Quản lý dự án, quản lý thi công

  • Khởi xướng Khởi xướng Hugolina
  • Ngày gửi Ngày gửi
  • Tags Tags
    Không có
H

Hugolina

Guest
Về việc thành phần tham gia nghiệm thu công trình hoàn thành để đưa vào sử dụng.


Trả lời:

1. Để tăng cường trách nhiệm của Chủ đầu tư về quản lý chất lượng công trình xây dựng, các quy định của Luật Xây dựng, Nghị định 209/2004/NĐ-CP, Thông tư 12/2005/T-BXD ngày 15/7/2005 của Bộ Xây dựng “Hướng dẫn một số nội dung về Quản lý chất lượng công trình xây dựng và Điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân trong hoạt động xây dựng” không quy định Chủ đầu tư thành lập Hội đồng nghiệm thu cấp Tỉnh, cấp Huyện, cấp Xã, cấp Bộ, cấp Tổng công ty, cấp Tập đoàn hay cấp Công ty mà Chủ đầu tư phải trực tiếp nghiệm thu khi hoàn thành hạng mục công trình hay hoàn thành công trình. Các thành phần tham gia nghiệm thu hoàn thành công trình để đưa vào sử dụng không phân biệt nguồn vốn được quy định tại khoản 3 Điều 26 của Nghị định 209/2004/NĐ-CP và khoản 3.8 mục II của Thông tư 12/2005/TT-BXD thực hiện nghiệm thu mà không thành lập Hội đồng nghiệm thu công trình. Ngoài các thành phần trực tiếp nghiệm thu này, Chủ đầu tư có thể mời thêm các thành phần khác chứng kiến việc nghiệm thu nhưng không ký vào Biên bản nghiệm thu.
2. Các thành phần tham gia nghiệm thu hoàn thành công trình để đưa vào sử dụng không phân biệt nguồn vốn nêu trên được quy định cụ thể như sau:
2.1. Phía chủ đầu tư: (ghi tên tổ chức, cá nhân). Thí dụ: Công cổ phần thủy điện Phong Điền.
a) Người đại diện theo pháp luật của chủ đầu tư: (ghi rõ họ và tên, chức vụ). Thí dụ: Ông Nguyễn Văn A- Giám đốc Công ty cổ phần thủy điện Phong Điền.
b) Người phụ trách bộ phận giám sát thi công xây dựng công trình của chủ đầu tư: (ghi rõ họ và tên, chức vụ). Thí dụ: Ông Lê Văn B.- Giám đốc Ban quản lý dự án thủy điện Phong Điền hoặc Giám đốc tư vấn quản lý dự án thủy điện Phong Điền (nếu chủ đầu tư thuê)
c) Người đại diện theo pháp luật của nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình: (ghi rõ họ và tên, chức vụ ). Thí dụ: Ông Bùi C.- Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn thiết kế xây dựng thủy điện.
d) Người phụ trách bộ phận giám sát thi công xây dựng công trình của nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình: (ghi rõ họ và tên, chức vụ). Thí dụ: Ông Phạm D.- Trưởng đoàn tư vấn giám sát tại công trình-KS của Công ty cổ phần tư vấn thiết kế xây dựng thủy điện.
2.2. Phía nhà thầu thi công xây dựng công trình: (ghi tên tổ chức, cá nhân). Thí dụ: Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng số 1- Tổng công ty ABC.
- Người đại diện theo pháp luật: (ghi rõ họ và tên, chức vụ). Thí dụ: Ông Võ Văn T.- Giám đốc.
- Người phụ trách thi công trực tiếp: (ghi rõ họ và tên, chức vụ). Thí dụ: Ông Trần văn H.- Chỉ huy trưởng công trường.
2.3. Phía nhà thầu thiết kế xây dựng công trình tham gia nghiệm thu theo yêu cầu của chủ đầu tư xây dựng công trình: (ghi tên tổ chức, cá nhân). Thí dụ: Công ty cổ phần thiết kế công trình thủy điện.
- Người đại diện theo pháp luật: (ghi rõ họ và tên, chức vụ ). Thí dụ: Ông Hoàng Văn M.- Giám đốc.
- Chủ nhiệm thiết kế: (ghi rõ họ và tên, chức vụ). Thí dụ: Ông Lê Văn N.- KTS.
2.4. Phía chủ quản lý sử dụng hoặc chủ sở hữu công trình tham dự nghiệm thu (ghi tên tổ chức, cá nhân). Thí dụ: Nhà máy thủy điện Phong Điền.
- Người đại diện theo pháp luật: (ghi rõ họ và tên, chức vụ). Thí dụ: Ông Lê Văn T.- Giám đốc.
2.5. Các khách mời chứng kiến việc nghiệm thu (ghi rõ họ và tên, chức vụ ) nhưng không ký vào Biên bản nghiệm thu.
3. Một số quy định về người ký kết Hợp đồng xây dựng và Biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình để đưa vào sử dụng.
3.1. Người ký kết là người đại diện theo pháp luật. Người này là người đứng đầu pháp nhân theo quy định của điều lệ pháp nhân hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Điều 141 của Bộ Luật Dân sự). Cá nhân, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có thể uỷ quyền cho người khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo uỷ quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện (Điều 143 của Bộ Luật Dân sự).
Đại diện theo uỷ quyền là đại diện được xác lập theo sự uỷ quyền giữa người đại diện và người được đại diện. Người đại diện theo pháp luật có quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của người được đại diện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Phạm vi đại diện theo uỷ quyền được xác lập theo sự uỷ quyền.
Người đại diện chỉ được thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện.
Người đại diện phải thông báo cho người thứ ba trong giao dịch dân sự biết về phạm vi đại diện của mình.
Người đại diện không được xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự với chính mình hoặc với người thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
3.2. Giấy ủy quyền: Hình thức uỷ quyền do các bên thoả thuận, trừ trường hợp pháp luật quy định việc uỷ quyền phải được lập thành văn bản ( giấy ủy quyền) phải ghi rõ số l­ưu, thời gian viết ủy quyền, chức vụ người ký giấy ủy quyền, đồng thời phải ghi rõ họ tên; chức vụ số Chứng minh nhân dân (CMND) của ng­ười đ­ược ủy quyền, nội dung phạm vi công việc ủy quyền và thời hạn ủy quyền.
 
Về tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình

Hỏi:
Quy định có liên quan đến văn bản 1349/BXD-PC ngày 28/6/2007 về việc hướng dẫn về tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.
Đối với trường hợp Chủ đầu tư không phải là đơn vị quản lý, sử dụng công trình thì đơn vị quản lý, sử dụng công trình có trách nhiệm cử người tham gia với Chủ đầu tư để quản lý dự án. Người do đơn vị quản lý, sử dụng công trình cử tham gia vào Ban quản lý dự án được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Ban quản lý dự án và không nhất thiết phải bảo đảm những yêu cầu về chuyên môn và kinh nghiệm nêu trên. (mục 6 đoạn 2 của văn bản 1349/BXD-PC ngày 28/6/2007) được hiểu như thế nào?
Trả lời:

Quy định trên được hiểu là: Đối với trường hợp đơn vị quản lý, sử dụng công trình không được giao làm chủ đầu tư thì đơn vị quản lý, sử dụng công trình phải có văn bản cử người tham gia với Chủ đầu tư. Và người do đơn vị quản lý, sử dụng công trình cử tham gia vào Ban quản lý dự án được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Ban quản lý dự án nhằm mục đích thay mặt đơn vị để quản lý dự án ngay từ khâu lập dự án cho đến khâu tiếp nhận đưa công trình vào khai thác, sử dụng đảm bảo hiệu quả, mục tiêu của dự án. Vì vậy không yêu cầu nhất thiết phải có trình độ chuyên ngành xây dựng, cũng như kinh nghiệm làm việc tối thiểu 3 năm như quy định tại mục 6 văn bản 1349/BXD-PC ngày 28/6/2007.

 
Vấn đề liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng theo Nghị định 95/2005/NĐ-CP và Thông tư 13/2005/TT-BXD

1. Các giấy tờ về tạo lập công trình xây dựng trong hồ sơ đề nghị cấp giấy hứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đư­ợc quy định cụ thể tại Nghị định số 95/2005/NĐ-CP (Điều 9, Điều 10, Điều 11) và Thông t­ư số 13/2005/TT- BXD (Mục II). Ngoài các giấy tờ quy định trong Nghị định và Thông tư­ nêu rên, ngư­ời đề nghị cấp giấy chứng nhận không phải nộp thêm một loại giấy tờ nào khác;


2. Việc tính và thu lệ phí trư­ớc bạ khi cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng thực hiện theo quy định của pháp luật về lệ phí trư­ớc bạ, trong đó việc ­tính giá trị của công trình xây dựng sẽ do UBND cấp tỉnh ban hành.
 
Chủ đầu tư cho các dự án giao thông

Hỏi:
về các dự án giao thông do Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định đầu tư giao cho Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư có đúng với tinh thần của các văn bản hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản hay không?
Trả lời:
Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình: "Đối với dự án do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan cấp Bộ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp quyết định đầu tư thì chủ đầu tư là đơn vị quản lý, sử dụng công trình.
Trường hợp chưa xác định được đơn vị quản lý, sử dụng công trình hoặc đơn vị quản lý, sử dụng công trình không đủ điều kiện làm chủ đầu tư thì người quyết định đầu tư lựa chọn đơn vị có đủ điều kiện làm chủ đầu tư. Trong trường hợp đơn vị quản lý, sử dụng công trình không đủ điều kiện làm chủ đầu tư, người quyết định đầu tư giao nhiệm vụ cho đơn vị sẽ quản lý, sử dụng công trình có trách nhiệm cử người tham gia với chủ đầu tư để quản lý đầu tư xây dựng công trình và tiếp nhận quản lý, sử dụng khi công trình hoàn thành."
Như vậy, các dự án giao thông do Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định đầu tư giao cho Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư là đúng.
 
Về chuyển đổi Ban Quản lý dự án thành công ty


Hỏi:


Tôi được biết trong năm nay Bộ Xây dựng đã có Thông tư hướng dẫn chuyển đổi các Ban quản lý dự án thành Công ty nhà nước. Nhưng hiện nay tôi cũng nghe nói Bộ có Thông tư mới về việc không thực hiện chuyển đổi Ban quản lý dự án thành Công ty. Thực hư việc chuyển đổi này như thế nào? Kính mong Bộ Xây dựng cho tôi biết các thông tin và văn bản hướng dẫn việc chuyển đổi này


Trả lời:

Việc sắp xếp tổ chức lại Ban quản lý dự án theo Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006 của Chính phủ được hướng dẫn thực hiện tại Thông tư số 02/2007/TT-BXD ngày 14/02/2007 và văn bản số 1394/BXD-PC ngày 28/6/2007 của Bộ Xây dựng.

 
Về thực hiện việc phê duyệt dự toán một số loại chi phí phải lập dự toán trong chi phí quản lý dự án

Hỏi:


Theo Nghị định số 112/NĐ-CP thì nhiệm vụ quyền hạn của Ban quản lý dự án (Ban quản lý dự án thuộc chủ đầu tư) do chủ đầu tư uỷ quyền. Hiện nay có một số chủ đầu tư (là các Bộ) uỷ quyền cho Ban quản lý dự án thực hiện việc phê duyệt dự toán một số loại chi phí phải lập dự toán trong chi phí quản lý dự án, như vậy có được không?
Hiện nay một số Ban quản lý dự án do chủ đầu tư thành lập (áp dụng hình thức chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án) có Giám đốc Ban quản lý dự án là người không thuộc biên chế của chủ đầu tư mà do chủ đầu tư đi thuê có phù hợp hay không ?


Trả lời:


- Theo quy định tại điểm 2 khoản 12 Điều 1 của Nghị định số 112/CP thì: "Ban quản lý dự án thực hiện nhiệm vụ do chủ đầu tư giao và quyền hạn do chủ đầu tư uỷ quyền. Ban quản lý dự án chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và pháp luật theo nhiệm vụ được giao và quyền hạn được được uỷ quyền". Do đó, có một số chủ đầu tư (là các Bộ) uỷ quyền cho Ban quản lý dự án thực hiện việc phê duyệt dự toán một số loại chi phí phải lập dự toán trong chi phí quản lý dự án là không trái với quy định nêu trên.
- Theo quy định tại mục I phần III Thông tư số 02/2007/TT-BXD không có quy định nào cấm thuê người làm Giám đốc Ban quản lý dự án do chủ đầu tư thành lập.

 
Về chi phí Ban quản lý dự án kiêm nhiệm

Hỏi:

Hiện nay đơn vị chúng tôi được giao nhiệm vụ chủ đầu tư dự án nhóm C nguồn vốn ngân sách nhà nước. Các thành viên Ban quản lý dự án đều làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Xin quý Bộ Xây dựng cho chúng tôi biết một số vướng mắc sau:
1. Chi phí Ban quản lý dự án (BQLDA) kiêm nhiệm được quy định như thế nào?
2. Ngoài quy định về định mức chi phí BQLDA kiêm nhiệm theo Thông tư số 07/2003/TT-BXD (đã được thay thế bằng quyết định số 10/2005/QĐ-BXD) thì còn có quy định nào khác?
3. Khi lập dự toán chi phí cho BQLDA kiêm nhiệm theo Thông tư số 98/2003/TT-BTC thì có được lấy định mức chi phí đã quy định tại quyết định số 10/2005/QĐ-BXD là mức trích tối đa để lập hay không?

Trả lời:


1/ Định mức chi phí quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình qui định tại Quyết định số 10/2005/QĐ-BXD ngày 15/4/2005 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng là căn cứ xác định chi phí cần thiết cho công việc quản lý dự án từ khi có chủ trương đầu tư đến khi hoàn thành, nghiệm thu đưa công trình vào khai thác, sử dụng.

Định mức chi phí quản lý dự án là chi phí tối đa và tính bằng tỷ lệ % của chi phí xây dựng và chi phí thiết bị (chưa có thuế GTGT) trong tổng mức đầu tư được duyệt.
Như vậy, chi phí ban quản lý dự án kiêm nhiệm là một trong nội dung của chi phí quản lý dự án và được xác định bằng lập dự toán. Chủ đầu tư phê duyệt dự toán chi phí này và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
 
Về vấn đề liên quan đến cấp phép xây dựng

Hỏi:
Về giấy phép xây dựng theo phần II Thông tư số 02/2007/TT-BXD, điểm e mục I.2 quy định công trình xây dựng thuộc dự án khu công nghiệp không phải xin giấy phép xây dựng, điểm d mục I.2 quy định những công trình chỉ lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật thì phải phải xin phép xây dựng. Vậy những công trình chỉ lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật trong khu công nghiệp thuộc dạng phải xin giấy phép xây dựng hay miễn xin phép?
Một số Ban quản lý các khu công nghiệp cấp tỉnh quy định đối với trường hợp này thì phải gửi hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và phải được sự chấp thuận của Ban quản lý các khu công nghiệp cấp tỉnh (một dạng giấy phép con) có đúng hay không?


Trả lời:

Theo quy định tại điểm e khoản 1 mục I phần II Thông tư số 02/2007/TT-BXD thì các công trình xây dựng thuộc dự án khu công nghiệp có quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì không phải xin giấy phép xây dựng. Do đó công trình chỉ lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật trong khu công nghiệp cũng không phải xin giấy phép xây dựng.
Trường hợp trên, một số Ban quản lý các khu công nghiệp cấp tỉnh quy định phải gửi hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và phải được sự chấp thuận của Ban quản lý các khu công nghiệp cấp tỉnh là không đúng theo quy định.

 
Về quản lý quy hoạch xây dựng theo Điều 34 Luật Xây dựng

Hỏi:


Trong khu công nghiệp, Ban quản lý các khu công nghiệp cấp tỉnh hay Sở Xây dựng là cơ quan quản lý về xây dựng? Cơ quan nào chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện theo giấy phép, theo quy hoạch và đối với trường hợp không phải xin phép?


Trả lời:

Việc quản lý xây dựng tại khu công nghiệp là thuộc cơ quan quản lý quy hoạch theo phân cấp của Uỷ ban nhân dân tỉnh. Uỷ ban nhân dân tỉnh phân cấp cho Sở Xây dựng hoặc Ban quản lý khu công nghiệp là thuộc quyền quyết định của mình. Nếu tỉnh giao cho Ban quản lý khu công nghiệp quản lý xây dựng trong khu công nghiệp thì vẫn phải chịu sự quản lý nhà nước về xây dựng của Sở Xây dựng tại địa phương.

 
Về thủ tục để tổ chức kiểm định chất lượng công trình xây dựng


Hỏi:
1. Để thực hiện công tác kiểm định chất lượng hạng mục công trình hoặc công trình, Chủ đầu tư và đơn vị kiểm định phải làm các thủ tục như thế nào?
2. Sau khi đơn vị kiểm định lập đề cương và chi phí kiểm định thì chủ đầu tư phải làm thủ tục gì (văn bản chấp thuận; quyết định phê duyệt đề cương)
3. Có phải áp dụng Nghị định 111/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006 hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu... để lập hồ sơ yêu cầu, đánh giá hồ sơ đề xuất lựa chọn nhà thầu đạt yêu cầu để trình người quyết định đầu tư ra Quyết định chỉ định thầu hay không?


Trả lời:


1. Về thủ tục để thực hiện công tác kiểm định:
Theo quy định tại điểm d khoản 1 điều 21 Nghị định 209/2004/NĐ-CP của Chính phủ thì khi có nghi ngờ về chất lượng công trình, chủ đầu tư có thể yêu cầu kiểm định lại chất lượng công trình. Quy mô, trình tự, nội dung và phương thức tiến hành kiểm định cần được lựa chọn phù hợp với dấu hiệu và nguyên nhân dẫn tới nghi ngờ về chất lượng công trình. Việc thực hiện công tác kiểm định phải do đơn vị tư vấn có đủ điều kiện năng lực thực hiện.
Trong quá trình thi công xây dựng, những nghi ngờ về chất lượng công trình có thể được đặt ra khi có các dấu hiệu sau:
- Công trình bị sự cố hoặc có biểu hiện suy giảm chất lượng;
- Các số liệu thí nghiệm, quan trắc, đo đạc không phản ánh sự phù hợp chất lượng công trình so với yêu cầu của thiết kế, tiêu chuẩn và quy chuẩn.
- Vật liệu, sản phẩm xây dựng... được sử dụng không đúng chủng loại theo yêu cầu của hồ sơ thiết kế được duyệt, tiêu chuẩn áp dụng cho công trình.
- Nhà thầu và các bên có liên quan không tuân thủ đúng và đủ các quy định về quản lý chất lượng công trình. Hồ sơ nghiệm thu không đảm bảo độ tin cậy về chất lượng công trình.
Các thủ tục lập, phê duyệt đề cương và tổ chức thực hiện công tác kiểm định chất lượng công trình xây dựng được thực hiện như các công việc tư vấn xây dựng khác theo các quy định tại Nghị định 16/2004/NĐ-CP, Nghị định 112/2006/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.
2. Về việc lựa chọn đơn vị tư vấn thực hiện công tác kiểm định:
Công tác kiểm định chất lượng công trình xây dựng là công việc thuộc lĩnh vực tư vấn xây dựng. Việc lựa chọn nhà thầu tư vấn để thực hiện công tác kiểm định chất lượng công trình xây dựng phải tuân thủ các quy định của Nghị định 111/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006 hướng dẫn thi hành Luật đấu thầu và lựa chọn nhà thầu theo Luật xây dựng.


 
Về chi phí chuyển nhượng quyền sử dụng đất của Dự án

Hỏi:

Căn cứ vào Thông tư số 09/2000/TT-BXD ngày 17/7/2000 hướng dẫn về việc lập và quản lý chi phí xây dựng công trình thuộc các dự án đầu tư.
1. Chi phí chuyển nhượng Quyền sử dụng đất sẽ được phân bổ vào chi phí như thế nào? (Tỉ lệ, thời gian,...)
2. Trong trường hợp có vay vốn từ Ngân hàng để đầu tư thì chi phí này có được đưa vào nguồn trả nợ không?
3. Văn bản pháp lý nào chỉ rõ hình thức phân bổ chi phí này?

Trả lời:

Hiện nay, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 05/2007/TT-BXD ngày 25/07/2007 thay thế Thông tư số 04/2005/TT-BXD ngày 01/04/2005 về hướng dẫn việc lập và quản lý chi phí xây dựng công trình thuộc dự án đầu tư.
Trường hợp, Dự án đầu tư xây dựng công trình nằm trong thời điểm thực hiện theo Thông tư số 09/2000/TT-BXD ngày 17/07/2000 của Bộ truởng Bộ Xây dựng hướng dẫn việc lập và quản lý chi phí xây dựng công trình thuộc dự án đầu tư, thì:
- Chi phí chuyển nhượng quyền sử dụng đất là khoản chi phí khác được quy định tại Tiết b, Mục 2 (2.1.3) phần II Thông tư số 09/2000/TT-BXD ngày 17/07/2000. Chi phí chuyển nhượng quyền sử dụng đất được tính căn cứ theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về đất đai tại thời điểm tiến hành xây dựng công trình. Việc phân bổ chi phí khác (trong đó có chi phí chuyển quyền nhượng quyền sử dụng đất) được quy định cụ thể tại (Thông tư số 70/2000/TT-BTC ngày 17/7/2000; Thông tư số 45/2003/TT-BTC ngày 15/05/2003), nay là Thông tư số 33/2007/TT-BTC ngày 09/04/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn Nhà nước và được xác định trên nguyên tắc: Việc phân bổ chi phí khác cho từng TSCĐ được xác định chi phí trực tiếp liên quan đến TSCĐ nào thì tính cho TSCĐ đó; chi phí chung liên quan đến nhiều tài sản cố định thì phân bổ theo tỷ lệ chi phí trực tiếp của từng TSCĐ so với tổng số chi phí trực tiếp của toàn bộ TSCĐ.
- Dự án đầu tư có thể bằng một hoặc nhiều nguồn vốn khác nhau, như: Vốn Ngân sách, vốn vay, vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp,...Trường hợp toàn bộ dự án hay một số công việc của dự án thực hiện bằng vốn vay Ngân hàng thì tuỳ theo khế ước vay vốn của dự án để xác định mức và kỳ trả nợ. Chi phí trả nợ vốn vay Ngân hàng được lấy từ nguồn trích khấu hao tài sản cố định của dự án.
 
Về lập báo cáo chất lượng công trình xây dựng

Hỏi:
Theo nội dung Nghị định số 209/2004/NĐ-CP không có quy định yêu cầu đơn vị giám sát thi công và đơn vị thi công phải lập báo cáo về chất lượng công trình xây dựng, vậy hiện nay các đơn vị trên có phải lập báo cáo nữa hay không? Nếu có thì phải lập theo mẫu nào, mẫu báo cáo theo quyết định 18 của Bộ Xây dựng có còn áp dụng nữa không?"

Trả lời:
1. Điểm g khoản 1 Điều 19 Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng quy định nhà thầu thi công xây dựng phải “ Báo cáo chủ đầu tư về tiến độ, chất lượng, khối lượng, an toàn lao động và vệ sinh môi trường thi công xây dựng theo yêu cầu của chủ đầu tư ”. Nhà thầu thi công xây dựng có thể báo cáo trực tiếp trong các cuộc họp giao ban với chủ đầu tư hoặc báo cáo bằng văn bản tùy theo yêu cầu của chủ đầu tư nêu trong hợp đồng xây dựng.
2. Nhà thầu giám sát thi công xây dựng có nghĩa vụ “Thực hiện công việc giám sát theo đúng hợp đồng đã ký kết” theo quy định tại khoản 2 Điều 90 Luật Xây dựng. Theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Nghị định 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ thì “Quản lý thi công xây dựng công trình bao gồm quản lý chất lượng xây dựng, quản lý tiến độ xây dựng, quản lý khối lượng thi công xây dựng công trình, quản lý an toàn lao động trên công trường xây dựng, quản lý môi trường xây dựng”. Theo các quy định nêu trên thì nhà thầu giám sát thi công xây dựng phải lập báo cáo kết quả thực hiện công việc giám sát về tiến độ, chất lượng, khối lượng, an toàn lao động và vệ sinh môi trường thi công xây dựng theo yêu cầu của chủ đầu tư nêu trong hợp đồng giám sát thi công xây dựng.
3. Các báo cáo của nhà thầu thi công xây dựng, nhà thầu giám sát thi công xây dựng không có mẫu. Tuy nhiên, các nhà thầu có thể tham khảo mẫu báo cáo nêu trong Quy định quản lý chất lượng công trình xây dựng được ban hành kèm theo Quyết định số 18/2003/QĐ-BXD ngày 27/6/2003 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng (văn bản này đã hết hiệu lực) và các nội dung đã nêu ở mục 1 và mục 2 để lập báo cáo.
 
Về mức thu phí và lệ phí xây dựng nhà kho



Hỏi:
Vừa qua Công ty tôi có xin cấp phép xây dựng một nhà kho có diện tích 3.024 m2 trên địa bàn tỉnh Long An.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Sở Xây dựng Long An ra "thông báo nộp phí xây dựng" căn cứ Quyết định số 70/2006/QĐ-UBND về mức thu phí và lệ phí.
Căn cứ dự toán xây dựng công trình kèm theo có giá trị công trình là 3.306.684.682 đ, Sở Xây dựng tính mức thu phí xây dựng là 1,6% nhân với giá trị công trình thành tiền phải nộp là 52.907.000đ (năm mươi hai triệu, chín trăm lẻ bảy ngàn đồng).
Chúng tôi xin được hỏi quý Bộ khoản phí trên là đúng quy định không và căn cứ vào những Nghị định và Thông tư nào?


Trả lời:

Theo quy định tại Điều 11 Pháp lệnh phí và lệ phí thì thẩm quyền thu phí và lệ phí theo phân cấp tại địa phương do địa phương ban hành.
Phí xây dựng được quy định tại Danh mục chi tiết phí, lệ phí ban hành theo Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ và Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06/3/2006 của Chính phủ.
Sở Xây dựng tỉnh Long An thông báo cho Công ty bạn nộp phí xây dựng theo Quyết định số 70/2006/QĐ-UBND là đúng theo quy định hiện hành.

 
Về vấn đề cấp phép xây dựng theo Thông tư số 02/2007/TT-BXD

Hỏi:

Hiện nay, chúng tôi đang thực hiện đầu tư xây dựng công trình trụ sở cơ quan nhà nước. Công trình của chúng tôi chỉ phải lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật và Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đó đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, đồng thời quy hoạch chi tiết 1/500 của khu đất trụ sở định xây dựng công trình mới cũng đã được Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố phê duyệt. Vậy, theo phần II, mục I-2, khoản đ và e của Thông tư số 02/TT-BXD, công trình của chúng tôi có phải xin phép xây dựng hay không? Nếu phải xin cấp phép, chúng tôi phải xin phép cơ quan nào, Sở Xây dựng hay UBND quận hay UBND phường?

Trả lời:
Theo quy định tại khoản 2 mục I phần II Thông tư số 02/2007/TT-BXD thì công trình trụ sở cơ quan nhà nước của bạn chỉ phải lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật cũng phải xin giấy phép xây dựng cho dù quy hoạch chi tiết 1/500 của khu đất đó đã được Sở Quy hoạch - Kiến trúc phê duyệt.
Thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội quy định tại Quyết định số 79/2007/QĐ-UBND ngày 11/7/2007. Đề nghị bạn nghiên cứu văn bản trên để biết phải xin giấy phép tại cơ quan nào.

 
Về thành phần trực tiếp nghiệm thu bộ phận công trình, giai đoạn xây dựng

1. Phụ lục 5A (mẫu Biên bản Nghiệm thu hoàn thành bộ phận công trình xây dựng, giai đoạn thi công xây dựng) của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ quy định “Người phụ trách thi công trực tiếp của nhà thầu thi công xây dựng công trình” nằm trong thành phần trực tiếp nghiệm thu bộ phận công trình xây dựng, giai đoạn thi công xây dựng. Tuy nhiên, do sơ xuất trong quá trình chế bản, in ấn nên trong phần ký tên phía bên dưới tại mẫu Biên bản Nghiệm thu hoàn thành bộ phận công trình xây dựng, giai đoạn thi công xây dựng của Phụ lục này đã bị in nhầm thành “kỹ thuật thi công trực tiếp của nhà thầu”.

Như vậy, Người ký Biên bản Nghiệm thu hoàn thành bộ phận công trình xây dựng, giai đoạn thi công xây dựng tại Phụ lục 5 chính xác phải là “Người phụ trách thi công trực tiếp của nhà thầu thi công xây dựng công trình” chứ không phải là “kỹ thuật thi công trực tiếp của nhà thầu” như đã in.


2. “Người phụ trách thi công trực tiếp” của nhà thầu thi công xây dựng công trình có thể là Chỉ huy trưởng công trường hoặc Đội trưởng thi công (trong trường hợp không có chỉ huy trưởng công trường) chứ không phải là người phụ trách kỹ thuật thi công trực tiếp và cũng không phải là tổ trưởng tổ công nhân.


 
Chi phí nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng, quyết toán chi phí XD và quy đổi vốn đầu tư



Hỏi:
Trong Quyết định 10/2005/QĐ-BXD ngày 15/04/2005 có phần: nghiệm thu công trình đưa vào sử dung; quyết toán và quy đổi vốn đầu tư sẽ đuợc tính như thế nào? và có thông tư hay hướng dẫn nào quy định về cách tính của chi phí đó hay không? Chi phí này do BQLDA tự thực hiện hay phải thuê 1 đơn vị tư vấn khác?
Trả lời:
Chi phí nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng được xác định bằng cách lập dự toán chi phí theo hướng dẫn tại phụ lục kèm theo Quyết định số 10/2005/QĐ-BXD ngày 15/4/2005 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng
Quyết toán chi phí xây dựng công trình được xác định theo Hướng dẫn quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình của Bộ Tài chính.
Quy đổi vốn đầu tư được tính theo thông tư 07/2005/TT-BXD ngày 15-4-2005 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn phương pháp quy đổi chi phí dự án đầu tư xây dựng công trình tại thời điểm bàn giao đưa vào sử dụng.
Việc tính toán các chi phí này do Ban quản lý dự án thực hiện. Trường hợp Ban quản lý không có đủ năng lực thực hiện, thì có thể thuê các tổ chức, cá nhân có năng lực để thực hiện.

 
Về chi phí lập lại dự toán

Hỏi :
Dự án đầu tư của chúng tôi đã được phê duyệt. Nhà thầu tư vấn đã lập xong thiết kế và dự toán, sau đó UBND tỉnh ban hành bộ đơn giá XDCB mới, chúng tôi yêu cầu nhà thầu tư vấn lập lại dự toán theo bộ đơn giá XDCB mới đó, vậy chi phí lập lại dự toán được tính thế nào?
Trả lời:

Chi phí lập dự toán được tính theo hướng dẫn tại phụ lục kèm theo quyết định 11/2005/QĐ-BXD, nếu công trình được thực hiện trước thời điểm Thông tư số 05/2007/TT-BXD ngày 25/7/2007 của Bộ Xây dựng có hiệu lực, hoặc theo phụ lục của Định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng công bố kèm theo văn bản số 1751/BXD-VP ngày 14/8/2007 của Bộ Xây dựng.
 
Về các quy định quản lý chất lượng công trình xây dựng

Hỏi:

- Hiện nay văn bản nào quy định các tiêu chuẩn kỹ thuật và tuổi thọ của các công trình xây dựng phù hợp với phân cấp công trình xây dựng tại Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng;

- Tại khoản 6 Điều 48 Nghị đinh 16/2005/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình quy định:
"...nhà thầu giám sát thi công xây dựng không được ký hợp đồng với nhà thầu thi công xây dựng thực hiện kiểm định chất lượng công trình xây dựng đối với công trình do mình giám sát."
Vậy nhà thầu giám sát có được ký hợp đồng với nhà thầu thi công xây dựng thực hiện các công việc tư vấn thí nghiệm các loại vật tư đầu vào và thí nghiệm các mầu vữa, mẫu bê tông... trong quán trình thi công xây dựng đối với công trình do mình giám sát không?

- Việc phân cấp giải quyết sự cố công trình xây dựng hiện nay quy định thế nào? Địa phương tôi có quy định phân cấp quản lý chất lượng CTXD nhưng không nói rõ việc phân cấp giải quyết sự cố công trình xây dựng.

Trả lời:

1. Việc quy định các tiêu chuẩn kỹ thuật và tuổi thọ công trình xây dựng (CTXD) phù hợp với phân cấp CTXD tại Phụ lục 1 của Nghị định 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ (NĐ209):
Hiện nay, việc xác định các tiêu chuẩn kỹ thuật và tuổi thọ của CTXD vẫn được thực hiện theo các quy chuẩn và tiêu chuẩn hiện hành. Việc phân cấp CTXD tại Phụ lục 1 của NĐ209 là để xếp hạng và lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng; để xác định số bước thiết kế và thời hạn bảo hành công trình.
Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ ban hành bộ Quy chuẩn xây dựng mới, trong đó sẽ quy định các yêu cầu kỹ thuật tối thiểu (bao gồm cả tuổi thọ công trình) theo loại và cấp công trình xây dựng.

2. Về quy định tại khoản 6 Điều 48 Nghị định 16/2005/NĐ-CP:

Theo quy định tại Khoản 6 Điều 48 của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005, đối với các công trình được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước, nhà thầu giám sát thi công xây dựng không được ký hợp đồng với nhà thầu thi công xây dựng thực hiện kiểm định chất lượng công trình xây dựng đối với công trình do mình giám sát. Việc kiểm định chất lượng ở đây được hiểu bao gồm cả công tác thí nghiệm vật liệu đầu vào. Quy định này được đưa ra là nhằm đảm bảo tính độc lập của nhà thầu giám sát với nhà thầu thi công xây dưng. Quy định nêu trên không áp dụng cho các công trình được đầu tư bằng các nguồn vốn khác ngoài vốn nhà nước.


3. Về việc giải quyết sự cố CTXD:

Tại Chương VIII của NĐ209 đã quy định chủ đầu tư (trong trường hợp công trình đang xây dựng), chủ sở hữu hoặc chủ quản lý sử dụng (trong trường hợp công trình đang sử dụng, vận hành, khai thác) chịu trách nhiệm giải quyết sự cố công trình. Nội dung giải quyết sự cố bao gồm: báo cáo cho các cơ quan quản lý nhà nước theo quy định; lập hồ sơ sự cố CTXD; chỉ đạo thu dọn hiện trường và cứu người bị nạn; khắc phục sự cố và báo cáo kết quả giải quyết sự cố cho cơ quan quản lý nhà nước.
 
Về các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới công tác vận hành tòa nhà cao tầng

Tại khoản 2 Điều 80, Luật Xây dựng quy định:
“Việc bàn giao công trình xây dựng phải thực hiện các quy định sau đây:
a) Bảo đảm các yêu cầu về nguyên tắc, nội dung và trình tự bàn giao công trình đã xây dựng xong đưa vào sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng;
b) Bảo đảm an toàn trong vận hành, khai thác khi đưa công trình vào sử dụng”.
Theo quy định tại điểm 2.1, mục 2 của Tiêu chuẩn TCVN 5640-1991” Bàn giao công trình xây dựng - Nguyên tắc cơ bản” có quy định:
Khi tiến hành bàn giao, bên giao thầu phải giao cho chủ đầu tư các tài liệu sau:
- Catalô và hướng dẫn vận hành các thiết bị đã lắp đặt;
- Biên bản vận hành thử thiết bị không tải, có tải, trong đó quy định chế độ vận hành. ”.
Ngoài ra, đối với nhà chung cư, việc vận hành tòa nhà tuân thủ “Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư” được ban hành kèm theo Quyết định số 10/2003/QĐ-BXD ngày 03/4/2003 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
 
Về công tác thí nghiệm, kiểm tra chất lượng vật tư vật liệu sử dụng trong thi công xây dựng công trình

Hỏi:


Công tác thí nghiệm, kiểm tra chất lượng các hạng mục công việc trong quá trình thi công (thí nghiệm kiểm tra chất lượng vật tư vật liệu để đưa vào thi công, lấy mẫu và nén mẫu kiểm tra cường độ bê tông, lấy mẫu và kiểm tra dung trọng của đất đắp ...) nhà thầu thi công (có phòng thí nghiệm hợp chuẩn LAS) có được phép thực hiện không? hay bắt buộc phải thuê một đơn vị độc lập có đủ chức năng thực hiện.


Khi nhà thầu sử dụng các vật tư vật liệu (xi măng, thép ...) có nguồn gốc sản xuất, có chứng chỉ kỹ thuật, chất lượng kèm theo - nhà sản xuất có thương hiệu, có hệ thông quản lý chất lượng hợp chuẩn ISO. Các vật tư vật liệu được vận chuyển và bảo quản tốt. Khi đưa vào sử dụng có bắt buộc phải thí nghiệm kiểm tra lại các chỉ tiêu cơ lý của nó hay không (xi măng phải thí nghiệm kiểm tra mác, thép phải kéo mẫu kiểm tra cường độ ...)


Trả lời:

1. Trong trường hợp phòng thí nghiệm xây dựng của Nhà thầu xây dựng đáp ứng các yêu cầu theo qui định về phòng thí nghiệm xây dựng hợp chuẩn (LAS-XD) thì Nhà thầu được tự thực hiện các thử nghiệm, đo lường để xác định chất lượng của vật liệu, cấu kiện xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình cũng như xác định chất lượng công tác thi công xây dựng công trình. Tuy nhiên, Nhà thầu chỉ được thực hiện các phép thử qui định trong Danh mục các phép thử được thực hiện đính kèm theo Quyết định công nhận khả năng thực hiện các phép thử của phòng thí nghiệm của Nhà thầu.



2. Mặc dù vật tư vật liệu (xi măng, thép, …) có nguồn gốc sản xuất, có chứng chỉ kỹ thuật, chất lượng kèm theo, các vật tư vật liệu được vận chuyển và bảo quản tốt, … nhưng theo qui định tại khoản b, Điều 19 của Nghị định 209/2004/NĐ-CP, thì Nhà thầu xây dựng có trách nhiệm “thực hiện các thí nghiệm kiểm tra vật liệu, cấu kiện, vật tư, thiết bị công trình, thiết bị công nghệ trước khi xây dựng và lắp đặt vào công trình xây dựng theo tiêu chuẩn và yêu cầu thiết kế”.

Như vậy, vật liệu, cấu kiện, vật tư, thiết bị công trình, thiết bị công nghệ trước khi đưa vào sử dụng phải được nhà thầu xây dựng thử nghiệm, đo lường theo qui định (số lượng mẫu thử lấy theo tiêu chuẩn và căn cứ vào các yêu cầu của thiết kế).
 
Tải bộ cài phần mềm Dự toán GXD, Đấu thầu GXD, Thanh Quyết toán GXD, Quản lý chất lượng GXD. Dành cho người mua bản quyền
Kích để xem khóa học Dự toán công trình
Kích để xem khóa học Dự toán công trình
Kích để xem khóa học Chỉ huy trưởng công trường
Kích để xem giới thiệu phần mềm thanh quyết toán
Phần mềm quản lý chất lượng công trình QLCL GXD
Tìm hiểu khóa học Thanh Quyết toán GXD
Giới thiệu phần mềm Dự toán GXD dùng là thích, kích là sướng

Các bài viết mới

Back
Top