Mình đã bị sửa lưng. Sorry.
Bộp chộp ko thèm đọc chữ "dự thảo".
Xin chữa thẹn bằng bản tổgn hợp của tác giả chấp bút dự thảo luật:
Những nội dung chủ yếu của dự thảo luật đầu tư công (22/08/2007)
Thực hiện Nghị quyết số 72/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006 của Quốc hội về Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2007 và Quyết định số 291/QĐ-TTg ngày 7/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân công cơ quan chủ trì, phối hợp soạn thảo các dự án luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đã dự thảo Luật Đầu tư công để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành. Quá trình nghiên cứu, soạn thảo Luật đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thành lập Ban soạn thảo gồm đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan, tổ chức nghiên cứu và dự thảo Luật, tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan liên quan, các địa phương và các chuyên gia trong một số lần hội thảo để hoàn chỉnh văn bản dự thảo Luật. Dự thảo Luật Đầu tư công gồm những quy định chung và các điều khoản quy định về những vấn đề cụ thể về quản lý đầu tư công. Dưới đây xin nêu những nội dung chủ yếu trong dự thảo Luật đang được trình xin ý kiến các bộ, ngành và các địa phương để báo cáo Chính phủ.
1. Những quy định chung
Theo dự thảo, Luật này quy định về hoạt động đầu tư trực tiếp từ nguồn vốn nhà nước không nhằm mục đích kinh doanh, quy định về quyền hạn, quy định về quyền hạn và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến đầu tư công được giao sử dụng vốn nhà nước theo quy định của pháp luật và các tổ chức, cá nhân khác liên quan đến hoạt động đầu tư công. Đối tượng sử dụng nguồn vốn nhà nước trong đầu tư công gồm: các chương trình mục tiêu, dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, các công trình công cộng, quốc phòng, an ninh; các dự án đầu tư phục vụ hoạt động của các cơ quan, đơn vị sự nghiệp kinh tế, quản lý nhà nước, nghiên cứu khoa học và công nghệ, các tổ chức chính trị - xã hội; dự án văn hoá- xã hội, cơ sở công cộng không có điều kiện xã hội hoá; hỗ trợ đầu tư dự án đầu tư của các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức xã hội- nghề nghiệp, các tổ chức xã hội và các chương trình mục tiêu, dự án đầu tư công khác theo quy định của Chính phủ.
Để bảo đảm sự nhất quán về luật pháp đối với hoạt động đầu tư công, dự thảo quy định các hoạt động đầu tư công trên lãnh thổ Việt Nam thực hiện theo Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; hoạt động đầu tư công có nội dung đặc thù được quy định trong luật khác thì áp dụng quy định của luật đó. Đối với hoạt động đầu tư công sử dụng nguồn vốn Hỗ trợ phát triển chính thức, ngoài quy định của Luật này còn phải tuân thủ các điều ước, thoả thuận quốc tế, chương trình hợp tác liên Chính phủ (gọi chung là điều ước quốc tế); nếu các quy định trong Luật này trái với các điều ước quốc tế thì thực hiện theo các điều ước quốc tế.
Ngoài quy định về phạm vi điều chỉnh của Luật nêu trên, dự thảo đã nêu một số nội dung mang tính chất nguyên tắc chung về quản lý đầu tư công, đó là:
- Đầu tư công phải thực hiện theo dự án, phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.
- Dự án đầu tư công phải đảm bảo cân đối vốn, đúng mục tiêu, đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, tiết kiệm và có hiệu quả.
- Đầu tư công phải công khai, minh bạch theo quy định, phù hợp yêu cầu cải cách hành chính và tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước.
- Quản lý đầu tư công được phân cấp phù hợp với phân cấp quản lý ngân sách nhà nước, dự án đầu tư thuộc vốn ngân sách cấp nào do cấp đó quản lý.
- Phân định rõ quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư công.
2. Kế hoạch đầu tư công
Mục tiêu của dự thảo là quy định quản lý đầu tư theo kế hoạch đầu tư nhằm khắc phục tình trạng đầu tư phân tán ngay từ khâu kế hoạch. Đây là nội dung quan trọng trong dự thảo Luật Đầu tư công, bao gồm các vấn đề như: Căn cứ lập, yêu cầu và nội dung của kế hoạch đầu tư công ở các cấp; trình tự thông qua và phê duyệt, điều chỉnh kế hoạch, điều kiện ghi kế hoạch vốn hàng năm và tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư công. Các nội dung này nhằm thống nhất quy trình kế hoạch hoá đầu tư công, bảo đảm việc sử dụng vốn nhà nước tập trung đúng mục tiêu, khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, chậm tiến độ, nợ đọng trong đầu tư và giữ vững kỷ cương kế hoạch, giúp cho việc quản lý, điều hành kế hoạch có hiệu quả. Đồng thời nội dung phần này cũng quy định trách nhiệm của các ngành, các cấp và cơ quan quản lý thực hiện kế hoạch đầu tư công.
3. Chương trình mục tiêu đầu tư công
Nội dung này quy định việc lập các loại chương trình mục tiêu đầu tư công, trình tự lập và phê duyệt các chương trình mục tiêu đầu tư công để tập trung nguồn lực thực hiện mục tiêu nào đó theo quy hoạch hoặc chiến lược phát triển của toàn quốc hay vùng lãnh thổ.
Dự thảo Luật nêu ra 3 loại chương trình mục tiêu: Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình mục tiêu của Chính phủ và Chương trình mục tiêu cấp tỉnh. Đối với từng loại chương trình mục tiêu dự thảo luật quy định cụ thể căn cứ lập, yêu cầu và nội dung, thẩm quyền phê duyệt đối với các chương trình mục tiêu đầu tư nêu trên, việc tổ chức thẩm định để phê duyệt chương trình mục tiêu đầu tư công.
Chương trình mục tiêu công đầu tư có phạm vi rộng, thực hiện trong thời gian dài vì vậy dự thảo Luật đã quy định những điều kiện và thủ tục điều chỉnh các chương trình đầu tư khi cần thiết đảm bảo cho chương trình phù hợp với điều kiện thực tế, đồng thời quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện chương trình để bảo đảm mục tiêu dự kiến của chương trình.