Viện Kinh tế xây dựng - Khẳng định vị thế là Viện nghiên cứu chiến lược trong lĩnh vực kinh tế xây d

nguyentheanh

Tác giả Dự toán GXD
Thành viên BQT
Tham gia
6/7/07
Bài viết
4.583
Điểm thành tích
113
Website
giaxaydung.vn
(Bài giới thiệu về Viện Kinh tế xây dựng theo Chương trình “Toàn cảnh xây dựng Việt Nam - 2008)

Trong 34 năm xây dựng và trưởng thành (1974 - 2007), Viện Kinh tế xây dựng đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển khác nhau. Song ở mỗi thời kỳ, Viện Kinh tế xây dựng đều có những chiến lược phát triển phù hợp với yêu cầu thực tiễn để từng bước khẳng định là Viện nghiên cứu chiến lược trong lĩnh vực Kinh tế xây dựng, qua đó có những đóng góp to lớn cho phát triển Kinh tế - Xã hội của đất nước.
Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) ra đời trên cơ sở Vụ Kinh tế xây dựng thuộc Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước. Ngay sau khi ra đời, Viện đã tập trung kiện toàn bộ máy tổ chức theo chế độ phòng trực thuộc, phụ trách nghiên cứu và phục vụ quản lý theo các chủ đề nghiệp vụ khoa học quản lý kinh tế xây dựng và cơ chế quản lý đầu tư xây dựng.
Do yêu cầu tái thiết và phát triển đất nước, năm 1979, Viện Kinh tế xây dựng được chia thành hai đơn vị là:
1. Viện Kinh tế xây dựng cơ bản trực thuộc Uỷ ban Xây dựng cơ bản nhà nước, và:
2. Viện Kinh tế xây dựng thuộc Bộ Xây dựng.

Trong giai đoạn 1974 - 1988, đội ngũ cán bộ của hai viện được tăng cường nhanh chóng. Nhiều cán bộ cốt cán đã được cử đi đào tạo ở nước ngoài nhằm nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ cho lãnh đạo viện cũng như các cán bộ khoa học. Nhờ đó, hoạt động nghiên cứu khoa học và phục vụ quản lý xây dựng cơ bản trong thời kỳ này đã phát triển nhanh chóng, quan hệ hợp tác quốc tế được triển khai. Nhiều vấn đề cơ bản về đổi mới kinh tế trong ngành xây dựng và quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng cơ bản được tổ chức phối hợp nghiên cứu, thể chế hoá để trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành, đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác quản lý đầu tư và xây dựng trong thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế sau chiến tranh; đặt nền móng cho sự phát triển sự nghiệp kinh tế xây dựng trong những năm tiếp theo.

Khẳng định vai trò, vị thế trong thời kỳ đổi mới

Bước vào thời kỳ đổi mới, việc tồn tại hai viện không còn phù hợp với xu thế phát triển trong thời kỳ mới. Xuất phát từ thực tiễn đó, năm 1988, hai viện được hợp nhất thành Viện Kinh tế xây dựng. Trong giai đoạn 1988 - 2008, cơ cấu tổ chức nhân sự, chức năng nhiệm vụ và cơ sở vật chất được sắp xếp, củng cố và phát triển thích ứng với tiến trình đổi mới quản lý kinh tế - hành chính của đất nước theo hướng phát triển nền kinh tế nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Công tác đào tạo được Viện quan tâm, tạo điều kiện cho các cán bộ học tập nâng cao trình độ chuyên môn và trình độ ngoại ngữ. Nhờ đó, đến năm 2007, trong tổng số 110 cán bộ, công chức của Viện có 6 tiến sĩ, 15 thạc sĩ, 78 người có trình độ đại học. Viện Kinh tế xây dựng đã có điều kiện thực hiện tốt những nhiệm vụ được giao.
Trước tiên, Viện đã nghiên cứu đề xuất thể chế quản lý đầu tư xây dựng trình Chính phủ ban hành trong thời kỳ đổi mới: Điều lệ quản lý xây dựng cơ bản số 385/HĐBT (1990), Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng số 177/CP (1994), Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng số 42/CP (1996), Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng số 52/1998/NĐ-CP (1999) số 12/2000/NĐ-CP (2000). Đặc biệt trong năm 2006, Viện đã chủ trì đề xuất trình Chính phủ Đề án đổi mới cơ chế quản lý chi phí trong đầu tư xây dựng công trình và năm 2007, đã triển khai Đề án đổi mới cơ chế quản lý chi phí trong đầu tư xây dựng công trình đã được Chính phủ phê duyệt. Viện đã nghiên cứu soạn thảo đồng bộ nhiều văn bản để trình Bộ Xây dựng và Nhà nước ban hành mà tiêu biểu là Nghị định số 99/2007/ NĐ-CP về Quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình, tạo bước đột phá mới trong việc chuyển đổi từ cơ chế quản lý tập trung bao cấp, sang cơ chế thị trường. Song song với việc tập trung nghiên cứu đề xuất thể chế đầu tư xây dựng Viện đã không ngừng hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu định mức- kinh tế kỹ thuật trong xây dựng và phát triển đô thị như: Hệ thống chỉ tiêu định mức, bao gồm chỉ tiêu xuất vốn đầu tư, định mức dự toán tổng hợp và chi tiết trong xây dựng và các định mức kinh tế xây dựng trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng, phù hợp với trình độ công nghệ tương ứng. Bên cạnh đó Viện cũng hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật thống nhất phục vụ quản lý các đô thị trên toàn quốc. Trên cơ sở thiết lập hệ thống định mức và chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật tương đối hoàn chỉnh Viện đã tiến hành nghiên cứu đề xuất cơ chế hình thành chi phí và giá xây dựng phù hợp với nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Qua đó, Viện đã góp phần nâng cao năng lực quản lý và khả năng điều tiết thị trường xây dựng. Riêng đối với lĩnh vực kinh tế đô thị, Viện đã nghiên cứu đề xuất các vấn đề như: nội dung kinh tế đô thị của Việt Nam, những cơ chế chính sách trong quản lý và phát triển đô thị, soạn thảo một số định mức kinh tế kỹ thuật để trình Bộ Xây dựng ban hành.
Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Viện không ngừng mở rộng quan hệ với các nước phát triển trong khu vực và thế giới để tham khảo và học hỏi kinh nghiệm, bài học của họ trên bước đường phát triển. Trong năm 2007, Viện đã hoàn thành dự thảo để Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thuê tư vấn nước ngoài trong hoạt động xây dựng tại Việt Nam, chủ trì nghiên cứu soạn thảo và trình Bộ Xây dựng ban hành Thông tư hướng dẫn xác định và quản lý chi phí thuê tư vấn nước ngoài trong hoạt động xây dựng tại Việt Nam. Thực hiện lộ trình hội nhập quốc tế sau khi Việt Nam gia nhập WTO, Viện đã hoàn thành soạn thảo trình Bộ Xây dựng ban hành Chương trình hành động của Ngành Xây dựng thực hiện Nghị quyết số 16/2007/NQ-CP. Ngoài ra, Viện còn tham gia soạn thảo và đóng góp ý kiến cho nhiều văn bản do các đơn vị trong và ngoài Bộ chủ trì soạn thảo có liên quan.
Cùng với việc nghiên cứu cơ chế, chính sách phục vụ quản lý nhà nước trong hơn 20 năm qua, Viện cũng rất quan tâm đến công tác nghiên cứu thực hiện các đề tài khoa học, dự án sự nghiệp kinh tế phục vụ quản lý nhà nước. Riêng trong năm 2007, Viện đã thực hiện nghiên cứu 6 đề tài khoa học công nghệ và 3 dự án sự nghiệp kinh tế nhằm tập trung triển khai thực hiện đề án đổi mới cơ chế quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.
Ngoài ra, công tác hướng dẫn nghiệp vụ về kinh tế xây dựng cũng được Viện rất quan tâm. Riêng năm 2007 Viện đã tham gia 5 lớp tập huấn của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện Nghị định số 99/2007/NĐ-CP về Quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình tại TP. Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và TP. Đà nẵng cho cán bộ lãnh đạo các Bộ, Ngành, lãnh đạo các Sở Xây dựng, Sở chuyên ngành, các chủ đầu tư, tập đoàn kinh tế .v.v... Đồng thời Viện đã tổ chức tập huấn giới thiệu nội dung cơ bản của Nghị định này và các văn bản hướng dẫn kèm theo thu hút 15 nghìn lượt người tham gia. Công tác tư vấn, thẩm tra dự án, dự toán, tổng dự toán được tăng cường. Viện đã tiến hành thẩm định các dự án đầu tư (phần kinh tế tài chính), tổng dự toán, dự toán các công trình nhóm A do Bộ Xây dựng giao và thẩm tra tổng dự toán một số công trình do chủ đầu tư yêu cầu. Ngoài việc thẩm tra tổng dự toán, lập đơn giá xây dựng cơ bản Viện còn mở rộng hoạt động dịch vụ sang các lĩnh vực có liên quan. Qua đó, Viện đã góp phần tăng cường công tác quản lý kinh tế trong đầu tư xây dựng công trình, giảm chi phí vốn đầu tư xây dựng, hạn chế lãng phí, thất thoát trong đầu tư xây dựng.

Giải pháp phát triển trong thời kỳ hội nhập

Không bằng lòng với những kết quả đạt được, trong năm 2008 và những năm tiếp theo, Viện Kinh tế xây dựng sẽ đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả để phát huy hơn nữa vai trò, nhiệm vụ được giao. Cụ thể:
Viện sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình đổi mới cơ chế quản lý chi phí theo nội dung đã được quy định tại Nghị đinh số 99/2007/NĐ-CP. Trên cơ sở nhiệm vu công tác và yêu cầu công tác quản lý nhà nước trong đầu tư xây dựng của Bộ Xây dựng, Viện sẽ đẩy mạnh nghiên cứu hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách quản lý kinh tế trong đầu tư xây dựng trình Chính phủ và Bộ Xây dựng ban hành. Trong đó, Viện sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế nhằm đưa các văn bản quy phạm pháp luật vào cuộc sống; Hoàn thiện các cơ chế chính sách có liên quan đến việc quy định về điều kiện năng lực của tổ chức và cá nhân định giá xây dựng, điều kiện cấp chứng chỉ cho kỹ sư định giá, tổ chức tập huấn đào tạo kỹ sư định giá xây dựng.
Ngoài việc thực hiện những đề tài, dự án chuyển tiếp, trong năm 2008 Viện đã đăng ký 4 đề tài khoa học công nghệ và 3 dự án sự nghiệp kinh tế nhằm tập trung vào những nhiệm vụ chuyên môn phải thực hiện theo nội dung của đề án đổi mới cơ chế quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình đã được duyệt và những nội dung nghiên cứu liên quan đến thị trường xây dựng.
Tổ chức lại một số đơn vị trực thuộc, sắp xếp, bố trí lại cán bộ trong Viện, đào tạo nâng cao trình độ cán bộ đặc biệt là lực lượng cán bộ trẻ để đáp ứng với sự đổi mới của nền kinh tế.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phổ biến giới thiệu pháp luật trên cơ sở các cơ chế chính sách do Viện chủ trì nghiên cứu soạn thảo, đặc biệt là tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ định giá xây dựng.
Duy trì và phát triển ấn phẩm “Thông tin Kinh tế xây dựng” với vị thế là diễn đàn khoa học nhằm trao đổi các vấn đề nghiên cứu, thông tin về các vấn đề kinh tế trong đầu tư xây dựng, công nghiệp vật liệu xây dựng, kinh tế đô thị và phổ biến các cơ chế chính sách các lĩnh vực nói trên.

Nhìn lại chặng đường 34 năm xây dựng trưởng thành, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới, Viện Kinh tế xây dựng đã hoàn thành khối lượng lớn các nhiệm vụ được giao trên nhiều lĩnh vực như: nghiên cứu các cơ chế, chính sách phục vụ quản lý nhà nước, các đề tài nghiên cứu khoa học, hoạt động tư vấn khoa học kinh tế xây dựng ... Phát huy những thành quả đã đạt được cùng với thực hiện hiệu quả những giải pháp đã đề ra, Viện Kinh tế xây dựng sẽ ngày càng khẳng định được vai trò của một Viện nghiên cứu chiến lược quốc gia về lĩnh vực kinh tế của Ngành xây dựng.
 
T

TuLe

Guest
"...Viện sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế nhằm đưa các văn bản quy phạm pháp luật vào cuộc sống; Hoàn thiện các cơ chế chính sách có liên quan đến việc quy định về điều kiện năng lực của tổ chức và cá nhân định giá xây dựng, điều kiện cấp chứng chỉ cho kỹ sư định giá, tổ chức tập huấn đào tạo kỹ sư định giá xây dựng". [/I
Tôi rất tán đồng với định hướng trên của Viện Kinh tế Xây dựng trong thời gian tới ! Nhưng cũng có một ý kiến đề xuất với Quý Viện là, có nên chăng "Hệ thống hóa các văn bản pháp quy đã được Nhà nước và các Bộ chuyên ngành đã nêu ra trong khung khổ thời gian chững 20 năm mà vẫn có hiệu lực thi hành" để giúp mọi người TIỆN THEO DÕI và VẬN HÀNH ĐÙNG trên thực tiễn (đặc biệt đối với các học sinh, sinh viên đang theo học tại các trường đào tạo trong nước!
 

Top