Quản lý chất lượng công trình xây dựng

hieubmk111

Thành viên mới
Tham gia
5/9/14
Bài viết
3
Điểm tích cực
0
Điểm thành tích
1
Những thay đổi trong công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng theo Nghị định 15/2013/NĐ-CP của Chính phủ
Ngày 06 tháng 02 năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng, thay thế cho Nghị định 209/2004/NĐ-CP đã được áp dụng gần 10 năm nay. Nhìn lại gần 10 năm trước, khi ban hành, Nghị định 209/2004/NĐ-CP là văn bản pháp lý cao nhất đến lúc đó quy định riêng về quản lý chất lượng xây dựng, trước thời điểm này, vấn đề quản lý chất lượng xây dựng chỉ được quy định lẫn trong các quy định về đầu tư hoặc tiến bộ hơn là trong các văn bản có tính pháp lý thấp như các Quyết định 18 năm 2003, QĐ 17 năm 2000... Tuy nhiên, trải qua thời gian dài áp dụng, với quan điểm xã hội hóa quản lý chất lượng bằng cách trao quyền tự quyết và tự chịu trách nhiệm tối đa cho các chủ đầu tư, nhà thầu, quản lý nhà nước theo Nghị định 209 gần như biến thành sự buông lỏng vì theo quy định trong Nghị định này, công trình xây dựng không chịu bất kỳ sự kiểm tra, kiểm soát bắt buộc nào của QLNN từ giai đoạn thiết kế đến thi công (thiết kế chủ đầu tư tự thẩm định phê duyệt, thi công chủ đầu tư tự nghiệm thu đưa vào sử dụng), công tác kiểm tra, nếu có, của cơ quan QLNN chỉ thực hiện để nắm tình hình, nhắc nhở, răn đe…, không phải là một hình thức “sát hạch” để công trình xây dựng, một sản phẩm đặc thù đòi hỏi tính an toàn cao không kém các sản phẩm khác như phương tiện giao thông, thực phẩm…, phải vượt qua để được đưa vào sử dụng.

Với Nghị định 15/2013/NĐ-CP, việc buông lỏng như trên được khắc phục phần nào khi cơ quan QLNN thực hiện kiểm soát chất lượng ở một số giai đoạn then chốt trong quá trình đầu tư xây dựng công trình, đó là kiểm soát chất lượng chọn thầu, kiểm soát chất lượng thiết kế và kiểm soát công tác quản lý chất lượng thi công.

Kiểm soát chất lượng chọn thầu: theo quy định trước đây (Nghị định 209/2004/NĐ-CP), chủ đầu tư tự chọn các nhà thầu tham gia xây dựng công trình, miễn năng lực của các nhà thầu này đáp ứng quy định. Nhưng theo quy định mới (Điều 8, 47 – Nghị định 15) thì chủ đầu tư sẽ chọn các nhà thầu từ bảng danh sách do cơ quan QLNN công bố trên trang thông tin điện tử.

Đối với công trình vốn ngoài ngân sách, các nhà thầu phải được chọn theo quy định này là để thực hiện những việc gồm thẩm tra thiết kế, thí nghiệm chuyên ngành, giám sát, kiểm định; đây là những công tác mang tính chất đánh giá sản phẩm của các công tác xây dựng khác như thiết kế, thi công (hồ sơ thiết kế, cấu kiện, hạng mục công trình), nên những đơn vị làm các công việc này cần phải được cơ quan QLNN kiểm soát về năng lực, một hình thức xã hội hóa quản lý chất lượng có kiểm soát của QLNN.

Còn đối với công trình vốn ngân sách từ cấp II trở lên, những công việc phải được chọn thầu từ danh sách QLNN công bố, ngoài các nhà thầu như ở công trình không phải vốn ngân sách, còn bao gồm các nhà thầu khảo sát, thiết kế, thi công. Như vậy, đối với dạng công trình này, QLNN kiểm soát năng lực gần như tất cả các nhà thầu tham gia xây dựng. Quy định này có lý do vì đây là những công trình quy mô lớn, mức độ ảnh hưởng rộng nếu có sự cố, lại được xây dựng bằng ngân sách (tiền thuế của người dân) nên phải được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo các đơn vị tham gia xây dựng là những đơn vị có năng lực đạt yêu cầu.

Thực hiện chọn thầu theo cơ chế này còn là một biện pháp hỗ trợ của cơ quan QLNN để khắc phục tình trạng thiếu thông tin của các chủ đầu tư về năng lực nhà thầu trên thị trường xây dựng.

Kiểm soát chất lượng thiết kế: khác với quy định cũ khi chủ đầu tư tự thẩm định, phê duyệt thiết kế bất kể nguồn vốn xây dựng công trình, Nghị định 15 quy định (Điều 21) các công trình, chủ yếu cấp III trở lên, thiết kế xây dựng phải được QLNN thẩm tra trước khi chủ đầu tư phê duyệt. Như vậy, bằng công tác thẩm tra, QLNN tham gia trực tiếp vào quá trình quản lý chất lượng thiết kế, góp phần tạo ra chất lượng của sản phẩm thiết kế.

Quy định này, ngoài tác dụng khắc phục điểm yếu cố hữu của các chủ đầu tư là thiếu năng lực đánh giá chất lượng thiết kế, còn có tác dụng ngăn chặn tình trạng thẩm tra thiết kế mang tính hình thức vẫn diễn ra phổ biến lâu nay khi chủ đầu tư tự thuê tư vấn thẩm tra; đồng thời, còn mang tính chất như một hình thức “sát hạch” để hồ sơ thiết kế, sản phẩm của công tác thiết kế, đạt yêu cầu cao nhất khi đưa ra sử dụng (thi công).

Kiểm soát công tác quản lý chất lượng thi công: như đã trình bày, quy trình quản lý chất lượng thi công theo quy định của Nghị định 209 không bắt buộc công trình xây dựng chịu bất cứ sự kiểm tra nào của QLNN từ khi khởi công đến khi hoàn thành. Nhưng với Nghị định 15 (Điều 31, 32), các công trình đã được QLNN thẩm tra thiết kế, phải được QLNN kiểm tra công tác nghiệm thu trước khi chủ đầu tư nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng.

Cần khẳng định, với thủ tục này, QLNN thực hiện kiểm soát công tác quản lý chất lượng thi công, chủ yếu là sự tuân thủ quy định pháp luật về quản lý chất lượng xây dựng của các bên tham gia xây dựng, không phải là việc QLNN xác nhận công trình đạt chất lượng hay chịu trách nhiệm đối với chất lượng công trình, vì QLNN không phải là một bên tham gia xây dựng. Trách nhiệm của các đối tượng tham gia xây dựng công trình là phải đảm bảo công trình xây dựng đạt các yêu cầu của thiết kế, của hợp đồng thỏa thuận…và tuân thủ quy định pháp luật.

Như vậy, Nghị định 15 thể hiện sự thay đổi trong công tác QLNN về chất lượng công trình, từ chỗ không tham gia kiểm soát chuyển sang thực hiện kiểm soát một số công đoạn trong quá trình xây dựng (chọn thầu, thiết kế, thi công), điều này phù hợp với nguyên tắc “quản lý thì phải kiểm tra” và cũng phù hợp với thực tế là các đối tượng tham gia xây dựng chưa dành được đủ độ tin cậy của xã hội đối với công việc mình thực hiện, nên cần phải có sự kiểm soát của nhà nước để công trình xây dựng, sản phẩm đặc thù đòi hỏi cao về tính an toàn, chất lượng, đạt yêu cầu khi đưa vào sử dụng.

Tác giả: TH.S. NGUYỄN THANH XUYÊN

Phó Trưởng Phòng Quản lý CLCTXD, Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh
 
Back
Top