Các vấn đề liên quan đến việc lập và thẩm định dự án đầu tư

  • Khởi xướng Hugolina
  • Ngày gửi
H

Hugolina

Guest
Hỏi : Về thủ tục thẩm định dự án đầu tư
Trả lời:
Trước hết phải làm rõ dự án đầu tư bất động sản (khu dân cư) của doanh nghiệp là dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư hay là dự án đầu tư xây dựng khu dân cư. Nếu là dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư thì doanh nghiệp chỉ phải trình thẩm định thiết kế cơ sở hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu dân cư. Nếu là dự án đầu tư xây dựng khu dân cư bao gồm cả hệ thống hạ tầng kỹthuật và các công trình xây dựng trên khu đất thì doanh nghiệp phải trình thẩm định cả thiết kế cơ sở hệ thống hạ tầng kỹ thuật và thiết kế cơ sở các công trình xây dựng trên khu đất.
Thiết kế cơ sở phải được lập căn cứ vào quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 được cấp có thẩm quyền phê duyệt./.
 
H

Hugolina

Guest
Về một số vướng mắc trong việc lập, phê duyệt Báo cáo Kinh tế - Kỹ thuật xây dựng công trình

Hỏi:
Công ty chúng tôi đã và đang làm tư vấn xây dựng tại tỉnh theo Nghị định số 16/CP, Nghị định số112/CP, Thông tư số 12/2005/TT-BXD, Thông tư số 02/2007/TT-BXD. Trong quá trình thực hiện tư vấn tại tỉnh Công ty thấy việc lập Báo cáo KT-KT bị rủi ro, phức tạp hơn dự án, cụ thể là:
Về lập Báo cáo KT-KT công trình giúp chủ đầu tư trình thẩm định đều đã được văn bản thoả thuận nhiệm vụ, chọn phương án thiết kế của cơ quan đầu mối và thành phần hồ sơ trình thẩm định đúng theo khoản c mục 2 phần IV của Thông tư số 02/2007/TT-BXD.
Song việc thẩm định Báo cáo KT-KT tại tỉnh lại đưa ra Hội đồng thẩm định dự án của tỉnh xem xét góp ý từ thiết kế đến quy mô và không theo nhiệm vụ được thoả thuận, nên các Báo cáo KT-KT phải lập đi, lập lại, mất rất nhiều công sức và thời gian; sau khi có Quyết định phê duyệt Báo cáo KT-KT của người quyết định đầu tư; cơ quan đầu mối lại bắt chủ đầu tư ra Quyết định phê duyệt dự toán công trình (kết qủa thẩm định thiết kế công trình, dự toán đã gửi ngay khi trình theo Thông tư 02/TT-BXD). Vậy đề nghị Bộ Xây dựng giải thích rõ hơn cho Công ty rõ việc thẩm định trên là như thế nào.


Trả lời:

Việc tổ chức thẩm định phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật là thuộc quyền và trách nhiệm của người quyết định đầu tư. Đơn vị đầu mối là cơ quan giúp người quyết định đầu tư tổ chức thẩm định dự án, có quyền xem xét các yếu tố nhằm đảm bảo hiệu quả của dự án. Do vậy, đơn vị đầu mối có quyền yêu cầu chủ đầu tư chỉnh sửa Báo cáo kinh tế kỹ thuật cho phù hợp với khả năng cân đối vốn của địa phương. Tuy nhiên, khi Báo cáo kinh tế kỹ thuật đã được phê duyệt thì chủ đầu tư không cần phê duyệt lại Thiết kế bản vẽ thi công và dự toán nữa.

 
H

Hugolina

Guest
Về thẩm định thiết kế cơ sở theo Nghị định số 16/2005/NĐ-CP, Nghị định số 112/2006/NĐ-CP, Thông tư số 02/2007/TT-BXD

Hỏi :
Trước khi Nghị định số 16/CP có hiệu lực Ban quản lý các khu công nghiệp Tây Ninh được UBND tỉnh uỷ quyền thẩm định thiết kế kỹ thuật đối với các dự án đầu tư xây dựng không sử dụng vốn ngân sách nhà nước trong khu công nghiệp theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP, như vậy hiện nay cơ quan chúng tôi có phải vẫn là cơ quan thẩm định thiết kế cơ sở đối với các dự án đầu tư xây dựng không sử dụng vốn ngân sách nhà nước trong khu công nghiệp hay không? Đối với những công trình của doanh nghiệp chỉ lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật thì có phải thẩm định thiết kế cơ sở không? Nếu có thời gian thẩm định là bao nhiêu ngày?"
Trả lời:
Việc thẩm định thiết kế cơ sở của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 112/2006/NĐ-CP của Chính phủ. Ban quản lý khu công nghiệp Tây Ninh không được phân cấp thẩm định thiết kế cơ sở nên không có chức năng thẩm định thiết kế cơ sở thuộc các dự án trong khu công nghiệp. Đối với công trình lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật thì không có thiết kế cơ sở, nên không yêu cầu thẩm định thiết kế cơ sở, nhưng những công trình này phải được xin giấy phép xây dựng theo quy định trước khi khởi công xây dựng.
 
H

Hugolina

Guest
Lập dự án, hoặc Báo cáo đầu tư - xây dựng hệ thống mạng Lan

Hỏi:
Về lĩnh vực công nghệ thông tin". Ví dụ: Lập dự án, hoặc Báo cáo đầu tư - xây dựng hệ thống mạng Lan - mua sắm trang thiết bị được áp dụng loại công trình gì ? Công nghiệp - Hạ tầng kỹ thuật. Trong Nghị định số 209/2004/NĐ-CP quy định về phân loại công trình….
Trả lời:
Dự án hệ thống mạng Lan nếu không có xây dựng và mua sắm thiết bị là lĩnh vực công nghệ thông tin không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Xây dựng. Việc đầu tư mua sắm trang thiết bị công nghệ thông tin phải thực hiện theo Luật Đầu tư năm 2005.
 
H

Hugolina

Guest
Về việc thẩm định những nội dung liên quan đến thiết kế cơ sở

Hỏi:

Ở địa phương tôi quy định, khi đầu tư xây dựng các công trình xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp có tổng mức đầu tư dưới 7 tỷ đồng tại các địa phương chưa có quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, quy hoạch xây dựng thì chủ đầu tư phải trình các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thẩm định những nội dung liên quan đến thiết kế cơ sở, trong bản vẽ thiết kế thi công của Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình.

Quy định như vậy có phù hợp với tinh thần Nghị định số 112/2006/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 02/2007/TT-BXD của Bộ trưởng Bộ Xây dựng không?
Thẩm định những nội dung liên quan đến thiết kế cơ sở là thẩm định như thế nào? Cơ quan Nhà nước có phải thẩm định những nội dung liên quan đến thiết kế cơ sở, trong bản vẽ thiết kế thi công của Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình không? Thông tư số 08/2005/TT-BXD ngày 06/5/2005 và Công văn số 2200/BXD-KSTK ngày 27/10/2005 của Bộ Xây dựng có còn hiệu lực không khi đã thực hiện Nghị định số 112/2006/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 02/2007/TT-BXD của Bộ trưởng Bộ Xây dựng?

Trả lời :
1. Điểm a) Khoản 7, Điều 1 Nghị định 112/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình quy định: “...Các công trình xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp có tổng mức đầu tư dưới 7 tỷ đồng, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, quy hoạch xây dựng;” chủ đầu tư không phải lập dự án đầu tư xây dựng công trình mà chỉ lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình “... trừ trường hợp người quyết định đầu tư thấy cần thiết và yêu cầu phải lập dự án đầu tư xây dựng công trình.”
Như vậy, khi đầu tư xây dựng các công trìnhxây dựng mới, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp có tổng mức đầu tư dưới 7 tỷ đồng nếu phải lập dự án đầu tư xây dựng công trình thì chủ đầu tư phải tổ chức lập thiết kế cơ sở và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở, nếu chỉ lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình thì thiết kế bản vẽ thi công trong Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình do chủ đầu tư tự tổ chức thẩm định, phê duyệt.
2. Thông tư số 02/2007/TT-BXD Hướng dẫn một số nội dung về lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình; giấy phép xây dựng và tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình quy định tại Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 và Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006 của Chính phủ thay thế Thông tư số 08/2005/TT-BXD ngày 06/5/2005 của Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung về lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình và xử lý chuyển tiếp thực hiện Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ. Do vậy, các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 02/2007/TT-BXD ngày 14/02/2007 kể từ ngày Thông tư số 02/2007/TT-BXD có hiệu lực.


 
H

Hugolina

Guest
Về thông tư số 05/2007/TT-BXD, thông tư số 06/2007/TT-BXD


Hỏi:

Tôi đang nghiên cứu Thông tư số 05/2007/TT-BXD ngày 25/7/2007 của Bộ Xây dựng hướng dẫn lập và Quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình và Thông tư số 06/2007/TT-BXD ngày 25/7/2007 hướng dẫn việc thực hiện hợp đồng. Trong quá trình nghiên cứu, Tôi có một số thắc mắc và muốn nhờ Quý cơ quan trả lời:

- Chỉ tiêu GCT-SXD: Các chi phí chưa được tính trong suất chi phí xây dựng hoặc chưa tính trong đơn giá xây dựng tổng hợp bao gồm những chi phí nào? Câu hỏi tương tự đối với các chỉ tiêu: GCT-STB; GCT-CTTT;
- Chỉ số giá xây dựng được xác định như thế nào?
- Bộ Xây dựng đã ban hành chỉ tiêu suất chi phí xây dựng, suất chi phí thiết bị hoặc giá xây dựng tổng hợp chưa, nếu có thì tại văn bản nào?
- Xử lý chuyển tiếp tại TT số 06/2007/TT-BXD như thế nào?

Trả lời:

Theo phụ lục số 1 về phương pháp xác định tổng mức đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình ban hành kèm theo Thông tư số 05/2007/BXD-TT-BXD ngày 25/7/2007 của Bộ Xây dựng hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình thì GCT-SXD; GCT-STB; GCT-CTTT đã được hướng dẫn tại Văn bản số 1600/BXD-VP ngày 25/7/2007 của Bộ Xây dựng về việc công bố suất vốn đầu tư xây dựng công trình;
Chỉ số giá vật liệu xây dựng công trình và cách tính chỉ số giá vật liệu xây dựng công trình đã được hướng dẫn tại Văn bản số 1601/BXD-VP ngày 25/7/2007 của Bộ Xây dựng về việc công bố chỉ số giá xây dựng và Văn bản số 1599/BXD-VP ngày 25/7/2007 của Bộ Xây dựng về việc công bố phương pháp xác định chỉ số giá xây dựng;
Việc xử lý chuyển tiếp hợp đồng trong hoạt động xây dựng theo Thông tư số 06/2007/BXD-TT-BXD ngày 25/7/2007 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn hợp đồng trong hoạt động xây dựng do các bên ký kết hợp đồng thoả thuận; Những nội dung thay đổi trong hợp đồng phải thực hiện theo qui định hiện hành.
 
H

Hugolina

Guest
Về cách xác định tổng mức đầu tư của dự án

Hỏi:
Tôi đang triển khai một dự án xây dựng toà nhà thương mại, xin hỏi cách xác định tổng mức đầu tư của dự án thì tiền thuê đất và lãi vay ngân hàng tính theo năm xây dựng hay trong suốt quá trình kinh doanh, khai thác?


Trả lời:
Đối với dự án sản xuất kinh doanh được đầu tư bằng vốn vay và phải trả tiền thuê sử dụng đất thì tiền lãi vay hoặc tiền thuê đất trong thời gian đầu tư xây dựng công trình được tính vào vốn đầu tư của dự án. Khi dự án được đưa vào khai thác sử dụng thì chi phí liên quan đến khoản vay vốn và thuê đất được phân bổ vào chi phí sản xuất kinh doanh của dự án.


 
H

Hugolina

Guest
Về việc thẩm định bản vẽ thi công đối với các công trình chỉ lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật

Hỏi:
Trong Thông tư số 02/2007/TT-BXD không hướng dẫn việc thẩm định bản vẽ thi công đối với các công trình chỉ lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật của các đơn vị chuyên ngành (đa số là các Sở chuyên ngành tại địa phương). Vậy, nếu các Sở chuyên ngành thẩm định bản vẽ thi công trong các công trình chỉ lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật thì thực hiện như thế nào? Nội dung thẩm định bản vẽ thi công là gì? Kết quả thẩm định bản vẽ thi công được lập theo mẫu nào của Thông tư số 02/2007/TT-BXD? Khi trình hồ sơ thẩm định bản vẽ thi công, ngoài phần thuyết minh và các bản vẽ, chủ đầu tư có phải trình đủ các biên bản nghiệm thu thiết kế, khảo sát giữa chủ đầu tư và đơn vị tư vấn thiết kế cho đơn vị thẩm định không?
Trả lời

Theo quy định tại khoản 7 Điều 1 Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006 của Chính phủ thì chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức thẩm định thiết kế bản vẽ thi công để người quyết định đầu tư phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật.
Theo quy định tại mục 2 khoản IV phần I Thông tư số 02/2007/TT-BXD của Bộ Xây dựng thì chủ đầu tư tổ chức thẩm định thiết kế bản vẽ thi công. Đối với công trình có liên quan đến môi trường; phòng, chống cháy, nổ; an ninh, quốc phòng thì khi thẩm định thiết kế bản vẽ thi công, chủ đầu tư phải lấy ý kiến của các cơ quan quản lý về những lĩnh vực này.
Kết quả thẩm định thiết kế bản vẽ thi công được lập theo mẫu tại phụ lục số 4 Thông tư số 02/2007/TT-BXD của Bộ Xây dựng.

 
H

Hugolina

Guest
Về việc điều chỉnh dự toán

Hỏi:


Công trình, hạng mục công trình được phê duyệt dự toán từ tháng 10/2005 đến tháng 10/2006, nhưng đến nay mới tổ chức đấu thầu, vậy có được điều chỉnh dự toán theo đơn giá và thông báo giá tại thời điểm hiện tại không (để giá gói thầu phù hợp với thực tế).
Đối với các công trình, hạng mục công trình khi áp dụng đơn giá, thông báo giá tại thời điểm hiện tại vượt tổng mức đầu tư thì người quyết định đầu tư có được điều chỉnh không?”


Trả lời:


- Theo quy định tại thông tư số 07/2006/TT-BXD ngày 10/11/2006 của Bộ xây dựng hướng dẫn điều chỉnh dự toán công trình xây dựng, những công trình chưa đấu thấu được phép điều chỉnh dự toán theo các quy định của trong thông tư này.
- Đối với công trình, hạng mục công trình đang thực hiện dở dang của dự án được phê duyệt trước ngày Nghị định 99/2007/NĐ-CP ngày 13/6/2007 của Chính phủ có hiệu lực, khi áp dụng đơn giá, thông báo giá tại thời điểm hiện tại làm vượt tổng mức đầu tư thì người quyết định đầu tư được phép điều chỉnh.
 
H

Hugolina

Guest
Một số điểm về công tác quản lý đầu tư

1. Về phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công trước khi triển khai thi công
Theo điểm IV, Phần I Thông tư 02/2007/TT-BXD thì Chủ đầu tư chỉ đóng dấu xác nhận trước khi đưa ra thi công (mẫu dấu tại Thông tư 12/2005/TT-BXD).
Theo điểm 4 Điều 10 Nghị định số 99/2007/NĐ-CP thì Chủ đầu tư phê duyệt thiết kế, dự toán trước khi khởi công xây dựng.
Vậy sau khi Chủ đầu tư thẩm định thiết kế bản vẽ thi công - dự toán (đối với công trình chỉ lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật) và đã được người quyết định đầu tư thẩm định và phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật thì bản vẽ thi công và dự toán có bắt buộc Chủ đầu tư phê duyệt hay không? hay dự toán trong trường hợp này (Đối với công trình chỉ lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật) là tổng mức đầu tư và đã được phê duyệt nên Chủ đầu tư không phải phê duyệt thiết kế và dự toán lại.
2. Về áp dụng chi phí tư vấn trong các công trình lập Báo cáo - kinh tế - kỹ thuật
- Theo Quyết định 11/QĐ-BXD thì chi phí lập BCKT-KT là 3,5% cho tất cả các loại công trình và theo TT 02/TT-BXD cho phép sử dụng thiết kế điển hình. Vậy Báo cáo kinh tế - kỹ thuật của công trình có nhiều hạng mục giống nhau có tính chi phí tư vấn theo thiết kế lặp lại được không?
- Lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật của công trình san nền có tính nhân 40% của chi phí lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật như đối với thiết kế của công trình san nền so với công trình giao thông hay không?".


Trả lời:


1. Theo qui định tại Thông tư số 02/2007/TT-BXD ngày 14/2/2007 của Bộ Xây dựng thì người quyết định đầu tư có trách nhiệm tổ chức thẩm định báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình. Chủ đầu tư tổ chức thẩm định thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình, trường hợp cần thiết thì có thể thuê tư vấn thẩm tra để làm cơ sở cho việc thẩm định. Sau khi Báo cáo kinh tế - kỹ thuật được người có thẩm quyền phê duyệt, thiết kế bản vẽ thi công phải được chủ đầu tư đóng dấu xác nhận trước khi đưa ra thi công và không phải phê duyệt lại. Nội dung này phù hợp với khoản 4 điều 10 Nghị định số 99/2007/NĐ-CP ngày 13/6/2007 của Chính phủ về Quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.

2. Báo cáo kinh tế - kỹ thuật có nhiều hạng mục giống nhau thì định mức chi phí tư vấn thiết kế áp dụng hệ số điều chỉnh cho việc sử dụng thiết kế lặp lại như qui định tại Quyết định số 11/2005QĐ-BXD ngày 15/4/2005 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Chi phí lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật công trình san nền tính bằng 40% của mức chi phí lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật.


 
H

Hugolina

Guest
Về giá VLXD, tổ chức có chức năng cung cấp VLXD theo Nghị định 99/2007/NĐ-CP và Thông tư 05/2007/TT-BXD

Hỏi:
”Theo điểm a) khoản 1. điều 15. của NĐ 99/NĐ-CP quy định:
"a) Giá vật liệu xây dựng được xác định phù hợp với tiêu chuẩn, chủng loại và chất lượng vật liệu sử dụng cho công trình xây dựng cụ thể. Giá vật liệu xây dựng xác định trên cơ sở giá thị trường do tổ chức có chức năng cung cấp, báo giá của nhà sản xuất, thông tin giá của nhà cung cấp hoặc giá đã được áp dụng cho các công trình khác có tiêu chuẩn, chất lượng tương tự.."


Theo quy định trên thì:
- "tổ chức có chức năng cung cấp" giá thị trường của vật liệu là những cơ quan, đơn vị nào?


- Giá vật liệu theo báo giá của nhà sản xuất, nhà cung cấp thường đi kèm với một loại vật liệu cụ thể và giá cụ thể (ví dụ xi măng PCB 30 Hoàng Thạch 785đ/kg, PCB 30 Bình Định 745đ/kg), có các thông số kỹ thuật đều giống nhau và phù hợp tiêu chuẩn thiết kế, do có sự chênh lệch giá, người thiết kế bắt buộc phải chỉ định loại vật liệu trong hồ sơ thiết kế của mình là loại vật liệu nào để phù hợp với báo giá khi lập dự toán, như vậy có mâu thuẫn với điểm e) khoản 2) điều 58 của Luật xây dựng không? Để không sai luật phải làm như thế nào?


- Loại công trình để xác định chi phí chung, thu nhập chịu thuế tính trước và các chi phí khác theo định mức tỷ lệ, theo quy định của Nghị định 209/2004/NĐ-CP công trình hạ tầng kỹ thuật chỉ có: Cấp nước, thoát nước, bãi chôn lấp chất thải, nhà máy xử lý rác. Còn lại các công trình : Hệ thống thông tin liên lạc, cung cấp năng lượng, điện chiếu sáng công cộng khi tính dự toán áp dụng loại công trình nào, theo Luật xây dựng nó vẫn thuộc loại công trình HTKT?”

Trả lời:

1. Về giá vật liệu xây dựng: là giá vật liệu đến hiện trường xây dựng, được xác định phù hợp với công trình và gắn với vị trí nơi xây dựng công trình. Giá vật liệu do tổ chức có chức năng cung cấp là: Địa phương nơi xây dựng công trình công bố; Tổ chức tư vấn có năng lực, kinh nghiệm công bố...
Nhà thiết kế không được chỉ định loại vật liệu, vật tư và thiết bị cụ thể mà chỉ được đưa ra tiêu chuẩn, chất lượng. Khi lập dự toán xây dựng công trình tuỳ theo khả năng nguồn vốn và yêu cầu của chủ đầu tư mà đơn vị lập dự toán tính toán đưa loại vật liệu, vật tư cụ thể để chủ đầu tư quyết định phê duyệt dự toán;

2. Việc áp dụng định mức chi phí chung, thu nhập chịu thuế tính trước đối với hạng mục: Hệ thống thông tin liên lạc; Cung cấp năng lượng; Điện chiếu sáng công cộng được xác định theo loại công trình của dự án đầu tư có những hạng mục nêu trên.

 
H

Hugolina

Guest
Về cách xác định chi phí tư vấn đầu tư xây dựng

Hỏi:
Theo quy định tại công văn số 1751/BXD-VP ngày 14/8/2007 của Bộ Xây dựng "V/v Công bố định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng công trình" thì chi phí thiết kế xây dựng công trình được xác định bằng tỉ lệ phần trăm của chi phí xây dựng chưa có thuế giá trị gia tăng trong tổng dự toán công trình được duyệt. Vây chi phí xây dựng chưa có thuế giá trị gia tăng để tính chi phí thiết kế nêu trên có phải đã bao gồm chi phí xây dựng nhà tạm tại hiện trường để ở và điều hành thi công hay chưa bao gồm chi phí xây dựng nhà tạm tại hiện trường để ở và điều hành thi công? Lấy khoản mục chi phí nào trong bảng 2.2-tổng hợp dự toán chi phí xây dựng ban hành theo Thông tư 05/2007/TT-BXD ngày 25/7/2007 của Bộ Xây dựng để tính chi phí thiết kế

Trả lời:

Theo Văn bản số 1751/BXD-VP ngày 14/8/2007 của Bộ Xây dựng về việc công bố định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng công trình thì định mức chi phí thiết kế xây dựng công trình được xác định bằng tỷ lệ phần trăm (%) của chi phí xây dựng chưa có thuế giá trị gia tăng trong dự toán của công trình được duyệt; Chi phí xây dựng trong dự toán của công trình để tính chi phí thiết kế xây dựng công trình bao gồm: Chi phí vật liệu, chi phí nhân công, chi phí máy thi công, chi phí trực tiếp khác, chi phí chung, thu nhập chịu thuế tính trước và chi phí xây dựng nhà tạm tại hiện trường để ở và điều hành thi công (chưa có thuế giá trị gia tăng);

 
H

Hugolina

Guest
Về dự toán chuẩn bị đầu tư

Hỏi
Trong thời gian qua, việc thẩm định dự toán chuẩn bị đầu tư các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Tây Ninh vẫn chưa được sự thống nhất giữa các sở, ngành quản lý XDCB; cụ thể có một số quan điểm sau:
1./ Dự án có tổng mức đầu tư trên 7 tỷ: Sở xây dựng chuyên ngành thẩm định dự toán chuẩn bị đầu tư trình người quyết định đầu tư phê duyệt.
2./ Dự án có tổng mức đầu tư nhỏ hơn 7 tỷ (chỉ lập báo cáo KTKT): Chủ đầu tư tổ chức thẩm định dự toán chuẩn bị đầu tư trình người quyết định đầu tư phê duyệt.
3./ Các Sở xây dựng chuyên ngành chỉ có chức năng thẩm định thiết kế cơ sở của dự án có tổng mức đầu tư trên 7 tỷ đồng, không có chức năng thẩm định dự toán chuẩn bị đầu tư.Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức thẩm định dự toán chuẩn bị đầu tư trình người quyết định đầu tư phê duyệt (không phân biệt quy mô công trình).

Trả lời:

Chi phí để tổ chức thực hiện các công việc chuẩn bị dự án đầu tư thuộc chi phí quản lý dự án trong nội dung tổng mức đầu tư xây dựng công trình. Việc thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư theo Điều 6 của Nghị định 99/2007/NĐ-CP ngày 13/6/2007 của Chính phủ; Việc thẩm tra, phê duyệt dự toán chuẩn bị đầu tư thực hiện theo Điều 10 của Nghị định 99/2007/NĐ-CP.

Trường hợp chủ đầu tư chưa đủ căn cứ để xác định chi phí quản lý dự án (chưa thể xác định được tổng mức đầu tư của dự án) nhưng cần triển khai các công việc chuẩn bị dự án thì chủ đầu tư lập dự toán chi phí cho công việc này để trình người quyết định đầu tư phê duyệt làm cơ sở dự trù kế hoạch vốn và triển khai thực hiện công việc. Các chi phí trên sẽ được tính trong chi phí quản lý dự án của tổng mức đầu tư.

 
H

Hugolina

Guest
Về việc điều chỉnh dự án

Hỏi:
Căn cứ điều 7 nghị định 99/2007/NĐ-CP thì các trường hợp do biến động về giá cả thị trường và chế độ, chính sách mới thay đổi về giá sẽ không được điều chỉnh tổng mức đầu tư. Dự toán được lập tại thời điểm giá biến động (lập sau 1 năm sau khi phê duyệt DA) tổng mức đầu tư vượt so với DA được duyệt. Nếu không điều chỉnh Tổng mức đầu tư của DA thì không phê duyệt được thiết kế dự toán. Như vậy phải giải quyết như thế nào xin Bộ cho ý kiến xử lý?


Trả lời:
Việc điều chỉnh tổng mức đầu tư theo Điều 7 của Nghị định 99/2007/NĐ-CP ngày 13/6/2007 của Chính phủ; Việc xử lý chuyển tiếp theo Điều 36 của Nghị định này; Quản lý, điều chỉnh tổng mức đầu tư theo phần III- mục 1- điểm 1.1 tại Thông tư số 05/2007/BXD-TT-BXD ngày 25/7/2007 của Bộ Xây dựng về lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.
 
L

lestrong

Guest
1. Bộ Xây dựng trả lời về việc tư vấn thẩm tra thiết kế và dự toán
Hỏi:
“Hiện chúng tôi đang thực hiện hợp đồng thẩm tra thiết kế và dự toán cho một công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Giấy đăng ký kinh doanh của công ty chúng tôi ghi rõ chức năng hoạt động là "Tư vấn xây dựng", ngoài ra chúng tôi còn có chức năng thiết kế, tư vấn giám sát, quản lý dự án, kiểm định. Tuy nhiên khi trình duyệt hồ sơ tại các cơ quan chức năng, chúng tôi nhận được văn bản nêu rõ chúng tôi không có chứng chỉ hành nghề thẩm tra thiết kế và dự toán, do trong giấy phép kinh doanh của chúng tôi không ghi rõ chức năng này. Theo hiểu biết của chúng tôi thì chức năng "Tư vấn xây dựng" đã bao gồm tất cả các chức năng hoạt động tư vấn trong xây dựng, trong đó có chức năng thẩm tra thiết kế và dự toán. Vậy chúng tôi đủ chức năng để thực hiện công tác thẩm tra thiết kế và dự toán không? Và trong trường hợp tổng quát, giấy phép kinh doanh có chức năng "Tư vấn xây dựng" là được thực hiện những công tác nào?”.

Trả lời:
Sau khi nghiên cứu, Vụ Xây lắp có ý kiến như sau:
Tư vấn xây dựng bao gồm lập dự án, khảo sát, thiết kế, thẩm tra thiết kế dự toán,...
Theo định tại Thông tư số 12/2005/TT-BXD ngày 15/7/2005 của Bộ Xây dựng thì tổ chức, cá nhân tư vấn có đủ điều kiện năng lực để thẩm tra thiết kế, dự toán công trình. Tổ chức tư vấn thẩm tra thiết kế phải có đủ điều kiện năng lực thiết kế đối với loại và cấp công trình nhận thẩm tra. Người chủ trì thẩm tra thiết kế có điều kiện năng lực như của người chủ trì thiết kế công trình mà chủ đầu tư yêu cầu thẩm tra thiết kế.


2.Về việc trình duyệt thiết kế cơ sở
Hỏi:
Đối với dự án đầu tư mở rộng Nhà máy sản xuất gạch men có cần phải trình duyệt thiết kế cơ sở không? Thủ tục trình duyệt thiết kế cơ sở? Cơ quan nào sẽ thẩm định phê duyệt thiết kế cơ sở?

Trả lời:
Sau khi nghiên cứu, Vụ Khảo sát, Thiết kế XD có ý kiến như sau:
Khoản 17, Điều 3 Luật Xây dựng giải thích: “Dự án đầu tư xây dựng là tập hợp các đề xuất có liên quan đến việc bỏ vốn để xây dựng mới, mở rộng hoặc cải tạo những công trình xây dựng nhằm mục đích phát triển, duy trì, nâng cao chất lượng công trình hoặc sản phẩm, dịch vụ trong một thời gian nhất định”.
Như vậy, dự án đầu tư xây dựng mở rộng, nâng công suất Nhà máy sản xuất gạch men của Quý Công ty bao gồm thuyết minh dự án và thiết kế cơ sở. Nếu dự án thuộc nhóm A thì thiết kế cơ sở do Bộ Xây dựng thẩm định; nếu dự án thuộc nhóm B, C thì thiết kế cơ sở do Sở Xây dựng thẩm định.
 
Last edited by a moderator:
L

lestrong

Guest
1. Về các văn bản pháp lý cần thiết khi nộp hồ sơ thẩm định thiết kế cơ sở của dự án

Hỏi:
Theo quy định của nghị định 16/2005 và nghị định 112/2006 về QLDA đầu tư xây dựng công trình thì dự án nhóm A (công trình dân dụng > 20 tầng, công trình của công ty chúng tôi là cao ốc Văn phòng 30 tầng) thì phải do Bộ Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở. Vậy có thể cho biết các văn bản pháp lý của hồ sơ nộp để xin thẩm định thiết kế cơ sở gồm có những gì? (Vì hiện nay quy định về hồ sơ xin thẩm định thiết kế cơ sở ở mỗi các sở xây dựng ở mỗi nơi khác nhau rất nhiều, cụ thể tại sở XD thành phố HCM thì yêu cầu hồ sơ nộp xin phép thẩm định thiết kế phải kèm với "văn bản thẩm duyệt PCCC của cơ quan có thẩm quyền"

Trả lời:
Sau khi nghiên cứu, Vụ Khảo sát, Thiết kế XD có ý kiến như sau:
Điểm 3, Mục III, Phần I Thông tư số 02/2007/TT-BXD ngày 14/02/2007 hướng dẫn: Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức lập và gửi hồ sơ dự án tới đơn vị đầu mối thẩm định dự án để tổ chức thẩm định trước khi trình người có thẩm quyền phê duyệt.
Đơn vị đầu mối thẩm định dự án có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ dự án của chủ đầu tư và gửi tới các đơn vị có liên quan để lấy ý kiến, đồng thời gửi hồ sơ để lấy ý kiến thẩm định thiết kế cơ sở của cơ quan có thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở quy định tại Khoản 5, Điều 1 Nghị định số 112/2006/NĐ-CP.
Nội dung hồ sơ dự án được quy định tại Điều 37 Luật Xây dựng, trong đó phần thiết kế cơ sở được quy định cụ thể hơn tại Khoản 3, Điều 1 Nghị định số 112/2006/NĐ-CP. Như vậy hồ sơ trình thẩm định thiết kế cơ sở gồm:
- Văn bản xin ý kiến thẩm định thiết kế cơ sở của đơn vị đầu mối thẩm định dự án đầu tư xây dựng.
- Thuyết minh và bản vẽ thiết kế cơ sở quy định tại Khoản 3, Điều 1 Nghị định số 112/2006/NĐ-CP.
- Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 được phê duyệt (hoặc tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 được phê duyệt đối với trường hợp chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 được phê duyệt).
- Chứng nhận đăng ký kinh doanh của nhà thầu lập thiết kế cơ sở; chứng chỉ hành nghề của chủ nhiệm và các chủ trì thiết kế.
- Chứng nhận đăng ký kinh doanh của nhà thầu khảo sát xây dựng; chứng chỉ hành nghề của chủ nhiệm khảo sát xây dựng (nếu có tài liệu khảo sát xây dựng trong hồ sơ thiết kế cơ sở).
- Văn bản của các cơ quan có liên quan đến dự án…


2. Bộ Xây dựng trả lời về chi phí thẩm tra

Hỏi:
“Hiện nay tại tỉnh Long An Sở Xây dựng được UBND tỉnh giao cho làm chủ đầu tư một số dự án của tỉnh, đồng thời Sở Xây dựng cũng là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng tại địa phương. Trong quá trình triển khai thực hiện các văn bản qui phạm pháp luật do chính phủ và Bộ ban hành, tôi có một số vấn đề chưa rõ cần xin ý kiến chỉ đạo:

- Căn cứ Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/2/2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, tại Điều 16: Thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán, tổng dự toán xây dựng công trình, qui định:
+ Chủ đầu tư tự tổ chức việc thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán, tổng dự toán đối với những công trình xây dựng phải lập dự án;
+ Trường hợp chủ đầu tư không đủ điều kiện năng lực thẩm định thì được phép thuê các tổ chức, cá nhân tư vấn có đủ điều kiện năng lực để thẩm tra thiết kế, dự toán công trình làm cơ sở cho việc phê duyệt. Tuỳ theo yêu cầu của chủ đầu tư, việc thẩm tra thiết kế, dự toán, tổng dự toán có thể thực hiện đối với toàn bộ hoặc một phần các nội dung quy định tại khoản 2 và khoản 3 của Điều này.
- Căn cứ Nghị định số 99/2007/NĐ-CP ngày 13/6/2007 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình, tại Điều 10: Thẩm tra, phê duyệt dự toán công trình, qui định:
+ Chủ đầu tư tổ chức việc thẩm tra dự toán công trình trước khi phê duyệt.
+ Trường hợp Chủ đầu tư không đủ điều kiện, năng lực thẩm tra thì được phép thuê tổ chức, cá nhân đủ điều kiện năng lực, kinh nghiệm để thẩm tra dự toán công trình. Tổ chức cá nhân tư vấn thẩm tra dự toán công trình chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ đầu tư về kết quả thẩm tra.
Căn cứ vào các qui định trên cho tôi được xin ý kiến các vấn đề:
1. Sở Xây dựng có được trực tiếp thẩm định và thẩm tra thiết kế bãn vẽ thi công và dự toán công trình đối với những dự án do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư.
2. Nếu được thực hiện theo mục 1:
- Theo Nghị định số 16/2005/NĐ-CP trường hợp chủ đầu tư đủ điều kiện, năng lực thì hồ sơ thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công là thẩm định trước khi phê duyệt;
- Theo Nghị định số 99/2007/NĐ-CP trường hợp chủ đầu tư đủ điều kiện, năng lực thì hồ sơ dự toán công trình là thẩm tra trước khi phê duyệt. Để thống nhất việc thẩm định hay thẩm tra, Sở Xây dựng có thể thực hiện công tác thẩm tra hồ sơ thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công hay không.
3. Nếu được thực hiện theo mục 1, 2: Sở Xây dựng là cơ quan quản lý nhà nước có được hưởng chi phí thẩm tra theo công văn công bố số 1751/BXD-VP ngày 14/8/2007 của Bộ Xây dựng về việc công bố định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng công trình hay không.”.

Trả lời:
Sau khi nghiên cứu, Vụ Xây lắp có ý kiến như sau:
Trước hết cần phân định rõ chức năng thẩm định thiết kế kỹ thuật - dự toán, thiết kế bản vẽ thi công - dự toán là của chủ đầu tư; còn chức năng thẩm tra là của tổ chức, cá nhân tư vấn xây dựng.
Theo quy định tại điểm 2.4 mục II Thông tư số 12/2005/TT-BXD ngày 15/7/2005 của Bộ Xây dựng thì chủ đầu tư (Sở Xây dựng) tự tổ chức việc thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán, tổng dự toán đối với những công trình xây dựng phải lập dự án.
Đối với dự án do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư thì Sở Xây dựng là cơ quan quản lý nhà nước nên không thể thực hiện và hưởng chi phí của công tác thẩm tra dự án đó.
 
L

lestrong

Guest
1. Về vấn đề liên quan đến việc xác định chi phí lập báo cáo kinh tế kỹ thuật

Hỏi:
Khi Lập báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình để sửa chữa các công trình nền, mặt đường, lề và rãnh, sửa chữa các cống ngang, các cầu thi có áp dụng được hệ số điều chỉnh 1,2 trong bước lập Hồ sơ không? Nếu được thì áp dụng những trường hợp nào?

Trả lời:
Việc xác định chi phí lập báo cáo kinh tế kỹ thuật đối với các trường hợp cải tạo, sửa chữa, mở rộng có tính toán kết nối với dây chuyền công nghệ của công trình hiện có tham khảo hướng dẫn tại điểm 3.2, mục 3 của định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng công trình công bố tại văn bản số 1751/BXD-VP ngày 13/8/2007 của Bộ xây dựng. Trường hợp của bạn hỏi nếu không có tính toán kết nối với dây chuyền công nghệ của công trình hiện có thì không được áp dụng hệ số điều chỉnh 1,2 .


2. Về vấn đề liên quan đến việc lập tổng mức đầu tư
Hỏi:
Khi lập tổng mức đầu tư các dự án công trình Hạ tầng kỹ thuật có tổng mức đầu tư < 7 tỷ, thời gian thực hiện dự án < 2 năm. Khi tính chi phí dự phòng ngoài 10% theo quy định (theo TT 05) chúng tôi tính thêm 5% dự phòng cho yếu tố trượt giá nữa có được không? Khi lập tổng mức đầu tư những loại vật liệu như xi măng, thép, đường ống chúng tôi không lấy theo công bố của Sở xây dựng (vì thấp hơn giá thị trường rất nhiều) mà lấy theo báo giá của các nhà cung cấp trên thị trường có được không?

Trả lời:
- Theo quy định Thông tư 05/2007/TT-BXD ngày 25/7/2007 của Bộ Xây dựng, chi phí dự phòng là khoản chi phí dự trù cho khối lượng công việc phát sinh và các yếu tố trượt giá trong thời gian xây dựng công trình, đối với những công trình có thời gian xây dựng ≤ 2 năm thì chi phí dự phòng được tính là 10% trên tổng chi phí xây dựng, chi phí thiết bị và chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng và chi phí khác, trong đó bao gồm 5% dự phòng cho phát sinh công việc và 5% dự phòng cho các yếu tố trượt giá. Vì vậy, công trình của bạn có thời gian xây dựng < 2 năm nên không được tính thêm 5% cho yếu tố trượt giá nữa.
- Công bố giá vật liệu địa phương do các Sở ban hành chỉ là văn bản mang tính chất tham khảo khi lập dự toán xây dựng công trình. Việc lựa chọn vật liệu và giá vật liệu trong khi lập tổng mức đầu tư xây dựng công trình do Chủ đầu tư quyết định trên cơ sở đảm bảo tính hợp lý và phù hợp với mặt bằng giá thị trường, đảm bảo tính cạnh tranh.
 
L

lestrong

Guest
1. Về quy định “Riêng đối với dự án đầu tư xây dựng một công trình dân dụng dưới 20 tầng thì Sở Xây dựng tổ chức thẩm định”

Hỏi:
Tại mục 6 khoản 5 điều 1 sửa đổi bổ sung điều 9 của NĐ 16, quy định về thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở các sự án thuộc nhóm A có bổ sung nội dung "Riêng đối với dự án đầu tư xây dựng một công trình xây dựng dân dụng dưới 20 tầng thì Sở xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở", về vấn đề này đề nghị Bộ giải thích thêm cho rõ?

Trả lời:
Điểm a Khoản 6 Điều 1 Nghị định 112/CP quy định thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở dự án nhóm A như sau: “Riêng đối với dự án đầu tư xây dựng một công trình dân dụng dưới 20 tầng thì Sở Xây dựng tổ chức thẩm định”.
Quy định này được hiểu như sau: Đối với dự án đầu tư xây dựng một công trình dân dụng dưới 20 tầng (như một toà nhà chung cư, một toà nhà khách sạn, một toà nhà văn phòng cho thuê...) nhóm A thì cơ quan có thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở là Sở Xây dựng.
Ví dụ mà bạn nêu không phải là dự án đầu tư xây dựng một công trình dân dụng mà là một tổ hợp công trình. Vì vậy, cho dù công trình có quy mô dưới 20 tầng nhưng nếu dự án thuộc nhóm A thì cơ quan có thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở là Bộ Xây dựng.


2. Vấn đề liên quan đến việc thẩm định thiết kế cơ sở

Hỏi:
Khi thẩm định thiết kế cơ sở, cơ quan thẩm định yêu cầu cung cấp các hồ sơ để chứng minh năng lực của chủ nhiệm, các chủ trì thiết kế là đúng hay sai? Nếu cơ quan thẩm định không được yêu cầu cầu cung cấp các hồ sơ để chứng minh năng lực của chủ nhiệm, các chủ trì thiết kế thì ai sẽ chịu trách nhiệm kiếm tra các nội dung này?

Trả lời:
Điểm 2 Khoản 6 Điều 1 Nghị định 112/CP quy định “Điều kiện năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức tư vấn, năng lực hành nghề của các cá nhân lập thiết kế cơ sở theo quy định” là một trong các nội dung thẩm định thiết kế cơ sở của cơ quan có thẩm quyền.
Khoản 1, 2, 3 Điều 48 Nghị định 16/CP quy định các tổ chức, cá nhân hoạt động tư vấn xây dựng phải có đủ điều kiện năng lực phù hợp với dự án; loại, cấp công trình và công việc quy định tại các Điều 59, 60, 61 của Nghị định. Cá nhân đảm nhiệm chủ nhiệm thiết kế và chủ trì thiết kế phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định.
Vì vậy, khi thẩm định thiết kế cơ sở, cơ quan thẩm định được quyền yêu cầu tổ chức tư vấn lập thiết kế cơ sở cung cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức, chứng chỉ hành nghề của chủ nhiệm thiết kế và chủ trì thiết kế; quyết định của tổ chức tư vấn giao nhiệm vụ chủ trì, chủ nhiệm thiết kế.
Khi lựa chọn tổ chức tư vấn lập thiết kế cơ sở, chủ đầu tư phải kiểm tra điều kiện năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức tư vấn, năng lực hành nghề của các cá nhân lập thiết kế cơ sở theo quy định tại Nghị định 16/CP và phải chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình.
Việc cơ quan thẩm định thiết kế cơ sở kiểm tra điều kiện năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức tư vấn, năng lực hành nghề của các cá nhân lập thiết kế cơ sở khi thẩm định thiết kế cơ sở không làm giảm trách nhiệm của chủ đầu tư đối với việc lựa chọn tổ chức tư vấn lập thiết kế cơ sở và không làm giảm trách nhiệm của tổ chức tư vấn đối với việc giao nhiệm vụ chủ trì, chủ nhiệm thiết kế.
 
L

lestrong

Guest
1. Bộ Xây dựng trả lời về sự phù hợp giữa khối lượng thiết kế và khối lượng dự toán

Hỏi:
"Theo chức năng nhiệm vụ của phòng là có thẩm định các dự án đầu tư xây dựng cơ bản thuộc ngành quản lý và hướng dẫn cho các đơn vị trong tỉnh thực hiện công tác quản lý đầu tư XDCB. Nhưng có một nội dung được quy định tại Mục 3, Điều 16, Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 (và Điều 37, Nghị định 52/199/NĐ-CP đối với các công trình thực hiện trước khi Nghị định 16/2005/NĐ-CP có hiệu lực) của Chính phủ về nội dung thẩm định dự toán, tổng dự toán xây dựng công trình là “Sự phù hợp giữa khối lượng thiết kế và khối lượng dự toán” theo tôi có hai cách hiểu như sau:

Cách 1: Cơ quan thẩm định (hoặc thẩm tra) có trách nhiệm kiểm tra sự phù hợp giữa khối lượng đã được đơn vị tư vấn thiết kế tính toán (chủ đầu tư kiểm tra) và thể hiện trong đồ án thiết kế với khối lượng được sử dụng tính trong dự toán, chứ cơ quan thẩm định (hoặc thẩm tra) không phải tính toán lại các khối lượng theo đồ án thiết kế do đơn vị tư vấn lập và chủ đầu tư trình.

Cách 2: Cơ quan thẩm định (hoặc thẩm tra) phải tính toán lại các khối lượng theo đồ án thiết kế do đơn vị tư vấn lập và chủ đầu tư trình sau đó mới đối chiếu với khối lượng được tính trong dự toán xây dựng công trình. Nếu như vậy thì có những công trình đơn vị tư vấn thiết kế thực hiện hàng năm, nhưng cơ quan thẩm định (hoặc thẩm tra) chỉ thực hiện cả thẩm định thiết kế và dự toán trong vòng 20 ngày đối với dự án nhóm C và 30 ngày đối với dự án nhóm B (theo quy định tại Nghị định 52/199/NĐ-CP) thì có đúng không?”.

Trả lời:
Sau khi nghiên cứu, Vụ Quản lý Hoạt động XD có ý kiến như sau:
Nội dung thẩm định dự toán, tổng dự toán của chủ đầu tư về “Sự phù hợp giữa khối lượng thiết kế và khối lượng dự toán” quy định tại chương III, Điều 16, điểm 3 Nghị định 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hiểu theo cách 1 của bạn tự kiểm tra sự phù hợp giữa khối lượng đã được đơn vị tư vấn tính toán (chủ đầu tư kiểm tra) và thể hiện trong đồ án thiết kế với khối lượng được sử dụng tính trong dự toán là hợp lý. Tuy nhiên để kiểm tra như vậy, có 2 phương pháp, trực tiếp và gián tiếp. Cách trực tiếp là kiểm tra sự đúng đắn của từng khối lượng trong dự toán. Cách gián tiếp là tính toán lại các khối lượng theo thiết kế rồi đối chiếu với khối lượng được tính trong dự toán. Việc tính toán theo cách nào là tuỳ chọn của người thẩm định (hoặc thẩm tra).


2. Bộ Xây dựng trả lời về trình tự phê duyệt nhiệm vụ khảo sát và phương án kỹ thuật khảo sát


Hỏi:
"Nhiệm vụ khảo sát được phê duyệt trước hay sau khi ký hợp đồng với nhà thầu khảo sát và cụ thể việc đó được nêu tại văn bản nào?".

Trả lời:
Sau khi nghiên cứu, Vụ Quản lý Hoạt động XD có ý kiến như sau:
Hiện nay, trong các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng không có quy định về việc Nhiệm vụ khảo sát phải được phê duyệt trước hay sau khi chủ đầu tư ký hợp đồng với nhà thầu khảo sát.

Theo Quy định tại Điều 6, Điều 7, Chương III, Nghị định số 209/2004/ND-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ, Nhiệm vụ khảo sát do tổ chức tư vấn thiết kế hoặc nhà thầu khảo sát xây dựng lập và được chủ đầu tư phê duyệt và là cơ sở để lập phương án kỹ thuật khảo sát.

Nhiệm vụ khảo sát tuỳ từng trường hợp cụ thể có thể được phê duyệt trước hay sau khi chủ đầu tư ký hợp đồng với nhà thầu khảo sát. Trong trường hợp chủ đầu tư giao nhà thầu khảo sát thực hiện việc lập nhiệm vụ khảo sát thì nhiệm vụ khảo sát sẽ được lập và phê duyệt sau khi hợp đồng được ký kết. Nhiệm vụ khảo sát chỉ bắt buộc phải được lập và phê duyệt trước khi nhà thầu khảo sát lập phương án kỹ thuật khảo sát và thực hiện công tác khảo sát.
 
L

lestrong

Guest
1. Bộ Xây dựng trả lời vấn đề về thẩm định tổng mức đầu tư

Hỏi:
"Chủ đầu tư là một doanh nghiệp nhà nước đang đầu tư xây dựng cao ốc văn phòng cho thuê bằng vốn tự có và vốn vay Ngân hàng với tổng kinh phí dự án khoảng 250 tỷ. Chủ đầu tư được UBND TP Hồ Chí Minh cho phép được tự phê duyệt tổng kinh phí dự án xây dựng công trình (không qua sở Kế hoạch đầu tư). Hiện nay dự án đang được thẩm tra thiết kế cơ sở và Chủ đầu tư thuê đơn vị chúng tôi là công ty tư vấn thiết kế xây dựng, tiến hành thẩm tra phần khái toán kinh phí xây dựng của dự án do một công ty tư vấn xây dựng khác lập trước khi phê duyệt dự án. Vậy: Chủ đầu tư có được phép thuê đơn vị chúng tôi thẩm tra khái toán kinh phí đầu tư xây dựng công trình? Nếu có thì điều đó được thể hiện bằng văn bản nào?".

Trả lời:
Sau khi nghiên cứu, Vụ Quản lý Hoạt động XD có ý kiến như sau:
Chi phí thẩm định tổng mức đầu tư là một nội dung của chi phí quản lý dự án được hướng dẫn tại điểm 1.1.4 Mục I Phần II Thông tư số 05/2007/TT-BXD ngày 25/7/2007 của Bộ Xây dựng. Nếu chủ đầu tư được UBND TP Hồ Chí Minh cho phép tự thẩm định và phê duyệt tổng mức đầu tư của dự án, nhưng không đủ điều kiện năng lực để thẩm định tổng mức đầu tư thì có thể thuê tổ chức tư vấn thẩm tra tổng mức đầu tư làm căn cứ để phê duyệt. Tổ chức tư vấn được chủ đầu tư thuê thẩm tra tổng mức đầu tư phải chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và trước pháp luật về kết quả thẩm tra của mình.


2. Bộ Xây dựng trả lời về việc tổ chức thẩm định thiết kế cơ sở

Hỏi:
1. Chúng tôi đang thực hiện một dự án nhóm B sử dụng vốn ngân sách nhà nước, được phê duyệt vào năm 2003. Khi triển khai gói thầu 01, 02 thì thiết kế bản vẽ thi công và dự toán do Sở Xây dựng thẩm định và UBND tỉnh phê duyệt, đến khi thực hiện gói thầu 03 (2007), chúng tôi thuê tư vấn thẩm tra thiết kế BVTC và dự toán rồi tự phê duyệt. Thực hiện như vậy là đúng hay sai? Có cần trình thẩm định thiết kế cơ sở gói thầu 03 không?
2. Thiết kế bản vẽ thi công trong báo cáo kinh tế-kỹ thuật có phải trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về xây dựng ở địa phương tổ chức thẩm định thiết kế cơ sở hay không?”.

Trả lời:
Sau khi nghiên cứu, Vụ Quản lý Hoạt động XD có ý kiến như sau:
1. Theo hướng dẫn tại Mục I Phần IV Thông tư số 02/2007/TT-BXD ngày 14/02/2007 của Bộ Xây dựng về xử lý chuyển tiếp về thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình và các công việc tiếp theo đã nêu rõ: ...”Đối với các dự án được phê duyệt trước ngày Nghị định 16/CP có hiệu lực... nếu người quyết định đầu tư đã lựa chọn thủ tục thực hiện các bước còn lại theo quy định trước ngày Nghị định 16/CP có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện theo các quy định đó; nếu đã lựa chọn thực hiện theo các quy định của Nghị định 16/CP thì chuyển sang thực hiện theo Nghị định 112/CP...”.
Như vậy, với gói thầu 03, nếu người quyết định đầu tư đã lựa chọn thực hiện theo các quy định của Nghị định 16/CP và Nghị định 112/CP thì phải trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về xây dựng ở địa phương tổ chức thẩm định thiết kế cơ sở theo quy định.
2. Theo hướng dẫn tại Mục IV Phần I Thông tư số 02/2007/TT-BXD ngày 14/02/2007 của Bộ Xây dựng về lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo kinh tế-kỹ thuật thì chủ đầu tư tự tổ chức thẩm định thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình. Kết quả thẩm định thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình của chủ đầu tư là một trong các nội dung hồ sơ trình thẩm định báo cáo kinh tế-kỹ thuật.
Như vậy, chủ đầu tư không phải trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về xây dựng ở địa phương tổ chức thẩm định thiết kế bản vẽ thi công trong báo cáo kinh tế-kỹ thuật với các nội dung thẩm định thiết kế cơ sở.
 

Top