Các vấn đề liên quan đến việc lập và thẩm định dự án đầu tư

  • Khởi xướng Khởi xướng Hugolina
  • Ngày gửi Ngày gửi
  • Tags Tags
    Không có
Bộ Xây dựng trả lời một số vấn đề liên quan đến Thông tư 09/2008/TT-BXD ngày 17/4/2008

Hỏi:
“Hiện nay Thông tư số 09/2008/TT-BXD ban hành ngày 17/4/2008 đang là đề tài nóng hổi tại các cuộc họp liên quan đến đầu tư xây dựng công trình. Sau khi nghiên cứu, chúng tôi thấy có một vấn đề chưa rõ quy định tại khoản 8.3 như sau:
- Chủ đầu tư tạm ứng cho nhà thầu (đương nhiên là phải qua Tài chính và Kho bạc vì công trình sử dụng vốn ngân sách)... trong khi chờ làm các thủ tục điều chỉnh để tránh thiệt hại cho nhà thầu... Hồ sơ tạm ứng, tạm thanh toán gồm... hợp đồng điều chỉnh (phụ lục hợp đồng) và dự toán chi phí xây dựng bổ sung.
Vấn đề là ở chỗ: Để có hợp đồng điều chỉnh (phụ lục hợp đồng) thì phải có giá gói thầu điều chỉnh, giá trị dự toán bổ sung được duyệt. Muốn có những giá trị đó thì tổng mức đầu tư phải được điều chỉnh (vì tuyệt đại đa số các dự án đều bị vượt tổng mức đầu tư). Ngoài ra việc xác định dự toán chi phí bổ sung cho những dự án đang tiếp tục triển khai thi công trong năm 2008, 2009 thậm chí đến 2010 là rất khó khăn. Việc sử dụng hệ số điều chỉnh chi phí vật liệu có thể dẫn đến những sai số rất lớn do tình hình biến động giá hiện nay. Trong khi đó, dự toán chi phí này được lập một lần. Như vậy để tạm ứng được thì vẫn phải làm đầy đủ thủ tục điều chỉnh, nếu không thì Kho bạc sẽ không cho tạm ứng”.

Trả lời:
Sau khi nghiên cứu, Vụ Kinh tế Xây dựng có ý kiến như sau:
Thông tư số 09/2008/TT-BXD ngày 17/4/2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng do biến động giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu xây dựng đã qui định: “Chủ đầu tư tạm ứng cho nhà thầu tiền bù chênh lệch giá theo hướng dẫn tại Thông tư này theo mức tạm ứng của hợp đồng đối với khối lượng chưa thực hiện và tạm thanh toán 80%-90% chênh lệch giá của khối lượng đã thực hiện trong khi chờ làm các thủ tục điều chỉnh để tránh thiệt hại cho nhà thầu và không ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình, dự án”.

Như vậy, theo qui định này thì Chủ đầu tư, Kho bạc tạm thanh toán 80%-90% chênh lệch giá của khối lượng đã thực hiện trong thời gian chờ Chủ đầu tư làm các thủ tục điều chỉnh.

Việc sử dụng hệ số điều chỉnh chi phí vật liệu chỉ là 1 trong số những phương pháp xác định dự toán điều chỉnh. Đối với những dự án có thời gian thi công kéo dài (2 đến 3 năm), Chủ đầu tư tổ chức lập dự toán chi phí xây dựng bổ sung cho khối lượng đã thực hiện và khối lượng còn lại của hợp đồng. Đối với những khối lượng chưa thực hiện cần lưu ý đến khả năng biến động giá vật liệu.
 
Bộ Xây dựng trả lời về việc lập, thẩm định thiết kế cơ sở cho dự án “Đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp”

Hỏi:
“Công ty chúng tôi là chủ đầu tư của dự án "Đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp". Khi lập dự án đầu tư để trình các Bộ liên quan thẩm tra dự án để được cấp giấy chứng nhận đầu tư theo quy định. Đối chiếu với Luật Đầu tư; Luật Xây dựng; các Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006, Nghị định số 16/2005/NĐ-Cp ngày 7/2/2005, Nghị định số 112/NĐ-CP ngày 112/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006, Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 và các văn bản hiện hành khác có liên quan thì:

- Trong dự án đầu tư này có phải lập thiết kế cơ sở hay không? Nếu có thì thiết kế cơ sở này do cơ quan nào thẩm định? (Do dự án đầu tư được lập trước ngày NĐ số 29/2008/NĐ-CP có hiệu lực).

- Có phải xin giấy phép xây dựng hay không? Nếu có cơ quan nào cấp phép?”.

Trả lời:
Sau khi nghiên cứu, Vụ Quản lý Hoạt động XD có ý kiến như sau:
1. Việc lập, thẩm định thiết kế cơ sở dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp: Theo điều 5 Nghị định 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ “Khi đầu tư xây dựng công trình chủ đầu tư phải tổ chức lập dự án…”. Nội dung của dự án đầu tư xây dựng công trình bao gồm phần thuyết minh và phần thiết kế cơ sở. Vì vậy các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN đều phải lập thiết kế cơ sở.

2. Về thẩm định TKCS dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp:

- Đối với các dự án trình trước khi Nghị định 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế có hiệu lực thì việc thẩm định TKCS theo quy định tại mục 6, điều 1, Nghị định 112/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006 của Chính phủ. Theo quy định tại Nghị định này dự án hạ tầng khu công nghiệp là dự án nhóm A không kể mức vốn, Bộ Xây dựng là cơ quan thẩm định TKCS.

- Đối với các dự án trình khi Nghị định 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 có hiệu lực thì thực hiện theo quy định tại Điều 35 của Nghị định này: “TKCS hạ tầng khu công nghiệp do UBND cấp tỉnh chỉ đạo thẩm định, phê duyệt…”.

3. Về cấp phép xây dựng đối với công trình hạ tầng KCN: Theo phần II, mục I, Nghị định 112/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006 của Chính phủ thì công trình thuộc Dự án Khu công nghiệp đã có quy hoạch chi tiết 1/500 được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì không phải xin giấy phép xây dựng.
 
Bộ Xây dựng Hướng dẫn điều chỉnh tổng mức đầu tư

Hỏi:
“Dự án đường vào xã Noong U-huyện Điện Biên Đông-tỉnh Điện Biên được UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 681/QĐ-UBND ngày 26/6/2007 với tổng mức đầu tư đã phê duyệt là 32.100 triệu đồng, tiếp theo UBND tỉnh đã có Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu tư vấn khảo sát thiết kế BVTC-TDT tại Quyết định số 381/QĐ-UBND ngày 27/3/2008. Hiện nay chủ đầu tư (UBND huyện Điện Biên Đông) đã trình phê duyệt điều chỉnh bổ sung tổng mức đầu tư và đã được Sở Kế hoạch đầu tư thẩm định và trình duyệt; Lý do, nội dung điều chỉnh bổ sung tổng mức đầu tư theo Sở Kế hoạch đầu tư:

- Thời điểm phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình tháng 6/2007; đến thời điểm này mới thực hiện xong gói thầu tư vấn khảo sát lập thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng nên Dự án thuộc đối tượng được điều chỉnh dự toán theo Thông tư 03/2008/TT-BXD và Thông tư 09/2008/TT-BXD;

- Nội dung điều chỉnh bổ sung;

+ Nhân công, máy thi công: Toàn bộ giá trị xây lắp của dự án đều thuộc đối tượng được điều chỉnh giá nhân công, máy thi công theo Thông tư 03/2008/TT-BXD;

+ Vật liệu xây dựng: Điều chỉnh theo mặt bằng giá quý II /2008 là phù hợp. Vậy:

- Trong trường hợp này việc điều chỉnh tổng mức đầu tư căn cứ vào Thông tư 09/2008/TT-BXD là có phù hợp không;

- Nếu không áp dụng được Thông tư 09/2008/TT-BXD thì căn cứ vào Nghị định, Thông tư nào để điều chỉnh bổ sung tổng mức đầu tư cho dự án này vì hiện tại giá nguyên, nhiên, vật liệu đã vượt xa so với giá trong dự toán bước lập dự án nên vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt”.

Trả lời:
Sau khi nghiên cứu, Vụ Kinh tế Xây dựng có ý kiến như sau:

Căn cứ khoản 2 điều 1 của Nghị định số 03/2008/NĐ-CP ngày 07/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2007/NĐ-CP ngày 13/6/2007 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình; Căn cứ khoản 4 điều 39 và điểm b khoản 1 điều 13 Nghị định số 16/2005/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình thì Dự án đường vào xã Noong U, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên được điều chỉnh tổng mức đầu tư theo Thông tư số 03/2008/TT-BXD ngày 25/01/2008 của Bộ Xây dựng và Thông tư số 09/2008/TT-BXD ngày 17/4/2008 của Bộ Xây dựng;
 
Bộ Xây dựng trả lời một số vấn đề liên quan đến thẩm tra thiết kế

Hỏi:

Theo Thông tư 12, các cán bộ thẩm tra phải có chứng chỉ hành nghề phải không? Như vậy, các tiêu chí để có chứng chỉ hành nghề thẩm tra? Một số Kỹ sư có thời gian họat động liên tục lâu năm mà chưa trải qua công tác thiết kế hoặc chưa có chứng chỉ hành nghề thiết kế có được quyền thẩm tra thiết kế? Các thành phần tham gia ký công nhận kết quả thẩm tra gồm tối thiểu những ai? Một người vừa ký là cán bộ thẩm tra vừa ký cán bộ trưởng phòng thẩm tra hoặc kiểm tra thẩm tra (coi như ký hai nhiệm vụ), như vậy có hợp lệ? Một số kỹ sư mới tốt nghiệp đại học khỏang 2-3 năm có được quyền thẩm tra kết quả thiết kế?

Trả lời:

Theo quy định tại Phần II, mục 2, điểm 2.4, Thông tư số 12/2005/TT-BXD ngày 15/7/2005 của Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung về Quản lý chất lượng công trình xây dựng và điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân trong hoạt động xây dựng; Khi Chủ đầu tư tổ chức thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán công trình xây dựng, trường hợp chủ đầu tư không đủ điều kiện năng lực thẩm định thì được phép thuê các tổ chức, cá nhân tư vấn có đủ điều kiện năng lực để thẩm tra.

Đối với tổ chức thẩm tra phải có đủ điều kiện năng lực thiết kế đối với loại và cấp công trình nhận thẩm tra, người chủ trì thẩm tra phải có điều kiện năng lực như của người chủ trì thiết kế mà Chủ đầu tư yêu cầu thẩm tra (điều kiện năng lực quy định trong Nghị định 16/2005/NĐ-CP).

Như vậy chỉ có người chủ trì thẩm tra thiết kế các chuyên môn mới phải có chứng chỉ hành nghề như của người chủ trì thiết kế, còn các cán bộ khác tham gia thẩm tra không yêu cầu có chứng chỉ hành nghề.

Việc tổ chức thẩm tra do tổ chức tư vấn được Chủ đầu tư lựa chọn, tổ chức thực hiện thẩm tra và phải chịu trách nhiệm trước Chủ đầu tư và pháp luật về kết quả thẩm tra của mình. Người ký báo cáo kết quả thẩm tra phải là lãnh đạo của đơn vị thẩm tra.

Vụ Quản lý Hoạt động Xây dựng
 
Bộ Xây dựng trả lời vấn đề liên quan đến việc thực hiện Thông tư 09/2008/TT-BXD

Hỏi:

Qua hòm thư điện tử của Trung tâm Tin học, Vụ Kinh tế Xây dựng đã nhận được câu hỏi của công dân Trần Hồng Thanh, địa chỉ Email (tht_tas_hwru@yahoo.com) hỏi: “Theo Thông tư số 09/2008/TT-BXD ngày 17/4/2008 của Bộ Xây dựng có quy định: Tại mục 3.4: "Chủ đầu tư tổ chức điều chỉnh dự toán, giá gói thầu, tổng mức đầu tư trên cơ sở dự toán chi phí xây dựng bổ sung"; Tại mục 8.1: "Chủ đầu tư quyết định việc điều chỉnh dự toán, giá gói thầu, hợp đồng xây dựng đảm bảo dự án có hiệu quả".

Khi nhà thầu chúng tôi lập dự toán bổ sung theo TT09 trình chủ đầu tư duyệt thì Đơn vị thẩm định của Chủ đầu tư yêu cầu đơn vị tư vấn TKBVTC-DT ký xác nhận. Với lý do là: Chủ đầu tư chỉ có trách nhiệm "tổ chức", kiểm tra và ra "quyết định phê duyệt" chứ không có trách nhiệm tham gia lập cụ thể (theo mục 3.4 và 8.1 nêu trên). Bên cạnh đó, chủ đầu tư yêu cầu trước khi Chủ đầu tư phê duyệt thì đơn vị tư vấn TKBVTC-DT phải có trách nhiệm kiểm tra lại và xác nhận việc tính toán của dự toán có đúng định mức hay không?

Trong khi đó đơn vị tư vấn trả lời là: "Nhà thầu chỉ chịu trách nhiệm đối với sản phẩm TKBVTC-DT và những phần sửa đổi điều chỉnh thiết kế liên quan, việc kiểm tra dự toán bổ sung theo TT09 không có trong nội dung Hợp đồng ký kết". Yêu cầu của Chủ đầu tư như vậy có phù hợp không? Như vậy nhiệm vụ lập, kiểm tra và ký xác nhận trong tập dự toán điều chỉnh chi phí xây dựng bổ sung theo TT09 là ai? (Nhà thầu hay Chủ đầu tư và nhà thầu? Hay phải có đủ cả Nhà thầu, chủ đầu tư và TVTKBVTC-DT...)”.


Trả lời:

Sau khi nghiên cứu, Vụ Kinh tế Xây dựng có ý kiến như sau:

Vấn đề bạn hỏi, tại mục 7.1 Thông tư số 09/2008/TT-BXD ngày 25/1/2008 của Bộ Xây dựng đã hướng dẫn: “Đối với những hợp đồng đã ký kết thì căn cứ vào dự toán chi phí xây dựng bổ sung và nội dung hợp đồng đã ký kết, chủ đầu tư và nhà thầu ký bổ sung giá hợp đồng làm cơ sở cho việc thanh toán”; Như vậy, việc lập dự toán chi phí xây dựng bổ sung đối với hợp đồng đã ký kết do chủ đầu tư và nhà thầu thực hiện, trường hợp chủ đầu tư cần kiểm tra kết quả dự toán chi phí xây dựng bổ sung làm cơ sở ký bổ sung giá hợp đồng thì chủ đầu tư có thể thuê nhà thầu tư vấn, chi phí thuê tư vấn do chủ đầu tư quyết định;

Vụ Kinh tế Xây dựng
 
Bộ Xây dựng trả lời về việc xác định đơn giá thép và điều chỉnh giá vật liệu theo Thông tư số 09/2008/TT-BXD

Hỏi:

Qua hòm thư điện tử của Trung tâm Tin học, Vụ Kinh tế Xây dựng đã nhận được câu hỏi của công dân Hoàng Phúc Thanh, địa chỉ Email (htpthanh@yahoo.com) hỏi: “Công ty chúng tôi có ký hợp đồng thi công xây lắp theo đơn giá điều chỉnh. Đơn giá vật liệu trong Hợp đồng được xác định là giá trúng thầu tại thời điểm tháng 3/2008. Trong Hợp đồng quy định khi có biến động giá thì đơn giá thép toàn bộ công trình sẽ được điều chỉnh 1 lần tại thời điểm Chủ đầu tư chuyển tiền cho Nhà thầu. Cụ thể thời điểm điều chỉnh là ngày 3/7/2008.

1. Vậy theo thông tư số 09/2008/TT-BXD chúng tôi tính toán bổ sung chi phí vật liệu theo cách nào:

- Theo công bố giá vật liệu của liên sở: Xây dựng-Tài chính ngày 15/7/2008?

- Theo báo giá của nhà sản xuất, nhà cung cấp thời điểm ngày 3/7/2008?

2. Theo điều khoản của Hợp đồng, chúng tôi chỉ điều chỉnh chênh lệch giá vật liệu chính, sau đó ký bổ sung Phụ lục hợp đồng mà không lập Bảng tổng hợp dự toán chi xây dựng bổ sung có được không? (Giá điều chỉnh đã bao gồm các loại thuế)”.

Trả lời:

Sau khi nghiên cứu, Vụ Kinh tế Xây dựng có ý kiến như sau:

1. Việc xác định đơn giá thép theo thời điểm chuyển tiền (ngày 3/7/2008) hay theo công bố giá vật liệu của Liên sở (ngày 15/7/2008) để thanh toán lượng thép toàn bộ công trình một lần cho nhà thầu do chủ đầu tư xem xét, quyết định.

2. Theo nội dung hợp đồng, các bên đã có sự thoả thuận chỉ điều chỉnh giá vật liệu chính thì khi lập dự toán chi phí bổ sung theo Thông tư số 09/2008/TT-BXD làm cơ sở ký bổ sung hợp đồng, thực hiện theo hợp đồng đã được ký kết (chỉ điều chỉnh giá vật liệu chính).

Vụ Kinh tế Xây dựng
 
Bộ Xây dựng trả lời về việc xác định thời gian bù giá xây dựng

Hỏi:

Qua hòm thư điện tử của Trung tâm Tin học, Vụ Kinh tế Xây dựng đã nhận được câu hỏi của công dân Võ Thị Thu Kim, địa chỉ Email (KimVTT@tayninh.gov.vn) hỏi: “Trong thời gian giá vật liệu xây dựng (VLXD) biến động vượt ngoài tầm kiểm soát của Chủ đầu tư và Doanh nghiệp (thời điểm từ tháng 10/2007 đến nay), nên một số Doanh nghiệp đã ngừng hoặc kéo dài tiến độ thi công để chờ chính sách bù giá của Nhà nước (Tháng 01/2008: Công văn số 164/TTg của Thủ tướng Chính phủ; Tháng 02/2008: Thông tư số 05/2008/TT-BXD; Tháng 5/2008: Thông tư 09/2008TT-/BXD) làm chậm tiến độ thi công so với hợp đồng. Vậy, thời gian ngừng, chậm tiến độ thi công của Nhà thầu xây dựng để chờ hướng dẫn, chính sách bù giá của Nhà nước có được tính là nguyên nhân khách quan không phải lỗi của Nhà thầu thi công không?”.

Trả lời:

Sau khi nghiên cứu, Vụ Kinh tế Xây dựng có ý kiến như sau:

Thời gian ngừng thi công, chậm tiến độ thi công của nhà thầu chờ hướng dẫn, chính sách bù giá của Nhà nước mà chưa được sự thoả thuận, thống nhất của chủ đầu tư hoặc không đúng trong nội dung hợp đồng đã được ký kết thì đây là lỗi của nhà thầu thi công.

Vụ Kinh tế Xây dựng
 
Bộ Xây dựng trả lời về việc điều chỉnh hợp đồng do biến động giá vật liệu xây dựng theo Thông tư 09/2008/TT-BXD và điều chỉnh nhân công, máy thi công theo Thông tư 03/2008/TT-BXD

Hỏi:

Qua hòm thư điện tử của Trung tâm Tin học, Vụ Kinh tế Xây dựng đã nhận được câu hỏi của công dân Nguyễn Văn Lai, địa chỉ Email (lai_ban9@yahoo.com.vn) hỏi:

“1. Khi lập dự toán bổ sung do điều chỉnh nhân công và máy thi công theo TT 03/2008/TT-BXD và bù nhiên liệu theo TT 09/2008/TT-BXD chúng tôi có áp dụng Văn bản số 71/BXD-KTXD ngày 03/6/2008 V/v Bù giá xăng, dầu trong chi phí máy thi công XD công trình của Bộ xây dựng; “Khi áp dụng điều chỉnh chi phí nhiên liệu xăng, dầu theo Thông tư 09/2008/TT-BXD thì không áp dụng điều chỉnh theo Thông tư số 03/2008/TT-BXD” như sau:

- Khối lượng thực hiện từ năm 2007 điều chỉnh nhiên liệu từ thời điểm 28 ngày trước ngày mở thầu (hợp đồng ký sau ngày 01/01/2007) đến thời điểm điều chỉnh.

- Khối lượng thực hiện từ ngày 01/01/2008 điều chỉnh ca máy theo TT 03/2008/TT-BXD (nhân hệ số 1.08) đồng thời điều chỉnh nhiên liệu theo TT 09/2008/TT-BXD bằng cách lấy giá nhiên liệu tại thời điểm điều chỉnh trừ giá nhiên liệu tại thời điểm ngày 01/01/2008 (giá dầu đã tính trong TT 03 là 9.300 đồng/lít). Xin hỏi chúng tôi làm như vậy có phù hợp không?

2. Áp dụng Văn bản số 72/BXD-KTXD ngày 03/6/2008 của Bộ xây dựng V/v Quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình có ghi: "Việc điều chỉnh giá hợp đồng đối với các gói thầu đã thực hiện đấu thầu có giảm giá thì khi lập dự toán chi phí xây dựng bổ sung của những khối lượng thi công chịu ảnh hưởng của biến động giá VLXD, các bên căn cứ vào nội dung hợp đồng đã ký kết để thực hiện (nội dung hợp đồng có điều khoản giảm giá thì giá hợp đồng sau khi có dự toán chi phí xây dựng bổ sung nêu trên cũng tính giảm giá)". Trường hợp của chúng tôi, trong Hợp đồng không có điều khoản nào quy định về giảm giá, nên khi điều chỉnh giá hợp đồng chúng tôi đã không nhân hệ số giảm giá trong đấu thầu. Xin hỏi chúng tôi áp dụng như vậy có phù hợp hay không?”.

Trả lời:

Sau khi nghiên cứu, Vụ Kinh tế Xây dựng có ý kiến như sau:

1. Theo Thông tư số 09/2008/TT-BXD ngày 17/4/2008 của Bộ Xây dựng thì việc điều chỉnh giá nhiên liệu xăng, dầu trong chi phí máy thi công xây dựng công trình được xác định bằng lập dự toán chi phí và được điều chỉnh cho những khối lượng thi công xây lắp từ năm 2007 chịu ảnh hưởng của biến động giá; Theo cách tính như thư bạn hỏi vừa điều chỉnh theo Thông tư số 03/2008/TT-BXD đồng thời lại điều chỉnh theo Thông tư số 09/2008/TT-BXD cho những khối lượng thi công xây lắp từ năm 2008 là không phù hợp;

2. Việc có giảm giá dự toán chi phí bổ sung theo Thông tư số 09/2008/TT-BXD hay không, các bên căn cứ vào nội dung hồ sơ trúng thầu và nội dung hợp đồng đã được ký kết để tổ chức thực hiện.

Vụ Kinh tế Xây dựng
 
Bộ Xây dựng trả lời về giá trị chênh lệch giá vật liệu

Hỏi:

Qua hòm thư điện tử của Trung tâm Tin học, Vụ Kinh tế Xây dựng đã nhận được câu hỏi của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng & Kinh doanh Nhà ĐăkLăk, địa chỉ Email (Ctydtxd_Kdn@vnn.vn) hỏi: “Dự toán công trình lập quý 3/2005 và được mở thầu tháng 06/2006, khởi công tháng 10/2006 và đến ngày 28/8/2008 vẫn đang thi công (nhà thầu không chậm tiến độ thi công). Nhưng theo Thông tư 09/2008/TT-BXD ngày 17/4/2008 và Công văn hướng dẫn số 1551/BXD-KTXD ngày 01/8/2008 của Bộ Xây dựng thì giá trị chênh lệch giá vật liệu là chênh lệch giá vật liệu tại thời điểm điều chỉnh so với giá vật liệu nào (giá vật liệu của nhà nước công bố tại thời điểm nào, giá vật liệu dự toán được duyệt, giá vật liệu hồ sơ dự thầu)”

Trả lời:

Sau khi nghiên cứu, Vụ Kinh tế Xây dựng có ý kiến như sau:

Đối với hợp đồng có hình thức giá hợp đồng trọn gói và giá hợp đồng theo đơn giá cố định, thì được điều chỉnh theo quy định tại Thông tư số 09/2008/TT-BXD ngày 17/4/2008 của Bộ Xây dựng. Khi điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng theo quy định tại Thông tư này, thì giá trị chênh lệch giá vật liệu là chênh lệch giá vật liệu tại thời điểm điều chỉnh so với giá vật liệu xây dựng ghi trong hợp đồng.

Trường hợp giá vật liệu xây dựng ghi trong hợp đồng thấp hơn giá vật liệu do Liên sở thông báo thì giá trị chênh lệch giá vật liệu là chênh lệch giá vật liệu tại thời điểm điều chỉnh so với giá vật liệu do Liên sở thông báo ở thời điểm tương ứng. Đối với hợp đồng ký trước năm 2007, thì giá vật liệu ở thời điểm tương ứng là giá vật liệu tại thời điểm tháng 12/2006 hoặc quý IV/2006 (nếu không có giá tháng 12/2006).

Giá vật liệu tại thời điểm điều chỉnh là giá vật liệu tại thời điểm nghiệm thu khối lượng hoàn thành do Liên Sở thông báo, công bố hoặc theo hoá đơn, chứng từ hợp lệ theo quy định của Bộ Tài chính phù hợp với mặt bằng giá thị trường nơi xây dựng công trình.

Vụ Kinh tế Xây dựng
 
Bộ Xây dựng trả lời về việc điều chỉnh dự toán theo Thông tư 16/2005/TT-BXD

Hỏi:

Qua hòm thư điện tử của Trung tâm Tin học, Vụ Kinh tế Xây dựng đã nhận được câu hỏi của công dân Lê Hải Việt, địa chỉ Email (LeHaiViet@mof.gov.vn) hỏi: “Khi đấu thầu thì dự toán của chúng tôi được lập theo Thông tư 09/2000/TT-BXD. Vậy khi điều chỉnh chi phí nhân công và máy thi công theo Thông tư 16/2005/TT-BXD thì dự toán điều chỉnh bổ sung trên có phải lập lại theo Thông tư 04/2005/TT-BXD không (khối lượng thi công từ thời điểm TT 04 có hiệu lực) hay điều chỉnh trên cơ cấu dự toán của đơn giá trúng thầu (theo Thông tư 09/2000/TT-BXD)?”.

Trả lời:

Sau khi nghiên cứu, Vụ Kinh tế Xây dựng có ý kiến như sau:

Thông tư số 16/2005/TT-BXD ngày 13/10/2005 của Bộ Xây dựng là Thông tư hướng dẫn điều chỉnh dự toán chi phí xây dựng công trình do điều chỉnh mức lương tối thiểu chung. Vì vậy, khi điều chỉnh dự toán theo Thông tư số 16/2005/TT-BXD vẫn giữ nguyên phương pháp xác định dự toán như dự toán được duyệt (theo Thông tư số 09/2000/TT-BXD).

Vụ Kinh tế Xây dựng
 
Bộ Xây dựng trả lời về việc điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình

Qua hòm thư điện tử của Trung tâm Tin học, Vụ Quản lý Hoạt động Xây dựng đã nhận được câu hỏi của công dân Phạm Thọ Bình, địa chỉ Email (phamthobinh@gmail.com) hỏi: “Chúng tôi làm dịch vụ tư vấn thiết kế một công trình thuỷ lợi có 2 bước thiết kế (công trình nhóm C, hạng 4). Bước lập dự án đầu tư đã được phê duyệt, chuyển bước thứ 2 thiết kế bản vẽ thi công. Trong quá trình khảo sát thiết kế bước 2 chúng tôi thay đổi vị trí đập dâng nước (trên cùng một dòng chảy), vị trí này đảm bảo ổn định và hiệu quả về kinh tế hơn vị trí chọn bước lập dự án. Như vậy có phải duyệt lại dự án hay không? Và thủ tục để cấp có thẩm quyền quyết định như thế nào?”. Sau khi nghiên cứu, Vụ Quản lý Hoạt động Xây dựng có ý kiến như sau:

Khi điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình, khoản 2 Điều 13 Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ quy định: "Khi điều chỉnh dự án không làm thay đổi quy nội, mục tiêu đầu tư và không vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt thì chủ đầu tư được phép tự điều chỉnh dự án. Trường hợp điều chỉnh dự án làm thay đổi thiết kế cơ sở về kiến trúc, quy hoạch, quy mô, mục tiêu đầu tư ban đầu hoặc vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt thì chủ đầu tư phải trình người quyết định đầu tư xem xét, quyết định. Những nội dung thay đổi phải được thẩm định lại".

Như vậy, bạn có thể áp dụng theo quy định trên vào trường hợp cụ thể dự án của bạn để làm các thủ tục điều chỉnh dự án./.

Vụ Quản lý Hoạt động Xây dựng
 
Thay đổi chủ đầu tư dự án

Hỏi:

“Công ty A có một lô đất, trước đây dự định đầu tư xây dựng công trình và đã được cơ quan quản lý nhà nước thẩm định thiết kế cơ sở. Tuy nhiên, do không có vốn để triển khai dự án, Công ty A đã đem lô đất trên góp vốn vào Công ty B để công ty này xây dựng công trình (đã cập nhật việc thay đổi chủ đầu tư vào Giấy CNQSDĐ).

Công ty B muốn đứng tên trên các giấy tờ pháp lý liên quan đến công trình xây dựng này thì có phải lập lại dự án? Có thể đề nghị cơ quan quản lý nhà nước thay đổi tên chủ đầu tư trong kết quả thẩm định thiết kế cơ sở đã có hay không hay phải thẩm định lại thiết kế cơ sở? Vấn đề giải quyết như thế nào khi công trình đang được triển khai xây dựng (theo thiết kế cũ đã được phê duyệt)?”.

Trả lời:
Công ty A có một lô đất dự định đầu tư xây dựng công trình và đã được cơ quan quản lý Nhà nước thẩm định thiết kế cơ sở, Công ty A đã đem lô đất trên góp vốn vào Công ty B để công ty này xây dựng công trình, thì Công ty B không phải lập lại dự án và thẩm định lại dự án, nếu dự án và thiết kế cơ sở không thay đổi. Tuy nhiên Công ty A và Công ty B phải có trách nhiệm thực hiện các thủ tục chuyển đổi chủ đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.

(Vụ Quản lý Hoạt động Xây dựng)
 
Chi phí tư vấn cho việc lập lại tổng dự toán và điều chỉnh thiết kế kỹ thuật

Hỏi:

Tôi có thiết kế một công trình đã được phê duyệt từ năm 2006 và hiện đang thi công. Chủ đầu tư có ký với chúng tôi một hợp đồng thuê điều chỉnh bổ sung một số hạng mục và lập lại tổng dự toán do thay đổi chính sách chế độ của nhà nước, giá trị hợp đồng này là tạm tính theo thỏa thuận giữa Chủ đầu tư và bên tư vấn. Tôi cần phải lập dự toán chi tiết cho chi phí tư vấn này. Theo tôi hiểu thì vì dự án này đã được phê duyệt từ cuối năm 2006 nên chi phí tư vấn phải tính theo các quyết định và thông tư hướng dẫn của Nghị định 16/2005/NĐ-CP ngày 27-02-2005 có đúng không? Hay là phải tính theo văn bản 1751/BXD-VP ngày 14/8/2007 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện Nghị định 99?


Phần điều chỉnh bổ sung hạng mục thiết kế kỹ thuật, chi phí thiết kế tôi tính theo % của giá trị xây lắp hạng mục bổ sung theo quyết định số 11/2005/QĐ- BXD ngày 15-4-2005. Chi phí cho việc lập lại tổng dự toán được xác định bằng lập dự toán chi phí (theo phụ lục kèm theo Quyết định số 10/2005/QĐ-BXD ngày 15/4/2005của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành Định mức chi phí quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình). Tôi hiểu thế có đúng không? Và tôi muốn hỏi là giá trị cụ thể của chi phí tư vấn có thể do chủ đầu tư quyết định và thỏa thuận với bên tư vấn được không?


Trả lời:


Bạn không nói rõ dự án được thực hiện theo quy định của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP hay Nghị định nào? Nếu dự án được thực hiện theo quy định của Nghị định 16/2005/NĐ-CP thì chi phí tư vấn thiết kế được xác định theo quy định của Quyết định số 11/2005/QĐ-BXD là phù hợp.

Nếu công việc tư vấn là việc sửa đổi, bổ sung thiết kế trên cơ sở thiết kế đã được phê duyệt thì chi phí điều chỉnh, bổ sung thiết kế (bao gồm cả điều chỉnh, bổ sung dự toán) được tính theo % giá trị xây lắp bổ sung (định mức tỷ lệ theo Quyết định số 11/2005/QĐ-BXD).


Căn cứ nội dung công việc thực tế thực hiện, Chủ đầu tư thoả thuận và quyết định chi phí lập lại tổng dự toán cũng như các chi phí tư vấn khác, trên nguyên tắc không vượt định mức đã được quy định.

(Vụ Kinh tế Xây dựng)
 
Tải bộ cài phần mềm Dự toán GXD, Đấu thầu GXD, Thanh Quyết toán GXD, Quản lý chất lượng GXD. Dành cho người mua bản quyền
Kích để xem khóa học Dự toán công trình
Kích để xem khóa học Dự toán công trình
Kích để xem khóa học Chỉ huy trưởng công trường
Kích để xem giới thiệu phần mềm thanh quyết toán
Phần mềm quản lý chất lượng công trình QLCL GXD
Tìm hiểu khóa học Thanh Quyết toán GXD
Giới thiệu phần mềm Dự toán GXD dùng là thích, kích là sướng

Các bài viết mới

Back
Top