Nhà thầu xây dựng với vấn đề giá

TuvanXD246

Cựu Thành viên BQL Diễn đàn
Tham gia
4/3/08
Bài viết
751
Điểm thành tích
43
Website
giaxaydung.vn
Kể từ Hội thảo Hiệp hội Nhà thầu tổ chức vào tháng 2 năm 2002 có một vấn đề được nêu lên đó là: “Cần hình thành cơ chế hoàn chỉnh cho thị trường xây dựng”. Từ đó đến nay, các Luật Xây dựng và Luật Đấu thầu cùng với một loạt các Nghị định có liên quan được ban hành, thể chế thị trường xây dựng được hoàn thiện thêm một bước. Tuy vậy, một phạm trù rất quan trọng trong thị trường là giá xây dựng thì gần đây mới được quan tâm tới và Thủ tướng Chỉnh phủ vừa thông qua đề án Đổi mới cơ chế quản lý chi phí trong đầu tư xây dựng công trình do Bộ Xây dựng trình. Giá thị trường xây dựng bao gồm giá thành và giá chi phí. Theo cách thể hiện quen thuộc của môn kinh tế chính trị Mác xít thì giá thành là C + V, còn chi phí là C + V + M (C - giá trị lao động vật hoá, V - giá trị lao động sống, M - giá trị do con người lao động sáng tạo ra). Trong kinh tế thị trường thì M là thuế cộng với lợi nhuận. Như vậy giá thành là cơ sở để xác định chi phí.
(Trong Tiếng Anh, giá thành và chi phí đều là cost, còn trong tiếng Hoa đó là giá thành và định giá, hoặc đầu tư và chi phí, tuỳ theo trường hợp)
Chủ đầu tư và nhà thầu đều phải quan tâm đến vấn đề giá, nhưng dĩ nhiên là từ góc nhìn khác nhau.
Đối với chủ đầu tư thì quá trình hình thành giá đầu tư khá dài. Với sự giúp đỡ của tư vấn, chủ đầu tư lần lượt có các giá ước toán, giá khái toán, giá dự toán, giá khởi điểm đấu thầu, giá chọn thầu, giá ký kết hợp đồng giao nhận thầu, giá thanh toán, giá quyết toán.
Nhà thầu thì quan tâm đến giá dự thầu, giá hợp đồng giao nhận thầu, giá đề nghị bổ sung, giá thanh toán, giá quyết toán, giá hạch toán nội bộ. Nhà thầu chính còn phải quan tâm đến vấn đề giá khi ký kết hợp đồng giao nhận thầu với nhà thầu phụ.
Giá trong thị trường xây dựng phụ thuộc rất lớn vào giá trong các thị trường yếu tố sản xuất như thị trường vốn, vật liệu xây dựng, máy móc thiết bị, công nghệ, năng lượng, vận tải, lao động, bảo hiểm... Bất cứ biến động nào về giá trong bất kỳ thị trường yếu tố sản xuất nào đều tác động đến giá trong thị trường xây dựng. Trong khi đó thời hạn thực hiện hợp đồng giao nhận thầu lại thường đủ dài để kịp xuất hiện biến động về nhiều loại giá, do tác động của cơ chế thị trường về cung cầu và cạnh tranh.

Dưới đây là một số vấn đề giá mà nhà thầu nên quan tâm:

1. Nhà thầu nước ta vẫn còn nhiều bỡ ngỡ trong việc đưa ra giá dự thầu. Sách lược định giá dự thầu có hai loại: định giá dự thầu để có thể đạt tới lợi nhuận dự tính khi được trúng thầu và định giá dự thầu hướng tới trúng thầu dù lợi nhuận thấp, nhằm chứng tỏ năng lực để nhận thầu các gói thầu tiếp theo hay để thâm nhập vào thị trường mới hoặc đang lúc thiếu việc làm. Nhưng dù áp dụng sách lược nào thì trước tiên phải đưa ra được ước toán về giá thành đủ độ tin cậy, sai số thấp để dựa vào đó mà định giá dự thầu. Theo Điều 31 Luật Đấu thầu thì nhà thầu có thời hạn rất ngắn để định giá dự thầu, vì vậy nếu không có phương pháp ước toán nhanh và đúng đắn do các chuyên viên giá xây dựng có kinh nghiệm thực hiện thì rất khó đưa ra giá dự thầu kịp thời và có độ tin cậy cao.
Các chuyên gia quốc tế đã phát triển nhiều kiểu ước toán dùng cho các giai đoạn khác nhau của dự án và cho các dự án thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhà thầu quan tâm đến ước toán tương ứng với giai đoạn nghiên cứu khả thi để dự thầu trong lĩnh vực xây dựng công trình.
Việc ước toán phải bắt đầu bằng việc nghiên cứu hồ sơ mời thầu, nhất là văn kiện Thuyết minh phạm vi dự án SOW, để có cơ sở lập ra sơ đồ Cấu trúc phân giải công việc WBS, ước tính kế hoạch tiến độ và nhu cầu chi phí theo tiến độ, dựa trên đơn giá của các nguồn lực đem sử dụng, các định mức và chỉ tiêu tham khảo, các số liệu lịch sử của các dự án tương tự.
Có hai tuyến kỹ thuật ước toán: từ trên xuống và từ dưới lên.
Ước toán từ trên xuống dựa trên kinh nghiệm và sự phán đoán của các chuyên gia, của nhân viên quản lý cấp cao và cấp trung hoặc dựa trên số liệu lịch sử, tham khảo các đơn giá tổng hợp (còn gọi là chỉ tiêu tổng hợp). Ước toán theo tuyến này thì nhanh nhưng sai số lớn.
Ước toán từ dưới lên do các chuyên viên tính toán cho từng hạng mục nhỏ rồi tập hợp thành ước toán cho toàn bộ dự án. Ước toán theo tuyến này thì có độ tin cậy cao nhưng lại đòi hỏi thời gian.
Để tận dụng ưu điểm của mỗi loại, nhà thầu hay dùng kết hợp cả hai cách ước toán từ trên xuống và từ dưới lên như sau: chọn một hạng mục tiêu biểu nào đó của dự án để ước toán giá thành, sau đó suy rộng ra cho toàn bộ dự án bằng cách kết hợp với các phương pháp ước toán khác như phương pháp so sánh, phương pháp tham số.
Sai số ước toán từ trên xuống có thể khoảng + 35% hoặc lớn hơn, nhưng ước toán hỗn hợp thì có sai số trong khoảng + 15 %. Đấy là những cách ước toán gần đúng. Còn nếu có tài liệu về công trình tương đối hoàn chỉnh thì có thể ước toán sát đúng từ các bộ phận nhỏ của công trình rời cộng lại thành ước toán chung theo cách ước toán từ dưới lên, gọi là ước toán xác thực hoặc ước toán từ gốc có sai số chỉ trong khoảng + 5 %.

2. Khống chế chi phí trong quá trình thi công là mối bận tâm lớn của nhà thầu.
Thông thường, trong xây dựng, bảo đảm chất lượng là công việc của bộ phận kỹ thuật còn tiết kiệm chi phí là trách nhiệm của tài vụ, cung ứng. Các bộ phận này ít kết hợp với nhau tuy rằng chất lượng và chi phí lại gắn bó mật thiết với nhau. Để khắc phục nhược điểm của phương thức quản lý tách rời như vậy và nhằm khống chế chi phí, các chuyên gia quản lý xây dựng đưa ra phương thức quản lý kết hợp kỹ thuật và kinh tế, gọi là VALUE ENGINEERING, tạm dịch là phương pháp phân tích giá trị. Định nghĩa ngắn gọn dễ hiểu nhất của phương pháp này là dùng chi phí ít nhất mà vẫn thực hiện công năng cần thiết, đạt được giá trị thích hợp.
Có bốn khái niệm quan trọng trong phương pháp phân tích giá trị: đó là công năng (Worth), chi phí (Cost) và giá trị (Value). Trị giá là công năng thành tiền. Chẳng hạn giá một cái bulông tại vị trí then chốt của mái nhà thì không bao nhiêu trong tính toán của người thiết kế, nhưng nếu bulông đó gãy, không thực hiện đúng chức năng làm cho cả mái nhà sập xuống, thì giá trị của nó lớn hơn cái giá (chi phí) của nó nhiều, do đó chỉ tiêu giá trị của nó có thể tính theo công thức:

V = W
C

Trong đó: V - chỉ tiêu giá trị; W - trị giá; C - Chi phí
Như vậy, giá trị có thể được nâng cao bằng cách giảm chi phí, nâng cao giá trị, hoặc phối hợp cả hai cách. Giảm chi phí bằng cách đó thì không tổn hại đến chất lượng.
Phương pháp phân tích giá trị có ích cho cả chủ đầu tư, tư vấn thiết kế và nhà thầu xây lắp để khống chế chi phí.
Nhà thầu xây lắp có nhiều kinh nghiệm về phương pháp, kỹ thuật và giá cả xây dựng. Nhà thầu có thể thu được lợi nhuận từ các kinh nghiệm đó cũng như từ các hiểu biết cập nhật về vật liệu, thiết bị, công nghệ thi công mới và lao động tại địa điểm công trường mà nhà thiết kế không nắm được do đó có thể đề xuất các sáng kiến cải tiến đối với thiết kế và phương pháp thi công để nâng cao giá trị và giảm chi phí. Các đề xuất như vậy gọi là đề xuất phân tích giá trị, gồm hai loại:
- Đề xuất phân tích giá trị trong nội bộ mà việc thực hiện không cần sự chấp thuận của chru đầu tư và bên thiết kế, vì vẫn trong khuôn khổ hợp đồng.
- Đề xuất sửa đổi phân tích giá trị cần sự chấp thuận của chủ đầu tư và bên thiết kế vì nó động chạm đến hợp đồng, bản vẽ và thuyết minh thiết kế, phạm vi dự án (SOW) hoặc các vấn đề khác mà hợp đồng đã có đề cập. Sự chấp thuận phải được thể hiện bằng văn bản.
Nói chung hợp đồng giao nhận thầu đã phải chứa đựng nhiều điều khoản về điều chỉnh giá cả, chẳng hạn như trong mẫu hợp đồng của FIDIC. Thế nhưng để khuyến khích nhà thầu áp dụng phương pháp phân tích giá trị để khống chế chi phí, hạ giá thành thì nhiều chủ đầu tưu ở Mỹ, kể cả chủ đầu tư Nhà nước, còn bổ sung vào hợp đồng một mục để khuyến khích phaâ tích giá trị trong xây dựng đề cập toàn diện đến VECP, trong đó có quy định mức phân chia khoản chi phí tiết kiệm được giữa chủ đầu tư và nhà thầu theo tỷ lệ 50/50, còn trong trường hợp chỉ định thầu thì tỷ lệ đó là 75/25.

3. Khi công trình hoàn thành thì không chỉ chủ đầu tư phải làm quyết toán mà nhà thầu cũng cần làm quyết toán, nhưng mục đích và nội dung quyết toán thì có sự khác biệt nhau. Ở đây chỉ đề cập đến quyết toán của nhà thầu.
Đối tượng quyết toán của nhà thầu là từng đơn vị hạng mục công trình, nhằm hạch toán giá dự toán, giá thực tế và giá giảm được (hoặc tăng lên). Mục đích quyết toán của nhà thầu là:
- Hạch toán lỗ lãi, phân tích giá thành thực tế, đánh giá hiệu quả kinh doanh và tổng kết kinh nghiệm;
- Cung cấp tài liệu quyết toán cho chủ đầu tư, cho kiểm toán nội bộ và kiểm toán nhà nước khi cần
- Lập quỹ dữ liệu về giá xây dựng của nhà thầu, phục vụ cho hệ thống quản lý giá thành dự án để sẵn sàng cung cấp các dữ liệu về giá khi dự thầu dự án mới. Ngày nay người ta đã phát triển nhiều loại phần mềm vi tính cho PCMS.

Kết luận

Trong kinh tế thị trường, giá cả đóng vai trò quyết định trong các giao dịch. Nhà thầu xây dựng nước ta tuy đã quen dần với cơ chế thị trường nhưng vẫn còn cần mở rộng kiến thức hơn nữa về giá cả xây dựng. Một số nhà thầu đã có những nếm trải cay đắng đối với vấn đề này.
Trong bài này, tác giả chỉ xin giới thiệu lược qua một vài chủ đề về giá cả xây dựng để nhà thầu nào quan tâm đến thì có thể đi sâu tìm hiểu và các hội nghề nghiệp có thể tổ chức các lớp chuyên gia để bồi dưỡng và cùng nhau nghiên cứu triển khai áp dụng kinh nghiệm quốc tế vào điều kiện nước ta.
Quản lý chi phí nội dung quan trọng của môn quản lý dự án và quản lý xây dựng, là những môn mới hình thành khoảng vài ba chục năm gần đây nhưng đã được các nhà kinh tế học cũng như những người thực hành rất quan tâm. Các chuỷên viên giá xây dựng rất được các nhà thầu trọng dụng. Họ được đào tạo bài bản và tập hợp trong các hội chuyên ngành quốc gia và quốc tế về giá. Mạng lưới thông tin về giá xây dựng quốc gia và quốc tế đang phát triển mạnh mẽ, có thể cung cấp qua mạng nhiều thông tin bổ ích. Trung Quốc cũng đã có 6 website về quản lý dự án, chứa đựng các thông tin về giá. Hy vọng sắp tới nước ta cũng sẽ có những website tương tự, giúp ích cho cả chủ đầu tư, cho tư vấn và cho nhà thầu xây lắp.

Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam
(Nguồn tin: T/C Người Xây dựng, tháng 12/2006)
 

Top