Tâm sự khi phỏng vấn ứng cử viên xin việc

nguyentheanh

Tác giả Dự toán GXD
Thành viên BQT
Tham gia
6/7/07
Bài viết
4.650
Điểm tích cực
6.777
Điểm thành tích
113
Những ngày qua có tham gia phỏng vấn một số ứng cử viên. TA thấy rằng các bạn trẻ mới ra trường hoặc đi làm 1, 2 năm vẫn thiếu nhiều thứ.

Câu hỏi 1: "Em có thể đề xuất mức lương của mình không?". 100% các bạn trẻ trả lời là cái đó tùy ở anh, làm sao em biết được.
Trong trường hợp các bạn định đi học và xin cấp chứng chỉ kỹ sư định giá xây dựng hay bất động sản. Bạn đi định giá những dự án, công trình nhiều tỷ đồng. Nhưng bạn không định giá nổi chính mình. Đây là điều cần phải suy nghĩ.

Câu hỏi 2: "Ai là người trả lương cho em ?".
100% câu trả lời là: "Anh chứ ai?".

Thực ra không phải vậy. Bản chất người lao động làm lợi cho doanh nghiệp và được trích để trả lương từ món lợi đó. Nếu bạn làm lợi cho doanh nghiệp càng nhiều, thì bạn có quyền đòi hỏi giá trị của mình tương xứng.
Các sếp ở VKT thường đùa với TA, "lính" mà năng động là phải trả lương cho sếp, "nghĩ" việc cho sếp làm. Đùa nhưng mà thực vậy, "lính" đi lo lắng công trình, dự án, bố trí gặp đối tác, thương thảo hợp đồng rồi mời sếp đi. Thực hiện công trình, dự án tiền chuyển về cơ quan...

Câu hỏi 3: "Nếu bây giờ được nhận vào làm việc, em sẽ làm được gì cho doanh nghiệp ?"
Hầu hết đều trả lời: "Em chưa biết làm gì, cần phải có thời gian để làm quen".
Bạn cần chuẩn bị kỹ năng tin học, tiếng Anh và chuyên môn thật tốt. Khi đó bạn có thể nói rất nhiều về những thứ bạn có thể làm được cho doanh nghiệp với những kỹ năng đó.

Một câu hỏi khác: "Em có kinh nghiệm làm việc gì chưa ?"

Hầu hết trả lời là: "chưa".
Với tình hình hiện nay, một bạn sinh viên hoàn toàn có thể tích lũy kinh nghiệm (kinh nghiệm chuyên môn, chứ không phải gia sư hay công việc tạm gì đó) ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường.
Để được cấp chứng chỉ kỹ sư định giá hạng 2, bạn cần có 5 năm kinh nghiệm. Như vậy 5 năm học + 5 năm kinh nghiệm bạn mới được có chứng chỉ hành nghề kỹ sư định giá. Có cách nào để rút ngắn lại không ?

Ngoài ra hầu hết các bạn trẻ chưa tự tin và nhà tuyển dụng dễ dàng thấy rằng họ thiếu: kỹ năng diễn đạt, thuyết trình trước đám đông, thiếu kinh nghiệm, kiến thức thực tế và thiếu cả tự tin...

Trong chiến lược phát triển nhân lực và tuyển chọn nhân tài, Gxd Co., Ltd sẽ tạo một số cơ hội học việc, làm việc và sẵn sàng chứng nhận cho thời gian làm việc tại Công ty. Đào tạo đi, đào tạo song song tốt hơn là đào tạo lại.
 
Xin chia sẻ cùng bài viết của Anh Thế Anh!
Mình cũng vừa tốt nghiệp tháng 6.2008, và cũng đã tham gia nhiều cuộc phỏng vấn. Chắc hẳn, nếu bạn thực sự hiểu được ngành nghề của mình, và làm tốt các Đồ Án môn học, Đồ án Tốt Nghiệp, và có một chút sự nhạy bén trong ứng xử, thì mình tin là các bạn đã ghi điểm được ở những câu hỏi của Anh Thế Anh rồi.
Khi đi phỏng vấn, ngoài những kiến thức ngành nghề mà chúng ta phải nắm, thì việc ứng xử, thỏa mãn người ngối đối điện nắm giữ 1 tỷ lệ trúng tuyển khá lớn. Một ví dụ đơn giản là 1 Anh bạn của mình đã thuyết phục cả Hội đồng giám khảo gồm 7 người trước cách trả lời dí dỏm và mang tính thuyết phục cao, mặc dù chuyên môn thì chưa hẳn là đã vững, đã tốt hơn người khác (vì lưu ý, khi đi phỏng vấn trực tiếp điều Nhà tuyển dụng muốn biết ở các ứng viên không chỉ năng lực mà còn nhiều lĩnh vực khác nữa).
Qua đây, mình rất mong các bạn trẻ, ngay trong môi trường Đại Học hãy tập cho mình cách giao lưu, nói chuyện, trao đổi trước đám đông. Tham gia hoạt động Đoàn thể, Đoàn Thanh niên, bạn sẽ cải thiện được điều đó.
Thân!
 
Mình cũng đang làm công tác tuyển dụng mấy lâu nay. Cũng xin góp thêm vài ý kiến với các bạn ứng viên như sau:

- Khả năng diễn đạt của các bạn rất quan trọng: nếu bạn nói lưu loát, diễn đạt tốt ý kiến của mình và gây được cảm tình của người tuyển dụng thì có ưu thế rất lớn để đạt yêu cầu.

- Cẩn thận với câu hỏi về mức lương: câu hỏi này rất quan trọng để đánh giá khả năng của bạn. Nên trả lời một cách khéo léo và diễn đạt được tại sao mình chọn mức lương đó. Có tình huống thực tế thế này: khi được hỏi "giả sử em được trả dưới mức lương đó em có làm việc không?" nhiều bạn trả lời ngay là "không". Kết quả là không đạt. Thực ra với câu hỏi đó, người tuyển dụng muốn ứng viên thể hiện khả năng hùng biện của mình.

Còn rất nhiều tình huống khác, mong mọi người cùng tham gia.
 
Về việc phỏng vấn ứng viên tham gia tuyển dụng tôi có mấy ý kiến như sau:

Thứ 1: đối với các sinh viên mới ra trường, về mặt bằng chung thì đều là chưa có kinh nghiệm hoặc nếu có thì cũng rất ít trong công việc, chính vì thế việc các bạn chưa có được sự tự tin khi ngồi trước nhà tuyển dụng là điều không tránh khỏi. Rời khỏi ghế Trường ĐH, các bạn mới chỉ được trang bị kiến thức trên sách vở, còn các kỹ năng khác đều thiếu rất nhiều.

Thứ 2: đối với nhà tuyển dụng, mặc dù tiếp xúc với người đi phỏng vấn tìm việc chưa có kinh nghiệm, nhưng nhà tuyển dụng có kinh nghiệm cũng sẽ có khả năng khơi gợi cho ứng viên có thể làm nổi bật lên điểm mạnh của bản thân mình trong buổi phỏng vấn, đó là cái tài và tầm nhìn của người phỏng vấn.

Thứ 3: đối với 1 doanh nghiệp, trong đinh hướng phát triển không bao giờ được tách rời hoạt động kinh doanh với việc thu hút, tích lũy và xây dựng đội ngũ nhân sự chất lượng cao. Hoạt động này có thể thực hiện dưới nhiều hình thức như liên kết với các trường trong khối chuyên ngành, đầu tư trực tiếp vào đội ngũ sinh viên, đào tạo bồi dưỡng nâng cao kiến thức... Nếu hoạt động này được diễn ra thường xuyên và có đinh hướng tốt, ngoài việc thu hút được nhân tài, còn góp phần quảng bá hình ảnh của doanh nghiệp với xã hội.
 
Vấn đề sinh viên mới ra trường khi đi phỏng vấn gặp nhiều bỡ ngỡ và không tránh khỏi những lúng túng khi đối diện với người phỏng vấn, tôi rất tán thành ý kiến của bác letungdungcz.
Nhưng với các bạn SV mới tốt nghiệp cũng cần lưu ý một số điểm sau:
- Chuẩn bị kỹ càng các thông tin cho cuộc phỏng vấn:
+ Thông tin về doanh nghiệp.
+ Vị trí mà doanh nghiệp dự kiến tuyển dụng, khả năng đáp ứng của bản thân mình vào vị trí đó.
+ Trong quá trình học tập tại nhà trường cần phải tăng cường các hoạt động tìm hiểu xã hội, công việc trong tương lai (những việc này cũng đòi hỏi rất nhiều từ môi trường đào tạo, nhưng ý kiến của tôi là hiện nay có nhiều bạn SV quá ham mê các trò giải trí, ...).
+ Tạo cho mình một thói quen tự tin trước người khác và trước đám đông (vấn đề này rất quan trọng và khá khó khăn đấy).
 
Câu hỏi về mức lương yêu cầu bao giờ cũng là một câu hỏi khó. Xin dẫn một bài từ VietnamWorks về kinh nghiệm khi đi phỏng vấn gặp trường hợp này:

Làm thế nào để biết mức lương NTD có thể trả cho bạn?


Bạn trả lời như thế nào khi nhà tuyển dụng (NTD) hỏi bạn, ứng viên đi dự phỏng vấn “Anh/chị mong muốn mức lương bao nhiêu?” Thật là khó phải không? “Hét” quá cao thì có thể không được nhận vào làm, còn nếu đưa ra mức thấp thì bạn cảm thấy không xứng với “tầm vóc” của mình. Trên thực tế có rất nhiều người muốn biết mức lương mà NTD có thể trả cho họ, nhưng thật khó để khai thác thông tin đó. Làm thế nào đây?

Thông thường, nhà tuyển dụng có thể sẽ không “đeo đuổi” bạn nếu bạn “lẩn tránh” mãi câu trả lời. Nhưng một số NTD sẽ kiên trì hơn. Họ có thể sẽ hỏi bạn:

“Anh Hưng, tôi cho rằng trình độ và kinh nghiệm của anh phù hợp với yêu cầu của chúng tôi. Nhưng anh vẫn chưa cho tôi biết mức lương đề nghị của mình.”

Bạn nên trả lời như thế nào? Nếu bạn đề ra mức lương trước thì có thể mức lương này sẽ thấp hơn mức mà NTD định trả cho bạn. Và dĩ nhiên điều đó hoàn toàn bất lợi đối với bạn. Vậy bạn nên làm gì?

Giải pháp thứ nhất

Đừng bao giờ “vặn vẹo” lại NTD bằng câu hỏi “Ông/Bà định mức lương bao nhiêu cho vị trí này?” Câu trả lời này cực kỳ trực tiếp và có vẻ “trả treo” lại câu hỏi của NTD. Vài NTD có thể coi đó là một hành động khó chấp nhận hay ít nhất cũng khiến họ bực mình.

Nguyên tắc đầu tiên là bạn không cần phải trả lời ngay câu hỏi trên. Hãy nhớ khi NTD hỏi mức lương bạn mong muốn, bạn có thể nghĩ rằng khả năng bạn được trúng tuyển là rất lớn.

Để biết được điều này, bạn có thể đặt ra câu hỏi ”ướm thử”, chẳng hạn:
“Với câu hỏi này, liệu tôi có thể xem đó là dấu hiệu mình đã trúng tuyển vào quý công ty?”

Câu trả lời trên thể hiện mức độ quan tâm của bạn đối với cơ hội được làm việc với công ty. Điều đó có tác dụng tốt cho bạn mà thôi. Có hai khả năng xảy ra: nếu NTD thực sự muốn tuyển bạn, họ sẽ trả lời “Có”. Nếu không, họ cũng chẳng phiền, nhưng sẽ không cố “ép” bạn phải nói ra mức lương bạn mong muốn nữa.

Tuy nhiên bạn nên khéo léo che giấu sự vui mừng quá sớm đó đi. NTD rất có thể đang tìm hiểu xem mức lương mà bạn mong muốn có phù hợp với ngân sách tuyển dụng của họ hay không. Bạn hãy nhớ rằng NTD có một danh sách "short list" những ứng viên phù hợp nhất. Vì vậy bạn vẫn chưa là người cuối cùng được chọn.

Giải pháp thứ hai

Bạn cũng có thể áp dụng thuật “đi vòng”, nghĩa là chuyển buổi nói chuyện theo một hướng khác rồi khéo léo quay trở lại vấn đề NTD đang hỏi. Câu trả lời của bạn có thể gồm 3 phần:

Câu dạo đầu: “Thú thật tôi rất thích môi trường làm việc lý tưởng này, những thách thức mà công việc sẽ mang đến cho tôi, khả năng phát triển sự nghiệp cùng với những người mà tôi sẽ làm việc chung.”

Vào vấn đề: “Qua buổi trò chuyện cùng ông/bà, tôi đã tìm được điều mình mong muốn ở đây. Tất cả các yếu tố: kế hoạch kinh doanh mà tôi sẽ làm sắp tới, sự hỗ trợ của công ty dành cho vị trí này, và vai trò của tôi trong nỗ lực chung của cả công ty thật sự rất hấp dẫn đối với tôi.”

Câu kết: “Tiền bạc là vấn đề quan trọng đối với bất kỳ ai. Nhưng thú thật tôi vẫn chưa nghĩ đến một con số nào cụ thể nào vì tôi nghĩ nhiều vấn đề còn quan trọng hơn mức lương: cơ hội phát triển và thăng tiến. Tuy nhiên vì ông/bà đề cập đến vấn đề này, tôi có thể biết quý công ty dự định dành ngân sách tuyển dụng cho vị trí này như thế nào?”
Với cách trả lời này, bạn tạo được một không khí hòa nhã và thân thiện với NTD, và nhất là tránh được câu trả lời đối đầu trực tiếp.

Giải pháp thứ ba


Trong trường hợp NTD đưa ra câu trả lời “lơ lửng” cho câu hỏi trên, bạn cần đưa ra một khoảng lương bổng phù hợp mà bạn muốn. Nhưng trước tiên, bạn hãy đánh giá xem công việc đang ứng tuyển có giá trị như thế nào trên thị trường. Chẳng hạn bạn muốn ứng tuyển vào vị trí chuyên viên CNTT - phần mềm, bạn có thể tìm hiểu xem công ty sẽ dành những khoản phụ cấp nào cho vị trí của bạn, “giá trị” của vị trí này ở những công ty khác. Bạn cần nghiên cứu thông tin này thông qua bạn bè hay người quen.

Hãy đưa ra một mức lương mà bạn cho rằng hợp lý và có lợi cho mình. Đừng bao giờ đưa ra một con số nhất định mà hãy đưa “khoảng” lương bổng cao hơn một chút so với mức lương bạn mong muốn. Ví dụ, nếu bạn ứng tuyển vào vị trí nhân viên Marketting và mong muốn mức lương 6 triệu đồng, bạn hãy nói với NTD là bạn mong muốn mức lương trong khoảng 6 đến 6,5 triệu đồng. Nếu đó là mức NTD đã định ra ban đầu thì xin chúc mừng bạn, nếu không họ sẽ tìm cách thương lượng với bạn nếu mức chênh lệch giữa mức lương bạn mong muốn và mức lương họ có thể trả không quá cao. Đồng thời, để được chọn, bạn cần chứng minh cho NTD thấy rằng bạn là “top” trong số những người ứng tuyển.

Nhiều người sau khi nhận được lời mời đi làm vẫn không vui, họ ước gì họ đã thương lượng thêm về phần lương và phần bổng. “Ước gì tôi đã nói thêm điều này, điều kia thì chắc chắn lương của tôi có thể cao hơn” là những “lời than vãn” của những người vội vàng thỏa thuận mức lương. Còn bạn thì sao? Đã bao giờ bạn rơi vào trường hợp đó chưa? "
 
Em thì được tư vấn là khi NTD hỏi mức lương mong muốn thì cứ nói ra một mức lương thấp hơn hẳn giá thị trường, tới mức có thể chết đói ấy (hix) và thêm rằng đó là mức lương mình mong muốn trong thời kỳ thử việc thôi,còn sau đó làm được việc hay không thì tính tiếp!Các bác bên tuyển dụng thấy thế nào,hài lòng với câu trả lời này không ạ!
 
Em thì được tư vấn là khi NTD hỏi mức lương mong muốn thì cứ nói ra một mức lương thấp hơn hẳn giá thị trường, tới mức có thể chết đói ấy (hix) và thêm rằng đó là mức lương mình mong muốn trong thời kỳ thử việc thôi,còn sau đó làm được việc hay không thì tính tiếp!Các bác bên tuyển dụng thấy thế nào,hài lòng với câu trả lời này không ạ!

Khi bạn đi mua hàng, bạn có muốn đem về một món hàng giá rẻ hơn thị trường, nhưng nhận thêm điều kiện của người bán là sau khi dùng thử vài tháng muốn sử dụng tiếp phải trả thêm tiền không?:D
 
Xin dẫn thêm vài bài nữa mình cho là khá bổ ích:

Bốn nguyên tắc khi đàm phán lương bổng


Nghệ thuật nói về mức dao động lương bổng

Hãy cẩn thận khi bạn đàm phán mức dao động lương mong muốn với nhà tuyển dụng. Ví dụ, nếu bạn mong muốn mức lương của mình ít nhất là 400 USD và nhiều nhất là 500 USD, bạn sẽ đưa ra mức lương dao động như thế nào? Nhiều ứng viên chưa có kinh nghiệm thương lượng lương sẽ nêu ra mức dao động là 400 - 500 USD/tháng, và nhà tuyển dụng ngay lập tức (nếu họ “chấm” ứng viên này) đồng ý với mức lương cho ứng viên là 400 USD. Trong khi trên thực tế, ứng viên có thể hưởng mức tối đa là 500 USD.

Vì vậy, khi thương lượng lương bổng, bạn phải tự tin đề ra mức dao động hợp lý với mình nhất. Nếu bạn muốn mức lương xứng đáng nhất là X, bạn nên nói với nhà tuyển dụng rằng mức dao động lương mà bạn mong muốn là X – Y, nghĩa là bắt đầu từ mức cao nhất mà bạn mong muốn có được.

Nghệ thuật làm hài lòng nhà tuyển dụng

Nếu bạn đã từng bán một chiếc ô tô hay một đồ vật tương tự, bạn có thể gặp tình huống như sau: Bạn ra giá chiếc xe 60.000 USD. Ai đó đến rồi đi. Một lát sau, anh ta quay lại và nói rằng sẽ mua nó với giá 60.000 USD. Bây giờ bạn cảm thấy tiếc vì bạn nghĩ rằng mình ra giá như thế là quá rẻ.

Nhưng nếu anh ta quay trở lại và nói chỉ lấy nó với giá 55.000 USD, bạn không đồng ý, và nói: Phải ít nhất 60.000 USD bạn mới bán. Cò cưa mãi rồi anh chàng cũng chấp nhận mức giá bạn đưa ra.

Như vậy trong cả hai trường hợp, bạn đều bán ô tô của mình với giá 60.000 USD. Nhưng trong trường hợp đầu, bạn cảm thấy mình bị hớ, còn trường hợp thứ hai bạn lại cảm thấy mình bán được giá. Trường hợp này cũng tương tự như khi bạn đàm phán lương với nhà tuyển dụng. Bạn có thể nâng mức lương lên cao hơn mức nhà tuyển dụng có thể trả cho bạn (nhưng đừng nhiều quá nhé). Nếu nhà tuyển dụng đồng ý với mức này, thì còn gì bằng. Nếu không, bạn có thể hạ mức lương mong muốn xuống bằng với mức nhà tuyển dụng đưa ra. Khi đó nhà tuyển dụng sẽ rất hài lòng.

Hãy để công ty đề xuất về lương trước

Trong vòng sơ tuyển, phòng nhân sự có thể yêu cầu bạn đưa ra một con số chính xác về mức lương mong muốn của bạn. Đừng trả lời ngay mà hãy yêu cầu thêm thời gian để suy nghĩ. Hoặc bạn có thể nói “Có lẽ trước khi bàn về lương bổng của tôi, tôi muốn biết một chút về mức lương của công ty dành cho vị trí này.”

Trong mọi trường hợp, đừng bao giờ đưa ra một con số cụ thể. Thay vào đó hãy nói: “Tôi muốn tìm hiểu thêm về công việc với Quý công ty trước khi quyết định mức lương phù hợp nhất với công việc này.” Đặc biệt, đừng đả động gì về lương cho đến khi cuộc phỏng vấn đã tiến xa và bạn biết khả năng thành công là rất cao.

Đừng tỏ ra quá khiêm tốn khi đưa ra mức lương mong muốn

Nếu nhà tuyển dụng yêu cầu bạn đưa ra mức lương mong muốn, bạn đừng đưa ra mức quá thấp. Như thế, họ có thể sẽ nghi ngờ năng lực làm việc của bạn. Hãy đưa ra mức lương tương đối khá sau khi đã chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy bạn là người phù hợp nhất với vị trí công việc đó.
 
Xin đăng loạt bài của VietnamWorks hướng dẫn kinh nghiệm cho các bạn đi phỏng vấn, mong rằng nó giúp ích cho các bạn khi đi tìm công việc mới.

Khởi động trước khi phỏng vấn


Trả lời suôn sẻ những câu hỏi chuyên môn chưa đủ để bạn “ghi bàn thắng quyết định” trước nhà tuyển dụng. Hãy khởi động thật kỹ để bắt đầu buổi phỏng vấn hoàn hảo ngay từ những phút đầu tiên.

“Tút” lại vẻ bề ngoài

Ấn tượng đầu tiên rất quan trọng. Một ứng viên mặc đồ quá luộm thuộm, với chiếc quần jean loe toe vết cắt chắc chắn sẽ khiến nhà tuyển dụng khó chịu và sẽ không nghĩ đến việc mời bạn dự phỏng vấn lần thứ hai. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn phải cứng nhắc trong bộ vest, với chiếc cà vạt truyền thống. Nghiên cứu văn hóa công ty sẽ giúp bạn chọn được trang phục phù hợp để tự tin thể hiện mình trước nhà tuyển dụng.

Chuẩn bị tinh thần

Nghiên cứu quá trình thành lập, lĩnh vực hoạt động và thành tích của công ty là điều bạn chắc chắn không thể quên trước khi đi phỏng vấn. Ngoài ra, bạn cần tìm hiểu chức danh của người phỏng vấn, vai trò của họ trong công ty để đưa ra những câu hỏi hợp lý.

Trình bày rõ ràng

Bạn cần trình bày rõ ràng, súc tích quan điểm của mình trước nhà tuyển dụng. Trong trường hợp bạn chưa hiểu rõ yêu cầu của người phỏng vấn, hãy mạnh dạn yêu cầu nhà tuyển dụng giải thích lại để đưa ra câu trả lời thông minh và chính xác nhất.

Tự tin

Tự tin không có nghĩa là kiêu ngạo. Hãy khiêm tốn nhưng tự tin nhấn mạnh những thành tích nổi bật cho thấy bạn là một ứng viên lý tưởng. Tuy nhiên, đừng bao giờ nói quá sự thật về kinh nghiệm làm việc, học vấn hay thành tích của bạn vì nhà tuyển dụng luôn biết cách phân biệt “vàng thau” đấy.

Chuyên nghiệp

Tinh thần thoải mái sẽ giúp bạn có một buổi phỏng vấn thành công. Nhưng đừng quên thể hiện sự chuyên nghiệp của bạn bằng những câu trả lời thật thông minh, sắc sảo.
Bạn có biết nhà tuyển dụng thường “bất chợt” hỏi những câu gì để ”đãi lọc” ra những ứng viên sáng giá?

- Các anh/chị được đồng nghiệp đánh giá như thế nào?

- Anh/Chị thích làm những công việc nào? Và anh/chị đã từng làm gì để thực hiện những công việc đó tốt hơn?

- Đã bao giờ anh/chị phạm một sai lầm nghiêm trọng ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc của cả nhóm? Và anh/chị đã sửa chữa sai lầm đó như thế nào?.

Những câu hỏi tưởng như vô thưởng vô phạt đó sẽ giúp bạn ”tỏa sáng” trước nhà tuyển dụng nếu bạn thể hiện được phương pháp làm việc hiệu quả và tính cách hòa đồng luôn sẵn sàng hợp tác của mình. Bạn thấy đó, ngoài trình độ chuyên môn, một chút khéo léo và thông minh sẽ giúp bạn nắm bắt những cơ hội việc làm mơ ước.
 
Tỏa sáng khi đi phỏng vấn
Phần 1: Đọc suy nghĩ của Nhà tuyển dụng



Có bao giờ bạn tự hỏi nhà tuyển dụng (NTD) làm gì sau khi nhận hồ sơ tìm việc của ứng viên? NTD dựa vào những tiêu chí nào để đánh giá ứng viên? Và vì sao một ứng viên được NTD quyết định chọn trong số hàng chục ứng viên sáng giá khác? Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn giải tỏa được những thắc mắc này.

1. NTD thường tuyển nhân viên bằng cách nào?

Nhiều công ty chọn các trang web việc làm để đăng tuyển hoặc tìm ứng viên phù hợp vì kết quả nhanh chóng và quy trình thuận lợi. Tuy nhiên, có không ít NTD thích sử dụng các trang web kết nối cộng đồng (networking) như LinkedIn hay Facebook để “đãi cát tìm vàng” cho công ty. Họ cũng thích dùng danh sách ứng viên “tuyển” của mình để chọn người tài hơn là thông qua các dịch vụ tuyển dụng truyền thống khác.


Trưởng bộ phận nhân sự của một công ty FMCG nổi tiếng cho biết, chị không đăng tuyển dụng trên bất kỳ kênh tuyển dụng nào. Chị chỉ tin tưởng vào danh sách ứng viên mà mình “dày công sưu tầm” trong suốt 10 năm làm việc trong lĩnh vực nhân sự, và chỉ tuyển những ứng viên được giới thiệu trực tiếp. Điều đó cho thấy ngoài việc đăng hồ sơ và tìm việc trên các trang việc làm, ứng viên cần năng động hơn trong việc thiết lập tốt mạng lưới quan hệ, để có thật nhiều cơ hội nghề nghiệp.

2. NTD thường chú trọng điều gì nhất?
Các NTD cho biết họ không thể chấp nhận “những hồ sơ tìm việc đầy lỗi chính tả, cấu trúc không rõ ràng”, hay “mục tiêu nghề nghiệp lu mờ, không thể hiện được ứng viên muốn gì.” Họ nói rằng một hồ sơ được viết và trình bày tốt (dù kinh nghiệm của ứng viên chưa hoàn toàn thỏa mãn yêu cầu công việc) vẫn khiến họ chú ý nhiều hơn một hồ sơ trình bày “lem nhem” của một ứng viên có năng lực.


Bạn có biết NTD có thể nhận đến hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn hồ sơ tìm việc mỗi ngày. Chính vì thế, bạn cần tạo một hồ sơ thật ấn tượng, chuyên nghiệp và thuyết phục với những thành tích nổi bật để “đánh bật” những ứng viên nặng ký khác. Vì vậy, bạn đừng là “Ngọc trong đá” nhé, hãy để tài năng của mình tỏa sáng với cách trình bày sáng sủa, mạch lạc.

3. NTD không đánh giá cao các ứng viên nhảy việc.

Nhiều NTD không đánh giá cao những “chuyên gia nhảy việc” vì xem đó là dấu hiệu báo trước ứng viên không có ý định “trụ” lại lâu dài với công ty. Các ứng viên hay nhảy việc có thể là người tài đấy, nhưng NTD sẽ khá e dè khi tuyển những nhân tài hay “đổi thay” này. Vì vậy nếu bạn là người thay đổi công việc thường xuyên, bạn nên khéo léo trình bày với NTD rằng những thay đổi đó đến từ những lý do khách quan: bạn phải chuyển nơi cư ngụ theo chồng/vợ/gia đình, bạn có một khoảng thời gian đi học xa, bạn muốn thử thách mình trong một lĩnh vực mới phù hợp với năng lực của bạn hơn… Dù “thực hư” ra sao chăng nữa, bạn phải trình bày điều đó thật thuyết phục với NTD.
Dĩ nhiên, ứng viên có thể thay đổi việc một đôi lần trong một thời gian nào đó, nhưng NTD không thể chấp nhận một ứng viên nhảy việc đến 4, 5 lần trong một năm. Đừng bao giờ nói với NTD rằng bạn đổi việc vì mong muốn một mức lương tốt hơn. Hãy nói rằng bạn yêu thích công việc ứng tuyển và mong muốn góp một phần công sức cho sự phát triển chung của công ty.

4. NTD thử thách ứng viên như thế nào?

NTD thường sử dụng các câu hỏi tình huống để xác định ứng viên phù hợp. Họ sẽ hỏi bạn cách xử lý một tình huống khó đã xảy ra trong công việc trước đây. NTD cũng có thể đưa ra một tình huống nan giải và yêu cầu bạn giải quyết vấn đề. Trong trường hợp đó, hãy sử dụng phương pháp S.A.R. (Situation – Action – Result) để tìm ra phương án tốt nhất.

Bạn không nên “vòng vo tam quốc”, hãy sử dụng kinh nghiệm làm việc của mình để trả lời câu hỏi của NTD. Nêu bật thành tích và kỹ năng của bạn thôi vẫn chưa đủ, bạn cần khéo léo để vượt qua các bẫy của NTD.

5. Ứng viên cần tìm hiểu gì trước khi đi phỏng vấn?

Google có thể hỗ trợ bạn đắc lực trong việc tìm hiểu thông tin về NTD tương lai. Ngoài việc tìm hiểu về website công ty, bạn có thể tham khảo các bài viết về NTD đăng trên báo chí, các chương trình marketing giới thiệu sản phẩm mới, các thông cáo báo chí, báo cáo tài chính của công ty. Nhờ đó, bạn sẽ hình dung được quy mô và tầm cỡ hoạt động của công ty.

Ngoài ra, đừng bao giờ đến buổi phỏng vấn mà không có chút thông tin “lận lưng” nào về vị trí ứng tuyển. NTD không bao giờ ấn tượng tốt với những ứng viên này.

6. Mức lương thích hợp

NTD luôn căn cứ vào khả năng và kinh nghiệm của ứng viên để đưa ra mức lương phù hợp. Chính vì thế, bạn nên nêu bật những thành tích nổi bật của mình để thuyết phục với NTD về mức lương mong muốn.

Cách tốt nhất là bạn căn cứ vào mức lương (và “bổng”) hiện tại của bạn để đề ra mức lương phù hợp. Nhiều ứng viên chỉ chú trọng vào mức lương cơ bản, không cân nhắc cơ hội đào tạo, chế độ bảo hiểm y tế, hay thời gian nghỉ lễ trong năm. Tiền tuy quan trọng, nhưng bạn cũng nên cân nhắc đến những lợi ích khác. Ví dụ, công việc mới cho phép bạn làm việc gần nhà, lại được thêm 10 ngày nghỉ lễ hàng năm hẳn sẽ làm bạn hài lòng dù khoản lương không cao cũng không thấp phải không?

(Theo VietnamWorks)
 
Phần 2: Thủ thuật thu hút Nhà tuyển dụng


“Tim đập chân run” là tình trạng chung của đa số ứng viên khi bắt đầu một cuộc phỏng vấn. Nhưng nếu căng thẳng quá mức, bạn sẽ không thể chứng minh “bản lĩnh” của mình đối với nhà tuyển dụng (NTD). Bạn chỉ cần chú ý một số bí quyết đơn giản sau để không bỏ lỡ cơ hội “lọt vào mắt xanh” của NTD

Đừng liệt kê, hãy chứng minh

Ngồi đối diện với bạn là người phỏng vấn. Họ muốn nghe gì từ bạn? Rõ ràng ngoài trách nhiệm công việc, NTD rất muốn nghe những thành tích mà bạn đã đạt được trong công việc trước đây. Nếu NTD hỏi “Anh/chị đã từng quản lý bao nhiêu nhân viên?” đừng đưa ngay con số chính xác. Hãy “đánh bóng” khả năng lãnh đạo của bạn với câu trả lời chi tiết hơn “Ở IBM, tôi quản lý 35 nhân viên. Không chỉ quản lý công việc của nhân viên, tôi còn chịu trách nhiệm tuyển dụng, hướng dẫn và đào tạo nhân viên mới để giúp họ thích nghi với môi trường làm việc. Ngoài ra, tôi còn quyết định mức lương, thưởng cho mỗi nhân viên. Bộ phận chúng tôi đã góp phần tăng doanh số công ty lên 35% chỉ trong vòng một năm.”

Biến “không thể” thành “có thể”

Bạn sẽ trả lời như thế nào nếu NTD hỏi bạn có biết sử dụng Excel thành thạo hay không trong khi bạn thấy thiếu tự tin khi sử dụng phần mềm này? Đừng lắc đầu bảo không ngay lập tức! Hãy nêu những kỹ năng tương tự mà bạn có để “bù đắp” cho khiếm khuyết này. “Tôi có thể sử dụng phần mềm Lotus, vì thế tôi tin mình có thể nhanh chóng sử dụng thành thạo Microsoft Excel.” Mặc dù thành thật “thú nhận” nhưng bạn sẽ không mất điểm vì đã chứng minh được với NTD về ý chí sẵn sàng học hỏi của bạn.

Sử dụng cách trình bày “diễn dịch”

Hãy dùng cách trình bày “diễn dịch” để mô tả thật chính xác và ấn tượng những thành tích của bạn. Nếu NTD yêu cầu bạn chứng minh khả năng quản lý dự án, hãy cho biết bạn có kinh nghiệm này ở những chức vụ nào, nắm giữ những trọng trách gì vv... Sau đó, bạn sẽ đi sâu mô tả cách thực hiện dự án đó, những thành tích mà bạn đã đạt được, nguồn nhân lực bạn đã quản lý, cách phân công công việc và giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện dự án.

Luôn ghi nhớ: bạn đã vượt qua vòng phỏng vấn đầu tiên

Bạn đã trải qua vòng phỏng vấn đầu tiên với NTD. Và giờ đây bạn đang ngồi trong phòng phỏng vấn, trước mặt bạn là chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc tài chánh. Bạn hồi hộp quá và mồ hôi bắt đầu rịn ra trên trán. Bạn đừng quá căng thẳng. Hãy hít thở thật sâu để lấy lại bình tĩnh và trấn an rằng bạn đã vượt qua được vòng phỏng vấn đầu tiên. Giờ đây, chính những nhân vật quan trọng hàng đầu đang muốn phỏng vấn bạn. Làm thế nào bạn được những nhân vật then chốt này phỏng vấn? Chỉ có một lý do duy nhất: bạn là một ứng viên sáng giá, khiến các sếp dành thời gian để nói chuyện trực tiếp. Vì thế, đây chính là lúc bạn tự tin thể hiện bản lĩnh của mình.

“Đi trước một bước…”

Buổi phỏng vấn sắp kết thúc, thế nhưng bạn vẫn chưa giới thiệu được kinh nghiệm “ruột” của mình do bạn đã “lỡ” quên trình bày với NTD. NTD cũng có thể không hỏi sâu về một kỹ năng mà bạn rất tâm đắc như “quản lý các kênh phân phối”. Trong trường hợp đó, bạn hãy chủ động “đề cao” khả năng làm việc của mình. Hãy tranh thủ ngay khi NTD vừa dừng lời để trình bày “Trước khi kết thúc buổi phỏng vấn, tôi muốn nói thêm về kỹ năng quản lý các kênh phân phối sản phẩm. Tôi nghĩ đây là kinh nghiệm giúp Quý công ty xác định kỹ năng của tôi xem có phù hợp với vị trí này hay không…” Bạn cần đi trước NTD một bước để chứng tỏ giá trị thật sự của mình.


Hầu hết các cuộc phỏng vấn sẽ làm ứng viên căng thẳng và hồi hộp. Tuy nhiên, đó là “một phần tất yếu” trong quá trình “săn việc”. Nếu biết cách kiểm soát một cuộc phỏng vấn, bạn sẽ nắm trong tay cơ hội tìm được công việc bạn hằng mơ ước.

http://advice.vietnamworks.com.vn/v...-3-quy-trinh-phong-van-o-cong-ty-quoc-te.html

(Theo VietnamWorks)
 
Khi bạn đi mua hàng, bạn có muốn đem về một món hàng giá rẻ hơn thị trường, nhưng nhận thêm điều kiện của người bán là sau khi dùng thử vài tháng muốn sử dụng tiếp phải trả thêm tiền không?:D
Anh nghĩ vậy chứ em nghĩ là việc này giống một chương trình khuyến mãi kết hợp khi tung ra sản phẩm hơn hi` :x! Với lại người cho em lời khuyên này đã apply được công việc với mức lương 5tr tháng đầu tới 15tr luôn đó. Nhưng em cũng đang nghĩ rằng điều này chỉ nên áp dụng cho những người cực tự tin vào chuyên môn của mình thôi!:-?
À em xin lỗi vì nói hơi quá về mức lương siêu rẻ cụ thể thì ý của em thế này: như mặt bằng chung thị trường thi công việc đó gía 7tr thì ban đầu chấp nhận làm với giá 5tr...
Cảm ơn mọi người và mong các anh chị cho em thêm nhiều lời khuyên nữa!
 
Em thì được tư vấn là khi NTD hỏi mức lương mong muốn thì cứ nói ra một mức lương thấp hơn hẳn giá thị trường, tới mức có thể chết đói ấy (hix) và thêm rằng đó là mức lương mình mong muốn trong thời kỳ thử việc thôi,còn sau đó làm được việc hay không thì tính tiếp!Các bác bên tuyển dụng thấy thế nào,hài lòng với câu trả lời này không ạ!

Trong đàm phán lương, mức lương mà bạn tự đưa ra phần nào thể hiện năng lực của bạn và mức độ tự tin của bạn vào chính năng lực của bản thân. Khi bạn đưa ra một mức lương thấp hơn hẳn giá trị trường, thậm chí tới mức có thể chết đói ấy thì nghĩa là bạn chưa đủ tự tin, bạn còn chưa thực sự tin vào năng lực của bản thân bạn. Vậy thì sao NTD có thể tin tưởng bạn được đây. Bạn cần biết là không phải NTD nào cũng chăm chăm tìm được người lao động đòi hỏi lương ít. Cái họ cần là một nhân viên biết và làm được việc vì nhân viên chính là người tạo ra lợi nhuận và thặng dư cho doanh nghiệp chứ không phải chỉ có cái ông/bà ngồi phỏng vấn. Bạn đang trả lương cho bạn, vậy bạn đòi hỏi mức lương hợp lý nghĩa là bạn sẽ cố gắng làm ra cho công ty hơn cái mức mà bạn yêu cầu đó. Tự tin khi bạn là chính mình. :">.
Tại sao lại phải đàm phán lương thử việc trước rồi sau thử việc đàm phán lại nhỉ. Thế nếu bạn chấp nhận một mức lương có thể chết đói trong 2 đến 3 tháng thử việc chẳng hạn, sau đó hết thử việc họ không tuyển chính thức thì làm nào. Đó là chưa kể bạn có nhịn được đến lúc hết thử việc không, không là chết đói thật đó. Vậy thì còn một cách nữa là đàm phàn mức lương chính thức và sau đó thì chấp nhận thời gian thử việc lĩnh 70-80% lương chính thức. OK? nhưng cách này ko phải ai cũng dám đề xuất. Hihi
 
Sinh viên mới ra trường, khi đi phỏng vấn mà nói rằng hãy tự tin ... nghe có vẻ không hợp lý, nhưng đó chính là một yếu tố quan trọng. Một lần, mình thật bất ngờ với câu hỏi của NTD : Mức lương mà em yêu cầu là bao nhiêu? . Và rút ra một kinh nghiệm thế này: NTD khi hỏi câu đó nhằm tìm hiểu:
1. Bạn tự đánh giá bản thân mình ra sao? (Mức lương chính là yếu tố đánh giá năng lực của bạn)
2. Mức lương bạn yêu cầu có phù hợp với ngân sách tuyển dụng cho vị trí đó hay ko?
Vậy nên trả lời câu hỏi đó thế nào? Mình thấy có khá nhiều ý kiến ở trên. Mình cũng xin đưa ra phương án của mình, các bạn tham khảo nhé:
1. Nếu bạn mới ra trường hoặc có ít kinh nghiệm: Hãy đề xuất thời gian thử việc (thường thì NTD sẽ đưa ra thời gian thử việc, nhưng bạn cũng có thể thoả thuận lại) và tuỳ NTD sẽ trả dựa trên năng lực làm việc của bạn trong thời gian thử việc. Sau thử việc, dựa trên năng lực làm việc của bạn sẽ thoả thuận lại mức lương. (Trong thời gian đó bạn có thể tham khảo mức lương cho vị trí của mình. Nếu bạn làm được việc thì bạn sẽ tìm được mức lương phù hợp thôi.... Trừ khi, bạn gặp phải 1 công ty ...)
2.Bạn hãy tìm hiểu một chút về mức lương của công việc bạn ứng cử. Hãy nêu 1 con số dao động nhất định mà bạn cho là hợp lý ( tất nhiên là trong thời gian thử việc) để NTD còn xem xét. Sau thử việc, dựa trên năng lực làm việc của bạn sẽ thoả thuận lại.
Khi đi phỏng vấn, tự tin và may mắn cũng chính là yếu tố khá quan trọng.
 
Mình mới đọc được bài này trên báo Thanh Niên. Với mình, đây là một câu trả lời rất hay. Nếu mình là người tuyển dụng, mình đã chọn người này.:D.

Trong vòng phỏng vấn cuối ở một công ty, tôi nhận được câu hỏi: “Thành tựu lớn nhất mà bạn đạt được trong cuộc sống là gì?”. Trong một phút ngắn ngủi, tôi nghĩ đến những thành tích học tập, những danh hiệu mà tôi đã nhận... Và rồi dừng lại ở một câu trả lời thành thật nhất, tôi nói với người phỏng vấn rằng thành tựu lớn nhất mà tôi đạt được là vượt qua nỗi sợ hãi say xe của bản thân.
Tôi là người bị chứng say xe kinh niên. Say xe là nỗi ám ảnh lớn nhất trong cuộc sống của tôi qua các giai đoạn tiểu học, trung học và cả đại học. Nỗi sợ hãi say xe khiến những chuyến đi xa bớt vui, khiến tôi thất vọng hoàn toàn về sự mạnh mẽ của bản thân và sự tự tin về những điều mình làm được ngày càng giảm sút thê thảm. Rồi đến lúc nỗi sợ hãi không chỉ gói gọn trong những chuyến đi chơi xa nữa. Tôi tốt nghiệp đại học và những công việc phía trước đang chờ đợi mình. Tôi đã nộp đơn vào một công ty là niềm mơ ước của tất cả sinh viên mới ra trường. Trong hồ sơ dự tuyển có câu hỏi: “Bạn có sẵn sàng đi công tác xa hay không?”. Tôi đánh vào mức sẵn sàng tuyệt đối vì trong thâm tâm, đó là một mong ước có thực. Nhưng tôi lại lo sợ và nghi vấn: có phải tôi đã không thành thật? Liệu tôi sẽ vượt qua được chính mình chứ?

Mọi việc rồi cũng ổn. Trong một chuyến đi xa trước ngày phỏng vấn, tôi đã làm được việc lớn nhất trong cuộc đời mình, đó là không say xe trong suốt cả một cuộc hành trình dài 600 km.

Tuy lần phỏng vấn đó không thành công nhưng tôi tự hào vì câu trả lời của mình. Tôi tin mình đã có một câu trả lời hay nhất. Bởi vì khi đã vượt qua nỗi sợ hãi nguyên thủy của bản thân thì không còn việc gì phía trước khiến tôi phải lo sợ nữa. Khi ấy, sự tự tin lại quay về và tôi có thể làm được tất cả mọi việc, dù việc đó khăn như thế nào.

Lê Minh
 
Rất hay anh Tưởng nhỉ, nếu đồng chí này dự tuyển vào công ty em, em cũng sẽ chọn người này. Trình độ chuyên môn là một phần, đạo đức của nhân viên rất quan trọng. Sự thành thật của nhân viên này rất đáng quý.
Các bạn chuẩn bị tuyển dụng rút kinh nghiệm nhé.
 
Tải bộ cài phần mềm Dự toán GXD, Đấu thầu GXD, Thanh Quyết toán GXD, Quản lý chất lượng GXD. Dành cho người mua bản quyền
Kích để xem khóa học Dự toán công trình
Kích để xem khóa học Dự toán công trình
Kích để xem khóa học Chỉ huy trưởng công trường
Kích để xem giới thiệu phần mềm thanh quyết toán
Phần mềm quản lý chất lượng công trình QLCL GXD
Tìm hiểu khóa học Thanh Quyết toán GXD
Giới thiệu phần mềm Dự toán GXD dùng là thích, kích là sướng

Các bài viết mới

Back
Top