác mà ông bà ta gọi là “Ném tiền qua cửa sổ”, đó là chưa kể các bạn chưa tính đến phần trượt giá, các yếu tố bất lợi trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu này.

Nếu chỉ đổ lỗi hết cho nhà thầu thì cũng chưa đúng, một bộ phận tiếp tay cho các nhà thầu đó chính là các đơn vị chủ đầu tư. Họ sống thờ ơ, lãnh đạm và đang chơi trò đốt tiền của nhà nước. Một công trình xây dựng còn dễ dàng, chứ 1 công trình xây dựng, hư hỏng rồi đi sửa chữa thì thật mệt mỏi. Sửa đi, sửa nữa, sửa mãi cuối cùng rồi cũng phải đập sạch, đập tuốt, đập hết. Và thiệt hại tăng gấp 2, gấp 3.

Lấy ví dụ 1 cách trực quan sinh động. Một bà nội trợ đi chợ mua cá, mua thịt… Thay vì phải bỏ 100 nghìn để mua 1kg thịt ngon, thì giờ chỉ cần bỏ ra 50 nghìn để mua thịt siêu nạc, thịt thối được ngâm hóa chất. Một bà nội trợ khác nhìn mỉa mai “Thì tiền nào của nấy mà”. Tiền ít thì chỉ mua được thịt ôi, thịt thối chứ làm gì có thịt sạch. (Qua ví dụ này, mình xin lỗi những bà nội trợ của những gia đình khó khăn, mình lấy ví dụ ở đây để mình nói lên cái sản phẩm nhận được, tương ứng với các giá trị của nó. Chứ bản thân mình cũng rất ham rẻ)

Và đây chính là 1 điều thằng Trung Quốc nó đã tận dụng 1 cách triệt để và không thương tiếc đối với người dân Việt Nam ta. Từ quần áo đến giày dép, từ vật dụng đến đồ chơi, từ thực phẩm đến thức ăn. Và nói không đâu xa xôi đó chính là những chuyện thu mua cát, đỉa, dứa gần đây. Và gần với chuyên môn của chúng ta hơn đó chính là việc trúng thầu khai thác bô xít. Tất cả đều là hậu quả của 1 giá thành rẻ mạt.

Tóm lại, luật đấu thầu hiện nay còn rất nhiều bất cập, và đặc biệt là luật đầu thầu hiện nay chi áp dụng đối với vốn NSNN. Chính những sơ hở, thiếu sót này mà hiện tại có rất nhiều cá nhân, đối tượng lợi dụng để mang lợi ích riêng về cho mình. Việc cần phải xem xét, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung lại luật sẽ làm cho Luật đấu thầu nên hoàn thiện và khiến các cuộc đấu thầu lành mạnh hơn.

Thân ái
CE114-04
 

Top