Bài viết đây. Mời mọi người tham luận. Bác
nguyentheanh chạy thử mô hình ở trên xem kết quả thế nào.
---------------------------
Nghiên cứu Tình huống
CÂU CHUYỆN LỌC DẦU DUNG QUẤT
CHƯƠNG TRÌNH GIẢNG DẠY KINH TẾ FULBRIGHT FULBRIGHT ECONOMICS TEACHING PROGRAM
27/01/2007
Nguyễn Xuân Thành
Ý tưởng xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên ở Việt Nam được hình thành vào năm 1992 với đề xuất của Tổng Công ty Dầu khi Việt Nam (PetroVietnam) đặt vị trí nhà máy tại Bà Rịa – Vũng Tàu, thành phố dầu khí của Việt Nam cách TP.HCM 120 km hay tại Đồng Nai, tỉnh có tốc độ tăng trưởng công nghiệp nhanh chóng và nằm liền kề TP.HCM.
Tháng 8 năm 1993, Tập đoàn Dầu khí Total của Pháp được chính thức chỉ định làm nghiên cứu khả thi đầu tư nhà máy lọc dầu đầu tiên ở Việt Nam. Sau đó, Total và PetroVietnam đồng ý thành lập liên doanh để xây dựng và vận hành nhà máy lọc dầu tại xã Long Sơn, Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cách Mỏ Bạch Hổ 140 km. Tổng chi phí đầu tư nhà máy với công suất 130.000 thùng/ngày sẽ vào khoảng 1,3 tỷ USD. Vị trí nhà máy sẽ gần với nguồn dầu thô, chủ yếu sẽ từ khu mỏ Bạch Hổ và gần thị trường tiêu thụ với TP.HCM và vùng phụ cận sử dụng hơn một phần hai lượng tiêu thụ xăng dầu toàn quốc. Do vậy, theo tính toán của Total, dự án lọc dầu sẽ có khả năng đứng vững về mặt tài chính. Suất sinh lợi nội tại của dự án theo mô hình tài chính cơ sở là 15%.
Tuy nhiên, sau khi phê duyệt và chuẩn bị khởi công xây dựng thì dự án được yêu cầu phải chuyển địa điểm. Các nhà lãnh đạo Việt Nam cho rằng dự án cần phải được đặt tại miền Trung, nơi gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút đầu tư và đang tụt lại so với các trung tâm kinh tế ở Hà Nội và TP.HCM. Việc đặt nhà máy lọc dầu tại Khu Công nghiệp Dung Quất của Tỉnh Quảng Ngãi sẽ là nền tảng quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế của khu vực miền Trung. Cụ thể, việc đầu tư nhà máy lọc dầu sẽ kéo theo sự phát triển của các ngành công nghiệp nặng, đặc biệt là hóa dầu, từ đó đẩy nhanh nhịp độ công nghiệp hóa của Duyên hải Trung bộ.
Total, về phần mình, cho rằng việc xây dựng nhà máy lọc dầu tại Dung Quất sẽ tốn thêm 500 triệu USD so với địa điểm ở Bà Rịa – Vũng Tàu vì phải đầu tư thêm cho hệ thống cơ sở hạ tầng. Hơn thế nữa, nhà máy tại Dung Quát sẽ tốn chi phí lớn trong việc vận chuyển dầu thô từ khu mỏ Bạch Hổ đi 1.000 km tới Quảng Ngãi. Total cho rằng chi phí vận chuyển dầu thô tăng thêm là 28 triệu USD/năm. Cộng thêm vào đó, do thị trường tiêu thụ xăng dầu miền Trung chỉ chiếm 12% tổng cầu nội địa, phần lớn sản phẩm xăng dầu chế biến sẽ lại phải được vận chuyển đi 800 km lên khu vực xung quanh Hà Nội, hay 800 km xuống khu vực xung quanh TP.HCM. Tính gộp lại, dù vận chuyển bằng đường ống hay tàu thủy thì chi phí sản xuất cũng sẽ tăng lên ít nhất 5%, nghĩa là 10-15 USD/tấn. Như thế, giá thành sẽ cao hơn giá nhập khẩu. Vào năm 1995, Total chính thức rút khỏi dự án.
Trong vòng 3 tháng kể từ thời điểm Total rút lui, Tập đoàn LG của Hàn Quốc và Petronas của Malaysia nhảy vào thay thế. Sau khi thực hiện lại nghiên cứu khả thi, tổ hợp các công ty này yêu cầu được trợ giá sản phẩm để dự án đứng vững được vể mặt tài chính. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam từ chối mọi đề xuất có yêu cầu trợ giá. Đến 1997, sau 2 năm không đạt được kết quả gì, hai công ty này cũng tuyến bố bỏ cuộc.
Trong đợt hồi sinh thứ ba của dự án, Chính phủ Liên bang Nga chỉ định công ty dầu khí nhà nước Zarubezhneft, đối tác của Nga trong Liên doanh Vietsovpetro, hợp tác với Việt Nam để triển khai Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Liên doanh VietRoss giữa PetroVietnam (50%) và Zarubezhneft (50%) được thành lập vào tháng 12 năm 1998 sau khi chủ trương xây dựng nhà máy chính thức được Chính phủ thông qua vào tháng 7 năm 1997.1 Tổng vốn đầu tư được điều chỉnh từ 1,3 lên 1,5 tỷ USD. Dự kiến, nhà máy sẽ được hoàn thiện trong năm 2001 và đi vào hoạt động trong năm 2002. Tổng công suất lọc dầu của nhà máy vẫn là 130.000 thùng/ngày, tương đương 6,5 triệu tấn/năm.
Theo chính các quan chức của PetroVietnam, cơ chế liên doanh 50-50 của VietRoss đã làm cho mọi quyết định phải được đưa ra trên cơ sở đồng thuận. Những bất đồng trong lựa chọn công nghệ và đấu thầu cung cấp thiết bị không thể được giải quyết khi hai đối tác liên doanh đều có cùng quyền biểu quyết như nhau. Theo lời của ông Phạm Quang Dự, Chủ tịch HĐQT PetroVietnam: “Mất hơn 1 năm mới hoàn tất thủ tục thành lập liên doanh và 9 tháng để lựa chọn công nghệ”.
Đến năm 2001, Zarubezhneft đề nghị xin rút khỏi Liên doanh VietRoss, mặc dù vẫn tiếp tục tham gia dưới vai trò nhà thầu xây dựng khu bể chứa dầu thô. Vào cuối năm 2002, Vietnam đồng ý đền bù 235 triệu USD, tương đương với giá trị mà Zarubezhneft đã đầu tư vào Liên doanh. Vào tháng 2 năm 2003, Liên doanh VietRoss được chính thức giải thế. PetroVietnam trở thành nhà đầu tư duy nhất vào Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Thêm hai năm nữa để tính toán lại toàn bộ dự án trên cơ sở là Việt Nam tự đầu tư. Đến giữa năm 2005, nghiên cứu khả thi nhà máy lọc dầu Dung Quất được đưa ra Quốc hội Khóa XI thảo luận tại kỳ họp thứ 7. Đến tháng 6, Thủ tướng Chính phủ chính thức ký quyết định điều chỉnh dự án.2 Tổng chi phí đầu tư được nâng từ 1,5 tỷ lên thành 2,501 tỷ USD.
Công suất của dự án vẫn là 130,000 thùng dầu thô/ngày hay 6,5 triệu tấn/năm. Trong thời gian đầu, 100% nguồn dầu thô sẽ là dầu ngọt Bạch Hổ. Về dài hạn, nguồn dầu thô sẽ là hỗn hợp giữa dầu ngọt Bạch Hổ với dầu chua Trung Đông. Cơ cấu sản phẩm của nhà máy lọc dầu gồm xăng không chì (1,8 triệu tấn/năm), nhiên liệu phản lực/dầu hỏa dân dụng (400.000 tấn/năm), dầu diesel động cơ (3 triệu tấn/năm), khí hóa lỏng LPG (280,000 tấn/năm), dầu nhiên liệu F.O. (300.000 tấn/năm) và propylene (108,000 tấn/năm).
PetroVietnam đưa ra hai nguyên nhân dẫn đến việc tăng chi phí đầu tư lên 1 tỷ USD trong khi quy mô dự án vẫn không đổi. Thứ nhất là ảnh hưởng của sự gia tăng giá dầu thế giới. Trong những lần làm dự toán vào cuối thập niên 90, giá máy móc - thiết bị thấp do hầu như không có dự án lọc dầu lớn nào được đầu tư mới khi giá dầu thấp. Trong thời gian qua, giá dầu đã tăng lên chóng mắt và do vậy nhiều nhà đầu tư đổ xô đi xây dựng nhà máy lọc dầu. Cầu đối với máy móc thiết bị vì thế tăng lên. Nguyên nhân thứ hai dẫn đến việc tăng chi phí đầu tư là do thay đổi thiết kế tổng thể. Trong thiết kế năm 1997, một trong những sản phẩm chính của nhà máy là xăng A83 và dầu diesel công nghiệp. Xăng A83 hiện nay đã không còn lưu hành và sản phẩm của nhà máy sẽ là A90/92/95. Diesel công nghiệp, theo tính toán trước đây, là nhằm phục vụ các nhà máy nhiệt điện. Đến nay, các nhà máy nhiệt điện này (mà phần lớn nằm tại Khu Công nghiệp Phú Mỹ, Bà Rịa – Vũng Tàu!) đã chuyển sang sử dụng khí đốt.3
Về cơ cấu vốn, vốn chủ sở hữu của PetroVietnam bao gồm khoản 226 triệu USD đã đầu tư và 800 triệu USD từ nguồn thu xuất khẩu dầu thô. Phần chi phí đầu tư còn lại được tài trợ bằng nợ vay. 1 tỷ USD được vay từ nguồn tín dụng đầu tư phát triển.4
Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho vay 250 triệu USD. Ba ngân hàng thương mại quốc doanh còn lại (BIDV, Incombank và VBARD) cho vay hợp vốn 225 triệu USD.
Nhà máy lọc dầu chiếm diện tích 338ha mặt đất và 473ha mặt biển nằm trong Khu Công nghiệp Dung Quất với các hạng mục công trình lớn là nhà máy chính5, khu bể chứa dầu thô, khu bể chứa sản phẩm, hệ thống ống dẫn dầu thô, cảng xây dựng, cảng xuất sản phẩm, hệ thống phao rót dầu không bến (SPM), đường ống ngầm dưới biển và khu vực vòng quay tàu, đường vào nhà máy lọc dầu và khu nhà ở.
Hợp đồng kỹ thuật, mua thiết bị và xây dựng (EPC) cho nhà máy chính theo hình thức chìa khóa trao tay, nội dung quan trọng nhất của dự án, được ký kết với một tổ hợp các công ty do Technip (Pháp) dẫn đầu với giá trị 1,56 tỷ USD. Các nhà thầu chính trong tổ hợp gồm Technip (Pháp), JGC (Nhật Bản) và Reunida Technica (Tây Ban Nha).
Ngày 28 tháng 11 năm 2005, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được chính thức khởi công. Theo Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải giải trình tại Quốc hội,6 dự án có suất sinh lợi nội tại 6%. Quyết tâm hiện nay của Chính phủ Việt Nam là hoàn thành xây dựng vào năm 2008 và đưa nhà máy vào hoạt động trong năm 2009.7 Cũng trong thời gian triển khai Dự án Dung Quất (với tên gọi là nhà máy lọc dầu số 1), Chính phủ Việt Nam đã quyết định lựa chọn địa điểm để xây dựng thêm ba nhà máy lọc dầu nữa: nhà máy lọc dầu số 2 tại Nghi Sơn, Thanh Hóa, nhà máy lọc dầu số 3 tại Long Sơn, Bà Rịa – Vũng Tàu (địa điểm được Total chọn ban đầu vào đầu thập niên 90) và nhà máy lọc dầu số 4 tại Nhơn Hội, Bình Định.8
Ghi chú
1 Quyết định số 514/TTg ngày 10 tháng 7 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ.
2 Theo Quyết định về việc điều chỉnh Dự án đầu tư Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất của Thủ tướng Chính phủ ngày 17 tháng 6 năm 2005.
3 Website của UBND Tỉnh Quảng Ngãi, “Tổng đầu tư dự án Dung Quất phải tăng 1 tỷ USD”, 8/6/2005.
http://www.quangngai.gov.vn/quangngai/tiengviet/bangtin/2005/5617/
4 Lãi suất 3,6%/năm, kỳ hạn 16 năm, ân hạn trong thời gian xây dựng là 4 năm.
5 Gồm các phân xưởng: chưng cất dầu thô ở áp suất khí quyển (CDU); xử lý naphtha bằng hyđro (NHT); reforming xúc tác liên tục; xử lý LPG (LTU); thu hồi propylene (PRU); xử lý kerosene (KTU); xử lý naphta từ RFCC (NTU); xử lý nước chua; nước chua (SWS); tái sinh amine (ARU); trung hòa kiềm (CNU); thu hồi lưu huỳnh (SRU); isomer hóa (ISOM); xử lý LCO bằng hyđro (LCO-HDT).
6 Quốc hội Khóa XI, Kỳ họp thứ 7, 8/6/2005.
7 Tính tại thời điểm Thủ tướng Chính phủ tới kiểm tra Dự án vào tháng 8/2006 thì nhà thầu chính Technip đã chậm so với tiến độ 10 tuần (Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ, “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Các công trình trọng điểm của ngành dầu khí phải đảm bảo đúng tiến độ và tiêu chuẩn chất lượng”, 7/8/2006).
8 Các tỉnh Quảng Ninh, Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa và Cần Thơ cũng đang được xem xét để làmđịa điểm xây dựng nhà máy lọc dầu.