Ai muốn đổi nghề không?
Câu hỏi nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực ra lại rất khó trả lời!!! Vậy, ta hiểu thế nào là nghề? Theo xman, nghề là một lĩnh vực hoạt động lao động mà trong đó, nhờ được đào tạo, con người có được những tri thức, những kỹ năng để làm ra các loại sản phẩm vật chất hay tinh thần nào đó, đáp ứng được những nhu cầu của xã hội.
Phần lớn những trường hợp muốn đổi nghề là vì lý do kinh tế (dù có yêu nghề mà thu nhập thấp chắc hẳn cũng sẽ phải tính nước...sang sông): nghề vất vả, lương thấp, cuộc sống eo hẹp... thì muốn đổi 1 công việc khác có mức lương hấp dẫn hơn, chế độ đãi ngộ tốt hơn, an toàn hơn cho cs của mình và người thân. Tuy vậy, thật không dễ để đổi nghề! Có nghề đáp ứng được yêu cầu thu nhập, thì mình lại không/chưa đáp ứng được về năng lực. Hoặc đáp ứng được cho mình cả về thu nhập và năng lực thì ta lại không/chưa thể đáp ứng lại với nghề về mặt thời gian, về khoảng cách địa lý, về sự tự do, về sự chăm sóc cho gia đình...vv. Vậy nên, sẽ có nhiều người thay vì chọn một nghề lương cao nhưng không ổn định, lại phải "gò bó" trong nhiều môi trường, vị trí công việc có tính cạnh tranh cao, làm việc xa nhà, xa gia đình, làm ở những nơi mà đồng tiền không tiêu vào đâu được (như làm trong rừng sâu, trên núi cao, ngoài biển xa xôi) thì lại chọn một nghề: khá vất vả với mức thu nhập ổn định là vài triệu/tháng, làm gần nhà (vợ, con, người thân), nhu cầu năng lực vừa phải, phù hợp trình độ, thời gian mềm mại, linh động... Đó là khi đồng tiền không thể quyết định thay con người được lựa chọn nghề nào!?
Thực tế đã chứng minh cho những “quan điểm” của cổ nhân, rằng: Nghề chọn người chứ người không chọn nghề... Nhiều anh chị em ngày nay, tốt nghiệp ở một trường nhưng lại cống hiến sức lao động cho lĩnh vực mà mình không được đào tạo trước đó! Đây là một trong những đặc điểm của nền kinh tế thị trường: sôi động nhưng đầy khắt khe, nhiều cơ hội và không ít thách thức. Nói theo nghĩa của kinh tế chính trị: “nghề” là tên gọi mới của việc “bán sức lao động”. Anh bán sức lao động bằng chân tay, anh sẽ có thu nhập tương ứng, nhìn chung là tương đối thấp. Chị bán sức lao động bằng chất xám, chị sẽ được trả tiền cao hơn. Rồi công việc cần cả chân tay và chất xám, lại càng có được mức thù lao cao hơn nữa, phù hợp với sức lao động mình bỏ ra. Mỗi ngành nghề đều có những điều kiện riêng của của nó. Người lao động chân tay thuần túy, thì luôn mơ ước có mức thu nhập bằng người lao động trí óc. Ước không thôi thì chỉ dừng ở mức “có hoài bão”. Nhưng bằng việc không có hoài bão, không có ước mơ thì nó đồng nghĩa với việc con người ta phải “chấp nhận”. Và nhiều khi người ta đạt được cái này, nhưng lại phải hy sinh cái khác.
Khách quan mà nói, hiện nay mọi người đều có xu hướng phấn đấu (lao động, học hỏi...) tìm đến những công việc không quá vất vả, được hưởng lương cao, chế độ đãi ngộ tốt, đảm bảo cho cuộc sống của mình và những người thân khác... Âu cũng là xu hướng tất yếu của một xã hội đang trên đà phát triển. Chúng ta là lớp những người được trang bị khá nhiều những kiến thức, kinh nghiệm, bản lĩnh... hơn so với thế hệ cha ông, nên trước mắt có nhiều cơ hội để lựa chọn. Thay đổi công việc (đổi nghề) có thể mang lại cho ta nhiều lợi ích mà trước kia chưa có. Song, vẫn rất có thể, nó đưa ta đến những con đường trông gai hơn nhiều. Vậy có thể nói: sự thay đổi nghề có tầm quan trọng và sự ảnh hưởng lớn đối với cuộc sống của mỗi người. Do vậy, chúng ta nên có sự suy nghĩ nghiêm túc và so xét giữa cái cũ và cái mới, để có được cái nhìn tổng thể, sâu và xa hơn, đồng thời có thể tránh được những rủi ro không đáng có. Nếu thời cơ thực sự chín muồi, thay đổi để thành công hơn thì tại sao không?
Dù thành công hay thất bại, thì đó cũng là những bài học quý cho mỗi người chúng ta mỗi khi tính chuyện đổi nghề. Tính hai mặt của nó sẽ phát huy tác dụng với nhiều người trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. “Nhu cầu” đổi nghề thường xuất hiện ở những bạn trẻ, những người tự tin vào bản thân và không ngại thất bại. Câu “đứng núi này trông núi nọ” xuất hiện để chỉ những bạn có nhiều tham vọng, nhưng không tính toán kỹ để sau ôm hận

D). Những thất bại chính là chi phí cơ hội mà mỗi người có thể đầu tư cho tương lai. Quan trọng là sau mỗi thất bại, ta lại biết đứng lên và đứng vững chắc hơn. Nếu không có sự thất bại, thì thành công cũng chỉ đáng ghi nhận (thuần túy) là một cách làm đúng.
Sau cùng cho mấy lời mạn đàm: Chúc cho các bạn sẽ luôn thành công như mong đợi!