Tiếng anh theo dòng thời sự

  • Khởi xướng Oct
  • Ngày gửi
O

Oct

Guest
1. Nghề nào cũng có jargon!
(Nguyễn Vạn Phú)​

Nói đến một bài báo, hầu như 99% người bình thường sẽ dùng từ “article” trong khi dân làm báo sẽ dùng từ “story”. Đấy chỉ là một trong những “jargon” (từ trong nghề) của nghề báo. Ví dụ, dòng ghi tên tác giả được gọi là “byline”, câu dẫn vào bài là “lead”, một đoạn trong bài báo là “graph” và đoạn mở đầu bài, giới thiệu nội dung chính của bài báo là “nutgraph”. Ở đây nên phân biệt, câu nằm ngay dưới tít (headline hay head) co chữ nhỏ hơn tít nhưng lớn hơn co chữ trong bài, làm rõ hơn nội dung của tít gọi là “deck”, ở nước ta vẫn còn bị ảnh hưởng bởi tiếng Pháp nên có thể độc giả thường nghe từ sa-pô (chapeau) hơn.
Có lẽ với từ “quote” (câu trích dẫn) thì không có gì khác với tiếng Anh thông thường nhưng từ “pull quote” (câu trích được in riêng, chữ to để thu hút sự chú ý của người đọc) là một jargon. Và cuối bài, đôi lúc người ta ghi thêm địa chỉ liên lạc của người viết, gọi là “tagline”. Câu “xem tiếp trang...” được dân trong nghề gọi là “jump line”, còn câu rao quảng cáo cho một bài “không thể bỏ qua” ở trang khác gọi là “teaser”.
Chú thích cho ảnh hay minh họa thông thường là “caption” nhưng dân trong nghề lại thích dùng từ “cutline” hơn. Tên của tờ báo được gọi là “flag”, cho nên tờ báo chính trong một cơ quan báo chí có nhiều ấn phẩm là flagship publication. Thông thường ở trang trong có một ô ghi tên các nhân vật chính của tờ báo kèm theo các thông tin quan trọng khác gọi là “masthead”.
Những từ nói trên dù sao cũng là jargon nên người bình thường gặp chúng phải tra cứu để hiểu nghĩa. Khó hơn là các từ thông thường nhưng được dân làm báo dùng theo nghĩa khác. Ví dụ, tờ The Economist thường dùng cách đăng một bài dài, đầy đủ chi tiết ở trang trong nhưng trước đó thường tóm tắt nội dung rồi bày tỏ ý kiến của tờ báo về vấn đề đó ở những trang đầu - cái này họ gọi là “leader”. Tờ báo nổi tiếng này cũng có một cách làm không giống ai - các bài không bao giờ ghi byline, tờ báo không ghi tên tổng biên tập và ông này chỉ được xuất hiện danh chính ngôn thuận trong bài báo chia tay với độc giả khi hết làm cho The Economist. Họ quan niệm tổng thể nội dung tờ báo quan trọng hơn từng cá nhân người viết. Dĩ nhiên khi mời những nhân vật nổi tiếng như Tony Blair viết thì báo phải ghi tên tác giả.
Ở đây xin mở ngoặc nói thêm một chút về chức danh tổng biên tập và từ editor. Các báo Việt Nam khi dịch sang tiếng Anh thích dùng từ editor-in-chief trong khi báo Anh, báo Mỹ ngày nay thường dùng đơn giản là editor. Đôi lúc họ cũng dùng editor-in-chief nhưng đó là tờ báo có nhiều ấn bản, mỗi ấn bản có một editor phụ trách. Biên tập viên là copy editor (tiếng Anh của người Anh dùng sub-editor); trưởng ban thời sự là news editor, thư ký tòa soạn là managing editor, các cộng tác viên thân thiết, là người nổi tiếng được gọi là editor-at-large...
Một số ví dụ khác, với đa số mọi người “art” là nghệ thuật nhưng khi dùng trong hoạt động của một tòa soạn nó mang nghĩa mọi thứ minh họa như ảnh, bản đồ, biểu đồ, tranh biếm. Nghĩa thông thường của beat là đánh nhưng với phóng viên, đó là lĩnh vực được phân công phụ trách (như education beat); copy là sao chép nhưng với tòa soạn, chúng là toàn bộ bài vở cho tờ báo; dummy là người ngu ngốc nhưng với dân trình bày báo, nó là bản vẽ phác thảo hình thù tờ báo sẽ dàn trang mà nhiều người đã quen với từ tiếng Pháp - ma-két (maquette).
Trong nghề báo, phóng viên ghét nhất là khi bài của mình được xếp vào loại filler - tức là tin bài không hay ho gì, đăng cũng được, không đăng cũng chẳng chết ai, chủ yếu dùng để trám vào chỗ trống. Ngược lại khi săn được tin chưa báo nào biết, họ đã giành được một scoop. Trên trang báo, bên cạnh bài chính, có những thông tin bổ sung thường nhìn ở góc độ khác gọi là sidebar. Với sự phổ biến rộng các trang blog, một từ mới xuất hiện để chỉ các “nhà báo nhân dân” - tức người viết báo không chuyên, sử dụng blog để đăng tải bài viết của mình: “citizen journalist”.
Cuối cùng xin giới thiệu các từ nói về các loại báo. Nếu xét về khổ báo, có từ broadsheet để chỉ báo khổ lớn; báo khổ vừa (như nhiều tờ báo ngày ở nước ta hiện nay) “bị” gọi là tabloid. Dùng từ “bị” vì từ tabloid hàm ý xấu, chỉ loại báo chuyên đăng chuyện giật gân, câu khách. Vì thế một số tờ khổ vừa đã phải quảng bá: “broadsheet quality in a tabloid format”! Hiện nay dân Anh đã phát minh một từ để tránh hàm ý xấu của tabloid bằng cách gọi báo khổ vừa là compact newspaper. Về nội dung, các tờ báo tuần như Time, Newsweek vừa là newspaper, vừa có hình thức như một magazine nên được xếp vào loại newsmagazine.

( source: :: Thời báo kinh tế Sài Gòn )

Bạn có jargon nào không, hãy bổ sung!?
 
O

Oct

Guest
Sang tuần mới, Oct xin giới thiệu Tiếng anh liên quan đến lương bổng của các CEO cho nó có khí thế làm việc và mơ đến một ngày mình trở thành CEO. :D

2.Lương bổng giám đốc
Nguyễn Vạn Phú​

Chuyện lương thưởng của giới giám đốc bao giờ cũng thu hút sự chú ý của chúng ta có lẽ vì những con số cao vòi vọi. Tuy nhiên trước hết nên xem lại một số từ thường gây nhầm lẫn. Từ compensation thường dùng với nghĩa lương thưởng nói chung nhưng hay bị hiểu nhầm là chỉ có nghĩa tiền bồi thường. Ví dụ khi quảng cáo tìm người, người ta thường viết: “Attractive compensation package” - tức là mức lương thưởng hấp dẫn. Hoặc khi dùng cụm từ “Compensation policy and salary structure”, phòng nhân sự của một công ty hay cơ quan muốn giải thích “chính sách lương thưởng và cơ cấu tiền lương”.
Đi vào chi tiết, cũng nên phân biệt salary là tiền lương cố định, tính theo năm, trả hàng tháng hay nửa tháng còn wage là tiền lương tính theo ngày hay tuần. Các món phụ cấp nói chung là fringe benefits như xe công (company car), tiền ăn trưa (lunch allowances), bảo hiểm (insurance), bảo hiểm nha khoa (dental plan)...
Hiện nay, chuyện trả lương cho giới giám đốc ở Mỹ và châu Âu đang gây bất bình trong công luận vì mức lương giới này hưởng quá cao. “The CEO of a Standard & Poor’s 500 company made on average $14.78 million in total compensation in 2006”. Tổng lương thưởng bình quân một năm mà lên đến 14,78 triệu đô la thì cao thiệt. Nên nhớ: “The President of the United States earns $400,000 a year; the vice president's annual salary is $186,300”.
Nhưng dư luận phản đối là do mức lương cao này lại không gắn với hiệu suất làm việc. “Problems with executive compensation came to a head in 2006 with large severance packages given to departing CEOs who performed poorly”. Trong câu này có cụm từ severance packages là những thỏa thuận phụ cấp thôi việc. Thường khi mời một người về làm CEO một công ty lớn, HĐQT phải ký hợp đồng trong đó có những điều khoản hậu hĩnh nếu phải chấm dứt công việc trước thời hạn - cái này gọi là golden handshake. Phân biệt từ này với golden hello là tiền thưởng ngay cho người được tuyển dụng, thường là được dụ dỗ từ công ty đối thủ về đầu quân. Ngoài ra, còn có từ golden parachute (nghe như kiểu dùng từ “hạ cánh an toàn” ở nước ta) - cũng giống như golden handshake.
Có nhiều ông CEO nhận lương bình thường hay thậm chí chỉ nhận 1 đô la tiền lương tượng trưng nhưng đổi lại được nhận stock options - tức là quyền mua cổ phiếu với mức giá đã ấn định trước. Ai cũng nghĩ với quyền mua cổ phiếu như vậy, các ông giám đốc sẽ nỗ lực hết lòng để giá cổ phiếu công ty tăng và ông ta cũng hưởng lợi theo. Thế nhưng cách chi trả lương này kéo theo các xì-căng-đan ghi lùi ngày hưởng quyền mua cổ phiếu đang âm ỉ trong giới doanh nhân Mỹ. Executive PayWatch nhận xét: “The stock options backdating scandal reveals a flawed compensation system in which CEOs can take what they want from their companies and their shareholders with impunity”.
Dưới áp lực của công luận, Sở Giao dịch chứng khoán Hoa Kỳ quy định công ty niêm yết phải công khai tiền lương thưởng trả cho giám đốc và các con số công bố càng làm mọi người giật mình. “Top of the heap so far is Ken Lewis, boss of Bank of America, with total pay in 2006 valued at $114.4m”. Cứ đi làm một ngày được trả chừng nửa triệu đô la thì thiệt là quá khỏe.
Ở trên chúng ta đã biết từ fringe benefits nhưng văn báo chí thường thích dùng từ perks hơn. “The new rules require the disclosure of all perks worth $10,000 or more, whereas the old rules allowed firms to keep quiet about anything worth less than $50,000”. Một loại perk bị lạm dụng nhiều nhất là máy bay riêng của công ty. “No company wants a
repeat of the battering suffered by Tyson Foods after revelations that “friends and family” of Donald Tyson, a former boss, made undisclosed use of the corporate jet—valued at over $1m—without his even being on board”. Như vậy sếp cũ của hãng Tyson Foods dùng máy bay riêng của công ty chở bạn bè và người thân đi chơi (có lúc không có ông này đi cùng), các chuyến bay trị giá trên 1 triệu đô la, làm sao cổ đông của công ty này không bực cho được.
Sở Giao dịch chứng khoán New York có một quy định rất hay: ủy ban tiền lương của HĐQT của các công ty muốn niêm yết phải gồm toàn các ủy viên độc lập để khỏi bị tác động hay khỏi làm theo cách có qua có lại. Dù sao chuyện tiền lương cho giới giám đốc là chuyện dài khó có kết thúc sớm. Tờ Economist viết: “Even being tough on new chief executives is not proving easy, however. Private equity is on the prowl, offering packages with incentives that a public company can find hard to match amid all the denunciation of fat cats”. Trong câu cuối, người viết so sánh hai loại hình “private equity” là các quỹ đầu tư tư nhân và “public company” là các công ty niêm yết. Vì là quỹ tư nhân nên họ không có nghĩa vụ công khai tiền lương của giới giám đốc và đủ sức để đưa ra những lời mời chào hấp dẫn. Và bên kia, là công ty niêm yết nên khó lòng cạnh tranh nhất là trong bối cảnh đang bị lên án trả lương cho giám đốc thành các “fat cats”.

(source: Thời báo kinh tế Sài Gòn)
 
Last edited by a moderator:
O

Oct

Guest
Học tiếng Anh qua báo chí kể cũng nhiều thú vị. Dễ dàng nhớ thêm từ, mặt khác thêm thông tin để câu chuyện tán gẫu với bạn bè phong phú hơn.
Tiếp tục câu chuyện về các CEO và những xì căng đan để đọc giải trí. Nhớ học cả từ mới nữa nhé bạn.


3. Đủ loại xì-căng-đan
(Nguyễn Vạn Phú)​
Có mấy vụ xì-căng-đan đáng lưu ý.
Đầu tiên là vụ ở hãng Siemens mà có báo rút tít rất cô đọng: “Siemens loses its CEO, gains an SEC probe”. Tổng giám đốc Klaus Kleinfeld từ chức nên xem như “mất” CEO, còn “được” ở đây là được SEC (Ủy ban Giao dịch chứng khoán Mỹ) “sờ gáy” (probe). Vụ việc thật ra bắt đầu từ lâu: “Siemens trouble started in November 2006 as reports began to emerge that the company used a $265 million network of “black accounts” for bribery around the world”. ( Những rắc rối của Siemens đã bắt đầu từ tháng 11 năm 2006 trong một báo cáo đã phát hiện rằng công ty đã sử dụng 265 triệu $ trong mạng lưới tài khoản mật cho hoạt động hối lộ trên toàn thế giới) . “Black account” là một cách nói chỉ các tài khoản mật (quỹ đen) dùng để hối lộ nhằm giúp tập đoàn này trúng thầu các công trình lớn. Một từ khác thường dùng là “slush fund” - tiền bôi trơn.
Sau đó, “The company went into “spin control” in December, in an attempt to save its sullied reputation”. Spin control là một từ của ngành PR, mang nghĩa thanh minh, biện minh, giải thích khác đi cho một sự kiện trước đó.

Như Edward Kennedy từng phát biểu: “Frequently events matter less than... spin control - who in which campaign can explain why something doesn’t mean what it seems” ( những hậu quả thường có tính chất ít nghiêm trọng hơn spin control – những người mà trong chiến dịch có thể giải thích vì sao một vài thứ không mang ý nghĩa như nó dường như phải vậy) . Spin control hàm ý xấu còn dân PR dùng từ trung dung hơn - message management.

Mặc dù sau đó Siemens đã có nhiều biện pháp như thuê công ty luật độc lập điều tra... tổng giám đốc phải quyết định ra đi: “Siemens Chief Executive Klaus Kleinfeld said Wednesday that he will leave the company when his contract expires in September”. Trước đó, chủ tịch hội đồng quản trị cũng từ chức: “His exit follows the resignation last week of Siemens Chairman Heinrich von Pierer”. Ở đây, cần lưu ý là cả hai ông này đều khẳng định không biết gì về chuyện hối lộ cả và cho đến nay không bị cáo buộc liên quan đến xì-căng-đan này.
Điều đáng nói là quí này Siemens đang ăn nên làm ra: “On Wednesday, it reported that its latest quarterly profits had risen 36% from a year earlier to 1.26 billion euros”. Vì thế trong một thông báo chính thức, “Siemens has warned that the ongoing investigations could lead to what it called “substantial uncertainties”, but added that, to date, the scandal had not affected its bottom line”. Chú ý từ bottom line - trong báo cáo kết quả kinh doanh, là dòng cuối cùng chỉ mức lời (lỗ) nên bottom line thường được dùng với ý “net profit”. Nó cũng thường được dùng theo nghĩa “điều cốt yếu” - “The bottom line, however, is that he has escaped”.

Trước đó, tại hãng Apple danh tiếng không kém nổi lên chuyện gian dối cổ phiếu: “The investigation into the practice of backdating stock options at Apple resulted in the U.S. Securities and Exchange Commission filing charges against one former Apple executive while reaching a settlement with another”. Stock option (từ này đã được đề cập ở bài 2 phía trên) là quyền mua cổ phiếu, thường được dùng để thưởng cho nhân viên, lãnh đạo công ty. Khi thưởng, giá cổ phiếu được ấn định, có thể là theo giá thị trường ngày thưởng (exercise price hay strike price); người được thưởng phải giữ cổ phiếu trong một thời gian nào đó, vừa phải nỗ lực hết lòng vì công ty để giá cổ phiếu tăng, vừa không thể bỏ đi công ty khác nên thường được mệnh danh là “golden handcuffs” (nằm trong series Golden hello, handshake, parachute ở trên). Đến ngày được bán, phần đông bán với giá cao gấp nhiều lần nên nhiều người trở thành triệu phú. Chuyện backdating là ghi ngày thưởng lùi lại để người được thưởng hưởng giá thấp hơn. Thật ra, chuyện này được xem là hợp lệ nếu thông báo công khai cho cổ đông và thị trường. Còn mấy ông giám đốc im im xem ngày nào giá cổ phiếu thấp nhất để ghi thưởng cho mình mà không báo cho ai biết là phạm pháp.

Chính Apple thừa nhận: “The company has acknowledged irregularities in some of the stock option grants it issued between 1997 and 2001”. Vụ việc xảy ra đã lâu mà SEC, đại diện cho nhà đầu tư, vẫn khởi kiện như thường.

Một vụ khác cũng gây bất ngờ không kém là giám đốc tuyển sinh trường đại học danh tiếng MIT (Massachusetts Institute of Technology) thú nhận bà đã nói dối về bằng cấp và quyết định từ chức. “Marilee Jones, the dean of admissions at the Massachusetts Institute of Technology, admitted that she had fabricated her own educational credentials and resigned after nearly three decades at MIT”. Bà này chưa học đầy một năm đại học mà dám khai đã có bằng đại học và bằng thạc sĩ. Điều “bi kịch” là năm ngoái bà đi diễn thuyết khắp nơi để quảng bá cho cuốn sách hướng dẫn tuyển sinh đại học: “Less Stress, More Success: A New Approach to Guiding Your Teen Through College Admissions and Beyond”. Sách viết: “Holding integrity is sometimes very hard to do because the temptation may be to cheat or cut corners”. Integrity là sự liêm chính, còn cut corners là đi ngang, về tắt.
Hình như bà cũng tiên đoán hậu vận của mình khi viết: “But just remember that 'what goes around comes around,' meaning that life has a funny way of giving back what you put out”. Đúng là “gieo gió thì gặt bão”. Một giáo sư nhận xét: “She’s really been a leader in the profession. Very creative. Obviously, too creative”. Phần đầu khen thật vì bà này làm việc rất sáng tạo nhưng phần sau khi dùng từ “too creative” là hàm ý “biến không thành có”.

(source: Thời báo kinh tế Sài Gòn)
 
O

Oct

Guest
He he, trong năm vừa qua Oct được vinh dự đi xem James Bond với bạn Osin và được vinh hạnh thưởng thức những màn rượt đuổi và tiếng lướt gió của con xe Audi cáu cạnh trong phim transporter 3 cùng một bác SM diễn đàn. Trong quá trình xem phim, Oct chóng cả mặt khi các bác giới thiệu, thấy con Vios chưa, thấy cái đồng hồ nó đeo chưa, thấy con xe nó chạy chưa … toàn hàng hiệu, quảng cáo đấy. Tình cờ thấy bài này, post lên hộ các bác vậy. Ke ke

Tương lai quảng cáo
Nguyễn Vạn Phú​

Quảng cáo ngày nay xuất hiện ở rất nhiều hình thức - dạng mới nhất: branded entertainment. “There is a buzz in the ad world over a new concept called branded entertainment. In a nutshell it means an advertisement that poses as stand-alone programming”. Buzz ở câu đầu có nghĩa lời đồn, lời bàn tán còn in a nutshell ở câu sau là nói ngắn gọn. Theo cách giải thích này thì branded entertainment là quảng cáo nhưng nấp đằng sau một chương trình độc lập - ví dụ một bộ phim nhiều tập về gia đình một anh chàng lái xe tải chở bia Tiger với nhiều tình tiết chung quanh nghề của anh này. Cái này khác với lối quảng cáo sản phẩm bên trong bộ phim, điển hình là loại phim James Bond với đủ loại sản phẩm ăn theo, gọi là product placement. Vì thế mới có nhận xét: “This [branded entertainment] essentially takes product placement to a new level”.

Xin nói thêm về bộ phim James Bond “Die Another Day” được mệnh danh là “a giant advert” – một chương trình quảng cáo khổng lồ. Từ quảng cáo advertisement thường được viết tắt là ad (tiếng Mỹ) hay advert (tiếng Anh). Theo BBC, “Twenty companies will see their products on the big screen, having paid between them $70m for the privilege”. Privilege ở đây là quyền quảng cáo sản phẩm lồng trong phim này, với giá không phải rẻ: 20 công ty trả tổng cộng 70 triệu đô la. Bộ phim này đạt kỷ lục quảng cáo kiểu product placement nên được giới marketing gọi đùa là “Buy Another Day”. Giới phê bình thì chê: “But critics say some of the authentic Bond characteristics have been sacrificed on the altar of advertising”. Chú ý cách dùng từ theo kiểu liên tưởng mà khi dịch sang tiếng Việt thường bị đánh mất: sacrifice là hy sinh theo nghĩa tế thần cho nên mới có từ altar (bệ thờ, án thờ).

Nhân nói chuyện quảng cáo, xin nhắc lại hai từ thường bị dùng sai: trademark (nhãn hiệu) và brand name (thương hiệu) - cho dù đôi lúc chúng được dùng thay cho nhau, trademark nhắm đến khía cạnh pháp lý, như chuyện đăng ký, chuyện bảo vệ... còn brand name là nói đến khía cạnh quan hệ với khách hàng, như chuyện xây dựng, củng cố, phát
triển... và quảng cáo!

Tuy nhiên, trong bài viết “The Future of Advertising Is Here”, tạp chí Inc.com cho rằng: “It’s becoming increasingly possible to target “smart ads” specifically to people who want them. And best of all, you can do this for a fraction of the price of mass-market”. Như vậy, quảng cáo của tương lai là quảng cáo thông minh nhắm đến những đối tượng khách hàng cụ thể với chi phí bằng một phần nhỏ của loại quảng cáo đại trà. Các dạng quảng cáo của Google là một ví dụ.

Mới tuần trước, CNN Money đăng bài “Google Web Search Is A Game-Changer In Advertising Field” để phân tích xu hướng quảng cáo mới trong đó Google đang đóng vai trò tiên phong. Game-changer là người thay đổi diện mạo, thay đổi cách chơi... Sau khi mô tả một trường hợp điển hình khi một doanh nghiệp nhỏ chuyển sang quảng cáo trên Google và thành công, CNN Money viết: “The scenario is repeating itself again and again as businesses large and small move their ads from print, TV and radio to the Internet”. Scenario trong câu này là câu chuyện tương tự như thế và print là báo in nói chung.

Một dạng quảng cáo khác nữa là giả vờ làm dân nghiệp dư đưa thông tin lên các blog. “Corporate megaliths like Nike and the beverage giant Diageo have gotten in on the game as well, the former with a grainy online clip of Brazilian soccer star Ronaldinho performing a series of literally unbelievable feats with a soccer ball, the latter with a parody music video, released straight to YouTube”. Corporate megaliths là các doanh nghiệp khổng lồ, các “đại gia”; như Nike tung lên mạng đoạn băng chất lượng xấu cảnh Ronaldinho làm xiếc với quả bóng còn hãng Diageo đưa lên YouTube một clip ca nhạc hát nhái để quảng cáo cho loại rượu vodka Smirnoff của họ. Dân trên mạng ngây thơ tải về và gửi cho nhau, đâu ngờ đấy là quảng cáo!

Ít ai ngờ có lần “Sony Ericsson dispatched 60 actors to tourist attractions to pose as sightseers and ask people to take their picture with a new camera phone before going on to extol its virtues-all without disclosing their connection to the company”. Sony Ericsson gửi đi 60 diễn viên đến các điểm hấp dẫn du lịch để đóng giả như những du khách và nhờ những người khác chụp ảnh giúp họ bằng chiếc máy ảnh điện thoại trước khi tiếp tục ca ngợi những tất cả những tính chất của nó mà không nói cho người ta biết mối liên hệ của các diễn viên này với công ty. Quảng cáo theo lối truyền miệng như thế không biết có hiệu quả đến đâu nhưng Sony Ericsson bị cáo buộc là “misleading the consumers”.

Vì thế, xu hướng chung của quảng cáo là stealth advertising, tức là quảng cáo mà không nói đấy là quảng cáo. Người ta thường nói “advertising relies on its ability to take certain liberties with the truth” - to take liberty with là không màng đến, không chú ý đến. Cho nên khi người xem không biết đấy là quảng cáo, họ càng dễ bị tác động bởi nội dung chào mời. Từng đã có quy định “an infomercial is required to announce itself as a paid advertisement at its beginning, its end, and each time the viewer is exhorted to buy anything”. Infomercial là cách kết hợp giữa information với commercial (quảng cáo theo kiểu tự giới thiệu trên ti vi), cũng như advertorial là cộng advertisement với editorial (hình thức tương tự trên báo in). Với các hình thức mới, quảng cáo đang len vào cuộc sống mà có thể chúng ta không nhận ra.


source: Thời báo kinh tế Sài Gòn
 
O

Oct

Guest
4. Chuyện bằng cấp

Oh la la
Nhân chuyện một chú bé 7 tuổi được công nhận là dịch giả trẻ tuổi nhất Việt Nam và các báo chí giật tít cậu bé giành được nhiều bằng cấp của Cambrigde khiến nhiều người bối rối. Lại thêm trường đại học quốc tế HCM, đến giờ sau khi đã đi vào hoạt động gần một năm vẫn lùm xùm chuyện bằng cấp quốc tế nghĩa là trình độ quốc tế hay đơn giản chỉ chủ đầu tư nước ngoài. Oct xin gửi tới một bài viết cũ để vừa học tiếng anh, vừa nắm được thêm chuyện bằng cấp.


Chuyện bằng cấp
Nguyễn Vạn Phú​
Dạo gần đây thấy nhiều trường dạy tiếng Anh đăng quảng cáo hình ảnh học sinh trường mình nhận bằng của Cambridge rất hoành tráng. Người viết không có ý chê trách gì chuyện này nhưng thiết nghĩ quảng cáo cũng phải nói cho chính xác kẻo phụ huynh hiểu nhầm.
Cambridge có các kỳ thi gọi chung là ESOL Examinations (viết tắt cụm từ English for Speakers of Other Languages), trong đó có các kỳ thi cho học sinh nhỏ tuổi (7-12 tuổi) gồm Starters, Movers và Flyers. Điểm đặc biệt là em nào đi thi cũng đều được nhận giấy chứng nhận hết, cho dù không làm được gì cả! Cambridge nói rất rõ: “There is no pass or fail”. Cho nên nếu quảng cáo thi đỗ kỳ thi Starters, Movers hay Flyers là không chính xác. Đơn giản là “Every child who attempts all three components will receive an Award showing a number of shields Cambridge crests up to five for each component”. Component ở đây là các kỹ năng được kiểm tra gồm: đọc-viết, nghe và nói. Shield giống như ngôi sao thưởng cho thí sinh. Em nào yếu lắm cũng được một sao: “The minimum Award for children who have attempted all three components is an Award with one shield for each component”. Cho nên phụ huynh muốn biết con mình thi có kết quả tốt hay không, phải xem giấy chứng nhận có bao nhiêu sao: “For example, a child may obtain three shields for Reading and Writing, four shields for Listening and five shields for Speaking”.
Đây là cách làm rất hay để các em còn nhỏ tuổi không bị áp lực bởi chuyện đậu, rớt, không bị mặc cảm thấy bạn mình lên nhận “bằng” còn mình thì không. Ngay cả các kỳ thi của học sinh lớn như SAT, điểm tối thiểu cũng là con số dương (SAT là 200; TOEFL kiểu cũ là 310 điểm).
Sau các kỳ thi nói trên, còn nhiều kỳ thi mà mức độ khó cao hơn nhiều, lần lượt là KET (Key English Test - tương đương với Flyers), PET (Preliminary English Test), FCE (First Certificate in English), CAE (Certificate in Advanced English) và CPE (Certificate of Proficiency in English).
Một số trường khác quảng cáo rằng họ dạy theo chương trình quốc tế, học sinh sau khi tốt nghiệp có bằng quốc tế!
Đúng là có bằng tú tài quốc tế, gọi là International Baccalaureate (IB) nhưng ở ngay chính các trường quốc tế thứ thiệt không phải học sinh nào cũng theo học chương trình này và không phải trường nào cũng được tổ chức dạy theo chương trình IB mà phải được IB Organisation ở Geneva công nhận. Theo hệ thống Mỹ có chương trình AP (Advanced Placement), ở Anh có chương trình A-Levels. Chúng gần giống như các lớp chuyên ở Việt Nam, tức là yêu cầu cao, thi khó nhưng đổi lại học sinh có nhiều cơ hội được các đại học danh tiếng nhận và được chuyển đổi chương trình đã học thành tín chỉ đại học.
Nhân đây cũng xin giới thiệu một số từ trong lĩnh vực giáo dục thường gây nhầm lẫn. Ví dụ, cấp hai ở Mỹ gọi là Middle School (Junior High) gồm ba lớp 6, 7, 8. Cấp ba gọi là High School (Senior High) có đến bốn lớp, từ 9-12. Ngược lại, ở Úc, cấp ba chỉ có hai lớp là 11 và 12; trong khi cấp 2 là từ lớp 7-10. Phức tạp nhất là ở Anh, nếu nghe một em học Sixth Form rất dễ hiểu nhầm em này học lớp 6! Cấp 3 ở Anh thường gồm năm lớp (từ 12-16 tuổi), sau đó các em có thể ra trường. Em nào muốn có thể học thêm hai năm cuối trung học (tức lớp 12 và lớp 13) gọi chung là Sixth Form, tức là các em theo học chương trình A-Levels nói ở trên. Cho nên nếu một em giới thiệu mình là học sinh lớp 13 (!) và cho biết từ tiếng Anh là Sixth Form thì đừng vội nghĩ em này nói sai.
Các từ certificate, diploma cũng thường được dùng mà không chú ý nghĩa chính xác của chúng. Ví dụ, ở Úc, học một, hai năm ở các trường dạy nghề (TAFE - Technical And Further Education) được cấp (theo thứ tự) certificate, diploma hay associate degree. Tốt nghiệp đại học được cấp bằng Bachelor Degree. Có trường tổ chức các khóa chuyên sâu, kiểu như chương trình đào tạo kỹ sư tài năng của Việt Nam, gọi là Honours (thường phải làm khóa luận khi tốt nghiệp).
Nhưng các bằng đầu tiên của hệ cao học cũng gọi là certificate, diploma (chính xác là Graduate Certificate hay Graduate Diploma) nên dễ nhầm. Ví dụ, một giáo viên tiếng Anh, qua Úc học một năm để lấy diploma thì cái này cao hơn bằng cử nhân và thấp hơn bằng thạc sĩ.
Cuối cùng, gần đây ở TPHCM nảy ra vấn đề thế nào là một trường quốc tế. Lãnh đạo ngành giáo dục phân loại và giải thích dựa vào tiêu chí nhà đầu tư (trong nước hay nước ngoài) là chưa chính xác. Cách xác định thường dùng nhất là xem trường đó có được một tổ chức các trường quốc tế nào chứng nhận chưa (accreditation), có tham gia hay làm thành viên của một tổ chức nào như thế chưa. Các tổ chức phổ biến nhất gồm Council of International School (CIS), European Council of International Schools (ECIS), East Asia Regional Council of Overseas Schools (EARCOS), Western Association of Schools and Colleges (WASC). Tên trường có từ International hay không, nhà đầu tư là nước ngoài hay trong nước không quan trọng bằng tiêu chí được accredited bởi một tổ chức có uy tín.

(Source: :: Thời báo kinh tế Sài Gòn)
 

Top