Sinh viên Khoa Kinh tế XD- ĐHXD đi thực tập tốt nghiệp, cần thực những công việc gì?

  • Khởi xướng phamtuanxd
  • Ngày gửi
P

phamtuanxd

Guest
Trước tiên em xin được gửi lời chào tới anh Thế Anh-admin của diễn dàn, cùng toàn thể các anh, chị đã và đang tham gia xây dựng diễn đàn ngày một phong phú, lớn mạnh hơn!:beer:
Hiện nay, em đang là SV K48- khoa Kinh tế XD-ĐH Xây dựng. Tuần tới, e và các bạn cùng khóa (những SV chuẩn bị tốt nghiệp sớm) sẽ đi thực tập tốt nghiệp! Nhưng tình trạng chung của khá nhiều bạn SV và của riêng bản thân em là cũng chưa thật hiểu rõ những công việc và kinh nghiệm khi đi thực tập tốt nghiệp là như thế nào?
Em đang băn khoăn một vài vấn đề:confused::
1. Những nội dung cần phải nắm bắt được trong đợt thực tập tốt nghiệp? (những kinh nghiệm và kiến thức thực tế, ngoài những cái mà nhà trường đề ra ạ.)
2. SV chuẩn bị tốt nghiệp như hội em cần trang bị, củng cố lại những kiến thức gì để trước mắt là đáp ứng cho việc đi thực tập cũng như chuẩn bị cho việc đi làm sắp tới? (tập trung vào những vấn đề trọng tâm vì trong trường hội em được học nhiều thứ nhưng không sâu và thiếu hoàn toàn kiến thức thực tế!).
3.Chúng em nên tranh thủ nắm bắt và khai thác cơ hội ở đâu (tạo dựng mối quan hệ với những ai?, công ty nào thường có chính sách tuyển dụng SV mới ra trường ?,...) và như thế nào để khi vừa tốt nghiệp sẽ có cơ hội đi làm luôn?

Em thấy diễn đàn của chúng ta hết sức bổ ích! Vì vậy, em tạo chủ đề này để kính mong sự giúp đỡ, chia sẻ ý kiến, truyền thụ kinh nghiệm của các bậc đàn anh!
Ngoài ra em cũng có 1 đề xuất nhỏ với các Mod và admin là nếu có thể thì các anh có thể lập 1 box dành riêng cho SV tụi em ở trên diễn đàn để hội em có thể nêu các chủ đề thảo luận, xin ý kiến đóng góp của các member tham gia diễn đàn về những vấn đề hội em chưa rõ. Nếu được như vậy thì hay quá!:D
P/S: Em cũng là một người ham mê và có khả năng về vi tính. Nếu một ngày đẹp trời nào đó, diễn dàn cần có New mod thì em sẵn sàng xung phong tham gia xây dựng diễn đàn!:p
Phạm Ngọc Tuân-48KT1-ĐH XD
Mobile: 0982051284
 
Last edited by a moderator:

DutoanGXD

SmartSoftware
Tham gia
7/7/07
Bài viết
830
Điểm thành tích
93
Với tư cách là một cựu sinh viên khoa Kinh tế Xây dựng, xin chia xẻ với Tuân và các bạn sinh viên sắp đi thực tập mấy điểm sau (ngoài việc bám sát đề cương tốt nghiệp các bạn sẽ được giao, cái này cần lưu ý để có được kết quả như ý khi báo cáo kết quả thực tập):
Những nội dung cần phải nắm bắt được trong đợt thực tập tốt nghiệp? (những kinh nghiệm và kiến thức thực tế, ngoài những cái mà nhà trường đề ra ạ.)

Có hai mảng cần lưu ý:
1) Kiến thức thực tế cho đồ án tốt nghiệp: các bạn phải xác định mình sẽ làm đồ án tốt nghiệp loại gì, từ đó tìm hiểu xem ở bên ngoài doanh nghiệp họ thực hiện công việc tương tự như thế nào.

Ví dụ, nếu bạn định làm đồ án tổ chức thi công nhà cao tầng, có cọc khoan nhồi, phần khung là bê tông cốt thép đổ tại chỗ, thì một số nội dung chính bạn phải tham khảo khi đi thực tập là:

i) Quy trình khoan cọc nhồi, bao gồm cả trình tự thi công, cách bố trí mặt bằng, máy móc thiết bị, nhân công và các định mức, đơn giá tương ứng. Thậm chí còn phải có cả tiến độ theo giờ cho một máy khoan cọc (để kết hợp với các xe bê tông) - ĐÂY LÀ MỘT TRONG NHỮNG CHỖ CẦN ÁP DỤNG TIẾN ĐỘ THEO GIỜ - MR THEANH À.

ii) Quy trình thi công đài móng cọc nhồi, nếu công trình có tầng ngầm thì có thể phải tham khảo thêm cả shoring work (công tác chống vách khi đào đất), trình tự thi công ván khuôn, bê tông, cốt thép của đài cọc. Nếu có dầm ngang dọc giằng các đài cọc với nhau thì phải để ý trình tự thi công đài, thi công giằng và các mạch ngừng. Nếu có vách tầng hầm, vách thang máy cũng phải nắm vững cách thi công, lưu ý các đợt thi công và mạch ngừng thi công.

iii) Quy trình thi công phần khung sàn, vách thang máy trên cao: lưu ý kỹ thuật thi công, trình tự thi công.

iv) Quy trình thi công các công tác hoàn thiện trong, ngoài nhà và sự phối hợp về trình tự, về mặt trận công tác giữa các công việc để làm sao không giẫm chân lên nhau (từ chuyên môn gọi là chồng chéo mặt trận công tác, kiểu như có 1 cô xinh xinh mà có đến 2-3 anh cùng nhảy dzô, chắc chắn sẽ có anh không được cái giải rút gì :D).

Lưu ý là các quy trình trên đều phải đi kèm với định mức (chú ý bố trí tổ đội thi công) và đơn giá thực tế.
Các bạn có thể mượn những cuốn đồ án của lớp trên để tham khảo cách họ làm, khi đi thực tập sẽ có cơ hội so sánh cách họ làm và bên ngoài thực tế làm, từ đó rút ra kinh nghiệm cho bản thân mình.

2) Định hướng công việc sau này: Các bạn cần xác định là mình sẽ làm công việc gì sau này để nhân dịp đi thực tập tìm hiểu luôn về công việc đó. Nhưng trong ngành kinh tế xây dựng này, có hai mảng hỗ trợ mật thiết là tính dự toán và thi công, bạn cần biết cả hai để có thể làm tốt một trong hai công việc. Mà cái chức danh QS hiểu theo nghĩa hẹp được bàn ở đâu đó trong diễn đàn này cũng cần kiến thức của cả hai mảng mình vừa đề cập đấy.

Ví dụ: Nếu bạn muốn tính dự toán tốt, bạn cần hiểu rõ quy trình thi công, nếu không thì tính đào đất chỗ nào cũng cộng thêm 30% taluy. Nếu bạn muốn thi công tốt, không phải cứ cắm đầu làm theo quy trình quy phạm, mà còn phải nghiên cứu làm thế nào cho có hiệu quả kinh tế cao nhất (không bằng cách ăn bớt). Tất nhiên cũng còn nhiều kỹ năng cần thiết khác, nhưng để dịp khác ta bàn đến sau.
 
Last edited by a moderator:

DutoanGXD

SmartSoftware
Tham gia
7/7/07
Bài viết
830
Điểm thành tích
93
2. SV chuẩn bị tốt nghiệp như hội em cần trang bị, củng cố lại những kiến thức gì để trước mắt là đáp ứng cho việc đi thực tập cũng như chuẩn bị cho việc đi làm sắp tới? (tập trung vào những vấn đề trọng tâm vì trong trường hội em được học nhiều thứ nhưng không sâu và thiếu hoàn toàn kiến thức thực tế!).

Hỏi bạn một câu là hồi đi thực tập công nhân, bạn có bắt tay vào trộn vôi, vữa, uốn thép, đổ bê tông và dọn vệ sinh không? Nếu câu trả lời là KHÔNG, thật dễ hiểu là tại sao bạn không có kiến thức thực tế.

Sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp, tùy vào định hướng nghề nghiệp của mình, sẽ cần trang bị những kiến thức khác nhau. Mình chia xẻ với bạn kinh nghiệm cho việc trở thành kỹ sư thi công trên công trường - một trong hai mảng dân kinh tế xây dựng tham gia phổ biến nhất là thi công trên công trường và làm dự toán - quyết toán (lập, kiểm tra - thẩm tra hoặc cả lập và kiểm tra - thẩm tra).
Tất nhiên tùy thuộc vào loại hình công trình mà bạn sẽ cần trang bị các kiến thức tương ứng. Nhưng trường hợp phổ biến nhất hiện nay là thi công xây dựng công trình dạng nhà (có thể là nhà một tầng, ít tầng, nhiều tầng, cao tầng, có thể là nhà máy hay công trình công cộng hoặc nhà văn phòng, nhà ở). Bạn nên có định hướng bồi bổ kiến thức về mảng này.
Vậy cần trang bị, củng cố các kiến thức gì?
i) Quy trình thi công tất cả các loại công tác cả chủ yếu lẫn thứ yếu. Mặc dù bạn làm phần xây dựng, bạn vẫn cần biết quy trình thi công các công tác điện nước (M&E).
Lưu ý các quy phạm, quy chuẩn (có thể của Nhà nước hoặc của riêng công trình) và cách thức để đạt được theo yêu cầu của quy phạm, quy chuẩn thi công.
Ví dụ 1, sai số cho phép khi đổ sàn bê tông của 1 công trình là + - 10mm. Bạn thử nghĩ xem làm sao để sai số nằm trong phạm vi cho phép. Nếu sai số vượt phạm vi cho phép thì lý do vì sao? Cách khắc phục như thế nào?
Ví dụ 2: Do phòng kích thước không là bội số của kích thước gạch lát, nên chủ đầu tư yêu cầu không được lát các viên gạch có kích thước dưới 1/2 viên (trừ 4 góc phòng). Ví dụ, phòng diện tích 16x8m, lát gạch 300x300, bạn làm thế nào và cần bao nhiêu viên gạch?

Sự phối hợp giữa các công tác trên cùng một công trình (nói cách khác là trình tự thi công trước sau) như thế nào.
Ví dụ 3: Cách nào tối ưu hơn (cho xây dựng mới): lát gạch nền rồi mới bả - sơn tường hay bả - sơn tường xong mới lát gạch nền?

ii) Cách bố trí nhân lực và xe máy, thiết bị cho một công tác nhất định. Lưu ý điều kiện thực tế để vận dụng.
Ví dụ: Nếu trát tường chiều cao dưới 4m thì một thợ phụ có thể phục vụ hai thợ chính. Nếu trên độ cao đó thì một thợ phụ chỉ phục vụ được 1 thợ chính. Vậy nếu trát tường trong phòng tầng 3 thì một thợ phụ phục vụ được mấy thợ chính?

Ý này còn liên quan đến một ý nữa là: trong định mức nhân công, máy cho một công tác của bạn, đã bao gồm những thành phần công việc nào?

iii) Tham khảo nhiều cách thi công khác nhau cho một cấu kiện, bộ phận công trình dựa trên tài liệu về quy trình thi công của các công ty bạn có điều kiện tiếp xúc. Dựa trên tính toán kinh tế để lựa chọn phương án tiết kiệm nhất trong các phương án khả thi.
Ví dụ: Công trình đóng cọc BTCT, có hệ giằng móng BTCT giằng các đài cọc và trụ móng với nhau. Trên hệ giằng móng là sàn BTCT dày 100. Hệ giằng (vừa là dầm sàn trệt - ground floor) gồm các dầm biên cao 1200, dầm trong cao 700. Cốt đáy dầm biên là -0.100 so với cốt đất hiện trạng.
Câu hỏi đặt ra là có những cách thức thi công nào cho hệ dầm (giằng) và sàn nói trên?

iv) Biết cách vẽ bản vẽ triển khai thi công (shopdrawings) và ra đề tay thép.
Bạn hẳn còn nhớ bài toán đơn hình cắt thép. Nhưng ra công trường bạn sẽ không có thời gian giải bài toán đó. Vậy bạn làm thế nào để cắt thép cho tiết kiệm nhất?

v) Biết cách tính dự toán - quyết toán thi công (nói thì dễ, làm thì khó à nha)

vi) Hiểu biết về quy trình nghiệm thu và thanh quyết toán các loại công trình có nguồn vốn khác nhau (giống trên).

vii) Rèn luyện khả năng giao tế với các đối tượng khác nhau: chủ đầu tư, tư vấn giám sát, nhà cung cấp, các kỹ sư khác cùng công trường, các tổ trưởng các nhóm công nhân và công nhân dưới quyền v.v...

Còn gì nữa không nhỉ các kỹ sư thi công?
 
Last edited by a moderator:

DutoanGXD

SmartSoftware
Tham gia
7/7/07
Bài viết
830
Điểm thành tích
93
3.Chúng em nên tranh thủ nắm bắt và khai thác cơ hội ở đâu (tạo dựng mối quan hệ với những ai?, công ty nào thường có chính sách tuyển dụng SV mới ra trường ?,...) và như thế nào để khi vừa tốt nghiệp sẽ có cơ hội đi làm luôn?

Câu trả lời chính xác nhất là: mọi lúc mọi nơi, vấn đề là bạn có nhìn ra cơ hội hay không.
Trên diễn đàn này có anh chị em nào nhận sinh viên thực tập tốt nghiệp thì hô lên một tiếng cái nhỉ.

Có một cách khác khá truyền thống là các bạn đọc báo, hoặc tìm hiểu qua bạn bè, người quen... xem có công ty nào cần hoặc sắp cần người thì đến thẳng đấy đặt vấn đề với họ. Nếu có ai quen giới thiệu cho thì càng tốt. Hoặc có thể nhảy hẳn vào các công trường túm lấy các anh chị kỹ sư ở đấy mà hỏi.

Theo mình được biết thì công ty cũ của anh Thế Anh, chi nhánh công ty COFICO ở Hà Nội, có chính sách rất tốt cho sinh viên đến thực tập. Ở đó bạn được làm việc thực tế và được ăn lương. Thực tập xong, nếu bạn có nhu cầu ở lại công ty và thỏa mãn các điều kiện của công ty thì có nhiều khả năng công ty sẽ giữ bạn lại làm việc.

Có một thế mạnh của dân kinh tế xây dựng (trong 3- 5 năm đầu đi làm) là biết về đinh mức - đơn giá, tính toán kinh tế và các chính sách chế độ của Nhà nước (cái này là hơn hẳn dân học khoa xây dựng - theo kinh nghiệm các lớp trước truyền lại), nên khi đi thi công có thể đạt được thành công nhanh hơn.

Có điều, sau một thời gian thì dân xây dựng họ cũng phải để ý học hỏi đến mảng họ còn thiếu, nên nếu các bạn không cố gắng thì họ sẽ hơn mình (vì nền tảng kiến thức kết cấu - thi công của họ phong phú hơn).

Còn một kinh nghiệm nữa là bất cứ vào tổ chức nào, bạn cũng phải tìm ra cách để làm ra competitive advantages cho mình (lợi thế cạnh tranh). Ví dụ như một trong những lợi thế cạnh tranh của anh Thế Anh khi đi làm là khả năng áp dụng tin học trong mọi công việc hàng ngày để tăng năng suất. Lợi thế cạnh tranh của bản thân mình khi đi thi công là dám cãi nhau với sếp (cái này các bạn đừng có học à nha :D)

Còn gì nữa không nhỉ các cựu sinh viên KTXD?

NB: Cái kiến thức về TMĐT từ NCKH của Mr H2 cũng có thể biến được thành competitive advantages đấy, có điều phải dùng ngôn ngữ của dân xây dựng để trình bày, đừng có academic quá.
 
Last edited by a moderator:
O

Oct

Guest
Ối giời! Chạm đúng tủ của anh hamo nhé! Tuôn luôn một tràng. Những vấn đề chính anh hamo đã trao đổi, Oct chỉ xin nói thêm một số kinh nghiệm ngoài lề :
Đi thực tập, bản thân mình thì phải chịu khó để ý (công việc chứ không phải mắt ngang mày dọc với các chị, các anh xinh tươi đâu). Chuyện bị đối xử lạnh nhạt cũng đừng có shock, ai cũng có việc của họ,không chăm lo cho mình như bố mẹ và thầy cô, bạn phải tự lập sẵn list câu hỏi ở nhà, vấn đề gì cần hỏi thì cứ hỏi tới đi, không ngại.
Lúc nào cũng nên mang theo một cuốn sổ nhỏ, hỏi được người ta cái gì thì ghi ngay vào (Lê Quý Đôn chỉ có 1, chứ phần lớn mọi người là có tính hay quên) vừa đỡ quên, người được hỏi cũng cảm thấy mình nghiêm túc.
Đi thực tập nghĩa là bắt đầu đóng vai trò kỹ sư, cứ thể hiện đàng hoàng (các công ty cũng nhìn mình với tư cách người lớn rồi) đừng mang thái độ trẻ con đến các công sở!
Cuối cùng, chúc các đồng nghiệp tương lai có kỳ thực tập thành công !
 
L

ltc_ccdc

Guest
Tui cũng là cựu sv khoa ktxd. Nhưng tui thấy sv nhà mình giờ hình như không chịu đọc sách chuyên ngành. Các bạn học ktxd sắp ra trường rùi mà không biết chút nào về đơn giá - định mức. Làm đa ktêxd rùi mà đơn vị tính của một số công việc cơ bản cũng không biết (thế thì làm sao tính được khối lượng). Thực tập hiện giờ với tính hình của các đơn vị này thì các bạn cũng không thể tìm hiểu được nhiều đâu. Nói chung là hãy tìm hiểu lại sách vở đã được học về chuyên ngành đó. Kết hợp để ý 1 chút khi thực tập hoặc cái gì không biết có thể hỏi các bạn ktế đi trước
 
T

td.bitexco

Guest
Công việc cần học hỏi của không chỉ SV KTXD đi thực tập Tốt Nghiệp!

Bạn nào đó đã có những trao đổi rất dài về vấn đề công việc cần làm của các SV KTXD thực tập tốt nghiệp, xin trao đổi thêm một vài điều theo cảm nghĩ chủ quan của mình :

Một điều ai cũng thấy rõ là mục đích thực tập tốt nghiệp là để cho các SV có dịp đối cứng các lý thuyết đã thu lượm được trong trường học với thực tế công việc bên ngoài xã hội, trong các cơ quan đoàn thể hoạt động trong lĩnh vực XD.

1. Tại văn phòng : Các bạn nên tìm hiểu, đối chiếu so sánh các bước trong các công việc triển khai ở thực tế so với trong lý thuyết được học để kịp thời cập nhật sự phát triển ngoài xã hội. Tìm hiểu cơ cấu tổ chức và hoạt động của bộ máy nơi thực tập (bao gồm các bộ phận, phòng ban gì và mối liên hệ kết hợp giữa các bộ phận đó khi triển khai công việc như thế nào).
Nếu có điều kiện thì tìm hiểu thêm các ĐM, ĐG nội bộ của nơi thực tập (nếu có)....
2. Trên Công trường : Tìm hiểu tất cae các hợt động liên quan tới công tác tổ chức thi công trên công trường, cách bố trí, phối hợp tổ đội thi công, trình tự các công việc thực hiện...
3. Cố gắng tìm hiểu thêm các cơ chế chính sách của Nhà nước và quy chế (hay điều lệ, nội quy, quy định...) của cơ quan nơi bạn thực tập.
Mời các bạn đóng góp thêm ý kiến giúp các bạn SV nhé, thân chào!:p
 
T

Trần Duy Khoa

Guest
Nói về việc đi thực tập tốt nghiệp thì có nhiều điều phải nói lắm bạn àh?
- Thứ nhất là phải hướng đến đề tài mà chọn làm đồ án tốt nghiệp để có thể đi nghiên cứu thực tế sâu hơn, từ đó làm cho đề tài của bạn phong phú và sinh động hơn. Bạn cần đọo thêm các tài liệu liên quan để bổ sung các kỹ thuật thi công mới vào chính đề tài tốt nghiệp của bạn.
- Thứ hai, Bạn phải hiểu rằng thế này, học là một việc và ra trường làm việc là một việc khác. Vì vậy, thực tập tốt nghiệp đem lại cho bạn rất nhiều điều bổ ích, hay nhảy vào, học hỏi, trao đổi để có được một số vốn kiến thức thực tế nhất định.Hãy tìm hiểu những điều liên quan đến cả công việc bạn dự định làm sau này, đó là một anh dự toán, hay một anh tính toán đầu tư dự án, kể cả việc nghiên cứu về định mức, đơn giá như anh Thế Anh:D.

Ngoài những điều các anh em đã nói ở trên. mình chỉ có thêm ý kiến như vậy. Mong rằng nó sẽ giúp ích được bạn trong đợt thực tập tốt nghiệp này. Chúc bạn thành công. Thân chào!!!
 
H

hoangtuandts

Guest
Có 1 cái quan trọng nữa là khi đi thực tập nhớ xin cho được 1 bộ hồ sơ trọn vẹn. Nếu có cả phần đấu thầu nữa càng tốt,( đề phòng đề tài tốt nghiệp là đấu thầu). Xin đủ bản vẽ , dự toán, các văn bản chủ trương liên quan đến công trình đó .
Mà xin được file thì càng tốt, sau này làm đồ án dễ hiểu hơn vì có tổng thể rồi. Trước khi bắt đầu thực tập xin luôn, để về nghiên cứu, có chỗ nào thắc mắc còn hỏi luôn. Chúc may mắn, và hi vọng đựoc thầy giới thiệu vào chỗ thực tập thân quen
 
T

thint_designer

Guest
Tôi học về CNTT, nhưng bây giờ tôi muốn học thêm về kinh tế trong xây dựng, liệu có đc k? nếu có thể các pro có thể giới thiệu tôi xem nơi nào dạy tốt, chất lượng. Tôi đang ở Hà Nội.
 
H

hoangtuandts

Guest
Học kinh tế xây dựng thì có 3 nơi đào tạo (theo minh biết, có thể bách khoa và tự nhiên cũng có nhưng ko chắc chắn). Đó là sang trường đại học xây dựng, giao thông, thủy lợi. hỏi phòng đào tạo và xem xem họ tuyển sinh VB2 như thế nào. cả 3 trường dạy về kinh tế xây dựng. Chuyên về phần nào thì sang bên đó, nhưng mà cái form thì giống nhau.
Còn nếu ko lấy bằng thì thường bên trường xây dựng hay tổ chức các lớp như quản lý dự án, tiên lượng dự toán.
Hoặc nếu không thì học ngay trên diễn đàn này cũng OK , mình thấy có nhiều cao thủ lắm.
 
H

huongktxd

Guest
Em xin mạn phép được nói cảm nhận của em khi em đi thực tập vì em đang được vinh dự đi thực tập mà! Em đã cực kỳ sốc khi bước chân vào phòng làm việc. Đang quen với việc đi học, lên lớp bạn bè cười đùa nói chuyện " thoải văn mái" giờ lên nhìn ai cũng lạnh te, có khi cả buổi chẳng nói! Khi em xin vào thực tập việc đầu tiên được giao là ngồi đọc luật, ( mà nói thật là đám thông tư ấy cũ rùi!). Thế nên em mong các anh cũng thông cảm khi nhận xét rằng sinh viên giờ lười đi thực tập, thiếu kinh nghiệm thực tế. Bọn em có đủ nhiệt tình để học hỏi và làm việc nhưng mọi người đều sợ bọn em không làm được nên không muốn giao. Nếu không giao làm sao biết có làm được hay không? Và hơn nữa chỗ nào cũng đòi hỏi phải có kinh nghiệm hoặc đã làm rồi, nhưng em hỏi nếu vào đâu cũng như thế thì làm sao mà có được cái gọi là kinh nghiệm ấy? Nếu không ai muốn thử thì lũ sinh viên mới ra trường chết đói hết hả các bậc tiền bối?
 
H

hoangtuandts

Guest
Thường thì sinh viên kinh tế xây dựng ra thực tập vào trong công ty thường ít khi được giao công việc. Vì dù sao mình cũng là thực tập mà, tuy nhiên nếu bạn chứng tỏ được là bạn có thể làm việc được hoặc bạn có thể mạnh dạn đề xuất được làm 1 vấn đề nào đó trong phòng. Nếu là SV KTXD thì trước mắt có thể bạn xin đựoc thử làm dự toán 1 hạng mục nào đó, thắc mắc chỗ nào thì có thể hỏi luôn các anh chị trong công ty.Sau đó đối chiếu với kết quả của họ. Rút ra kết luận.
Về không khí làm việc thì mỗi nơi 1 kiểu, có những lúc trật tự ko ai nói chuyện gì vì phải tập trung làm việc mà, có những hôm mình ngồi trong phòng mà cả buổi ko hề nói 1 câu nào, cặm cụi hì hục làm việc mà . Nhưng mà có những hôm ít việc thì có thể tán chuyện với nhau.Hoặc tranh luận với nhau về 1 vấn đề nào đó.
Tuy nhiên có 1 điều bạn nên lưu ý : Khi đi thực tập bạn nên tuân theo nội quy của nơi làm việc, đừng đi muộn quá và về sớm quá, có 1 số công ty còn thừa máy tính thì bạn xin phép để dùng, hoặc nếu không thì bạn có thể mượn 1 số bộ hồ sơ hoàn thành để xem. Phải luôn chủ động trong mọi vấn đề chứ bạn, có thể đấy là điều cần thiết đầu tiên mà bạn cần học khi ra trường đi làm. Không thể ngồi trông chờ người ta giao cho việc này việc nọ,
Về vấn đề luật, thông tư thì các bạn cố gắng tìm hiểu, trong diễn đàn này thì phần thông tư được update rất sớm và đầy đủ. hoặc hỏi thêm thầy, bạn bè ...
Chúc bạn thành công
 

DutoanGXD

SmartSoftware
Tham gia
7/7/07
Bài viết
830
Điểm thành tích
93
Khi em xin vào thực tập việc đầu tiên được giao là ngồi đọc luật, ( mà nói thật là đám thông tư ấy cũ rùi!).

Em có thể tóm tắt luôn nội dung cái luật ấy cho họ nghe, và nói rằng cái này em đã biết.
Hoặc chỉ cho họ cái luật nào mới hơn, nếu cái luật họ đưa em đọc không còn áp dụng được nữa.
Còn nếu cả hai điều trên em đều không làm được thì em cũng nên ngồi đọc cái họ đưa.

Bọn em có đủ nhiệt tình để học hỏi và làm việc nhưng mọi người đều sợ bọn em không làm được nên không muốn giao.

Bắt đầu từ những cái không nguy hiểm cho họ. Ví dụ, xin họ dự toán hoặc hồ sơ công trình cũ đã làm rồi (cái này em có làm sai họ cũng ko ảnh hưởng).
Em có thực cho họ thấy rõ lòng nhiệt tình của em chưa? Hay mới bị từ chối một lần đã thôi, không đả động đến nữa.
Phải thông cảm với họ là họ có sẵn tâm lý sinh viên không biết gì. Nếu giao việc cho mình, một là họ chưa tin tưởng, hai là họ sợ mất công hướng dẫn và kiểm tra, ba là họ nghĩ cũng chả được cái giải rút gì mà lại mất thời gian, nhiều khi thêm bực mình. Hy vọng sau này em đi làm không có cái tâm lý ấy với lớp sinh viên thực tập sau.
làm sao mà có được cái gọi là kinh nghiệm ấy?
Ngay việc tính toán lại dự toán cũ cũng sẽ cho em kinh nghiệm. Em có thể khai báo thế với họ nếu họ hỏi.

Nếu không ai muốn thử thì lũ sinh viên mới ra trường chết đói hết hả các bậc tiền bối?
Theo thống kê chưa chính thức thì 99% sinh viên Khoa Kinh tế Xây dựng tốt nghiệp được ra trường không thất nghiệp. Hy vọng em không rơi vào 1% còn lại.
 
P

phamtuanxd

Guest
Fù fù!Hnay em mới có thời gian để vào diễn đàn check thông tin!Em thấy các anh, chị trao đổi, đóng góp ý kiến,kinh nghiệm cho SV chúng em mà em mừng rơi nước mắt!hihi...
Em đặc biệt cám ơn anh Hamo nhé!Có dịp nào mà gặp đại ca là mời 1chầu bia luôn.
Thực sự những điều các anh đề cập đến rất có ích cho bản thân em và các bạn SV khác.Tiếc là đến giờ fút này em vẫn chưa đến chỗ thực tập để xem thử sức mình xem thực tế tn!
Đúng là mỗi nơi có một cách làm việc khác nhau, nên mình cần tôn trọng, tuân thủ đúng qui định của họ , đồng thời cũng tìm cách khéo léo để nhờ các anh, chị ở đấy giúp đỡ!
Ah, mùh bác Hamo ơi!Sao bác biết em làm đề tài NCKH về TMĐT của DNXD vậy!Chẳng lẽ anh đang công tác ở trường mình???
 
H

huongktxd

Guest
Theo thống kê chưa chính thức thì 99% sinh viên Khoa Kinh tế Xây dựng tốt nghiệp được ra trường không thất nghiệp. Hy vọng em không rơi vào 1% còn lại.

Anh ơi, cái này thì yên tâm đi ạ, em đủ tự tin để nói rằng em đi theo số đông! Chỉ là em hơi bị bất mãn vì thực trạng sv đi thực tập thôi!
 
Last edited by a moderator:
T

TuLe

Guest
Tôi đang được tham gia với một số bạn sinh viên khoa kinh tế xây dựng tại một bộ phận thuộc Bộ xây dựng. Tôi đã đọc rất nhiều tham luận trên diễn đàn này theo chuyên đề này. Rất cám ơn các ý kiến tham luận! Đọc kỹ từng ý theo từng chuyên đề, tôi thấy nhiều ý và lời khuyên RẤT HAY và RẤT BỔ ÍCH cho mọi sinh viên đang trong thời gian thực tập để làm đồ án tốt nghiệp ngay gần kề sau đợt thực tập! Tôi cũng có thêm một vài ý kiến sau: Phải tuyệt đối tuân thủ (nột cách tự giác) quy chế thực tập tốt nghiệp; Nên nghiêm túc đọc tất cả những văn bản mà chúng ta chưa có điều kiện tiếp xúc trong thời gian ngồi học ở trường (vì chúng ta phải học quá nhiều lý thuyết hàn lâm!); Bất kỳ một văn bản mới nào (thuộc lĩnh vực mà chúng ta đang quan tâm) cũng cần ĐỌC THẬT KỸ NỘI DUNG và luôn ĐẶT CÂU HỎI: VÌ SAO? TẠI SAO?...lại có văn bản đó, đúng với tình huống nào và trong lúc ta đang thực tập thì điều đó còn đúng với tình hình thực tế ở nơi ta đang thực tập không....?! Những kiểu tự ra câu hỏi như vậy sẽ giúp chúng ta NẮM BẮT KỸ LƯỠNG THỰC TẾ và tôi hy vọng buổi bảo vệ báo cáo thực tập các thày cô giáo của khoa KTXD sẽ đánh giá kết quả thực tập của chúng ta ĐẠT TỐT VÀ RẤT TỐT. Khi ra trường chúng ta cũng sẽ không bị bỡ ngỡ với tình hình thực tế tại các công ty, công trường, cơ quan quản lý đầu tư-xây dựng tại các địa phương... CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG VÀ CÓ KẾT QUẢ CAO TRONG ĐỢT THỰC TẬP-LÀM ĐỒ ÁN TỐT NGHIỆP!
 
N

ninhuct

Guest
Nghe những tâm sự của các bậc tiền bối dành cho sinh viên chúng em đúng là đc mở mang ra nhiều. Em cũng là sv KTXD, cũng đã từng thực tập kỹ thuật nên cũng có đôi chút thấy đc không khí công sở như thế nào. Em cũng không dám nói là mình đã có tý kinh nghiệm gì nhưng em thắc mắc một chút là khi tham gia đợt thực tập tới chúng em liệu có thể vừa thực tập cho đồ án, vừa đề nghị xin đc tham gia làm cùng như về bóc tách, dự toán hay làm kế toán xd thì các công ty có chấp nhận cho chúng em đc tham gia không ạ? Em rất muốn được thử sức.
 
H

hoangtuandts

Guest
Mình đồng ý với ý kiến của Ts.Tien (TuLe) . Khi còn học ở trường toàn học những lý thuyết mà theo Ts.Tien gọi là hàn lâm. Ít khi được tiếp xúc với các loại văn bản, và do quá trình học ở trường thường giáo trình các loại rất nhiều và dài nên thường ít SV có thói quen nghiền ngẫm từng chữ. Nhưng khi ra công tác, đọc 1 văn bản thì phải nghiên cứu kỹ , xem xét kỹ. Xem xét xem mọi vấn đề của văn bản, đặt ra các câu hỏi cho văn bản đến khi không còn gì khúc mắc. Các bạn có thể dạo qua diễn đàn này cũng thấy, ví dụ như QD 10 của BXD. Mặc dù là khá rõ ràng rồi nhưng bạn thử đọc lại mà xem. Khi nói đến CPQLDA thì theo bạn là chi phí đó đã có thuế hay chưa ?. Ngay cả bác Phú Bình cũng phải tìm mãi mới ra được 1 văn bản hướng dẫn của BXD gửi sở XD Bình Thuận thì mới rõ ràng được.
Thế nên nhiều khi vào thực tập, họ cho mình đọc văn bản thì cũng đừng có nản. Có thể bạn biết về văn bản đó rồi, đọc rồi nhưng nhiều khi làm việc gặp vấn đề lại quay lại xem xét kỹ lại văn bản.
Khi đi thực tập vừa là để các bạn làm quen với môi trường làm việc sau này, vừa giúp tìm hiểu rõ về công việc.Nếu có thể thì xin phép được làm lại 1 số phần mà họ đã làm rồi và nhờ người kiểm tra cho.
 
T

TuLe

Guest
Sinh viên khoa KTXD-DHXD đi thực tập tốt nghiệp cần thực hiện những công việc gì?

:eek:
Theo thống kê chưa chính thức thì 99% sinh viên Khoa Kinh tế Xây dựng tốt nghiệp được ra trường không thất nghiệp. Hy vọng em không rơi vào 1% còn lại.
Tôi tin chắc bạn sẽ nằm trong tốp đầu của những sinh viên khoa KTXD XIN ĐƯỢC VIỆC LÀM và PHÁT HUY TỐT NĂNG LỰC BẢN THÂN để RẠNG DANH SINH VIÊN KTXD-ĐHXD.
Chưa biết thì đọc, đọc để học, học để hiểu, hiểu để làm, làm để gắng giàu lên...!
Học chưa hiểu thì phải hỏi, mà khi đã hỏi thì phải hỏi thật kỹ, kỹ để hiểu thấm sâu, (nhưng không bị lún móng công trình đâu!).
Hy vọng chúng ta sẽ gặp gỡ nhau và :beer::beer: Thế mới là dân XÂY DỰNG - SAY chứ?!
 
Last edited by a moderator:

Tải bộ cài phần mềm Dự toán GXD, Đấu thầu GXD, Thanh Quyết toán GXD, Quản lý chất lượng GXD. Dành cho người mua bản quyền
Kích để xem khóa học Dự toán công trình
Kích để xem khóa học Dự toán công trình
Phần mềm quản lý chất lượng công trình QLCL GXD
Tìm hiểu khóa học Thanh Quyết toán GXD

Các bài viết mới

Top