Nhận định của báo chí về giá vật liệu

Gần 60.000 tấn xi măng "ứng cứu" thị trường phía Nam

58.722 tấn xi măng các loại từ miền Bắc đã chuyển vào thị trường phía Nam trong các ngày từ 1-21/5 để góp phần điều tiết "cơn sốt" xi măng tại thị trường này. Thông tin được Tổng công ty Công nghiệp xi măng VN xác nhận.
Lượng hàng được chuyển bao gồm xi măng bao, bột xi măng, clinker và chủ yếu từ các đơn vị: Xi măng Hoàng Thạch, Tam Điệp, Hoàng Mai, Hải Phòng... Theo khảo sát của Tổng công ty, giá bán xi măng tại thị trường phía Nam ngày 21/5 vẫn đứng ở mức: Holcim 75.000 đồng/bao, Nghi Sơn 70.000 đồng/bao, Fico, Cotec và Lafag cùng 72.000 đồng/bao...
Trước đây, tâm lý của các chủ đầu tư khi thi công công trình là làm đến đâu mua hàng đến đó. Nhưng hiện nay, do lo ngại về tin đồn xi măng sẽ tăng giá sau ngày 30/6 nên nhiều người tiêu dùng chủ động tìm mua hàng tích lũy, đẩy nhu cầu tiêu thụ tăng cao đột biến.
Tổ điều hành thị trường trong nước cho biết Sở Thương mại TP.HCM khẳng định các cơ sở sản xuất xi măng đều thực hiện việc niêm yết và bán đúng giá tới các đại lý.
Tuy nhiên, do nhu cầu tăng cao, nguồn cung không đủ nên một số đại lý và các điểm bán lẻ đã tự nâng giá bán, thu lợi. Việc này nằm ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp sản xuất.
Hiện nay, các cơ sở sản xuất ximăng phía Nam đều thực hiện phương thức bán hàng thông qua nhà phân phối, do đó không thể quản lý được giá bán lẻ cuối cùng tới tay người tiêu dùng. Vì vậy, mặc dù giá bán xi măng tại các nhà máy không tăng, song do thiếu nguồn hàng nên giá bán lẻ vẫn tăng.
Trong khi đó, các nhà phân phối lại cho rằng họ đang phải chịu ảnh hưởng của chi phí vận chuyển cao.
(Theo TTXVN)
 
Thiếu nguồn cung ximang-Trách nhiệm nhà sản xuất ở đâu?

TT - Người tiêu dùng rất bức xúc vì các doanh nghiệp ximăng không tăng giá bán nhưng giá thực đến tay người tiêu dùng có lúc vẫn cao hơn 30-50% so với giá nhà máy bán ra.

Nguyên nhân giá ximăng tăng tại khu vực phía Nam được xác định là do cung không đủ cầu. Các nhà máy ximăng ở phía Nam chỉ đáp ứng một phần nhu cầu tại chỗ, còn lại phải chuyển từ phía Bắc hoặc nhập khẩu clinker. Thế nhưng, dù các nhà máy có chuyển hàng từ Bắc vào nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua với giá cao.

Như vậy người tiêu dùng đã không được gì từ chủ trương ổn định giá của Chính phủ và cam kết không tăng giá bán của các nhà sản xuất.

Giá ximăng đã tăng thêm trong khâu phân phối. Các cơ quan chức năng cũng đã kiểm tra nhưng vẫn chưa phát hiện nơi đầu cơ. Nếu cứ đi truy tìm kẻ đầu cơ nâng giá thì sẽ khó tìm ra. Vì "kẻ đầu cơ”, nơi đẩy giá ximăng lên, đó chính là hệ thống phân phối theo kiểu mua đứt bán đoạn, nhiều tầng nấc.

Thay vì phải tổ chức mạng lưới phân phối qua đại lý (bán theo đúng giá nhà máy qui định và đại lý chỉ được hưởng hoa hồng), ximăng sản xuất ra đã được bán theo kiểu tiền trao cháo múc, mua đứt bán đoạn. Khi đã bán đứt sản phẩm của mình cho nhà phân phối, nhà sản xuất đã từ bỏ quyền định giá bán sản phẩm trên thị trường, quyền đó thuộc về người đã bỏ tiền ra mua ximăng. Bao ximăng đến tay người tiêu dùng được bán qua bán lại ít nhất là ba cấp phân phối thì có bấy nhiêu người được quyền quyết định giá bán ximăng. Trong đó các nhà phân phối ở đoạn sau mạnh tay làm giá nhất, họ bán ximăng theo giá nào tùy thuộc vào cung - cầu trên thị trường. Chỉ cần nguồn cung có vấn đề là họ sẽ đẩy giá bán lên cao để hưởng lợi. Cũng đợi khi nguồn cung có vấn đề, những nhà phân phối này lại tìm mọi cách gom hàng và bán nhỏ giọt để đẩy giá lên.

Khi nhà sản xuất đã bán đứt sản phẩm của mình cho nhà phân phối thì giá bán ximăng tại nhà máy trở nên vô nghĩa với người tiêu dùng vì họ không thể mua ximăng từ nhà máy. Việc để cửa hàng bán lẻ cũng có thể quyết định giá bán thì việc bình ổn giá ximăng càng khó khăn hơn. Nếu các nhà sản xuất tổ chức mạng lưới đại lý bán hàng đúng giá thì chắc chắn, dù có thiếu hàng, giá cũng không tăng quá nóng và việc ổn định giá cũng dễ dàng hơn chứ không quá khó khăn như hiện nay.

Câu chuyện của ximăng cũng tương tự như với sản phẩm thép, phân bón, thuốc tây… - là những mặt hàng đang chịu sức ép tăng giá - có nguyên nhân từ khâu phân phối nhiều tầng nấc.

Ở một số trường hợp, khi nhà sản xuất chọn cách phân phối mua đứt bán đoạn, có hiện tượng hình thành mạng lưới phân phối thân quen, gia đình để khép kín lợi nhuận. Hàng được bán qua nhiều cấp nhưng Nhà nước không thu được thuế, còn người tiêu dùng phải trả thêm chênh lệch. Có thể nhà sản xuất lấy lý do không thể tổ chức mạng lưới đại lý bán theo đúng giá nhà máy vì phải quay vòng vốn nhanh, tiết giảm chi phí, khó quản lý và thu hồi công nợ… Nhưng khi chọn cách phân phối mua đứt bán đoạn, nhà sản xuất chưa thể hiện trách nhiệm đến cùng với sản phẩm của mình trước người tiêu dùng.

Chưa quá muộn để bắt đầu hình thành một cách phân phối mới, trong đó nhà sản xuất phải có trách nhiệm hơn đối với sản phẩm của mình trong quá trình phân phối.

THANH TUYỀN-Báo tuổi trẻ
 
Giá thép ổn định tới cuối tháng 7/2008

Giá thép sẽ bình ổn từ nay tới hết tháng 7/2008, đó là khẳng định của ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam.

Hiện nay thép đang tiêu thụ rất chậm. Theo số liệu của Hiệp hội Thép, tháng 5/2008 lượng thép bán ra của các DN thành viên đạt 265.000 tấn, tăng hơn tháng 4 khoảng 10.000 tấn và vẫn thấp hơn nhiều so với mức 340.000 tấn của tháng 3/2008.

Thép tiêu thụ chậm vì đã bắt đầu vào mùa mưa, xây dựng giảm. Bên cạnh đó, nhiều công trình do khó khăn về vốn đã phải tạm ngừng hoặc giãn tiến độ thi công nên nhu cầu về thép giảm mạnh. Trong khi đó lượng phôi thép và thép các DN dự trữ vẫn lớn, đủ đáp ứng nhu cầu cho tới tháng 8/2008.Vì vậy thép khó có khả năng tăng giá.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng xuất khẩu nhiều phôi trong lúc này, thời gian tới có nguy cơ sẽ thiếu phôi thép, trong khi giá phôi nhập khẩu tăng cao sẽ đẩy giá thép lên cao.
images1564394_LuuXa3.jpg

Sản xuất thép tại Công ty Gang thép Thái Nguyên.
Hiệp hội Thép phủ nhận điều này. Ông Cường cho biết, tồn dư thép thành phẩm trong toàn Hiệp hội Thép tính tới thời điểm hết tháng 4/2008 gần 200.000 tấn. Cộng với lượng phôi đã nhập về của các công ty sản xuất dự trữ trên 400.000 tấn. Như vậy, mối quan tâm nhất của thị trường là có thể thiếu thép sẽ không thể xảy ra. So với cùng kỳ 2007, cả sản xuất và tiêu thụ thép đều tăng khoảng 15,49%. Hiện giá thép các DN bán ra vẫn đứng ở mức 16 triệu đồng/tấn đã có VAT, giá này sẽ còn ổn định lâu dài.
Còn phôi thép xuất khẩu, cũng theo Hiệp hội Thép (trích dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan) cho biết, trong tháng 5/2008, lượng phôi xuất khẩu đạt khoảng 20.000 tấn. Với số lượng này chưa ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất cũng như cung ứng thép trong nước.
Nhưng theo một số nguồn tin thì đó chỉ là lượng phôi thép thực xuất, còn các hợp đồng đã ký để xuất khẩu thì số lượng lớn hơn nhiều. Một số DN sản xuất thép như Thép Việt - Úc, Hoà Phát đã ký hợp đồng xuất khẩu trên 10.000 tấn. Bên cạnh đó, các công ty thương mại trước đây nhập nhiều phôi tích trữ, nay nhu cầu về phôi trong nước giảm mạnh nên đang tìm đường tái xuất. Các hợp đồng ký số lượng không lớn, mỗi lô chỉ khoảng 3.000-5.000 tấn nhưng có nhiều lô chuẩn bị tái xuất. Hiện nay các DN Việt Nam đã ký hợp đồng xuất khẩu thép với mức giá khoảng 1.000 USD/tấn.
Một số DN cho biết, việc xuất khẩu thép là hoạt động kinh doanh bình thường bởi nhu cầu trong nước giảm mạnh, trong khi hầu hết vốn để nhập phôi hoặc thép đều vay từ ngân hàng, phải trả lãi. Phôi không tiêu thụ được trong khi ngân hàng thúc ép thanh toán thì xuất khẩu là lối thoát duy nhất trong tình hình hiện nay.
Trong khi đó nhu cầu về thép phế bắt đầu tăng. Các DN đã chấp nhận giá mua vào ở mức 620 USD/tấn. Theo tính toán với giá thép phế như trên và chi phí để sản xuất 1 tấn phôi từ 140 USD đến 250 USD/tấn thì các DN vẫn đang có lãi.
Nhưng xuất khẩu phôi được cho là sẽ gặp rủi ro bởi có tin đồn cho rằng Bộ Tài chính dự kiến nâng thuế suất thuế xuất khẩu phôi thép từ 2% hiện nay lên 10%. Nếu vậy xuất khẩu phôi sẽ khó khăn bởi giá phôi thép của Việt Nam sẽ cao hơn giá trên thị trường thế giới.
Theo vietnamnet
 
“Nếu được tăng, giá thép nên tăng từ từ”

Hai mối quan ngại mà nhiều người đặt ra xung quanh hiện tượng một số doanh nghiệp sản xuất phôi thép mang phôi đi “xuất ngoại” trong thời gian vừa qua là thị trường có thể sẽ thiếu thép và giá thép sẽ tăng vọt.

Mới đây, Bộ Công thương đã họp với Hiệp hội Thép (VSA) và các doanh nghiệp có phôi xuất khẩu. Thép sẽ không thiếu, đồng thời giá thép sẽ bình ổn chứ không tăng từ nay tới hết tháng 7 là khẳng định của Chủ tịch VSA, ông Phạm Chí Cường sau cuộc họp này.

Tính tới thời điểm này, lượng phôi các doanh nghiệp đã xuất khẩu là bao nhiêu, thưa ông?

Theo số liệu chúng tôi có được từ các doanh nghiệp và từ Hải quan thì trong 4 tháng đầu năm 2008, các doanh nghiệp mới chỉ xuất khẩu 7.280 tấn phôi, so với trên 106.000 tấn tổng lượng phôi nhập về thì chỉ chiếm khoảng 0,5%. Thép phế xuất cũng rất ít, chỉ 2.200 tấn và chỉ bằng khoảng 0,4% so tổng lượng thép phế đã nhập.

Còn số liệu xuất phôi trong tháng 5, thưa ông?

Chúng tôi đang cập nhật, nhưng tôi nghĩ cũng không quá nhiều.

Nhưng theo số liệu từ một số báo thì con số đó lên tới vài chục nghìn tấn?

Tôi cho rằng số liệu mà các báo đưa là chưa chính xác. Cộng cả số phôi xuất trong tháng 5 thì cũng không quá nhiều như các báo đã đưa.

Thị trường lo ngại nếu các doanh nghiệp tiếp tục mang phôi “xuất ngoại” thì có thể sau tháng 6 sẽ xảy ra tình trạng thiếu thép và giá tăng vọt. Ông nghĩ sao về điều này?

Đúng là nếu tiếp tục xuất nhiều, có thể sẽ xảy ra hai trường hợp: thiếu thép và tăng giá thép. Tuy nhiên, tới thời điểm này tôi khẳng định lo ngại đó sẽ không thể xảy ra. Việc xuất phôi tới thời điểm này chưa thể làm thiếu hoặc tăng giá thép.

Bởi, thứ nhất, 5 tháng đầu năm 2008, trung bình sản xuất thép trong nước đạt 323.000 tấn/tháng, tiêu thụ đạt 293.000 tấn/ tháng. So với cùng kỳ 2007, cả sản xuất và tiêu thụ thép đều tăng khoảng 15,49%.

Tồn dư thép thành phẩm trong toàn Hiệp hội Thép tính tới thời điểm hết tháng 4/2008 là ở vào khoảng gần 200.000 tấn. Cộng với lượng phôi đã nhập về của các công ty sản xuất dự trữ đã trên 400.000 tấn. Như vậy, mối quan tâm nhất của thị trường là có thể thiếu thép sẽ không thể xảy ra.

Còn về vấn đề giá thì thực hiện chỉ thị của Chính phủ, các thành viên trong Hiệp hội chắc chắn là phải giữ giá tới hết tháng 6. Bên cạnh đó, trong hơn một tháng qua, do nhu cầu của thị trường giảm mạnh nên các doanh nghiệp đã phải hạ giá bán từ 200.000 đồng/tấn tới thậm chí 650.000 đồng/tấn để kích cầu.

Hiện giá bán tại các nhà máy trong Hiệp hội đã giảm xuống còn 14,5 - 15,3 triệu đồng/ tấn ở miền Bắc và từ 14,5 - 15,2 triệu đồng/ tấn.

Các cơ quan quản lý đã có biện pháp gì để ngăn chặn việc xuất phôi?

Đây là hoạt động kinh doanh bình thường của doanh nghiệp, nên không thể cứ động cái là thực hiện biện pháp hành chính cấm đoán. Nhất là hiện tại lượng phôi xuất của các doanh nghiệp vẫn chưa nhiều.

Hiệp hội Thép và Bộ Công thương đang tiếp tục theo dõi. Nếu việc xuất khẩu tiếp tục diễn ra với số lượng nhiều làm ảnh hưởng tới thị trường trong nước thì lúc đó cơ quan quản lý sẽ có biện pháp thích hợp.

Có ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp xuất phôi là một hình thức “ép” Chính phủ cho tăng giá trong nước?

Thực tế trong thời gian qua các doanh nghiệp gọi điện chia sẻ với Hiệp hội rất nhiều. Doanh nghiệp có cái khó của doanh nghiệp.

Hầu hết vốn để nhập phôi hoặc thép phế về đều vay từ ngân hàng, 10 ngày phải trả lãi ngân hàng 1 lần. Trong khi đó việc kìm giá trong nước khiến giá thép thành phẩm chỉ tương ứng với giá phôi nhập từ 850 - 860USD/ tấn. Nhưng thực tế giá chào phôi thế giới hiện đã là hơn 1.000 USD/ tấn, giá phôi các doanh nghiệp nhập về cũng đã là 930 USD/ tấn.

Giữ giá để tích cực kiềm chế lạm phát có tác động 2 chiều và không có lợi với đầu vào - đầu ra của Ngành Thép.

Theo ông, nếu Chính phủ cho điều chỉnh giá thép thì nên điều chỉnh như thế nào để tránh gây sốc cho thị trường?

Chắc chắn với sự chênh lệch giá phôi trong nước và thế giới như hiện tại thì sau tháng 6 chúng ta sẽ phải điều chỉnh giá thép. Tôi cho rằng nên điều chỉnh từ bây giờ.

Bởi không bao giờ thị trường chấp nhận tăng một lần. Tôi nghĩ nên tăng từ bây giờ để tăng dần, theo lộ trình. Với chênh lệch giá phôi như hiện tại: trong nước 850 - 860 USD/ tấn, giá chào thế giới hiện đã là hơn 1.000 USD/ tấn, chênh khoảng 160 USD/ tấn.

Như vậy, chúng ta có thể điều chỉnh khoảng 8 lần, và trong vài tháng chẳng hạn. Nếu để tới sau tháng 6 mới tăng và nếu tăng một lần thì thị trường sẽ sốc.

theo TBKTVN
 
Tải bộ cài phần mềm Dự toán GXD, Đấu thầu GXD, Thanh Quyết toán GXD, Quản lý chất lượng GXD. Dành cho người mua bản quyền
Kích để xem khóa học Dự toán công trình
Kích để xem khóa học Dự toán công trình
Kích để xem khóa học Chỉ huy trưởng công trường
Kích để xem giới thiệu phần mềm thanh quyết toán
Phần mềm quản lý chất lượng công trình QLCL GXD
Tìm hiểu khóa học Thanh Quyết toán GXD
Giới thiệu phần mềm Dự toán GXD dùng là thích, kích là sướng

Các bài viết mới

Back
Top