Bài 3. Các phương pháp xác định dự toán xây dựng

nguyentheanh

Tác giả Dự toán GXD
Thành viên BQT
Tham gia
6/7/07
Bài viết
4.579
Điểm thành tích
113
Website
giaxaydung.vn
Việc xác định dự toán chi phí một cách chính xác và hiệu quả là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của dự án xây dựng. Một trong những phương pháp dự toán phổ biến và hiệu quả là phương pháp xác định dự toán dựa trên khối lượng và đơn giá, cùng với việc sử dụng số liệu thống kê theo định mức tỷ lệ % cho các công việc nhỏ lẻ. Bài viết này sẽ giới thiệu về cách thức áp dụng phương pháp này trong việc lập dự toán cho các chi phí khác nhau trong dự án xây dựng.

1. Xác định dự toán dựa trên khối lượng và đơn giá​

Phương pháp này bao gồm việc xác định khối lượng các công việc cần thiết cho mỗi dự án xây dựng và nhân với đơn giá xây dựng tương ứng. Đơn giá xây dựng có thể được xác định:
- Dựa trên tính toán chi tiết từ số liệu: Định mức (mức hao phí vật liệu, nhân công, máy) và giá vật liệu, giá nhân công, giá ca máy và thiết bị thi công
- Dựa trên số liệu, kinh nghiệm từ các dự án tương tự trước đó
- Dựa trên thông tin thị trường hoặc từ các nguồn dữ liệu chuẩn.

Nếu dựa vào đơn giá thì có thể chia làm 2 phương pháp:
- Xác định theo khối lượng và đơn giá xây dựng chi tiết không đầy đủ
- Xác định theo khối lượng và giá xây dựng tổng hợp không đầy đủ

Ưu điểm:
  • Tính chính xác cao với các hạng mục có khối lượng và đơn giá rõ ràng.
  • Dễ dàng điều chỉnh, cập nhật khi có sự thay đổi về khối lượng hoặc đơn giá.
Nhược điểm:
  • Đòi hỏi thời gian, sự tỉ mỉ và sự chính xác trong việc đo bóc, xác định khối lượng các công việc.
  • Cần thông tin đơn giá cập nhật và chính xác.
  • Theo cách quản lý chi phí tại Việt Nam: nhiều khi phụ thuộc vào việc có số liệu định mức hay không.

2. Sử dụng số liệu thống kê qua việc sử dụng định mức tỷ lệ %​

Đối với các công việc nhỏ lẻ hoặc lắt nhắt nhiều thứ (ví dụ lương cho ban điều hành; lương cho người lao động; chi trả trợ cấp mất việc; chi phí phúc lợi; chi phí bảo trì văn phòng và các phương tiện; chi phí tiện ích văn phòng; chi phí thông tin liên lạc và đi lại; chi phí sử dụng tiện ích điện, nước; chi phí nghiên cứu và phát triển...) việc sử dụng số liệu thống kê theo định mức tỷ lệ % là một phương pháp hiệu quả. Phương pháp này dựa trên việc áp dụng tỷ lệ phần trăm cố định dựa trên kinh nghiệm hoặc dữ liệu ngành để ước lượng chi phí.

Ưu điểm:
  • Xác định đơn giản, nhanh chóng và tiết kiệm thời gian cho các khoản mục, đầu việc nhỏ và nhiều
  • Dễ dàng áp dụng khi không có đủ thông tin để thực hiện dự toán chi tiết.
Nhược điểm:
  • Có thể không chính xác nếu tỷ lệ % áp dụng không phản ánh đúng thực tế của dự án.
  • Không phù hợp với các hạng mục lớn và quan trọng của dự án.
  • Đối với dự toán thiết kế: Tại Việt Nam định mức tỷ lệ % bị phụ thuộc vào số liệu do nhà nước (Bộ Xây dựng) công bố. Có những định mức nhiều năm qua không thay đổi, ví dụ: Thu nhập chịu thuế tính trước (có thể hiểu nôm na là khoản lãi của nhà thầu xây dựng, từ hai chục năm qua vẫn tỷ lệ % như vậy).
  • Đối với dự toán dự thầu của doanh nghiệp nhà thầu: Phụ thuộc vào kinh nghiệm của người đi trước, nhiều khi chậm cập nhật, không chính xác và giữ nghề, không phổ biến...

3. Lập dự toán cho các nội dung chi phí​


1) Chi phí xây dựng: Bao gồm chi phí trực tiếp, chi phí gián tiếp, thu nhập chịu thuế tính trước và thuế giá trị gia tăng

- Chi phí trực tiếp gồm: chi phí vật liệu, nhân công, máy và thiết bị thi công. Dự toán cho chi phí này thường được thực hiện dựa trên khối lượng công việc cụ thể và đơn giá của từng loại vật liệu, nhân công, và thiết bị.

- Chi phí gián tiếp gồm: chi phí chung, chi phí nhà tạm để ở và điều hành thi công và chi phí một số công việc không xác định được từ thiết kế. Dự toán cho chi phí này thường dùng định mức tỷ lệ % theo số liệu của Bộ Xây dựng công bố, ban hành.

- Thu nhập chịu thuế tính trước: hiểu là khoản chi phí lãi dự tính cho nhà thầu nếu nhận làm công việc xây dựng. Dự toán cho chi phí này thường dùng định mức tỷ lệ % theo số liệu của Bộ Xây dựng công bố, ban hành.

- Thuế giá trị gia tăng: xác định theo mức thuế suất luật thuế GTGT quy định, cũng là tỷ lệ %.

2) Chi phí thiết bị: Đối với các thiết bị cần thiết lắp đặt cho các công trình, hạng mục công trình của dự án, chi phí có thể được ước lượng dựa trên giá thị trường hoặc từ các nhà cung cấp. Chi phí này cũng bao gồm cả chi phí vận chuyển, lắp đặt, quản lý mua sắm, gia công, chế tạo (nếu không có sẵn)...

3) Chi phí quản lý dự án: Bao gồm chi phí cho nhân sự quản lý dự án, văn phòng làm việc và các chi phí hành chính khác. Đối với dự toán thiết kế phần này thường được tính dựa trên định mức tỷ lệ % của tổng chi phí xây dựng và chi phí thiết bị. Đối với quản lý công trường của doanh nghiệp nhà thầu (vẫn gọi nhầm là quản lý dự án, phân biệt với quản lý dự án của chủ đầu tư) tính dựa trên dự toán trực tiếp hoặc kinh nghiệm hoặc dữ liệu ngành.

4) Chi phí tư vấn (đầu tư xây dựng): Bao gồm chi phí cho các dịch vụ tư vấn như thiết kế, đấu thầu, giám sát và dịch vụ kỹ thuật tính vào công trình xây dựng. Chi phí này thường được tính dựa trên phạm vi công việc và mức độ chuyên môn cần thiết (trên cơ sở phạm vi, nội dung, khối lượng, tiến độ của công việc tư vấn cần thực hiện, yêu cầu về điều kiện năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu, địa điểm dự kiến thực hiện công việc tư vấn và các quy định về chế độ, chính sách do nhà nước ban hành). Tại Việt Nam, chi phí này được xác định dựa trên 3 phương pháp chính:
- Xác định bằng định mức tỷ lệ % do Bộ Xây dựng công bố nhân với chi phí xây dựng hoặc thiết bị hoặc tổng của chi phí xây dựng + thiết bị
- Xác định bằng lập dự toán chi tiết theo khối lượng và đơn giá. Trong đó khối lượng là ngày chuyên gia thực hiện, đơn giá là tiền lương ngày công của chuyên gia tư vấn. Tính thêm các khoản: chi phí quản lý của đơn vị tư vấn, chi phí khác (đi lại, văn phòng phẩm, họp hành...), thu nhập chịu thuế tính trước (lãi từ hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị tư vấn). Tại Việt Nam thu nhập chịu thuế tính trước xác định bằng 6% trên tổng chi phí chuyên gia và chi phí quản lý.
- Xác định bằng ước tính con số chi phí có thể thực hiện được công việc và thỏa thuận hợp đồng.

5) Chi phí khác: Có thể bao gồm các chi phí phát sinh không dự kiến hoặc các chi phí phụ trợ khác. Chi phí này thường được xác định bằng cách:
- Đầu công việc nào có định mức tỷ lệ % thì xác định chi phí bằng định mức tỷ lệ %.
- Xác định bằng lập dự toán chi tiết.
- Xác định bằng cách ước lượng dựa trên kinh nghiệm từ các dự án tương tự.
- Xác định bặng cách tạm tính một khoản.

6) Chi phí dự phòng: Là một khoản chi phí dự kiến cho những rủi ro không lường trước được. Khoản này thường được tính dựa trên một tỷ lệ nhất định của tổng chi phí dự án, tùy thuộc vào mức độ rủi ro của dự án.
Tại Việt Nam Gdp được xác định cho 2 loại: Chi phí dự phòng cho khối lượng, công việc phát sinh (Gdp1) và chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá (Gdp2). Gdp1 thường được xác định bằng định mức tỷ lệ phần trăm <= 5% (tùy điều kiện cụ thể từ 0-5%), Gdp2 thì tính dựa trên số liệu chỉ số giá do Sở Xây dựng địa phương công bố.

Kết luận​

Phương pháp xác định dự toán xây dựng dựa trên khối lượng và đơn giá các đầu công việc chính, cùng với việc sử dụng số liệu thống kê theo định mức tỷ lệ % cho các đầu công việc có định mức, là cách tiếp phổ biến, thông dụng hiện nay tại Việt Nam. Việc áp dụng phương pháp này đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về từng hạng mục công việc, các loại chi phí, cũng như kinh nghiệm và dữ liệu thực tế từ các dự án tương tự trước đó. Sự chính xác trong dự toán không chỉ giúp quản lý chi phí đầu tư xây dựng hiệu quả mà còn góp phần vào sự thành công của dự án xây dựng và sự phát triển bền vững.
 

Tải bộ cài phần mềm Dự toán GXD, Đấu thầu GXD, Thanh Quyết toán GXD, Quản lý chất lượng GXD. Dành cho người mua bản quyền
Kích để xem khóa học Dự toán công trình
Kích để xem khóa học Dự toán công trình
Phần mềm quản lý chất lượng công trình QLCL GXD
Tìm hiểu khóa học Thanh Quyết toán GXD

Các bài viết mới

Top