2. Khảo sát phục vụ các bước thiết kế xây dựng công trình.
2.1. Yêu cầu chung.
2.1.1. Thành phần công tác và khối lượng khảo sát được xác định tuỳ thuộc vào bước thiết kế, đặc điểm của công trình xây dựng, điều kiện tự nhiên của khu vực khảo sát, mức độ phức tạp về điều kiện địa chất công trình, tài liệu khảo sát hiện có... nhưng phải đảm bảo khảo sát hết tầng đất đá trong phạm vi ảnh hưởng của tải trọng công trình. Tọa độ, cao độ các điểm thăm dò có thể giả định nhưng phải đảm bảo đo nối được với hệ thống tọa độ, cao độ của công trình hoặc của quốc gia khi cần thiết.
2.1.2. Thành phần công tác khảo sát phục vụ các bước thiết kế:
a. Thu thập, phân tích và đánh giá tài liệu khảo sát hiện có của khu vực xây dựng; đánh giá hiện trạng các công trình xây dựng liền kề có ảnh hưởng đến các công trình thuộc dự án;
b. Đo vẽ địa chất công trình;
c. Thăm dò địa chất công trình, địa chất thuỷ văn;
d. Thăm dò địa vật lý (nếu cần);
đ. Khảo sát khí tượng - thuỷ văn (nếu cần);
e. Nghiên cứu đặc điểm kiến tạo (nếu cần);
g. Thí nghiệm mẫu đất đá, mẫu nước trong phòng thí nghiệm;
h. Quan trắc địa kỹ thuật;
i. Chỉnh lý và lập báo cáo kết quả khảo sát.
Trường hợp cần thiết, có thể xây dựng phương án kỹ thuật khảo sát riêng cho từng thành phần công tác khảo sát.
2.2. Khảo sát phục vụ bước thiết kế cơ sở.
2.2.1. Nội dung nhiệm vụ khảo sát cần nêu rõ đặc điểm, quy mô công trình xây dựng, địa điểm và phạm vi khảo sát, tiêu chuẩn áp dụng, thời gian thực hiện.
2.2.2. Yêu cầu khảo sát trong bước thiết kế cơ sở:
a. Khái quát hoá điều kiện địa chất công trình của khu vực xây dựng, đặc biệt chú ý phát hiện quy luật phân bố theo diện và chiều sâu của các phân vị địa tầng yếu, quy luật hoạt động của các quá trình địa chất tự nhiên bất lợi như cactơ, lún, trượt, trồi, xói lở, nước ngầm...
b. Đánh giá được điều kiện địa chất công trình tại diện tích bố trí các công trình chính, các công trình có tải trọng lớn.
2.2.3. Vị trí các điểm thăm dò được bố trí theo nguyên tắc:
a. Đối với các công trình xây dựng tập trung:
- Vị trí các điểm thăm dò được bố trí theo tuyến hoặc theo lưới có hướng vuông góc và song song với các phương của cấu trúc địa chất hoặc với các trục của công trình. Nền bản đồ địa hình thường có tỷ lệ 1:2000 hoặc 1:1000 hoặc 1:500 hoặc lớn hơn tuỳ theo diện tích khu đất xây dựng.
- Đối với các công trình chính, các công trình có tải trọng lớn, vị trí các điểm thăm dò được bố trí hợp lý trong phạm vi mặt bằng công trình.
b. Đối với các công trình xây dựng theo tuyến:
Các điểm thăm dò bố trí dọc theo tim tuyến và trên mặt cắt ngang điển hình về điều kiện địa hình và địa chất công trình. Nền bản đồ địa hình thường có tỷ lệ 1:10000 hoặc 1:5000 hoặc 1:2000 hoặc lớn hơn tuỳ theo phạm vi tuyến. Cần bố trí thêm các điểm thăm dò chi tiết tại những vị trí công trình có nguy cơ mất ổn định như vùng đất yếu, địa hình núi cao, mái dốc lớn... với nền bản đồ tỷ lệ 1:2000 hoặc 1:1000 hoặc lớn hơn.
2.2.4. Số lượng, độ sâu, khoảng cách các điểm thăm dò được xác định theo các tiêu chuẩn áp dụng, tuỳ thuộc quy mô công trình và mức độ phức tạp về điều kiện địa chất công trình tại khu vực khảo sát.
2.2.5. Trong bước thiết kế cơ sở có thể sử dụng tất cả các công việc khảo sát để đáp ứng yêu cầu tại Điểm 2.2.2 Mục 2, Phần II của Thông tư này.
2.2.6. Kết quả khảo sát trong bước thiết kế cơ sở phải đảm bảo cung cấp đủ số liệu để xác định phương án: tổng mặt bằng, san nền, các công trình hạ tầng kỹ thuật chủ yếu, xử lý nền, móng, kết cấu chịu lực chính của công trình; kiến nghị phương pháp thăm dò và xác định các khu vực có điều kiện địa chất bất lợi cần khảo sát trong bước thiết kế tiếp theo.
Đối với các công trình xây dựng theo tuyến, kết quả khảo sát trong bước thiết kế cơ sở còn phải đảm bảo cung cấp đủ số liệu để đề xuất các công trình chủ yếu trên tuyến, các mặt cắt dọc và mặt cắt ngang điển hình trên tuyến, kiến nghị phương án xử lý các chướng ngại vật chủ yếu trên tuyến và hành lang ổn định của công trình.