Chủ đầu tư được lợi ích gì khi áp dụng BIM cho dự án của mình mà phải chịu thêm “chi phí làm BIM” bên cạnh thiết kế phí?

nguyentheanh

Tác giả Dự toán GXD
Thành viên BQT
Tham gia
6/7/07
Bài viết
4.583
Điểm thành tích
113
Website
giaxaydung.vn
CHỦ ĐẦU TƯ ĐƯỢC LỢI ÍCH GÌ KHI ÁP DỤNG BIM CHO DỰ ÁN CỦA MÌNH MÀ PHẢI CHỊU THÊM “CHI PHÍ LÀM BIM” BÊN CẠNH THIẾT KẾ PHÍ
Tác giả: KTS Nguyễn Phước Thiện
Chuyên gia BIM, ISO 19650
Nhận lời mời một chủ đầu tư để tư vấn áp dụng BIM cho những dự án sắp đến của họ, tôi đã nhận được những ý kiến của họ về BIM như dưới đây:

Trong Quyết định 258/QĐ-TTg ngày 17/03/2023 của Thủ tướng chính phủ (dưới đây gọi tắt là 258/2023), khoản 2 có ba nội dung mà chủ đầu tư quan tâm như sau:

"2. Mục đích, yêu cầu áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM)
a. Việc áp dụng BIM trong quá trình thiết kế nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm thiết kế; tăng cường quá trình trao đổi thông tin giữa cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, chủ đầu tư, tổ chức tư vấn, nhà thầu thi công xây dựng; trong quá trình thi công xây dựng nhằm hỗ trợ xây dựng phương án tổ chức thi công, tổ chức và quản lý các nguồn lực trong quá trình xây dựng, kiểm soát chất lượng xây dựng; trong quá trình nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào sử dụng nhằm hỗ trợ quá trình nghiệm thu, phục vụ cho giai đoạn quản lý, vận hành công trình xây dựng." (Trích từ 258/2023)​

Chủ đầu tư thắc mắc về nội dung a ngay trên như sau:

Cho đến khi nhận bàn giao công trình (trước giai đoạn quản lý – vận hành) từ ngành xây dựng thì BIM đem lại cho chủ đầu tư những lợi ích gì? Theo Quyết định 258 này thì chúng tôi không nhận được gì cả!!!
Và, nếu không nhận được lợi ích gì từ BIM thì tại sao tôi phải chịu chi phí làm BIM? Ngành xây dựng phải chịu chi phí làm BIM để nhận được lợi ích từ BIM mới công bằng và hợp lý chứ?

"b. Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, việc sử dụng mô hình BIM như là công cụ để hỗ trợ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước (thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở; cấp phép xây dựng; quản lý xây dựng; kiểm tra công tác nghiệm thu...)." (Trích từ 258/2023)

Chủ đầu tư thắc mắc về nội dung b nói trên như sau:

Chúng tôi (chủ đầu tư) đã đóng thuế rồi và chính phủ cũng đã sử dụng tiền thuế này để phân bổ ngân sách cho ngành xây dựng rồi để họ thực hiện chức năng quản lý nhà nước rồi. Hơn nữa, thực tế hiện nay chúng tôi đã chịu tất cả những chi phí này. Vậy tại sao lại đòi hỏi chúng tôi phải trả thêm phí làm BIM? Việc chúng tôi phải trả thêm phí làm BIM để thuận lợi cho ngành xây dựng trong quản lý thì có hợp lý không?

"c. Tùy theo yêu cầu của thiết kế cơ sở, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, hồ sơ hoàn thành công trình, khi áp dụng mô hình BIM, tệp tin BIM cần phải đáp ứng một số yêu cầu tối thiểu sau: thể hiện được kiến trúc công trình, các kích thước chủ yếu; hình dạng không gian ba chiều các kết cấu chính của công trình; hệ thống đường ống điều hòa, thông gió, cấp thoát nước công trình. Một số bản vẽ các bộ phận chi tiết ở dạng không gian hai chiều nhằm bổ sung thông tin (nếu có) phải ở định dạng số khi nộp kèm theo tệp tin BIM. Các bản vẽ, khối lượng chủ yếu của các bộ phận công trình phải trích xuất được từ tệp tin BIM". (Trích từ 258/2023)

Chủ đầu tư thắc mắc về nội dung c ngay trên như sau:

Một công trình chỉ có 1 tệp tin BIM thôi sao, có khả thi không? và trên thế giới này có ai biết tệp tin BIM là gì không? Đáp ứng các yêu cầu tối thiểu như trong nội dung trên thì có đáp ứng được yêu cầu của Nghị định 15/2021/NĐ-CP không?

Hơn nữa, chỉ với “phải đáp ứng một số yêu cầu tối thiểu sau: thể hiện được kiến trúc công trình, các kích thước chủ yếu; hình dạng không gian ba chiều các kết cấu chính của công trình; hệ thống đường ống điều hòa, thông gió, cấp thoát nước công trình” là đủ để chúng tôi quản lý tài sản và vận hành công trình sao? Hiện nay, ngành xây dựng chỉ làm ra các công trình, có quản lý tài sản của công trình không? Vậy làm sao biết chúng tôi cần cái gì để quản lý tài sản?

Đánh giá của chủ đầu tư (?):

Sau những thắc mắc trên, chưa cần đến các câu trả lời đã nảy sinh một cách rõ ràng về lợi ích của BIM đối với chủ đầu tư: trước khi nhận bàn giao công trình, chủ đầu tư không nhận được bất kỳ một lợi ích cỏn con nào từ BIM nhưng buộc phải đóng tiền cho những người hưởng lợi từ BIM là ngành xây dựng. Trong nền kinh tế thị trường chúng tôi là khách hàng của ngành xây dựng thì ngành xây dựng phải hoạt động dựa trên cùng phục vụ lợi ích của chúng tôi chứ, đâu phải chỉ tập trung vào lợi ích của ngành xây dựng?

Và từ năm 2009, chúng tôi có nghe anh em kiến trúc sư và kỹ sư nói rằng: "Using Revit, or any other BIM platforms, as simply a 3D Vizualization or documentation tool is like using a laptop as a hammer". Đại ý là: "Sử dụng Revit hay bất kỳ một nền tảng BIM nào khác, một cách đơn giản như xem hình 3D hay hình thành các hồ sơ thi không khác gì lấy một cái laptop để đi đóng đinh cả".

Với nội dung a đã nêu trên, ngành xây dựng đang đi mua laptop về để đóng đinh phải không? Kết quả làm BIM như QĐ 258/2023 sẽ là một sự lãng phí lớn của ngành xây dựng. Lãng phí về tiền bạc có thể bù đáp được nhưng lãng phí về thời gian cho công cuộc chuyển đổi số của ngành xây dựng và đất nước sẽ dẫn đến hậu quả như thế nào?

Vì vậy, ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình chúng tôi áp dụng BIM cho công cuộc chuyển đổi số của đất nước. Chúng tôi cần có AIM (Asset Information Model) cho từng dự án. Từ AIM chúng tôi sẽ có thêm OIM (Operation Information Model – mô hình thông tin để vận hành công trình) thoả mãn nội dung a ở trên và RIM (Regulation Information Model – mô hình thông tin để quản lý xã hội) để thoả mãn các yêu cầu của công cuộc chuyển đổi số.

Nhưng: Theo bộ tiêu chuẩn quốc tế ISO 19650, AIM sẽ hình thành từ PIM (là sản phẩm của ngành xây dựng). Vậy thì PIM của ngành xây dựng có đáp ứng được các yêu cầu để chúng tôi: có thể biến đổi từ PIM thành AIM không? Ai sẽ đảm bảo PIM của ngành xây dựng đáp ứng được các yêu cầu này? Bất động sản còn có Ban QLDA đảm bảo chất lượng mà, phải không?

Kết luận của chủ đầu tư:

1. Chủ đầu tư sẽ không chịu chi phí làm BIM trong giai đoạn dự án mà sẽ mua PIM của ngành xây dựng nếu nó đáp ứng được yêu cầu của chúng tôi (có khả năng biến đổi thành OIM và RIM) theo cơ chế kinh tế thị trường giống như chúng tôi đã – đang và sẽ mua các bất động sản vậy. Giá trị kinh tế của PIM sẽ do chất lượng của nó quyết định.

2. Để khách quan trong việc mua bán này nếu PIM từ ngành xây dựng được hình thành theo ISO 19650, trung gian giữa ngành xây dựng với chúng tôi về BIM. Như vậy, ngành xây dựng sẽ không phải là người vừa đá bóng vừa thổi còi như hiện nay.

Vấn đề nẩy sinh từ các ý kiến nêu trên của chủ đầu tư.

1. Những bạn KTS – KS nào lâu nay than phiền: không làm BIM vì chủ đầu tư không biết gì về BIM cả thì nay xin phản biện các ý trên của chủ đầu tư đi.

2. Bên cạnh đó, những bạn đang làm BIM cho các dự án có đồng ý với các ý kiến trên không? Nếu không thì cũng mời các bạn phản biện nhé.

3. Nếu chấp nhận các ý kiến trên của chủ đầu tư thì bạn có khả năng hình thành một PIM theo ISO 19650 để bán cho chủ đầu tư hay không?

Xin mời các bạn tham gia thảo luận.

Nguồn: Theo facebook Thien Nguyen của chuyên gia Nguyễn Phước Thiện
Ngày đăng trên Facebook: 26/04/2024
Ngày biên tập, đăng trên giaxaydung.vn: 28/04/2024
 

nguyentheanh

Tác giả Dự toán GXD
Thành viên BQT
Tham gia
6/7/07
Bài viết
4.583
Điểm thành tích
113
Website
giaxaydung.vn
Hạn chế và vướng mắc về mặt pháp lý trong việc áp dụng BIM ở thời điểm hiện tại

Ngày 17/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg phê duyệt lộ trình áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng (dưới đây viết tắt là QĐ258). Theo đó, lộ trình áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) như sau:

a) Giai đoạn 1: từ năm 2023, áp dụng BIM bắt buộc đối với các công trình cấp I, cấp đặc biệt của các dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư bắt đầu thực hiện các công việc chuẩn bị dự án.

b) Giai đoạn 2: từ năm 2025, áp dụng BIM bắt buộc đối với các công trình cấp II trở lên của các dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư bắt đầu thực hiện các công việc chuẩn bị dự án.

c) Đối với các dự án, công trình xây dựng bắt buộc áp dụng BIM, tệp tin BIM là một thành phần trong hồ sơ thiết kế xây dựng, hồ sơ hoàn thành công trình. Chủ đầu tư hoặc đơn vị chuẩn bị đầu tư có trách nhiệm cung cấp tệp tin BIM cùng với loại hồ sơ khác theo quy định khi thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, xin cấp phép xây dựng và nghiệm thu công trình.

d) Đối với các công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn khác, Chủ đầu tư cung cấp tệp tin BIM khi thực hiện thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, xin cấp phép xây dựng, nghiệm thu công trình theo lộ trình sau: công trình cấp I, cấp đặc biệt từ năm 2024; từ năm 2026, bổ sung thêm công trình cấp II.

Quyết định 258/QĐ-TTg đã thể hiện rõ ý chí của chính phủ trong việc bắt buộc áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) trong ngành xây dựng. Đây là một bước tiến đáng ghi nhận trong việc chuyển đổi số ngành xây dựng, tuy nhiên, việc triển khai BIM vẫn đang gặp phải nhiều vướng mắc, đặc biệt là trong hạ tầng kỹ thuật và pháp lý, cần được tháo gỡ để hiện thực hóa mục tiêu này một cách hiệu quả.

Một trong những vướng mắc cơ bản nhất nằm ở Thông tư số 12/2021/TT-BXD, vốn định nghĩa rằng "chi phí thực hiện BIM là chi phí tư vấn". Thông tư này cho phép chi phí thực hiện BIM chiếm tối đa 50% chi phí thiết kế. Tuy nhiên, việc không rõ ràng trong định nghĩa giai đoạn thiết kế nào được áp dụng (thiết kế sơ bộ, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công) đã dẫn đến sự mơ hồ trong quy định, khiến việc phân chia chi phí trở nên không minh bạch, từ đó không khuyến khích các nhà thầu tham gia vào việc sử dụng BIM. Điều này cũng làm cho các chuyên viên thẩm định, quản lý và vận hành không được ràng buộc về mặt chi phí để tương tác với BIM, gây trở ngại cho việc áp dụng rộng rãi công nghệ này.

Hướng dẫn quốc gia về BIM, mặc dù có vai trò quan trọng trong việc định hướng và thúc đẩy áp dụng công nghệ, lại không đáp ứng được yêu cầu khi không xây dựng được một lộ trình rõ ràng và thiếu đi sự nghiên cứu sâu về điều kiện địa phương và các yếu tố pháp lý, hạ tầng nghề nghiệp cũng như văn hóa làm việc của ngành. Hướng dẫn hiện tại, phần lớn dựa trên tài liệu từ Vương quốc Anh và Đại học Penn của Mỹ, thiếu đi sự thích ứng cần thiết với điều kiện và thực tiễn tại Việt Nam, khiến chúng trở nên khó áp dụng và thiếu tính hiệu quả.

Vấn đề còn tồn đọng từ quá khứ, khiến việc thực hiện QĐ258 gặp phải nhiều khó khăn. Ví dụ, vấn đề về việc ai sẽ tạo lập BIM? làm thế nào để thẩm định và thẩm tra các bản vẽ và mô hình BIM? hay làm cách nào để quản lý thi công và vận hành dựa trên mô hình BIM? Hiện tại vẫn chưa có hướng dẫn rõ ràng, khiến cho việc ứng dụng công nghệ này và thực hiện theo đúng lộ trình của QĐ258 trở nên bất khả thi trong thực tế.

Phản ứng nhanh trong việc thực hiện QĐ258 của Thủ tướng Chính phủ, Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản hướng dẫn, yêu cầu nộp mô hình BIM qua USB, nhưng điều này chỉ là giải pháp tạm thời và không đảm bảo đó là BIM. Ví dụ: Văn bản quy định nộp USB là xong, còn trong USB đó có gì thì không thấy đề cập, có thể người nhận USB cũng chẳng cần quan tâm, nhận xong cất tủ, có khi người nộp copy model Sketchup vào USB đem nộp và bảo đó là BIM thì đố ai cãi được là đó không phải BIM???

Bài học rút ra là chúng ta cần có sự nhận thức đầy đủ và thiết lập hạ tầng ngành tối thiểu cho ứng dụng BIM, bắt đầu từ việc hiểu rõ BIM không chỉ là công nghệ mà còn là phương pháp cụ thể cho chuyển đổi số ngành xây dựng, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững và hiệu quả trong tương lai. Chi phí cho BIM, khi được quy định một cách rõ ràng và minh bạch, sẽ thúc đẩy được sự tham gia và đầu tư từ các bên liên quan, góp phần vào thành công của chuyển đổi số trong ngành xây dựng.

Bài viết tham khảo ý kiến của KTS Trần Quang Huy, giám đốc Cty For BIM
 

Top